Chống dịch Corona là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay

Xuân Tuấn| 06/02/2020 14:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc chống dịch Corona (nCoV) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, nhưng tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển, thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chiều 5/2/2020, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm  Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Đây là buổi họp báo thường kỳ đầu tiên do Văn phòng Chính phủ tổ chức, diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng ngày. Dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.  

Chống dịch như chống giặc

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng gửi lời chúc mừng năm mới tới các đại biểu tham dự; đồng thời, cho biết phiên thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc diễn ra cùng ngày là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2020, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV với tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là “chống dịch như chống giặc”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tại phiên họp, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế.

Trước hết, về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV.

Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.

“Có thể nói, chúng ta đã thực hiện quyết liệt và tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các giải pháp là chủ động, toàn diện, mạnh mẽ. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. Có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch…

Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Công văn 79-CV/TW của Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch.

Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra; đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020; Công điện số 156 ngày 02/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 733/VPCP-KTTH ngày 03/2/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Trong công tác chống dịch có thể phát sinh những vấn đề liên quan đến đối ngoại, vì vậy, cần phải thông tin kịp thời, xử lý phù hợp. Bộ Ngoại giao cần chủ động trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch. Tinh thần là bảo đảm tối đa cho công tác phòng chống dịch bệnh của nước ta đồng thời hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các đối tác.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trường hợp dịch nCoV kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quí II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn. 

Tình hình KT-XH đầu năm 2020 tiếp tục ổn định

Về tình hình KT-XH, như chúng ta đã biết mới bước vào năm 2020, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được của năm 2019, đất nước chúng ta đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình KT-XH tháng 1 năm 2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020). Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Một số kết quả nổi bật là:

Nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng (gia cầm tăng 15%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng bị cháy, bị chặt phá giảm 20,6%; thủy sản tăng 1,7%, riêng tôm tăng 6,1%).

Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 179,5%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020

Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%).

Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay.

An sinh xã hội được đảm bảo với phương châm “không để người dân nào bị đói, không có Tết”, xuất cấp 6.500 tấn gạo hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ gạo cho các hộ thiếu đói các tỉnh vùng núi phía bắc. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.

Chúng ta đã hoàn thành tốt việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 1/2020, được bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu KT-XH giảm so với cùng kỳ, hoặc so với tháng trước như IIP tháng 1/2020 giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 17,9%; nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp do mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, xuất hiện nhập siêu. Đặc biệt, CPI tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

Nhiệm vụ thời gian tới

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định: Việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đông thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng.

Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường.

Sự biến động của giá cả thị trường cần được theo dõi chặt chẽ nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới; Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của năm 2020. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển KT-XH thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.

Trong năm 2020, chúng ta cần triển khai mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó nâng cao hiệu quả tham gia, chủ động, tích cực đóng góp vào xây dựng, định hình các tổ chức, diễn đàn đa phương, trọng tâm đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Một nhiệm vụ rất quan trọng của năm 2020, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước, cũng như của từng ngành, địa phương.

Xử lý các đối tượng tung tin sai lệch là rất quyết liệt

Trả lời báo chí vấn đề liên quan đến việc xử lý đăng tin và những phát ngôn sai sự thật về bệnh dịch trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH-TTĐT) (Bộ TTTT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Đến ngày 5/2, Bộ TTTT và các đơn vị được giao phối hợp với Bộ Công an để cùng phát hiện, có trách nhiệm xử lý hành chính. Thông tin chúng tôi nắm được từ các Sở TTTT và Công an các tỉnh cho thấy đến nay việc xử lý các đối tượng tung tin sai lệch là rất quyết liệt.

Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT (Bộ TTTT) Nguyễn Thanh Lâm trả lời báo chí

Cụ thể, tại TP. Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất đã triệu tập một cá nhân để xử phạt. Tại TP. Hồ Chí Minh, đang tiến hành xử lý 17 trường hợp tung tin sai sự thật về viêm đường hô hấp cấp. Theo thông tin chúng tôi nắm được, TP. Hồ Chí Minh sẽ quyết tâm xử lý các trường hợp.

Thanh Hoá cũng xử lý 3 đối tượng, Đà Nẵng xử lý 2 đối tượng. Quảng Ninh xử lý một trường hợp với mức phạt 7,5 triệu đồng. Cần Thơ cũng xử lý một cá nhân. Thái Nguyên đang xử lý 2 đối tượng.

Những biện pháp của cơ quan chức năng không phải chỉ là tìm đối tượng tung thông tin giả xong xử lý, mà đối với các cá nhân tung thông tin giả ở nước ngoài và những trang tin tung thông tin giả phải gỡ những thông tin như vậy.

Tuy nhiên, các mạng xã hội như Facebook hiện nay đã đăng tải những thông tin chính thống, như thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam. Google cũng đã xác nhận sẽ đẩy những thông tin chính thống về dịch cúm tại Việt Nam. Facebook cũng đã hỗ trợ gỡ tất cả những thông tin giả mạo về dịch cúm.

Qua đó, chúng tôi cũng thấy có một điều rằng, mạng xã hội cung cấp thông tin chính thống, như Chính phủ chúng ta đang làm qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Trong thời kỳ dịch bệnh này rất cần những thông tin chính thống, hạn chế tin giả bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trả lời báo chí

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết: Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng đã lợi dụng không gian mạng tung tin giả, thông tin sai sự thật về bệnh dịch. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương vào cuộc đấu tranh, xử lý theo quy định.

Hiện nay, chúng tôi đã triệu tập hơn 170 đối tượng, xử lý, yêu cầu cam kết gỡ bỏ, căn cứ theo Khoản 3, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và quy định trong việc loan tin đồn sai qua mạng. Chúng tôi cũng đang tiếp tục làm rõ với hơn 40 trường hợp không hợp tác.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch Corona là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO