Chuyển đổi số

"Chính phủ điện tử" các nước vùng Balkan vẫn đang trong quá trình hoàn thiện

Hạnh Tâm 11/10/2024 14:42

Việc thiếu kinh phí có thể là một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ chính phủ điện tử và cung cấp dữ liệu mở ở các nước vùng Balkan vẫn còn rất hạn chế.

Theo một báo cáo mới về dữ liệu mở và số hóa (Open Data and Digitalization in the Western Balkans: The State of Play) do Mạng lưới báo cáo điều tra Balkan (BIRN) thực hiện, chính phủ điện tử (CPĐT) đang trở thành chuẩn mực trên toàn thế giới. Thế nhưng, người dân ở vùng Balkan lại không được hưởng lợi đầy đủ vì thiếu ý chí chính trị trong một số trường hợp và thiếu hụt năng lực thể chế nói chung.

Vùng Balkan cũng có thể gọi là Tây Balkan (Western Balkans) gồm các quốc gia ở rìa phía tây của khu vực, dọc theo bờ biển Adriatic (Albania, Bosnia và Herzegovina, Croatia, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia).

a1.png

Ý tưởng về “chính phủ điện tử” là xóa bỏ tình trạng xếp hàng, giảm giấy tờ và người dùng có thể truy cập các dịch vụ công từ y tế đến thuế và giáo dục nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của BIRN, tại Balkan, việc triển khai CPĐT mới chỉ thực hiện được một phần và còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một chuyên gia an ninh kỹ thuật số người Albania cho biết, vẫn còn một khoảng cách đáng kể trong năng lực triển khai của các quốc gia vùng Balkan để thúc đẩy số hóa toàn diện trên nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm phát triển kỹ năng, tích hợp hệ thống, an ninh mạng và các giải pháp lấy người dùng làm trung tâm.

Các dịch vụ còn hạn chế

Báo cáo của BIRN cho thấy dịch vụ CPĐT của các quốc gia vùng Balkan đang hoạt động kém hiệu quả như thế nào khi việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế.

Về chỉ số phát triển CPĐT của Liên hợp quốc, năm 2022, Serbia xếp thứ 40, Albania, Montenegro và Bắc Macedonia lần lượt ở vị trí thứ 63, 71 và 80. Bosnia và Herzegovina đứng thứ 96. Kosovo thậm chí còn không có tên trong xếp hạng.

Chính phủ của cả 6 quốc gia vùng Balkan được báo cáo của BIRN đề cập đều có các trang web CPĐT chuyên biệt và tất cả các cổng thông tin CPĐT được BIRN phân tích đều hoạt động và cập nhật. Các dịch vụ mới hình thành và hoạt động thường xuyên. Cụ thể:

Serbia đã ra mắt eUprava vào năm 2010. Một thập kỷ sau, cổng thông tin này mới được cập nhật với thiết kế và chức năng mới phù hợp với thiết bị di động và máy tính bảng. Địa chỉ vẫn giữ nguyên là euprava.gov.rs.

Serbia cung cấp 186 dịch vụ CPĐT, cho phép người dùng truy cập những tài liệu, chứng chỉ và dịch vụ liên quan đến giáo dục, gia đình, chăm sóc sức khỏe, việc làm và quy hoạch đô thị.

Hệ thống CPĐT của Montenegro cung cấp hơn 500 dịch vụ thuộc thẩm quyền của 50 tổ chức công, nhưng 349 trong số đó là... hướng dẫn cách sử dụng các dịch vụ của chính phủ.

Hệ thống của Bắc Macedonia cung cấp dịch vụ của 170 tổ chức công, trong tổng số khoảng 1.300 tổ chức.

Bosnia và Herzegovina có 3 cổng CPĐT riêng biệt, nhưng không có thông tin về số lượng dịch vụ mà các cổng này cung cấp.

Cổng e-Albania cung cấp 1.237 dịch vụ trực tuyến và tự hào có tổng cộng gần 3,2 triệu người dùng đã đăng ký. Cổng CPĐT này do cơ quan Xã hội Thông tin Quốc gia (AKSHI) quản lý, có thể truy cập được trên các phiên bản ứng dụng di động web, iOS và Android, với hơn 415.000 người dùng cũng đã đăng ký trên ứng dụng di động.

Cổng e-Kosova của Kosovo cung cấp hơn 30 dịch vụ CPĐT và cũng cho phép thanh toán trực tuyến.

Mối quan ngại về an ninh mạng

Số hóa phổ cập, việc đảm bảo an ninh mạng được tăng cường chặt chẽ hơn do lượng dữ liệu cá nhân nhạy cảm được lưu trữ trên các cổng CPĐT.

Theo thông tin từ BIRN, E-Kosova do một công ty tư nhân không có thẩm quyền bảo mật quản lý. Hơn nữa, Kosovo cũng không có nhân viên bảo mật có bằng cấp do không có quy định phân cấp thông tin, những người được truy cập... Như vậy, bảo mật vẫn là vấn đề của E-Kosova.

Montenegro đã phải trả giá đắt cho công tác bảo mật lỏng lẻo sau khi cổng CPĐT của nước này trở thành một trong những mục tiêu của một cuộc tấn công ransomware lớn vào năm 2022. Hiện nay, một số dịch vụ trên cổng CPĐT vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn.

Trong báo cáo được công bố vào tháng 6, BIRN đã kêu gọi Montenegro mở rộng, nâng cấp các tổ chức an ninh mạng của mình để xử lý các mối đe dọa tiềm ẩn cũng như nâng cao nhận thức của công chúng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền kỹ thuật số và bảo mật trực tuyến.

Cùng năm 2022, các hệ thống của chính phủ Albania, mặc dù không nằm trên nền tảng e-Albania cũng đã bị tấn công mạng quy mô lớn vào tháng 7 và tháng 9, dẫn đến tình trạng gián đoạn tạm thời của hầu hết các dịch vụ công trực tuyến.

Một cuộc điều tra do FBI hỗ trợ đã quy lỗi cho tin tặc Iran, nói rằng, những tin tặc được cho từ Iran đã truy cập vào hệ thống của Albania 14 tháng trước đó.

Thiếu nguồn lực tài chính

Tuy nhiên, vấn đề là số hóa và các yêu cầu bảo mật đi kèm đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. Các quốc gia vùng Balkan lại đặc biệt hạn chế về kinh phí đầu tư.

Theo đại diện của tổ chức phụ trách các dịch vụ CPĐT tại Bosnia và Herzegovina: "Ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số thường hạn chế và không đủ để đạt được tiến bộ toàn diện. Ngân sách không phải lúc nào cũng ưu tiên cho công tác số hóa dẫn đến thiếu kinh phí cho các dự án chuyển đổi số".

Các bên liên quan của Liên minh châu Âu (EU) và quốc tế như UNDP và GIZ của Đức đã cung cấp một số hỗ trợ tài chính cho các dự án CPĐT. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp dựa trên dự án chứ không phải là giải pháp dài hạn. Cần có thêm kinh phí để duy trì và thúc đẩy các dịch vụ CPĐT sau khi các dịch vụ được triển khai.

Một cuộc khảo sát năm 2023 của NALED tại Serbia cho thấy 61% công dân Serbia chưa nắm được thông tin phù hợp về cổng eUprava và cách thức hoạt động của cổng CPĐT này.

Một số giải pháp

Qua báo cáo nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị chính sách để vùng Balkan cải thiện khuôn khổ pháp lý cho dữ liệu mở và số hóa như sau:

Chính phủ các quốc gia trong vùng nên xây dựng những chiến lược để đảm bảo quy trình quản lý dữ liệu và tài liệu với thứ bậc rõ ràng, mức độ truy cập và luồng dữ liệu.

Chính phủ nên đảm bảo rằng luật pháp và các quy định có những điều khoản rõ ràng về chuẩn hóa tài liệu và dịch vụ điện tử, xác định nghĩa vụ rõ ràng của tất cả các tổ chức trong việc duy trì mức chất lượng. Luật pháp nên quy định các loại dữ liệu mà các tổ chức phải công bố thường xuyên.

Chính phủ nên đảm bảo rằng luật pháp và quy định dưới luật có quy trình khiếu nại rõ ràng và dễ tiếp cận với người dùng gặp sự cố khi truy cập dữ liệu mở.

Các tổ chức công nên có đủ ngân sách và nguồn nhân lực và kỹ thuật để đảm bảo chất lượng các dịch vụ.

Các tổ chức có năng lực nên thiết lập những số liệu giám sát và thực hiện đánhg giá và kiểm tra chất lượng thường xuyên để đảm bảo những tiêu chuẩn cao cũng như sự tác động xã hội./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Chính phủ điện tử" các nước vùng Balkan vẫn đang trong quá trình hoàn thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO