Chống hàng giả và gian lận thương mại trên sàn TMĐT: Hiện trạng và giải pháp
Theo số liệu thống kê, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường và Cục thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số - Bộ Công thương kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về TMĐT.
Tóm tắt:
- Hiện tượng hàng giả và gian lận thương mại trên các trang TMĐT tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong khi đó, số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, gặp không ít khó khăn.
- Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lành mạnh hóa hoạt động TMĐT, tác giả khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) cần thúc đẩy 6 nội dung:
+ Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên sàn TMĐT và không gian số.
+ Quy định cụ thể trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán.
+ Nâng cao trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin tới người tiêu dùng.
+ Thông tin rõ ràng về điều kiện giao dịch chung.
+ Quy định cụ thể về trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.
+ Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi giả mạo và gian lận thương mại trên các sàn TMĐT và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.
Dự báo trong từ 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT sẽ chiếm từ 50- 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Hàng giả và gian lận thương mại trên sàn TMĐT
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.
Trong năm 2022, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu, tăng 13,5% so với năm trước, tổng chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến đạt 12,42 tỷ USD. Báo cáo của Google và Bain & Company dự báo quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện đang có mức quy mô mua hàng trung bình (ABS) là 26 USD, cao hơn Thái Lan (25 USD) và Indonesia (18 USD).
Nghiên cứu của Statista về thị trường TMĐT Việt Nam cho thấy doanh thu dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2022 - 2025) là 16,98%, dẫn đến khối lượng thị trường dự kiến đạt 23,71 tỷ USD vào năm 2025. Số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới 70,9 triệu người dùng vào năm 2025. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) dự kiến lên tới 257,10 USD.
Về tình trạng chống hàng giả và gian lận thương mại trên các sàn giao dịch TMĐT, số liệu thống kê cho thấy, tính riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường và Cục TMĐT và Kinh tế số kiểm tra hơn 3.000 vụ lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, với số tiền xử phạt hơn 20 tỷ đồng.
Theo báo cáo riêng của Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2021 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 140 vụ việc liên quan đến TMĐT, xử lý 132 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính gần 2,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 3,5 tỷ đồng.
Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ; hàng nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT); kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại.
Năm 2022 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về TMĐT. Theo Tổng cục QLTT, các hành vi vi phạm về TMĐT xảy ra chủ yếu như thiết lập website TMĐT bán hàng không thông báo với cơ quan QLNN; thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT mà chưa được xác nhận đăng ký với các cơ quan QLNN.
Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; không xây dựng ban hành và thực hiện chính sách đảm bảo an toàn, an ninh cho việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, không cho phép khách hàng lưu trữ thông tin xác nhận nội dung giao dịch sau khi tiến hành giao kết hợp đồng; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT; cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet...
Giải pháp chống hàng giả và gian lận thương mại trên sàn TMĐT
Thứ nhất, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên sàn TMĐT và không gian số:
Hiện nay, các phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng (NTD) đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD tiếp nhận thông qua đa dạng các phương thức, như qua Tổng đài 1800.6838; qua thư điện tử tại địa chỉ: khieunai@bvntd.gov.vn; website Hệ thống tiếp nhận yêu cầu, khiếu nại trực tuyến của NTD http://khieunai.bvntd. gov.vn và qua đường bưu điện, công văn trực tiếp.
Liên quan đến vấn đề xâm phạm quyền lợi NTD trên môi trường TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số đã có những tuyên truyền, khuyến cáo, NTD nên mua hàng từ các website, sàn TMĐT uy tín được xác nhận thông tin tại địa chỉ: http://online.gov.vn.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm từng bước kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời những đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT bảo vệ quyền lợi NTD.
Ngoài ra, chung tay bảo vệ quyền lợi NTD, các sàn TMĐT cũng đang triển khai nhiều biện pháp, cùng với lực lượng chức năng bảo vệ quyền lợi NTD. Ví dụ, sàn TMĐT Sendo đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để sàng lọc những sản phẩm có nguy cơ giả mạo. Sàn TMĐT Lazada, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra và rà soát liên tục, ngay khi phát hiện hay nhận được cảnh báo về vi phạm liên quan tới hàng nhái, giả... sẽ xử phạt từ đình chỉ đến đóng cửa vĩnh viễn gian hàng. Sàn TMĐT Shopee sẽ chỉ trả tiền cho người bán khi khách hàng hài lòng với sản phẩm; người mua có thể trả hàng trong vòng 7 ngày và nếu phát hiện người bán vi phạm có thể chủ động báo cáo qua công cụ tương tác.
Để nâng cao việc bảo vệ quyền lợi NTD, bên cạnh sự vào cuộc từ phía cơ quan chức năng, NTD cũng cần hết sức cẩn trọng, cảnh giác để bảo vệ quyền lợi chính đáng, chống gian lận. NTD cần nhanh chóng phản ánh và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết các yêu cầu khi nhận thấy quyền và lợi ích bị xâm phạm. Trường hợp không được giải quyết thỏa đáng, cần sớm liên hệ với các cơ quan tổ chức có trách nhiệm.
NTD cần thực hiện 3T gồm Thường xuyên tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng tiêu dùng phù hợp; Thúc đẩy và tham gia có trách nhiệm với các hành vi tiêu dùng bền vững; Thông tin tố cáo tới các cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD về các hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp (DN) cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng NTD và kinh doanh có trách nhiệm chính là giải pháp bền vững cho DN.
DN cần thực hiện 3K như Kinh doanh lành mạnh; Khẳng định và xây dựng vai trò trung tâm của NTD trong tôn chỉ hoạt động; Không xâm phạm quyền lợi NTD.
Thứ hai, trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán:
Theo quy định tại Nghị định 85/2021/ NĐ-CP về TMĐT, thông tin về hàng hóa, dịch vụ đối với website TMĐT bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
- Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
- Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Thứ ba, trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin tới NTD trong hoạt động TMĐT:
Điểm c khoản 3 Điều 26 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định: “Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới NTD trên website TMĐT thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD”. Như vậy, các quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong Nghị định số 85/2021/NĐ-CP là phù hợp với các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
Thứ tư, chính sách kiểm hàng:
Từ ngày 1/1/2022, chính sách kiểm hàng sẽ được coi là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website TMĐT. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp NTD hiểu rõ về chính sách kiểm hàng của từng DN để đưa ra quyết định lựa chọn tiến hành giao dịch.
Bên cạnh đó, với các website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Quy định này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ TMĐT phải gia cố thêm tính năng để đảm bảo NTD có thể dễ dàng tiếp cận, xem xét và đưa ra quan điểm cá nhân trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong giao dịch mua sắm trực tuyến.
Thứ năm, về trách nhiệm giải quyết khiếu nại của NTD:
Khoản 11 Điều 36 Nghị định 85/2021/NĐ- CP quy định về trách nhiệm giải quyết khiếu nại của NTD bao gồm:
(i) Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan QLNN về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;
(ii) Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT giải quyết các khiếu nại của NTD liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(iii) Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của NTD trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT có nhiều hơn 02 bên tham gia.
Như vậy, quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của NTD khi tiến hành giao dịch các giao dịch trên sàn TMĐT có nhiều hơn 02 bên tham gia hay khi các giao dịch đó là với người bán nước ngoài. Kiến nghị các Sàn TMĐT (nhất là Big 4 gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo) bắt buộc phải có tổng đài CSKH và giải quyết khiếu nại là đầu số dịch vụ miễn phí (1800xxxx) như là một trong các điều kiện bắt buộc khi đăng ký website TMĐT với Bộ Công thương.
Thứ sáu, tăng cường xử lý nghiêm các hành vi giả mạo và gian lận thương mại trên các sàn TMĐT và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật:
Theo đó, hành vi vi phạm về thiết lập website TMĐT hoặc ứng dụng di động và hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động TMĐT có mức phạt từ 1 triệu đến 30 triệu đồng. Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website TMĐT hoặc ứng dụng di động; hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ TMĐT; hành vi vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT có mức phạt từ 1 triệu đến 50 triệu đồng.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền với nội dung bảo vệ quyền lợi NTD trong TMĐT trên tất cả các phương tiện TTĐC để doanh nghiệp ý thức rõ hơn về lợi ích của DN khi thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD, đồng thời, NTD được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi giao dịch qua mạng. Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Cục CT&BVNTD, Cục TMĐT&KTS cần liên tục thông tin về thực trạng vi phạm quyền lợi NTD trong TMĐT, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, lưu ý cho NTD nhằm giúp người tiêu dùng có được các kỹ năng cần thiết trên môi trường mạng, từ việc nhận biết website TMĐT đã đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương, đọc - hiểu các điều kiện, điều khoản của website, nhận biết nhận xét có dấu hiệu giả về hàng hóa,... cho đến việc phản ánh, khiếu nại hiệu quả khi nhận thấy quyền lợi bị vi phạm. Chủ động kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn (ICD); rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ của các đơn vị chuyển phát; tăng cường kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị chuyển phát; tăng cường kiểm tra tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này.
Tài liệu tham khảo:
1. Website: Cục TMĐT&KTS www.idea.gov.vn; Tổng cục QLTT www.dms.gov.vn; Cục CT&BVQLNTD www.vcca.gov.vn; Statista www.statista.com; Iprice https://iprice.vn/insights/ mapofecommerce/
2. Sách trắng Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2018-2021. Chi tiết xem tại https://idea.gov.vn/?page=docu...
3. Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt nam 2020-2022. Chi tiết xem tại www.vecom.vn
4. Các bài viết, số liệu đăng tải trên báo điện tử VietnamNET, Lao Động, Thanh Niên, Tuổi trẻ, ...
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)