Chuyển đổi số ASEAN trong bối cảnh COVID-19

PV| 28/06/2022 11:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Đẩy mạnh chuyển đổi số để phục hồi ASEAN sau đại dịch được xem là 1 trong 5 chiến lược phục hồi chính của Khung phục hồi tổng thể ASEAN.

Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng kỹ thuật số nhanh song truy cập Internet cũng như tiến trình số hóa ở Đông Nam Á vẫn chưa đồng nhất, tồn tại sự phân chia trong tiếp cận kỹ thuật số giữa các nước thành viên ASEAN và ngay trong chính bản thân mỗi nước. Sự phân hóa kỹ thuật số thể hiện rõ ở ở các vùng nông thôn Đông Nam Á. Thêm nữa, những rào cản về pháp lý khiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử trong khu vực còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số và thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số.

Tiến trình chuyển đổi số của ASEAN đạt nhiều triển vọng và tiềm năng song tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những rào cản đối với tăng trưởng kinh tế số ở ASEAN; Chưa ban hành chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; Chưa có hành lang pháp lý cho việc thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới.

Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tạo nên xương sống của nền kinh tế số ở ASEAN. Có tới 3/4 số doanh nghiệp trong khu vực xem xét nghiên cứu những cơ hội mà hội nhập kinh tế số đem lại song chỉ có 16% số doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ được công nghệ số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối dữ liệu gặp nhiều khó khăn. Nhiều bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu manh mún và phân tán, thiếu sự kết nối liên thông. Để những mô hình nền tảng dịch vụ về công nghệ, những mô hình dịch vụ công nghệ số triển khai tốt, đảm bảo thì rất cần có sự kết nối chia sẻ dữ liệu từ các cơ quan Nhà nước. Nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt cũng là yếu tố thách thức, trở ngại đối với phát triển kinh tế số. Tiền mặt được sử dụng nhiều trong các giao dịch thương mại điện tử thể hiện sự thiếu niềm tin và tôn trọng lẫn nhau và làm giảm rất nhiều khả năng kết nối thành công các giao dịch.

Mặc dù ASEAN có Hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực, đó là: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - Regional Comprehensive Economic Partnership) song những hiệp định thương mại số hiện mới đang bắt đầu hình thành, như Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA - Digital Economic Partnership Agreement) và Hiệp định Kinh tế số (DEA - Digital Economic Agreement). Hiệp định Đối tác Kinh tế số (DEPA) đã có hiệu lực tại Chile năm 2021.DEPA là Hiệp định đi đầu trong phát triển kinh tế kỹ thuật số nhằm thiết lập hệ sinh thái kỹ thuật số chung dựa trên các nguyên tắc hiện đại nhất của thương mại điện tử cũng như bao gồm các khía cạnh mới liên quan đến cách mạng kỹ thuật số, như Trí tuệ nhân tạo hoặc Nhận dạng kỹ thuật số.

Hiệp định DEPA khu vực phức tạp hơn rất nhiều so với Hiệp định DEA song phương. Điều đó cho thấy còn có nhiều thách thức. Tuy nhiên, Hiệp định DEPA sẽ là bước tiến quan trọng để ASEAN thực hiện những tham vọng về kỹ thuật số. Đây là hai hiệp định thương mại tự do mới liên quan đến những vấn đề kinh tế số mang tính tổng thể và những vấn đề mang tính xuyên suốt như dòng chảy dữ liệu và công nghệ mới nổi.

Nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và chuyển đổi số là nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của nền kinh tế số. Thương mại điện tử đóng góp chính cho sự phát triển kinh tế số nhưng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đòi hỏi lao động vừa có kiến thức về công nghệ, vừa phải hiểu biết về thương mại để nắm bắt kịp thời các xu hướng mới, ứng dụng một cách hiệu quả nhất, an toàn nhất. Tuy vậy, các kỹ năng này đều là điểm yếu của lao động của các nước ASEAN và Việt Nam. 

Thiếu hụt nhân lực là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chuyển đổi số tại Việt Nam. Nguồn nhận lực công nghệ thông tin của Việt Nam ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Mặc dù, số người được cấp chứng chỉ nhiều, chất lượng có được cải thiện nhưng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn xếp hạng trung bình khá về chất lượng, về lao động chuyên môn cao và năng lực sáng tạo trong kinh tế số khi so với thế giới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tay nghề chỉ đạt 60%, vẫn còn khoảng cách xa so với yêu cầu chuyển đổi số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin  được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế số của  Việt Nam mà cả khu vực ASEAN.

Ngoài những vấn đề liên quan đến chính sách và quy định, vấn đề về tiêu chuẩn tương tác bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là rào cản.Kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Mặc dù nhóm 6 nước phát triển hơn trong ASEAN có những luật lệ cụ thể về vấn đề này, song mỗi nước lại có những tiêu chuẩn rất khác biệt khi áp dụng.

Chuyển đổi số vẫn là một quá trình không hề dễ dàng với các doanh nghiệp khi gặp những thách thức như khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; Khả năng kết nối với các giải pháp trên thị trường; Khả năng tiếp cận các nguồn vốn. Các chỉ số về thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số tại Việt Nam còn thấp. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, nhiều quy định liên quan đến chuyển đổi số đang được xây dựng, hình thành như tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan. Bảo đảm an ninh mạnglà những thách thức quan trọng đối với các nước đang phát triển có nguồn lực và khả năng bị hạn chế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ASEAN trong bối cảnh COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO