Chinh phục 18 triệu khách hàng, sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt

Nguyễn Khiêm| 14/12/2021 05:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Ra đời trong sự hoài nghi của nhiều người khi thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đã sẵn có các ông lớn nước ngoài, cùng với lối đi riêng nhắm vào nông sản Việt, sau 2 năm ra mắt, Vỏ Sò đang gặt hái thành công bước đầu, khi có đến 18 triệu người dùng cùng hơn 18.600 tấn nông sản đã được tiêu thụ từ đầu năm 2021.

Vỏ Sò sau 2 năm ra mắt

Năm 2019, sàn TMĐT Vỏ Sò ra đời. Khi ấy, nhiều câu hỏi hoài nghi đặt ra: "Tương lai Vỏ Sò sẽ về đâu khi sân chơi TMĐT đang dành cho các ông lớn nước ngoài với nguồn lực dồi dào?". 

Tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, Vỏ Sò lựa chọn lối đi riêng, trở thành sàn TMĐT của sản vật Việt. Thực tế cho thấy rằng, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp song cách thức tiêu thụ truyền thống chưa thể nâng tầm nông sản Việt, con đường đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới chưa rộng mở. Vì vậy, chiến lược lựa chọn nông sản trở thành thế mạnh của Vỏ Sò là hoàn toàn có cơ sở và đúng đắn.

Sau 2 năm ra đời, từ con số 0 lên đến 18 triệu khách hàng sử dụng là một nỗ lực không ngừng nghỉ chinh phục thị trường TMĐT của Vỏ Sò. Theo xếp hạng của Reputa vào tháng 10/2021, Vỏ Sò đứng thứ 5 trong tốp các sàn TMĐT tại Việt Nam xếp theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội.

Để làm được điều này, Viettel Post đã xây dựng hệ sinh thái khép kín trên sàn TMĐT. Đối với các chủ gian hàng là người nông dân khi đăng ký bán hàng trên Vỏ Sò, Viettel Post hướng dẫn kỹ càng, chi tiết cách họ sử dụng công nghệ, cách thức quảng cáo ra đơn cũng như đưa ra những yêu cầu rõ ràng về chất lượng sản phẩm khi đưa lên sàn. 

Khi kinh doanh trên Vỏ Sò, người dùng có thể sử dụng phần mềm bán hàng đa kênh Viettel Sale để lưu trữ, quản lý đơn hàng; ứng dụng công nghệ chatbot và callbot để chăm sóc khách hàng, sử dụng nền tảng giao hàng MyGo để chuyển phát hàng tới khách hàng.

Còn đối với người mua, Viettel Post đã và đang đầu tư hệ thống logistics thông minh đáp ứng nhu cầu của thị trường, cũng như hệ thống kho hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ trong kho để tối ưu chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Chia sẻ về hoạt động của Vỏ Sò, Tổng giám đốc Viettel Post Trần Trung Hưng cho biết: "Tuy nhìn ra tiềm năng của thị trường tiêu thụ nông sản song chúng tôi đối diện với không ít khó khăn khi Vỏ Sò đi vào hoạt động. Bởi để chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp, đưa hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT đòi hỏi chúng tôi cần có một quá trình dài hơi đồng hành cùng họ, giúp họ làm quen với công nghệ và thay đổi tư duy. Sứ mệnh của người Viettel là tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, Viettel Post và Vỏ Sò sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nông dân nâng tầm nông sản Việt cũng như tiếp tục đầu tư nhân sự và công nghệ để có thể tìm ra thêm nhiều giải pháp phát triển kinh tế số nông nghiệp nói riêng và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung".

Không chỉ dừng ở tiêu thụ sản vật trong nước, Viettel Post tham vọng đưa nông sản Việt chinh phục thị trường quốc tế qua nền tảng TMĐT Vỏ Sò. Tháng 6/2021, dưới sự hỗ trợ của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Viettel Post đã xuất khẩu thí điểm thành công hơn 4 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Châu Âu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xuất khẩu theo phương thức TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT Make in Viet Nam.

Ngoài tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Vỏ Sò tích cực cùng Viettel Post tham gia giải quyết các "bài toán" của xã hội. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra căng thẳng tại các tỉnh thành phía Nam, Vỏ Sò triển khai hình thức đi chợ hộ, bán hàng theo gói combo với mức giá bình ổn trên sàn nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh cũng như đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu tới các tỉnh, thành.

Để rồi, theo báo cáo hoạt động quý 3/2021 của Viettel Post, trong khi các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, thì TMĐT với nền tảng Vỏ Sò là một trong số những điểm sáng, khi doanh thu tăng 126% so với cùng kỳ và vượt 47% so với kế hoạch đặt ra. Lý giải về sự tăng trưởng này, thông tin từ Vỏ Sò khẳng định, đầu tiên là do dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của ngưới tiêu dùng, khi chuyển sang môi trường trực tuyến nhiều hơn. 

Chưa kể đến, trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu về nhu yếu phẩm tăng cao. Là sàn TMĐT cung cấp nông sản uy tín, nên sàn Vỏ Sò được người nông dân tin tưởng để mở gian hàng cũng như người tiêu dùng lựa chọn.

Nguyên nhân thứ hai là do ngày 21/7/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTTT về Hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Viettel Post là một trong hai doanh nghiệp (DN) đồng hành cùng Bộ TT&TT thực hiện Đề án 1034. Do đó, đây cũng là yếu tố thuận lợi để Viettel Post đưa mặt hàng nông sản tươi tiếp cận phương thức tiêu thụ mới. 

"Với sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan ban ngành như Vụ Bưu chính, chúng tôi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các hộ SXNN và kết nối vận chuyển nông sản giữa các tỉnh thành, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng. Bảo đảm nông sản tươi ngon, giữ nguyên chất lượng là nền tảng để người tiêu dùng thêm tin tưởng và lựa chọn nông sản Việt", thông tin từ Viettel Post khẳng định.

Còn về chuyện tại sao phải sau 2 năm, sàn Vỏ Sò mới "hái quả ngọt", Viettel Post khẳng định, sàn TMĐT này ra đời năm 2019, khi thị trường cạnh canh rất gay gắt với sự tham gia của nhiều DN nước ngoài với nguồn lực dồi dào. Vì vậy, để có chỗ đứng ngay lập tức trên thị trường không phải chuyện một sớm một chiều. Hơn nữa, để thay đổi thói quen của người nông dân Việt Nam vốn chỉ quen với phương thức bán hàng truyền thống không phải chuyện dễ dàng. Bán hàng trên sàn TMĐT đòi hỏi chất lượng nông sản tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn so với bán truyền thống. "Chúng tôi cần nhiều thời gian để vận động, thay đổi tư duy bà con, thậm chí xuống tận vườn của bà con để "cùng ăn, cùng nói" về TMĐT. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con mới có thể làm quen với phương thức bán hàng mới", thông tin từ Viettel Post nhấn mạnh.

Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến kênh tiêu thụ theo hình thức truyền thống co hẹp lại, đây cũng là đòn bẩy để thúc đẩy bà con làm quen với TMĐT.

Chinh phục 18 triệu khách hàng, tiên phong sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt - Ảnh 1.

Sau 2 năm ra đời, từ con số 0 lên đến 18 triệu khách hàng sử dụng là một nỗ lực không ngừng nghỉ chinh phục thị trường TMĐT của Vỏ Sò.

Hơn 18.600 tấn nông sản đã được tiêu thụ trên Vỏ Sò từ đầu năm 2021

Theo thông tin từ Vỏ Sò, thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt, từ đầu năm 2021 đến nay: Tổng số nông sản tiêu thụ trên sàn Vỏ Sò là 18.600 tấn nông sản. Riêng quý 3/2021, 10.040 tấn nông sản được tiêu thụ qua sàn Vỏ Sò. Theo thống kê tháng gần đây, tháng 10/2021, sàn Vỏ Sò tiêu thụ 2200 tấn nông sản trong khi thời điểm cùng kỳ tháng 10/2020 con số này là 1600 tấn (tăng trưởng 37,5%).

Cũng trong năm 2021, nền tảng đã đưa 2,5 triệu hộ SXNN, thậm chí cả những hộ tại vùng sâu, vùng xa tiếp cận TMĐT. Tại xã Quang Thuận, Bắc Kạn, mùa quýt 2021, chỉ trong một buổi livestream bán hàng chưa đầy 30 phút tại vườn với sự hướng dẫn của nhân viên Viettel Post và Vỏ Sò, anh Nông Văn Huỳ đã bán được 300 đơn hàng trên sàn TMĐT Vỏ Sò. Điều mà 30 năm trồng quýt anh chưa từng nghĩ đến. 

Năm 2021 là năm thứ 2 người nông dân Bắc Kạn đưa cam, quýt lên sàn TMĐT Vỏ Sò. Năm 2020, sản lượng quýt Bắc Kạn bán trên sàn là 26 tấn thì năm nay, dù mới bắt đầu vào đầu vụ, sản lượng quýt đã đạt 4,5 tấn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy bà con vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số có kênh bán hàng bền vững, trực tiếp từ người bán đến người dùng.

Với mục tiêu tạo hơn 2 triệu gian hàng nông sản trên sàn Voso.vn trong năm 2021, Viettel Post cũng như Vỏ Sò trong thời gian tới sẽ có các hoạt động hỗ trợ và triển khai nhanh chóng để phát triển chuyển đổi công nghệ số, đưa nông sản lên sàn TMĐT, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài các ưu đãi khi đăng ký, ngay khi lên sàn Vỏ Sò sẽ có các hoạt động hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt Viettel Post/Vỏ Sò cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tập huấn trực tiếp tại địa phương để người nông dân có thể sử dụng công nghệ hiệu quả nhất. Từ đó đẩy mạnh việc đưa nông sản, hàng hoá lên sàn và phát triển doanh thu tốt nhất.

Còn trong năm 2022, Vỏ Sò sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển số lượng hộ SXNN thông qua các chương trình ưu đãi, đầu tư đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên nền tảng sàn TMĐT, triển khai chương trình marketing hướng tới cá nhân hóa khách hàng.

Tầm nhìn ở tương lai xa hơn, Vỏ Sò đặt mục tiêu trở thành sàn TMĐT số 1 về đặc sản Việt Nam, giúp kết nối nhà sản xuất và nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng nội địa lẫn quốc tế, đóng góp vào công cuộc nâng tầm giá trị nông sản Việt vươn tầm thế giới.

"Trong bối cảnh nhiều DN lao đao vì dịch COVID-19, Viettel Post càng phát huy thế mạnh của mình qua làm chủ công nghệ. Con tàu CĐS Quốc gia sẽ đi nhanh hơn khi các doanh nghiệp tự mình xây dựng các nền tảng công nghệ Make in Viet Nam giải quyết nội tại của chính DN và giải các bài toán của người dân Việt Nam", thông tin từ Viettel Post cho biết thêm.

Chinh phục 18 triệu khách hàng, tiên phong sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt - Ảnh 2.

Vỏ Sò đặt mục tiêu trở thành sàn một trong những sàn TMĐT hàng đầu về đặc sản Việt Nam, đóng góp vào công cuộc nâng tầm giá trị nông sản Việt vươn tầm thế giới.

Xu hướng mua sắm trực tuyến sẽ làm thay đổi cách tiêu dùng của người dân

Cũng theo thông tin từ Viettel Post, qua đợt dịch COVID-19, TMĐT sẽ dần chiếm ưu thế hơn so với phương thức mua sắm truyền thống, khi mang lại nhiều cải thiện vượt trội, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thông minh hơn cho người tiêu dùng. 

Thực tế hiện nay cho thấy, các nền tảng TMĐT đã góp phần mở ra cơ hội mua sắm tiện lợi, an toàn không chỉ ở thành phố mà còn ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; kết nối người tiêu dùng các lứa tuổi đến với việc mua hàng trực tuyến, sử dụng ví điện tử, ứng dụng công nghệ số trong đời sống hàng ngày. Xu hướng mua sắm trực tuyến không chỉ phát triển trong thời gian giãn cách mà sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai và sẽ là nhân tố thay đổi cách thức tiêu dùng của người dân với các tiện ích vượt trội.

Trong quá trình đưa nông sản Việt lên môi trường trực tuyến, cũng đã gặp những thuận lợi nhất định, đầu tiên là việc hiện nay các sàn TMĐT được các Sở, ban ngành liên quan cũng như địa phương quan tâm, truyền thông hỗ trợ trong các chương trình phát triển nông thôn, nông nghiệp nên từ đó bà con nông dân cũng có sự tiếp cận và tìm hiểu về TMĐT hơn thời gian trước. 

Thêm vào đó, người nông dân cũng được tìm hiểu về công nghệ, có thêm nguồn khách hàng trên cả nước, không còn phụ thuộc vào thương lái nên việc mở rộng đưa nông sản lên sàn được tiến hành nhanh chóng hơn. Cũng trong thời gian ảnh hưởng của dịch, nhu cầu mua sắm tăng cao, người tiêu dùng thay đổi thói quen đi chợ truyền thống và đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn và nhận tận nơi tiện lợi, nhanh chóng.

Bên cạnh những thuận lợi về sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, buôn bán trên sàn TMĐT còn gặp một số khó khăn, đó là việc đảm bảo các sản phẩm đều được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, bao gồm các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; được nuôi trồng tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành ổn định không chênh lệch với mức giá bán trực tiếp. Với sản phẩm OCOP, VietGAP phải có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận cũng như các giấy tờ liên quan và tương đương khác.

Ngoài ra còn phải tổ chức hệ thống vận hành chuyên nghiệp từ khâu thu hoạch, cách gói bọc, bảo quản để nông sản giữ được độ tươi ngon nhất khi tới tay người tiêu dùng. Trong quá trình này, cần phải hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch, đóng gói loại bỏ quả hỏng, sắp xếp nông sản đẹp mắt và đúng quy cách trọng lượng trong từng hộp. Bổ sung tem nhãn, chứng nhận sản phẩm đặc biệt là đối với các sản phẩm xuất khẩu. Một số loại nông sản khó vận chuyển hoặc có thời gian sử dụng ngắn cần áp dụng quy trình bảo quản khoa học, sắp xếp trong hộp xốp chống va đập hay xe đông lạnh chuyên dụng.

Về phía bà con nông dân do thời gian dài chỉ buôn bán trực tiếp và phụ thuộc nhiều vào thương lái, khi bắt đầu thay đổi cách bán hàng sang nền tảng trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ, cần thêm thời gian để bà con làm quen với chuyển đổi công nghệ; từ cách chụp hình, cập nhật đơn hàng, tương tác với khách hàng đến việc đóng gói, bảo quản sản phẩm.

Chưa kể, một số rào cản khiến nông sản các địa phương khó lên sàn TMĐT phải kể đến việc thay đổi tư duy buôn bán của người nông dân và việc sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Do quen với việc buôn bán truyền thống, một số các hộ SXNN vẫn còn bỡ ngỡ với việc mua bán trực tuyến, giao dịch online và chưa nắm bắt được hết các ưu điểm của việc đưa nông sản lên sàn TMĐT.

Để đảm bảo việc bán nông sản trên sàn TMĐT được thuận lợi, đầu tiên phải đảm bảo người nông dân thay đổi nhận thức. Cùng với đó, Viettel Post sẽ đồng hành cùng người nông dân trong quá trình tiếp cận TMĐT, hỗ trợ họ vượt qua mọi khó khăn, rào cản để họ tin tưởng vào hình thức kinh doanh mới này. Đồng thời, đưa ra những chương trình khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng kinh doanh nông sản trên sàn Vỏ Sò./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chinh phục 18 triệu khách hàng, sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO