PV: Nhu cầu đọc sách điện tử đang ngày một tăng lên, nhất là từ khi dịch bệnh COVID bùng phát, nhưng hiện số lượng sách điện tử chỉ chiếm khoảng 5 - 7% trong tổng số đầu sách. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Sách được đọc nhiều là một tín hiệu tốt, rất tốt là khác. Khi COVID bùng phát, mọi người ở nhà, không ra ngoài, và nhiều người đã tìm đến sách. Sách lâu nay bị ngủ quên trên giá, nay được mang ra. Mấy anh bạn của tôi tâm sự, họ đã đọc xong mấy bộ sách dày vốn để dành và nay mới có cơ hội mang ra thưởng thức. Nhiều người giật mình. Nhiều bạn trẻ tự nhiên có thói quen mới là đọc sách thay vì chỉ lướt facebook hay làm những việc vô bổ.
Tuy nhiên, sách điện tử còn chiếm một phần rất khiêm tốn bởi nhiều lý do khác nhau. Trên thế giới chỉ có ở Mỹ là tỷ trọng sách điện tử mới cao chiếm đến một nửa, còn tại các quốc gia khác, kể cả châu Âu hay Nhật cũng chưa được như vậy.
Tại hội thảo gần đây nhất của ngành Xuất bản thế giới mà tôi tham gia cũng bàn về chuyện này. Ngay chương trình tọa đàm "khuyến đọc tại các nước ASEAN" mà Thái Hà Books tổ chức online sáng 22/2/2022, chuyên gia các nước trong khối cũng bàn về chuyện này và vẫn đang tìm các giải pháp.
PV: Vậy theo ông, để đẩy mạnh xuất bản sách điện tử thì chúng ta cần phải làm gì?
TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Cần có một loạt các kế hoạch, chính sách và biện pháp. Đầu tiên là tìm cách chống sách lậu. Sách giấy lậu đang tràn lan và vẫn chưa có cách để chấm dứt thì sách điện tử càng khó nữa. Nếu không dẹp sách lậu, các đơn vị xuất bản không dám xuất bản sách điện tử, vì không có lãi mà lại mất uy tín, tốn công sức và thời gian.
Thứ hai, cần thay đổi nhận thức của bạn đọc, cần có các chương trình truyền thông để nhận thức của bạn đọc trở nên đúng đắn. Thứ ba, cần nhiều hoạt động khuyến đọc. Chiều 22/2 vừa qua, Thái Hà Books đã công bố dự án khuyến đọc Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo ngành Xuất bản, ngành Thư viện, ngành Giáo dục, giới trí thức, giới doanh nhân, và các tầng lớp bạn đọc nhiều ngành nghề và mọi lứa tuổi. Quỹ khuyến đọc đã chính thức thành lập. Công ty sách Thái Hà cũng đã công bố giải thưởng khuyến đọc.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình dạy đọc sách siêu tốc, hướng dẫn đọc sách và ứng dụng sách, các chương trình truyền cảm hứng,… liên tục được tổ chức. Cứ như vậy, văn hóa đọc phát triển và việc đọc sẽ thành tự nhiên. Nếu tất cả các cấp, các ngành, mọi địa phương, mọi tầng lớp nhân dân tham gia thì chắc chắn có sự thay đổi. Tôi nhắc đi nhắc lại rằng, việc dù nhỏ đến đâu mà đông người tham gia thì thành việc lớn, có ý nghĩa. Còn việc dù lớn đến đâu mà thật đông người tham gia sẽ thành chuyện nhỏ xíu thôi.
PV: Mục tiêu năm 2025 của ngành Xuất bản là tăng 20 - 30% xuất bản phẩm điện tử. Với tình hình hoạt động xuất bản điện tử hiện nay thì liệu có đạt được không? Nếu đạt được mục tiêu này thì so với các nước trong khu vực chúng ta sẽ đứng ở vị trí nào?
TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Mục tiêu là đúng nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không có đồng loạt các cơ chế, chính sách và kế hoạch cụ thể thì không thể đạt được. Nếu cứ như hiện nay thì khó, thật sự khó. Chính cá nhân tôi xuất thân từ FPT với 12 năm làm việc, cảm thấy mình thật sự tâm huyết, đam mê, phụng sự hết mình mà còn thấy khó thì… Rõ ràng cần các hội thảo, tọa đàm và cần sự vào cuộc của nhiều cấp ngành.
Nếu đạt được kế hoạch này chúng ta bước vào tầng giữa của khu vực đấy. Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ 2 năm 2022 - 2023, khi Việt Nam là Chủ tịch và Tổng thư ký Hiệp hội xuất bản ASEAN, chúng ta phải làm được gì đó, một vài kết quả nào đó tạo dấu ấn, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả khối ASEAN.
PV: Việt Nam cần chuyển đổi số ngành Xuất bản như thế nào để thu hẹp khoảng cách với thế giới về xuất bản điện tử?
TS. Nguyễn Mạnh Hùng: Đây phải là cả một loạt các biện pháp mạnh và dứt khoát. Có lẽ cần gấp một vài tọa đàm, hội thảo cấp quốc gia. Chúng ta cần tổ chức sớm nhất ngay tháng 4, tháng có Ngày sách Việt Nam và chúng ta tổng kết lại rồi làm ngay, hành động ngay. Nếu không làm ngay, năm 2022 lại trôi qua rất nhanh mà không có kết quả đáng kể. Tôi muốn nhấn mạnh đến từ chuyển đổi. Năm 2022, cần chuyển đổi cả trong nhận thức lẫn kế hoạch hành động, cả trong 3 lĩnh vực là xuất bản, phát hành và quản trị.
Tôi tin vào tương lai của 5 năm tới. Nhất là chúng ta có Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rất tâm huyết, rất ủng hộ, rất quyết liệt. Chúng ta có anh Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành có kinh nghiệm, gắn bó, nhiệt huyết. Chúng ta có Hội Xuất bản cũng đang rất quyết tâm và chuẩn bị đại hội. Nếu chúng ta bàn kỹ và sâu với ngành thư viện và ngành giáo dục nữa thì thành công trong tầm tay.
Chúng tôi hy vọng sớm có các thành tựu để trưng bày trong Bảo tàng sách và văn hóa đọc mà Thái Hà Books vừa ra mắt hôm 22/2/2022 vừa qua.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!