"Check in" tại văn phòng CMC bằng trí tuệ nhân tạo

Tuấn Trần| 10/05/2022 18:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn phòng của tập đoàn công nghệ CMC không còn cảnh mọi người tất bật xếp hàng để quét vân tay. Nhờ có “máy check-in” thế hệ mới CIVAMS, nhân viên làm việc tại tòa nhà CMC Duy Tân, Hà Nội thảnh thơi hơn.

Đại diện CMC cho biết, giải pháp phân tích và quản lý hình ảnh thông minh CIVAMS được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ CMC phát triển và thử nghiệm từ 2019. Sau hai năm, giải pháp được lắp đặt tại văn phòng để quản lý ra vào, số hoá quy trình chấm công và cảnh báo an toàn.

Giải pháp gồm 3 thành phần chính: nhận diện khuôn mặt, chấm công nhân viên và kiểm soát ra vào, cảnh báo an toàn.

CIVAMS được Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ CMC phát triển

Tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn

Gần giờ làm việc, anh Nguyễn Quang Thắng - Văn phòng Tập đoàn CMC gửi xe rồi đến chấm công trước màn hình camera. Chỉ vài giây, thủ tục chấm công đã hoàn tất, khởi đầu một ngày làm việc đầy cảm hứng. 

"Từ khi văn phòng có giải pháp nhận diện khuôn mặt - CIVAMS, tôi thảnh thơi hơn hẳn. Trước đây phải đến sớm để quét vân tay vì sợ đông, xếp hàng mãi không tới lượt, phải làm thủ tục giải trình", anh Thắng kể.

Không chỉ anh Thắng, hàng trăm cán bộ nhân viên (CBNV) ở văn phòng tập đoàn CMC cũng được chấm công hàng ngày qua màn hình camera thay vì phải "check in" bằng vân tay như trước đây. CIVAMS được lắp đặt tại hầm gửi xe để chấm công cho nhân viên văn phòng tập đoàn Công nghệ CMC. 

Tại sảnh tầng một, hệ thống được lắp đặt để kiểm soát ra vào, người lạ sẽ không thể đi qua hệ thống này nên phải khai báo với nhân viên lễ tân. Tại văn phòng các tầng, sẽ có camera để chấm công kết hợp cửa đóng, mở tự động, có cảnh báo an toàn. Đặc biệt, giải pháp có khả năng nhận diện khuôn mặt đeo khẩu trang. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, CIVAMS là lựa chọn tối ưu vì không cần phải lăn tay, quẹt thẻ, tránh làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus tại nơi làm việc.

Giải pháp CIVAMS nhận diện gương mặt để chấm công, kiểm tra an ninh và mở cửa ra vào cho nhân viên CMC.

Văn phòng CMC trung bình mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt ra vào (check-in/out). Việc ứng dụng CIVAMS cho hiệu quả rõ rệt trong quá trình quản lý ra vào, đảm bảo toàn và không cần số lượng lớn nhân viên an ninh kiểm tra như trước đây.

Trần Thanh Mai - Tổng công ty Công nghệ và Giải pháp CMC chia sẻ: "Tôi thực sự bất ngờ vì không cần cởi khẩu trang, hệ thống vẫn có thể nhận diện. Đến nay, CIVAMS chưa bao giờ nhận diện sai mà tốc độ nhận diện nhanh. Tính năng này hiện đại hơn nhiều so với các ứng dụng chấm công, nhận diện khác tôi từng sử dụng".

Văn phòng CMC trung bình mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt ra vào, giải pháp CIVAMS giúp quản lý có hệ thống và tiết kiệm thời gian.

Giải pháp của tương lai

Nói về tính năng ưu việt của CIVAMS, TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC (CIST) chia sẻ: "CIVAMS có khả năng nhận diện khuôn mặt với độ chính xác, độ nhạy cao. Trong điều kiện ánh sáng bình thường, sử dụng IP camera, hệ thống có thể đạt độ chính xác tới 99,3% trên bộ cơ sở dữ liệu 10.000 ID được đánh giá theo tiêu chuẩn BLUFR (Benchmark of Large-scale Unconstrained Face Recognition) và tốc độ phản hồi chưa tới 300ms. Hệ thống có thể nhận diện cả trong trường hợp đeo khẩu trang, có thể kiểm tra thân nhiệt, cũng như có khả năng chống giả mạo".

Một trong những ưu việt là CIVAMS có khả năng nhận diện khuôn mặt nhanh và chính xác với cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn (hơn 6 triệu ảnh mặt). Mỗi khuôn mặt có 512 đặc trưng nhưng thời gian tìm kiếm nhận dạng vẫn dưới 1 giây. Để đạt được tốc độ này, CIST đã phát triển thuật toán đặc biệt để tìm kiếm trong dữ liệu lớn nhưng thời gian tìm kiếm không tăng tuyến tính theo kích thước dữ liệu. Kết quả của thuật toán đã được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín trong giới học thuật - Springer.

Theo chuyên gia CMC, CIVAMS có kiến trúc linh hoạt giúp giảm độ trễ hệ thống cho các ứng dụng yêu cầu thời gian thực, tiết kiệm và tối ưu được băng thông, đường truyền. Giải pháp cũng đáp ứng được linh hoạt các yêu cầu ứng dụng đã triển khai thực tế với số lượng cần nhận diện lớn, lên tới hàng trăm nghìn.

CIVAMS - sản phẩm Made by CMC với các tính năng ưu việt.

Trong bối cảnh an ninh, an toàn thông tin được đặt lên hàng đầu, hệ thống quản lý còn có cơ chế đồng bộ và sao lưu dữ liệu đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho CSDL mặt cũng như kết quả nhận diện. Đặc biệt CIVAMS có thể hoạt động 24/7 khi mất kết nối với trung tâm. Hệ thống còn có thể tích hợp dễ dàng vào các hệ thống quản lý nhân sự, quản lý nghiệp vụ như SAP, HIS (Hospital Information system). Toàn bộ dữ liệu nhận dạng theo yêu cầu có thể chỉ đặt tại máy chủ cục bộ, không kết nối Internet, giảm thiểu khả năng lộ lọt thông tin cá nhân ra ngoài môi trường mạng.

Hiện giải pháp CIVAMS được ứng dụng trong không gian bệnh viện quốc tế tại Hà Nội. Được lắp đặt tại bệnh viện, giải pháp giúp chấm công nhanh hơn, quản lý ra vào để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và y bác sĩ. Giải pháp Made by CMC cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND TP Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội,… lựa chọn và hài lòng. 

Trong đó, Bộ TN&MT sử dụng giải pháp CIVAMS để nhận diện biển số xe và nhận diện khuôn mặt, giúp tự động hoá quy trình, rút ngắn thời gian và tiết kiệm nguồn lực trong quản lý bãi giữ xe. Giải pháp còn được đối tác lớn ở thị trường Nhật Bản ứng dụng tại văn phòng, nhà máy có số lượng công nhân lớn, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện và khu đô thị thông minh…

Theo thông tin từ CMC, độ chính xác, độ nhạy cao trên CSDL lớn của CIVAMS là ưu điểm được khách hàng đánh giá cao. Sản phẩm đáp ứng được cho các ứng dụng yêu cầu cao về tính chính xác, dữ liệu lớn, khả năng ổn định, liên tục và yêu cầu cao về sao lưu, bảo mật.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT - Chủ tịch Điều hành tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp số toàn cầu, CMC đã sớm có chiến lược đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển bằng cách thành lập CIST. CIST đã và đang phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghệ tương tác ở năm lĩnh vực: internet vạn vật - thiết bị thông minh (Internet of Things/Smart-Devices), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), hồ sơ dữ liệu, công nghệ chuỗi khối (blockchain) - an ninh thông tin. Thời gian tới, CIST sẽ tiếp tục nghiên cứu những phát minh, nền tảng công nghệ mang dấu ấn đột phá cho tập đoàn nói riêng và ngành công nghệ Việt Nam nói chung./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu chính Việt Nam được xếp hạng nhóm phát triển tiến tới hoàn hảo
    Theo báo cáo "Tình hình phát triển ngành Bưu chính (State of Postal Sector) 2024" vừa được Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Bưu chính Việt Nam được xếp vào nhóm phát triển bưu chính (Postal Development Level - PDL) cấp độ 8.
  • Ứng dụng AI trong bảo vệ danh tính: chìa khoá đối phó với các nguy cơ an ninh mạng
    Trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng trở nên phức tạp và nguy hiểm, việc bảo vệ danh tính người dùng trở thành một trong những yếu tố then chốt trong việc duy trì sự an toàn cho các hệ thống thông tin. Những cải tiến mới trong lĩnh vực này, đặc biệt là tính năng Nhận diện Thông minh của Cisco, đang đánh dấu bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo vệ danh tính và chống lại các cuộc tấn công mạng.
  • Bưu điện trả gộp lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1 và 2/2025 trước Tết Ất Tỵ
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã lên kế hoạch chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp hai tháng (1, 2/2025) vào kỳ chi trả tháng 1/2025.
  • Thuận tiện thanh toán "không chạm" tại tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
    Sau khi chính thức đi vào hoạt động, dự kiến đến hết tháng 1/2025, người dân đi tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, có thể sử dụng hầu hết các hình thức thanh toán điện tử không chạm để mua vé.
  • Cần sử dụng AI một cách có trách nhiệm
    AI ngày càng trở nên phổ biến và các thách thức của công tác quản trị rủi ro ngày càng tăng. Do đó, việc có thêm các khung quản trị vững chắc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng AI hiệu quả hơn, xây dựng niềm tin của khách hàng và hướng tới khai thác giá trị và mở rộng quy mô.
Đừng bỏ lỡ
"Check in" tại văn phòng CMC bằng trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO