Truyền thông

Chuyển đổi số giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Quỳnh Trang 23:26 22/09/2023

Thời gian qua, chuyển đổi số đã được ứng dụng mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi số giúp các chủ thể liên quan mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như toàn cầu, tăng hiệu quả gấp nhiều lần so với phương pháp truyền thống trước đây....

Phát triển sản phẩm OCOP mang lại nhiều lợi ích về kinh tế

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 30/6/2023, tất cả 63 tỉnh và thành phố trên cả nước đã hoàn thành việc đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Hiện có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% 4 sao, 0,6% là sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm đã đạt 5 sao, được công nhận bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ thể OCOP có tổng cộng 5.069, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, và 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Sản phẩm OCOP đang từng bước thể hiện giá trị và chất lượng trên thị trường, thu hút sự tin tưởng của người dân. Chương trình OCOP đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ quy mô nhỏ lẻ sang mô hình liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và phù hợp với nhu cầu thị trường.

Nhiều địa phương đã triển khai quy hoạch các vùng nguyên liệu đặc sản, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề nông thôn, giúp bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống. Chương trình còn tạo ra hướng phát triển sinh kế ở vùng khó khăn và nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ. Nhiều địa phương chú trọng phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua các sự kiện hội chợ, tuần hàng; giới thiệu trực tuyến trên các trang mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử…để sản phẩm gần hơn với khách hàng.

Các chủ thể OCOP chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các giai đoạn sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm, như: áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR; giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội. Từ kết quả thu được cho thấy, chuyển đổi số là một “sáng kiến hữu hiệu” giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của Việt Nam ra thị trường thế giới.

z4717334711407_c553c1d7797ba2fd4e7a1e6f9b96911f.jpg
Sản phẩm OCOP được tích cực quảng bá.

Chuyển đổi số OCOP trên một số tỉnh, địa phương

Thanh Hóa là một trong những tỉnh sớm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thực hiện Chương trình OCOP. Hiện nay, Thanh Hóa đã phát triển hơn 317 sản phẩm OCOP được đánh giá từ 3 sao, 4 sao và ít nhất 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Tại thành phố Thanh Hóa đã mở rộng 5 điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP này. Các sản phẩm không chỉ được phân phối thông qua kênh truyền thống mà còn có thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang web mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, và Postmart.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy giao thương, năm 2023, Thanh Hóa đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng tổng sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong khu vực. Đến nay, Thanh Hóa đã có 104 sản phẩm OCOP được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, 66 sản phẩm được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 38 sản phẩm trên sàn Voso.vn. Ngoài ra, hàng trăm sản phẩm khác được quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ thông qua nền tảng số. Việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa ngày càng mạnh mẽ.

z4717335878439_401cfb5280efdba23183d909eabc9ac5.jpg
Các gian hàng bày bán sản phẩm OCOP tại tỉnh Thanh Hoá.

Hay như Lâm Đồng, tháng 8 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã hợp tác với TikTok cùng nâng cao khả năng chuyển đổi số của các chủ thể tham gia chương trình "Mỗi xã Một sản phẩm" (OCOP) và đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử. Hợp tác này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thị và tiêu thụ nông sản tại Việt Nam. Theo kế hoạch, hàng tuần sẽ có sự kiện Chợ phiên OCOP được phát sóng trực tiếp (livestream) nhằm quảng bá và bán trực tuyến các sản phẩm; đặc sản vùng miền do các doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương sản xuất.

Nhờ khí hậu và tài nguyên đất đai phong phú, Lâm Đồng đã sản xuất nhiều loại nông sản đặc sản như rau củ quả, hoa cao cấp và cà phê Arabica đạt tiêu chuẩn cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã chú trọng tổ chức các sự kiện "Chợ Phiên OCOP - Nông Sản Trong Mây". Chương trình giúp cung cấp kiến thức kinh doanh trực tuyến, tư vấn và giải quyết các khó khăn nhiều doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thiết lập và quản lý kênh bán hàng. Theo thống kê, hiện nay tỉnh Lâm Đồng có khoảng 215 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao, 4 sao và 5 sao. Tới cuối năm 2023, tỉnh này đề ra mục tiêu phát triển ít nhất 240 sản phẩm OCOP với 228 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp tỉnh và 12 sản phẩm OCOP được xếp hạng cấp quốc gia.

z4717336984893_102c95272a27aa97ee0925a1b7deca24.jpg
Tỉnh Lâm Đồng luôn nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

Những năm vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong thực hiện Chương trình OCOP, tuyên truyền thông qua các kênh truyền thống cũng như khai thác Cổng Thông tin điện tử và các trang mạng xã hội. Trong lĩnh vực quản lý, đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho các sản phẩm OCOP và sử dụng mạng xã hội (Zalo) để quản lý và điều hành công việc. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối với các công ty và đơn vị tham gia vào các kênh thương mại điện tử như Shopee, Nowfesh, và Postmart. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP tự chủ động áp dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất và kinh doanh, bao gồm việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc với mã QR code; quảng bá sản phẩm thông qua website và mạng xã hội....

Trong tương lai, Chương trình OCOP sẽ tập trung vào việc tăng giá trị sản phẩm cả về chất lượng và thiết kế, từng bước phát triển sản phẩm tích hợp đa giá trị, cải thiện bao bì và nhãn mác sản phẩm, tạo ra những quà tặng đặc trưng gắn với lợi thế vùng miền, địa phương. Tăng cường quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử với thông tin đồng bộ cùng cách quản lý thống nhất. Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hình thức thương mại, đặc biệt là trong thương mại điện tử, giúp các chủ thể OCOP nhanh chóng gia nhập vào thị trường trực tuyến, nắm bắt được cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng trong thời điểm bối cảnh thị trường tiêu dùng dần thay đổi.

Đặt xúc tiến thương mại làm động lực và chuyển đổi số là nền tảng, Chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP; đặc biệt, thông qua kết nối với các kênh phân phối hiện đại, phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO