Diễn đàn

Phát triển công nghiệp bán dẫn: Cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam

Hoàng Linh 03/10/2024 08:27

Theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu theo cách X + 1. Đây là điểm khác biệt trong tư duy chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

ban-dan-viet-nam.png
Ảnh minh hoạ

Vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược nêu rõ Việt Nam có lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu; là quốc gia có nền chính trị ổn định, nằm trong nhóm các nước có tốc độ phát triển nhanh nhất; là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn.

Việt Nam có tiềm năng về trữ lượng đất hiếm, ước đạt khoảng 20 triệu tấn. Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới, có tỷ lệ dân số trẻ, có lợi thế nhân lực có năng lực về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển công nghiệp bán dẫn. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Đây là những lợi thế tiềm năng để Việt Nam có thể tham gia vào các công đoạn trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, tiến tới phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong nước hoàn chỉnh.

Theo số liệu của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT), Bộ TT&TT trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 529 tỷ USD. Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự phát triển vô cùng nhanh chóng của một số ngành: công nghiệp ô tô điện, công nghiệp viễn thông, điện toán đám mây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Sự bùng nổ này tạo ra vận hội lớn cho nhiều quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, mang đến thời cơ cho phép các quốc gia đang phát triển có cơ hội tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả phát triển ngành bán dẫn.

Những điểm nổi bật của chiến lược

Trước những lợi thế tiềm năng của Việt Nam trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Cục công nghiệp CNTT-TT, đơn vị thường trực xây dựng Chiến lược cho biết Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng và ban hành có một số điểm nổi bật:

Thứ nhất về tầm nhìn dài hạn. Chiến lược đặt ra một tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ và bền vững. Đây là điểm khác biệt trong tư duy chiến lược quốc gia của Việt Nam. Chiến lược các nước hầu hết hoạch định cho một giai đoạn 5 năm. Cách tiếp cận Việt Nam lần này khác với các cách tiếp cận trước đó, là kết hợp hoạch định ngắn hạn với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.

Thứ hai về con đường phát triển. Chiến lược đề ra con đường phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức: C = SET + 1, trong đó: C: Chip (Chip bán dẫn); S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng); E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử); T: Talent (Nhân tài, Nhân lực); + 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).

ong-nguyen-khac-lich.jpg
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT - Bộ TT&TT.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT nhấn mạnh: Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo công thức C = SET +1 là điểm nổi bật, khác biệt trong tư duy xây dựng Chiến lược của Việt Nam, cụ thể:

Về chip bán dẫn: công nghiệp bán dẫn, chip bán dẫn đã có mặt trong hầu hết các thiết bị, mọi mặt của đời sống xã hội, đã, đang và sẽ thay đổi, định hình thế giới; ảnh hưởng to lớn tới an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng. Tư duy của Chiến lược là công nghiệp bán dẫn nằm trong một bức tranh rất lớn và có tính toàn cầu, đó là chuyển đổi số (CĐS).

Về chip chuyên dụng: Việt Nam tập trung nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng. Đây là điểm khác biệt trong tư duy chiến lược quốc gia của Việt Nam. Việt Nam là nước đi sau, tiếp cận theo hướng không chạy đua về đầu tư và công nghệ mà làm chip chuyên dụng, là loại chip không đòi hỏi công nghệ quá cao, quy trình sản xuất đơn giản, chi phí thấp hơn so với chíp đa dụng; tận dụng lợi thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao của chip bán dẫn ứng dụng vào từng ngành, lĩnh vực, cá nhân cụ thể.

Về công nghiệp điện tử, Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn cùng công nghiệp điện tử, công nghiệp CĐS, mà trọng tâm là AI - công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là điểm khác biệt trong tư duy chiến lược quốc gia của Việt Nam. Hầu hết các nước khác đều xây dựng chiến lược thuần túy về công nghiệp bán dẫn. Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn song hành với một số lĩnh vực công nghiệp đột phá, trong đó đặc biệt là công nghiệp điện tử, CĐS.

Về nguồn nhân lực, nhân tài: Việt Nam phát triển nhân lực là bước đi đầu tiên, là điểm đột phá, là mục tiêu chiến lược, trở thành một trung tâm (hub) về nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Chú trọng phát huy hiệu quả nhân tài, Việt Nam là điểm đến của nhân tài bán dẫn toàn cầu, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn.

Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu (+ 1), Việt Nam tham gia vào tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng bán dẫn theo cách X + 1.

Với những điểm nổi bật trên của Chiến lược, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT khẳng định: “Đây là điểm khác biệt trong tư duy chiến lược quốc gia của Việt Nam. Hầu hết các nước khác đều xây dựng chiến lược dựa trên cách tiếp cận là tập trung vào một vài công đoạn có thế mạnh. Việt Nam xác định chủ động tham gia vào tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng theo một lộ trình ba bước, tận dụng xu hướng thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo phương châm X + 1, trong đó Việt Nam nỗ lực để trở thành điểm “+1” trong chuỗi cung ứng này, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam, tạo sự an toàn cho chuỗi cung ứng bán dẫn của thế giới.

Sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Trao đổi về sứ mệnh của chiến lược, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT cũng cho biết Quyết định 1018/QĐ-TTg ngày 21/09/2024 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong bối cảnh hiện nay mang ý nghĩa vô cùng to lớn với sứ mệnh kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, chiến lược khẳng định vị thế của ngành bán dẫn. Chiến lược cho thấy tầm quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đặt vào công nghiệp bán dẫn, khẳng định đây là một ngành công nghiệp nền tảng và mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo động lực để phát triển công nghệ nội địa, khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước và các tập đoàn quốc tế, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ của Việt Nam.

Thứ hai, định hướng rõ ràng cho phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử thế hệ mới (chip AI). Chiến lược đưa ra một lộ trình phát triển cụ thể, với các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng, giúp các DN, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý có định hướng rõ ràng trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử Việt Nam. Thông qua việc đưa ra chiến lược dài hạn, Việt Nam khẳng định mong muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn.

Thứ ba, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử. Chiến lược đề ra giải pháp xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực bán dẫn, điện tử góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Tận dụng cơ hội của xu thế chuyển dịch đầu tư và điều chỉnh chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của các cường quốc về bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm bán dẫn, đặc biệt là khi các công ty quốc tế tìm kiếm các nguồn cung ứng ổn định và đa dạng.

Thứ tư, nâng cao năng lực nền tảng phát triển công nghiệp bán dẫn. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cao, nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong lĩnh vực bán dẫn, giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc nắm bắt các công nghệ mới.

Thứ năm, tăng cường sự bền vững và an ninh kinh tế. Sự phát triển của ngành bán dẫn giúp Việt Nam tăng cường khả năng tự chủ về kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài, từ đó góp phần bảo đảm an ninh kinh tế trong dài hạn.

Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, các quốc gia lớn đã có sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến việc phải điều chỉnh chiến lược bán dẫn theo hướng nâng cao năng lực trong nước và đẩy mạnh đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hoá nguồn cung với mô hình "X+1", không chỉ về sản xuất mà ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn. Các nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn, đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn. Việt Nam có quan hệ chiến lược tốt đẹp với hầu hết các cường quốc công nghiệp bán dẫn nên có thể là một trong ít nước “+1” này và có khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở tất cả các công đoạn của công nghiệp bán dẫn”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ericsson và MobiFone sẽ thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo 5G
    Ericsson và MobiFone vừa ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) để thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo 5G (5G Innovation Hub) tại trụ sở của MobiFone.
  • Thị trường viễn thông Việt Nam: Chọn dư địa nào để phát triển bền vững?
    Năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực viễn thông ước đạt 46.000 tỷ đồng, tăng khoảng 0,27% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 93% so với kế hoạch năm 2023.
  • Phát triển GenAI theo cách của VNPT
    Tại lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 vừa được tổ chức, Tập đoàn VNPT, những sản phẩm, ứng dụng từ AI tạo sinh (Generative AI) thêm một lần nữa được giới thiệu dưới góc nhìn thực tế.
  • Rạng Đông xác định đang… khởi nghiệp
    Rạng Đông đang phấn đấu đến 2030 là một trong 120 doanh nghiệp dân tộc doanh thu tầm tỷ đô, dẫn đầu chuỗi cung ứng smart home tại Việt Nam, có thương hiệu tầm khu vực.
  • 67% tổ chức đang gia tăng đầu tư vào GenAI do giá trị mang lại
    Việc bảo vệ dữ liệu và tránh những rủi ro an ninh mạng luôn là thách thức lớn. Và việc tìm đến những giải pháp hiệu quả cho vấn đề trên, thông qua mô hình trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đang “hứa hẹn” tạo ra những giá trị mong muốn.
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp bán dẫn: Cách tiếp cận độc đáo của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO