Kinh tế số

Tạo đà bứt phá cho OVOP thông qua TMĐT: Kinh nghiệm của một số quốc gia

Ánh Dương 21:57 15/04/2023

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) được khởi xướng từ Nhật Bản như một điển hình của việc phát triển ngành nghề nông thôn, trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương. Sau một thời gian phát triển ra toàn cầu, phong trào đã mang lại những thành công lớn tại nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển ngày càng mạnh mẽ, OVOP có cơ hội bứt phá hơn nếu tận dụng hiệu quả được các yếu tố mới như thương mại điện tử (TMĐT).

e9f85e333b4e14e53d429c1acc8764a2.jpg

Tạo đà bứt phá cho OVOP thông qua TMĐT

Nhắc đến thành công của phong trào OVOP, đầu tiên là phải nhắc đến Nhật Bản. OVOP được khởi xướng từ năm 1979 tại làng Oyama, tỉnh Oita, Nhật Bản, là cách thức đưa nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của đất nước. Phong trào đã lan tỏa trên khắp đất nước Nhật Bản, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển thần kỳ của ngành nông nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế Nhật Bản nói chung.

Sau khi phát triển ra toàn cầu, kinh nghiệm OVOP của Nhật Bản đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Các quốc gia đã tận dụng tốt các nguồn lực của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống và thu được những thành công nhất định trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Trong thời đại CMCN 4.0, OVOP cũng được đẩy mạnh phát triển thông qua các nền tảng TMĐT. Không bỏ qua xu hướng này, sau đại dịch COVID-19, Nhật Bản cũng đã đẩy mạnh hoạt động trên TMĐT để phù hợp với sự phát triển của phong trào OVOP.

Các sản phẩm OVOP của Nhật Bản được bán thông qua rất nhiều kênh, điểm bán hàng từ các cửa hàng bán trực tiếp cho đến các kênh bán hàng điện tử. Điển hình là sàn TMĐT Rakuten, đây là nền tảng giới thiệu và thương mại các sản phẩm OVOP, các trang của các nhà sản xuất OVOP cũng được kết nối với Rakuten.

rakuten-japan-ecommerce.jpeg

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển OVOP của Nhật Bản tại Hội thảo APEC về thúc đẩy “Mỗi làng một sản phẩm” thông qua TMĐT, bà Yokomura Kurumi – Chuyên viên Bộ Kinh tế Thương mại Nhật Bản cho biết, kể từ năm 2015, Nhật Bản đã có những chương trình quảng bá sản phẩm OVOP trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người tiêu dùng về các sản phẩm OVOP. Tuy nhiên, thách thức cũng như hạn chế lớn nhất của TMĐT đó là người tiêu dùng không thấy được những câu chuyện, văn hóa địa phương, đặc trưng vùng miền phía sau mỗi sản phẩm OVOP.

Để khắc phục vấn đề này, bà Yokomura Kurumi cho rằng, thông qua những nền tảng TMĐT, Nhật Bản đã giới thiệu những câu chuyện về sản phẩm OVOP với các video, hình ảnh trực quan sinh động hàm chứa đặc điểm vùng miền trong từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm, vật liệu, cũng như các quy trình để tạo ra một sản phẩm OVOP, từ đó giúp sản phẩm OVOP đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng thường xuyên đưa ra những công bố và thông báo về các chương trình, sự kiện, festival liên quan đến OVOP, qua đó người tiêu dùng quan tâm có thể tìm hiểu thêm những thông tin về thị trường cũng như các sản phẩm OVOP một cách đầy đủ hơn.

Trong khi đó, chia sẻ về những thành công của Trung Quốc, bà Zhang Xiaodan - Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, TMĐT tại Trung Quốc đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và ổn định thị trường, cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa phục hồi.

TMĐT đã gắn bó chặt chẽ với các hoạt động hàng ngày, người tiêu dùng có thể mua gần như mọi thứ từ quần áo, thực phẩm, đến vé tàu xe, vé chương trình giải trí… trên các nền tảng trực tuyến. “Chúng tôi không cần thẻ tín dụng, không cần mang ví, không cần tiền mặt mà vẫn có thể mua mọi thứ, các khoản chi tiêu đều được chi trả trực tuyến thông qua điện thoại di động”, bà Zhang Xiaodan cho biết.

Bên cạnh đó, TMĐT cũng giúp thúc đẩy các hoạt động thương mại ở nông thôn và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn. Năm 2022, doanh số bán hàng nông sản trực tuyến của Trung Quốc đạt 531 tỷ Nhân dân tệ, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Tổng số nhà bán lẻ trực tuyến khu vực nông thôn đạt 17 triệu, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

TMĐT đã thúc đẩy nhu cầu người tiêu dùng cũng như giúp cải tiến hệ thống cơ sở hạ tầng ở các khu vực nông thôn. Hiện nay, 95% làng xã hành chính của Trung Quốc đã có dịch vụ giao hàng nhanh.

Bà Zhang Xiaodan nhấn mạnh, việc phát triển TMĐT ở khu vực nông thôn là xu hướng tất yếu vì TMĐT rất cần thị trường ở khu vực nông thôn. Và người dân, nhà sản xuất ở khu vực nông thôn cũng rất cần các nền tảng TMĐT để đưa sản phẩm OVOP đến được với đông đảo người tiêu dùng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế nông thôn.

Theo bà Zhang Xiaodan, trên thực tế, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng luôn tính toán làm sao có thể sử dụng những mô hình kinh doanh hiện đại và hợp xu hướng để thúc đẩy việc bán các sản phẩm OVOP cho người tiêu dùng, đưa các sản phẩm đó trở thành xu hướng trên thị trường thông qua các nền tảng TMĐT, các kênh dịch vụ trực tuyến, để qua đó có thể thúc đẩy các chủ thể ở khu vực nông thông tham gia một cách tích cực hơn.

Chia sẻ về chính sách triển khai thực tiễn của Bộ Thương mại Trung Quốc, bà Zhang Xiaodan cho biết năm 2021, Bộ Thương mại đề xuất triển khai một sáng kiến “TMĐT thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn” với ý tưởng là huy động các nguồn lực trên thị trường cũng như là các doanh nghiệp (DN) tư nhân.

Theo đó, Bộ Thương mại đã huy động tất cả các tổ chức chính trị - xã hội Trung Quốc kết nối thành một liên minh hồi sinh khu vực nông thôn thông qua TMĐT, nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm ngành nông nghiệp.

Hiện nay, đã có 34 công ty tham gia vào liên minh này, trong đó có những nền tảng lớn như Alibaba và một số các công ty logistics, công ty tài chính. Thông qua hiến chương hoạt động, liên minh đã cố gắng thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ thông qua các nền tảng TMĐT đối với các khu vực nông thôn cũng như là các sản phẩm. Các thành viên liên minh đã giúp doanh số bán nông sản đạt trị giá hơn 40 tỷ Nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm nông thôn nhằm quảng bá sản phẩm đến rộng rãi với người tiêu dùng hơn.

Một quốc gia khác cũng đã triển khai thành công chương trình “mỗi làng một sản phẩm” là Thái Lan, nơi cái tên OVOP đã được chuyển đổi thành OTOP (One Tambon One Product, nghĩa là “Mỗi làng/cộng đồng một sản phẩm”). OTOP được chính phủ Thái Lan giới thiệu vào năm 2001 với mục đích thúc đẩy kinh tế nông thôn và bảo tồn giá trị truyền thống của các địa phương.

otop-content.jpeg

Chương trình OTOP là xây dựng sản phẩm, do vậy mọi hoạt động đều hướng đến phát triển sản phẩm một cách hoàn thiện nhất, như: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, định vị sản phẩm, xây dựng câu chuyện cho mỗi sản phẩm, marketing, đổi mới sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Các sản phẩm OTOP do chính người dân các làng xã phát triển, dựa trên tri thức và kinh nghiệm của bản thân họ.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển phong trào OTOP, đại diện của Thái Lan, bà Kanjana Thongkasem - Vụ phát triển cộng đồng Thái Lan cho biết, hiện nay Thái Lan có tổng cộng là 98.287 DN OTOP với 222.075 sản phẩm.

Các sản phẩm OTOP Thái Lan được chia thành các nhóm khác nhau để quản lý dễ dàng hơn (xếp hạng sản phẩm theo thứ tự từ 1 đến 5 sao, chính quyền cấp tỉnh sẽ quyết định sản phẩm, DN OTOP nào sẽ đạt được bao nhiêu sao; hay phân loại sản phẩm theo chất lượng cũng như số lượng sản phẩm chẳng hạn như: Nhóm A là những sản phẩm chất lượng cao, có số lượng nhiều; nhóm B là sản phẩm chất lượng cao nhưng số lượng không nhiều; Nhóm C là những sản phẩm có chất lượng trung bình và số lượng nhiều; Nhóm D chất lượng thấp và số lượng ít).

Theo bà Kanjana Thongkasem, để thúc đẩy phát triển phong trào OTOP, Thái Lan dựa vào 3 nguyên tắc cơ bản: phát triển từ địa phương tới cấp toàn cầu, có nghĩa là thúc đẩy phát triển các sản phẩm địa phương và đưa ra thị trường toàn cầu; đổi mới sáng tạo; và phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy người dân thực hiện các mô hình kinh doanh của mình.

Đồng thời, bà Kanjana Thongkasem cho biết thêm, Thái Lan có 4 trụ cột để phát triển OTOP thông qua TMĐT: phát triển sản phẩm, phát triển doanh nhân, phát triển các kênh tiếp thị, cuối cùng là thúc đẩy du lịch thông qua các sản phẩm OTOP.

Chính phủ Thái Lan cũng đã triển khai các chương trình, nền tảng marketing trực tuyến để các DN có thể tiếp cận được với các khách hàng tiềm năng. Đồng thời, hợp tác với các DN tư nhân để có thể đăng tải những sản phẩm địa phương lên các trang web, cũng như khuyến khích người dân địa phương tự đăng tải các sản phẩm lên các nền tảng trực tuyến để quảng bá sản phẩm của mình.

Để thương mại hóa sản phẩm OTOP, Thái Lan cũng thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ cấp trung ương, khu vực, cấp tỉnh cho đến các hội thi OTOP, lễ hội du lịch,... Các sản phẩm OTOP không chỉ được bày bán tại các địa điểm bán hàng truyền thống mà còn được đưa vào cả sân bay, nhà hàng,… tạo thành một hệ thống tổng thể xã hội cùng tham gia.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng tạo một kênh OTOP dành riêng cho du khách đến quốc gia này. Hiện đã có 80 cộng đồng địa phương tham gia vào chương trình du lịch này và tạo được hiệu ứng rất tích cực.

z4267098601097_92270e4284b452cd6c6dcdd515715460(1).jpg
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo APEC về thúc đẩy “Mỗi làng một sản phẩm” thông qua thương mại điện tử.

Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc

Đặc điểm của hình thức kinh doanh trên TMĐT là không bán hàng trực tiếp tại chỗ, không thể nhìn thấy hoặc chạm vào sản phẩm thực tế nên khiến người tiêu dùng có những băn khoăn và lo ngại nhất định, đồng thời cũng khó thu hút được sự chú ý của khách hàng.

Chia sẻ về giải pháp khắc phục những khó khăn này khi phát triển OVOP thông qua TMĐT, đại diện của Nhật Bản cho biết các DN, nhà sản xuất cần phải cho khách hàng thấy được bối cảnh và những câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm địa phương, tạo cho họ cảm giác như thể họ đã đến tận nơi, nhìn thấy và chạm vào vật thật với những video hình ảnh sinh động về câu chuyện thực tế của mỗi sản phẩm (sản phẩm được tạo ra như thế nào, câu chuyện gắn với sản phẩm đó ra sao, đặc trưng vùng miền trong mỗi sản phẩm là gì…). Đây là một điều cực kỳ quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm và hứng thú của khách hàng đối với sản phẩm.

Trong khi đó, nhấn mạnh về các yếu tố dẫn đến thành công của Thái Lan, đại diện quốc gia này cho biết: Những yếu tố giúp OTOP thành công tại Thái Lan được rút ra là: Trí thức địa phương; Cam kết của Chính phủ đối với OTOP thể hiện bằng chương trình nghị sự, chính sách, ngân sách chính thức; Hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan; Sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng; Chính sách nhất quán và tập trung cho phát triển kinh tế cơ sở; Hệ thống thực hiện OTOP đầy đủ (cử cán bộ đi khắp các địa phương khác nhau để phát triển OTOP và kết nối tri thức bản địa); Sự hiểu biết cơ bản về phát triển sản phẩm; Thương hiệu sản phẩm OTOP và quan trọng là việc coi sản phẩm là trung tâm cốt lõi, trong đó chú trọng việc thiết kế bao bì cũng như đóng gói sản phẩm.

OTOP đã và đang có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và đóng góp tích cực cho phát triển ngành thương mại, dịch vụ, du lịch của Thái Lan hiện nay.

Từ kinh nghiệm thực tế phát triển của Trung Quốc, để TMĐT thúc đẩy tốt hơn phong trào OVOP, bà Zhang Xiaodan cho rằng các quốc gia cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò quan trọng của Chính phủ bởi Chính phủ đóng vai trò như “nhạc trưởng” để kết nối nguồn lực, hướng dẫn thị trường thông qua hệ thống cơ chế, chính sách cụ thể.

Và hiện tại, Trung Quốc cũng đã lồng ghép TMĐT nông thôn vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, cùng với các chiến lược lớn của quốc gia.

Thông qua nhiều chính sách vĩ mô, Trung Quốc đã đưa ra những hướng dẫn, chỉ đạo rất rõ ràng cùng với những tín hiệu rất tích cực cho thị trường, điều này giúp hồi sinh kinh tế khu vực nông thôn của Trung Quốc, trong đó có TMĐT nông thôn. Với những chính sách rõ ràng, người tiêu dùng và cả những nhà sản xuất cũng có sự tin tưởng với các nền tảng TMĐT.

Cùng với đó, các nền TMĐT cũng phải được thiết kế theo hướng nhạy bén với những diễn biến, thay đổi trên thị trường, tạo thuận lợi cho kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Tận dụng tốt các hình thức kinh doanh mới cũng sẽ tạo ra những bước đột phá mới cho TMĐT khu vực nông thôn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà bứt phá cho OVOP thông qua TMĐT: Kinh nghiệm của một số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO