Diễn đàn

4 xu hướng định hình tương lai của ngành viễn thông năm 2023

Tâm An 16:28 28/01/2023

Những năm gần đây, công nghệ viễn thông đang có tốc độ phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Trong năm 2023, các xu hướng công nghệ được dự đoán sẽ tiếp tục tạo ra nhiều thay đổi lớn đối với ngành viễn thông.

960x0.jpg

Năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với nhiều thị trường toàn cầu và các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) cũng không thể đứng ngoài sự biến động này.

Để đối phó với những thực trạng này, các doanh nghiệp (DN) đang tìm cách đẩy mạnh đổi mới và chuyển đổi số (CĐS). Trong lĩnh vực viễn thông, một số công nghệ và xu hướng nổi bật sẽ ngày càng được tận dụng để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, khả năng phục hồi của DN cũng như các đề xuất có giá trị.

Dưới đây là những xu hướng được dự đoán sẽ định hình tương lai của ngành viễn thông năm 2023.

Nâng cao năng lực an ninh mạng và khả năng phục hồi

Đối với năm 2023, một trong những điều quan trọng trong chiến lược phát triển là các nhà khai thác mạng phải thực hiện tất cả các bước thích hợp để có thể tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công mạng và điều kiện thị trường hỗn loạn. Mặc dù để làm được điều này đòi hỏi các DN phải có các công nghệ và chiến thuật khác nhau nhằm đảm bảo một DN thực sự vững mạnh và sẵn sàng đối mặt với tương lai.

Theo Bernard Marr, diễn giả nổi tiếng, nhà tư vấn về công nghệ và chiến lược cho các chính phủ và công ty, từ quan điểm bảo mật, các mối đe dọa lớn nhất thường được coi là đến từ ba yếu tố: tin tặc và kẻ xấu đang tìm cách tiết lộ những dữ liệu có thể bán hoặc sử dụng để tấn công DN, gián điệp của công ty và nhân viên thiếu nhận thức về các biện pháp bảo mật cơ bản như sử dụng mật khẩu an toàn cũng như ngăn chặn các cuộc tấn công lừa đảo.

Trên thực tế, các công ty viễn thông cung cấp cơ sở hạ tầng “xương sống” cho phép các dịch vụ kỹ thuật số khác - từ phát trực tuyến phim đến mạng email công ty, nên chúng thường là mục tiêu rất hấp dẫn đối với tin tặc. Do đó, các DN viễn thông phải chịu áp lực rất lớn để đảm bảo rằng không có "cửa hậu" (backdoor) lộ ra ngoài do triển khai kiến trúc Internet vạn vật (IoT), người dùng chưa được đào tạo hoặc đối tác bên thứ ba.

Hiểu và giảm thiểu các mối đe dọa này sẽ là nhiệm vụ cốt lõi của các nhà khai thác viễn thông vào năm 2023.

Đẩy mạnh ứng dụng đám mây

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ tiếp tục thấy được những lợi ích của việc chuyển cơ sở hạ tầng CNTT quan trọng sang đám mây - công cộng, riêng và kết hợp - thay vì kích hoạt nhiều trung tâm dữ liệu riêng hơn.

Trong ba năm qua, điện toán đám mây (ĐTĐM) đã trở nên phổ biến khi nhiều công ty chuyển sang cung cấp dịch vụ số để ứng phó với đại dịch toàn cầu. Theo Research and Markets, đến năm 2026, thị trường đám mây quy mô toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 693,49 tỷ USD. Công nghệ có tiềm năng thay đổi ngành này là điều mà các công ty viễn thông sẽ tập trung khai thác trong những năm tới.

Ngành viễn thông dựa vào các dịch vụ ĐTĐM để cung cấp các nền tảng và cơ sở hạ tầng theo yêu cầu. Điều này cho phép nó nhanh chóng mở rộng quy mô các dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng mà không gặp rắc rối khi phải trang bị lại kiến ​​trúc hạ tầng tại chỗ hoặc đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng CNTT của mình.

Theo đó, năm 2023, các công ty viễn thông được nhận định sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng đám mây để tạo ra khả năng linh hoạt trong việc cung cấp các dịch vụ có thể được mở rộng khi nhu cầu tăng và thu nhỏ lại khi hoạt động kinh doanh thu hẹp.

Năm 2022, chúng ta đã chứng kiến những công ty lớn như AT&T, Vodafone và Telefonica công bố các thỏa thuận mới với các nhà cung cấp đám mây để xử lý các hoạt động xử lý dữ liệu của họ. Khi ngày càng nhiều DN khám phá ra lợi ích của việc sử dụng đám mây, năm 2023, chúng ta có thể kỳ vọng về sự bùng nổ khi các công ty viễn thông xây dựng các dịch vụ để kích hoạt 5G và các dịch vụ điện toán biên thông qua nền tảng đám mây.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

AI có khả năng biến đổi hầu hết mọi ngành công nghiệp và ngành viễn thông chắc chắn không phải ngoại lệ.

Công nghệ AI được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, từ hợp lý hóa các dịch vụ khách hàng đến quản lý dự đoán luồng lưu lượng truyền thông trên mạng. Trợ lý ảo và chatbot cho phép các nhà khai thác viễn thông phản hồi hiệu quả hơn các yêu cầu trợ giúp về hỗ trợ kỹ thuật, khắc phục sự cố và bảo trì mạng.

Tối ưu hóa lưu lượng mạng sử dụng các thuật toán AI để điều chỉnh và định cấu hình lại mạng khi mức sử dụng thay đổi, chỉ định nhiều tài nguyên hơn để định tuyến lưu lượng truy cập khi nhu cầu cao và thu nhỏ lại khi nhu cầu chậm lại.

Ngoài ra, AI và học máy (ML) cũng được sử dụng để phát hiện các hoạt động gian lận, chẳng hạn như truy cập bất hợp pháp và trái phép vào mạng/các khu vực cụ thể của mạng hoặc đánh cắp dịch vụ thông qua mật khẩu và hồ sơ người dùng bị đánh cắp.

Khi công nghệ AI trở nên phức tạp hơn thì những thách thức mà các nhà khai thác viễn thông phải đối mặt cũng trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng năm 2023 sẽ thấy nhiều trường hợp ứng dụng AI một cách hiệu quả và đa dạng hơn trong lĩnh vực này.

5g-1024x631.jpg

Phát triển 5G độc lập

5G đã xuất hiện được vài năm, nhưng hầu hết các dịch vụ do CSP tiêu dùng cung cấp không sử dụng dạng công nghệ “thuần túy”, thay vào đó, các dịch vụ của họ được hỗ trợ trên cơ sở hạ tầng 4G (LTE) hiện có. Điều này có nghĩa là người dùng có khả năng không sử dụng được hết tiềm năng của nó.

Lộ trình tiếp theo trong quá trình triển khai mạng 5G sẽ là chuyển sang mô hình “5G độc lập” (5G SA - StandAlone) - mô hình 5G thực thụ với sự tách bạch hoàn toàn hệ với hệ thống mạng 4G. 5G SA là tương lai của việc triển khai 5G NR vì nó có thể tự hoạt động. Điều này sẽ khiến việc triển khai mạng 5G đơn giản và rẻ hơn, có thể tạo một mạng lưới mạnh mẽ hơn vì toàn bộ cơ sở hạ tầng sẽ là mới.

Mạng 5G đang được mở rộng và quan trọng hơn là nhiều thiết bị trên thị trường hiện đã hỗ trợ 5G. Và với sự phát triển của ngành công nghiệp 4.0, 5G sẽ giúp các DN kết nối hàng trăm thiết bị IoT/IIoT, nâng cao hiệu quả và năng suất hoạt động, đồng thời cho phép phát triển các ứng dụng quan trọng trong hầu hết các ngành.

Năm 2023 đang định hình là một trong những năm có nhiều biến đổi nhất đối với ngành viễn thông. Những xu hướng này được dự báo sẽ mang lại cuộc cách mạng công nghệ, giúp bảo mật dữ liệu tốt hơn, chất lượng dịch vụ được cải thiện cũng như mở rộng cơ hội doanh thu mới cho các công ty viễn thông. Và việc áp dụng những xu hướng này là điều cần thiết để các DN viễn thông duy trì tính cạnh tranh và vượt qua những thách thức trong tương lai./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
4 xu hướng định hình tương lai của ngành viễn thông năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO