Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngành Tài chính đã giảm giấy tờ, thời gian và chi phí cho DN, người dân

TT 21:07 20/09/2024

Ngành Tài chính đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do đó chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách Nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Chiều ngày 20/9/2024, trong khuôn khổ Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2024 (Vietnam Digital Finance - VDF-2024) do Cục Tin học và Thống kê Tài chính cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng tổ chức đã diễn ra phiên chuyên đề "Hiện đại hóa hạ tầng dữ liệu ngành tài chính, xu hướng và các giải pháp công nghệ mới".

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách là yêu cầu bắt buộc

Phát biểu tại phiên chuyên đề, ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính cho biết: Chủ đề CĐS của năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của CĐS, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế, tạo động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

ong-nguyen-minh-ngoc.jpg
Ông Nguyễn Minh Ngọc: Ngành Tài chính đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do đó CĐS trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng.

Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng Internet vạn vật (IoT), hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Trong đó, hạ tầng dữ liệu là bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, an ninh số…

CĐS đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, tạo động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động”.

Ngày 4/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-BTC ban hành chương trình hành động thực hiện Đề án đổi mới quy trình nghiệp vụ ngành Tài chính để thực hiện CĐS. Để thực hiện Đề án, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số ngành Tài chính.

Trong đó, các vấn đề trọng tâm được xác định là: Xây dựng hạ tầng ngành Tài chính hướng tới mọi hoạt động được thực hiện trên môi trường ảo hóa, trong đó, tập trung nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ thống điện toán đám mây ngành Tài chính; Tập trung triển khai xây dựng các nền tảng số trọng tâm ngành Tài chính, đặc biệt là nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu với vai trò là huyết mạch kết nối, trao đổi dữ liệu ngành Tài chính, đảm bảo phù hợp theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước ngày 09/4/2020.

Đồng thời, Đề án cũng xác định tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính; Kết nối, tích hợp dữ liệu phục vụ công tác phân tích, dự báo, đánh giá, và hoạch định chính sách về tài chính - ngân sách; Rà soát, nghiên cứu, triển khai các ứng dụng, dịch vụ số đáp ứng yêu cầu quy trình nghiệp vụ đã được tái thiết kế, phù hợp với lộ trình, kế hoạch CĐS của Chính phủ nói chung và ngành Tài chính nói riêng.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp, công nghệ đảm bảo an toàn an ninh mạng, đặc biệt tập trung vào hoạt động thuê dịch vụ giám sát an toàn bảo mật tại cơ quan Bộ Tài chính.

dsc_9074.jpg
Toàn cảnh sự kiện.

Song song với đó, hoàn thiện nhân lực số ngành Tài chính bằng việc hợp tác có chọn lọc với các tổ chức trong nước và quốc tế xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo hình thức trực tiếp và/hoặc trực tuyến cho các cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị để phục vụ quá trình CĐS các quy trình nghiệp vụ trọng tâm của ngành Tài chính.

Trong những năm qua, ngành Tài chính đã xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu của ngành trên cơ sở ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Ngành Tài chính đã thực hiện CĐS mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội, góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho DN, người dân.

“Ngành Tài chính đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do đó CĐS trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung 3 vấn đề chính là: thể chế, công nghệ và con người. Trong đó, thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển”, ông Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh.

CĐS đang là xu hướng mà mọi DN trong ngành tài chính đều hướng tới

Với tham luận “Vượt qua những thách thức trong CĐS cho ngành Tài chính Việt Nam”, ông Đặng Thành Nhân, chuyên gia cấp cao tư vấn giải pháp kỹ thuật, ManageEngine nhấn mạnh các vấn đề: Làm thế nào để đạt được sự hiệu quả và hoàn thiện trong hành trình CĐS; Xây dựng một nền tảng thống nhất cho cơ sở hạ tầng CNTT; Tìm phương pháp tiếp cận để đạt được sự thành công.

ong-dang-thanh-nhan.jpg
Ông Đặng Thành Nhân: CĐS đang là xu hướng mà mọi DN trong ngành tài chính đều hướng tới vì đó là tương lai.

“CĐS đang là xu hướng mà mọi DN trong ngành tài chính đều hướng tới vì đó là tương lai. Tuy nhiên, CĐS không hề dễ dàng, nó mang đến những thách thức cho DN”, ông Đặng Thành Nhân chia sẻ.

“Sử dụng dữ liệu thanh toán hỗ trợ thực hiện chính sách công”, tham luận của ông Ravi Iyer, Trưởng bộ phận tư vấn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Khối giải pháp khu vực công, Visa đã đề cập, phân tích vai trò then chốt của dữ liệu thanh toán trong việc định hình các quyết định chính sách công hiệu quả. Qua đó, thấy được tầm quan trọng của dữ liệu thanh toán trong việc nhận biết thói quen chi tiêu và điều kiện kinh tế, mang lại những thông tin kịp thời và chính xác.

ong-ravi-iyer.jpg
Ông Ravi Iyer nhấn mạnh sự cần thiết của việc chia sẻ dữ liệu có trách nhiệm và sự hợp tác giữa các khu vực công và tư.

“Hãy tìm hiểu về tiềm năng của dữ liệu thanh toán trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, nâng cao số hóa các dịch vụ công, cũng như xây dựng các biện pháp chính sách nhắm đến mục tiêu cụ thể”.

Ông Ravi Iyer cho biết, dữ liệu của Visa đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch, hỗ trợ các DN nhỏ, và lập kế hoạch cho các thành phố bền vững.

Ngoài ra, ông Ravi Iyer cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc chia sẻ dữ liệu có trách nhiệm và sự hợp tác giữa các khu vực công và tư.

Trình bày tham luận “Chiến lược và giải pháp quản lý dữ liệu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo - AI”, ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Công nghệ, Dell Technologies Vietnam cho biết: Trong kỷ nguyên lấy dữ liệu làm trung tâm, chúng ta cần có khả năng tạo ra giá trị từ tất cả nguồn vốn dữ liệu của mình, từ thiết bị biên cho đến đa đám mây và đến lõi.

o-nguyen-duc-thang.jpg
Ông Nguyễn Đức Thắng: Trong kỷ nguyên lấy dữ liệu làm trung tâm, chúng ta cần có khả năng tạo ra giá trị từ tất cả nguồn vốn dữ liệu của mình, từ thiết bị biên cho đến đa đám mây và đến lõi.

Để cạnh tranh trong kỷ nguyên số, các tổ chức, DN cần những giải pháp mới để phát triển quản lý dữ liệu từ những hệ thống cô lập, cứng nhắc, tốn kém và chậm chạp thành các hệ thống thống nhất cho phép phân tích. AI với tốc độ, khả năng mở rộng và độ tin cậy cao có thể đảm nhận vấn đề này.

Data Lakehouse hỗ trợ kinh doanh, phân tích, ứng dụng dữ liệu thời gian thực, khoa học dữ liệu và học máy trong một hệ thống duy nhất, cung cấp quyền truy cập trực tiếp, nhanh chóng vào dữ liệu tin cậy cho các nhà khoa học dữ liệu, nhà phân tích kinh doanh và những người khác cần dữ liệu để thúc đẩy giá trị kinh doanh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ngành Tài chính đã giảm giấy tờ, thời gian và chi phí cho DN, người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO