Chuyển đổi số - Lựa chọn sống còn của doanh nghiệp Việt

Hải An| 12/10/2021 18:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số chậm có thể khiến doanh nghiệp (DN) gặp rủi ro, thậm chí phá sản. Chuyển đổi số là lựa chọn quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, kinh tế số được coi là một trong những động lực tăng trưởng trong những thập niên tới, cho phép Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, DN trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Không thể trì hoãn

Trong bối cảnh dịch Covid-19, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 90.300 DN rời khỏi thị trường.

Trong đó, DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 DN, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%.

Như vậy bình quân mỗi tháng có hơn 10.000 DN rời thị trường.

Ngay từ khi dịch hoành hành, nhiều nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều DN còn xoay xở được đã bắt đầu thích ứng bằng cách áp dụng hình thức làm việc tại nhà, các hoạt động chuyển sang trực tuyến.

Về cơ bản, có thể hiểu rằng, đó chính là DN đã chủ động áp dụng chuyển đổi số cho hoạt động của mình. Và với tình cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội hiện nay, chuyển đổi số chính là yêu cầu cấp thiết, là “vaccine” hữu hiệu cho DN vượt qua thách thức.

Hiện nay, có nhiều cách hiểu về chuyển đổi số (Digital Transformation), nhưng theo cách đơn giản nhất, đó là sự tích hợp đầy đủ các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một DN, ứng dụng các công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những giá trị mới cho khách hàng của DN.

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của DN, đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên.

Trao đổi với TG&VN, PGS. TS. Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT cho rằng, chuyển đổi số đối với DN là điều hết sức quan trọng và mang tính sống còn trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và nền kinh tế đất nước ngày càng mở.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong thế giới thay đổi nhanh chóng và buộc DN phải chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng thay đổi từ khách hàng, nhân viên, đối thủ cạnh tranh, cổ đông và các bên liên quan khác.

Bài toán không dễ với SME

Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hầu hết DN Việt cũng đã xác định chuyển đổi số là con đường sống còn để tồn tại.

Thế nhưng, ngay cả trước đại dịch, hầu hết DN nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam cũng đã đối mặt với nhiều khó khăn do quản trị kém, khả năng cạnh tranh, năng lực sáng tạo còn thấp, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và chi phí vận hành cao.

Chuyển đổi số - Lựa chọn sống còn của doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

PGS. TS. Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT. (Ảnh: MN)

Trong khi đó, vấn đề chuyển đổi số lại mới mẻ… nên các DN còn “lưỡng lự” tiến hành cũng như lựa chọn lĩnh vực để chuyển đổi.

Về vấn đề này, PGS. TS. Quang Trung nhận định, chuyển đổi số trong DN thường diễn ra theo hai hình thức chính.

Một là ứng dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh hiện tại, chẳng hạn để tăng trải nghiệm khách hàng từ khâu ra quyết định mua hàng cho đến hậu mãi.

Hai thay đổi hoàn toàn mô hình hoạt động và cấu trúc, ví dụ như thay đổi mô hình doanh thu dựa trên công nghệ số mới và dữ liệu lớn.

Dù chuyển đổi số đã có mặt hơn 10 năm, nhưng theo chuyên gia từ Đại học RMIT, có thể cần có thêm thời gian để xác định những công ty đi đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam vì nhu cầu này mới trở nên cấp thiết với đất nước trong giai đoạn gần đây.

Hiện phần lớn chuyển đổi số ở DN trong nước và quốc tế đều dựa trên các giải pháp tình huống.

TS Trung cho biết: “Nghiên cứu mới đây chúng tôi hợp tác thực hiện với KPMG cho thấy DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN tư nhân lớn đang chuyển đổi số tốt.

Tuy nhiên, xét về năng lực và quản trị, cả nhóm DN nhà nước và DN SME ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khởi trên hành trình này”.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về độ sẵn sàng tiếp cận thành tựu cuộc cách mạng 4.0 đối với gần 2.700 DN, có tới 61% DN còn đứng ngoài cuộc và 21% DN mới bắt đầu nhập cuộc.

Hiện nay, DN SME chiếm 97% tổng số DN của Việt Nam nhưng trình độ khoa học, công nghệ còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các DN là nhập khẩu, gần 80% là công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.

Như vậy, nhìn vào thực tế có thể thấy, rõ ràng, chuyển đổi số là một quá trình không dễ dàng nếu không muốn nói là vô vàn thách thức đối với bản thân SME, không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai, nếu không có những giải pháp phù hợp.

Do đó, theo TS Trung, khi lên chiến lược, các DN SME nên cân nhắc ngành nghề mình đang hoạt động, đối thủ cạnh tranh, quy mô, lĩnh vực ưu tiên, văn hóa DN, cũng như quyết tâm và sự kiên định của cấp lãnh đạo.

Ngoài ra, chuyển đổi số không chỉ là thay đổi sang mô hình kinh doanh mới, mà còn là cơ hội để cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quá trình vận hành. Khi xác lập ưu tiên, nhìn chung cần cân nhắc hai yếu tố chính là tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề.

Chuyên gia từ Đại học RMIT cho rằng, DN Việt cũng cần đưa thêm các yếu tố tác động trong ngắn hạn và dài hạn vào những ưu tiên trong bối cảnh hiện nay với hy vọng dần bước vào chuyển đổi số và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

PGS. TS Nguyễn Quang Trung gợi ý một số điểm giúp SME trong chiến lược chuyển đổi số toàn diện:

- Cần hiểu rõ lý do chuyển đổi số. Nhiều bài học cho thấy những gì giúp DN thành công tại thời điểm này có thể sẽ không còn hiệu quả trong tương lai.

- Cổ súy tinh thần đổi mới sáng tạo.

- Xây dựng năng lực chuyển đổi số trong các hoạt động như: Quản trị DN, chiến lược số hóa, văn hóa DN, công nghệ và bảo mật, phân tích dữ liệu và nhân viên kỹ thuật.

- Hiểu rõ ai sẽ tham gia vào quá trình này.

- Cân nhắc mô hình kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ, kỹ thuật số và thu thập dữ liệu.

- Ưu tiên hiệu chỉnh văn hóa DN, tầm nhìn công ty, quản trị rủi ro, xác lập mục tiêu, an ninh dữ liệu và nhân lực số.

- Hãy hành động ngay lập tức. Đừng đẩy mình vào vị trí của những DN lớn đã trì hoãn quá trình chuyển đổi số như: Sears, Kodak, Nokia và Yahoo. Việc chậm thay đổi trong giai đoạn hiện nay sẽ có thể tác động nặng nề đến DN còn hơn tác động của Covid-19.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số - Lựa chọn sống còn của doanh nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO