Thực tế cho thấy, liên tục trong nhiều năm qua, EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ các hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Hướng tới những mục tiêu cụ thể
Cụ thể, việc cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử được áp dụng bao gồm EVN, các Tổng Công ty/ Công ty Điện lực/ các Trung tâm CSKH trên toàn quốc với hơn 28 triệu khách hàng sử dụng điện tại Việt Nam. Các khách hàng sử dụng điện trong phạm vi quản lý của đơn vị điện lực, có thể thực hiện tra cứu, tải hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ dịch vụ điện theo hình thức điện tử đa kênh như qua trang web CSKH, ứng dụng CSKH Mobile App, Zalo Page.
Việc chuyển đổi từ hình thức hợp đồng, hồ sơ giấy tờ vật lý sang định dạng điện tử tại các đơn vị điện lực cũng đem lại sự cải thiện rất lớn đối với quy trình quản lý cung cấp dịch vụ điện theo hướng tiết kiệm tối đa chi phí, đạt hiệu quả cao trong công tác kinh doanh điện, với những lợi điểm như: giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ hợp đồng, hồ sơ giấy tờ, giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh; giảm chi phí về nhân công, tiết kiệm nhân lực tham gia trong công tác cung cấp dịch vụ điện.
Năm 2021, EVN đã lựa chọn chủ đề “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng; phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.
Để đạt được mục tiêu hoàn thành Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số vào năm 2022, các đơn vị thành viên phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm, hực hiện hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm và 40 chỉ tiêu cần đạt được, như xây dựng chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số; xác định chuyển đổi số là trách nhiệm của toàn thể người lao động trong toàn Tập đoàn.
Triển khai đồng bộ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám Đốc Công Ty Điện Lực Lào Cai (PC Lào Cai) cho biết: Là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, thực hiện quan điểm chỉ đạo, chiến lược của tổng công ty và xuất phát từ thực tế, PC Lào Cai đã nỗ lực chuyển đổi số với nhiều kết quả quan trọng.
Việc đánh giá năng lực của PC Lào Cai trong chuyển đổi số dựa trên 5 lĩnh vực: Chiến lược và văn hóa chuyển đổi số (tích hợp với văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn và văn hóa kinh doanh); mức độ gắn kết nhân viên và khách hàng số; thực trạng ứng dụng công nghệ; mức độ số hóa quy trình hoạt động; khả năng quản lý, phân tích và sử dụng dữ liệu.
PC Lào Cai xây dựng mục tiêu chiến lược trong lĩnh vực chuyển đổi số là quy trình số áp dụng các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2023 hoàn thành trước các thời hạn của tổng công ty 2 tháng; giảm tỷ lệ khách hàng khiếu nại qua đường dây chăm sóc khách hàng của tổng công ty, tăng tỷ lệ khách hàng tham gia các nhóm tương tác qua zalo, tỷ lệ khách cài đặt và sử dụng app, thanh toán tiền điện qua các công cụ trực tuyến, số lượng các kênh truyền thông trên mạng xã hội (facebook, zalo, viber).
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn: Chuyển đổi số giúp nâng cao năng lực cạnh tranh tăng tốc và bứt phá trên thị trường; xây dựng trải nghiệm số nhân viên và mang lại sự gắn kết chủ động trong công việc; thúc đẩy văn hóa đổi mới và chuẩn bị cho khả năng thích ứng với biến đổi; duy trì và đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho đội ngũ cán bộ công nhân viên; chuyển đổi số không chỉ là công nghệ là trách nhiệm của bộ phận công nghệ thông tin, mà còn là văn hóa số, là nhiệm vụ của cán bộ, công nhân viên.
Mục tiêu chuyển đổi số được PC Lào Cai cụ thể hóa bằng hành động, bước đầu đã xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động và tăng sự hài lòng của khách hàng về dịch vụ ngành điện.
Hiện đã có 333/347 máy cắt recloser, LBS, tủ RMU được kết nối tín hiệu về trung tâm điều khiển xa với tỷ lệ 96%; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 65,99%; tỷ lệ công tơ thu thập tín hiệu từ xa đạt trên 95%; công tác số hóa hợp đồng đạt trên 100%; PC Lào Cai đã khảo sát hiện trường, vẽ sơ đồ 1 sợi và chuẩn hóa thông tin khách hàng cập nhật lên hệ thống CMIS và dán tem khách hàng đạt 100% khối lượng các trạm biến áp; 7/7 trạm biến áp 110 kV đã thực hiện thao tác xa và chuyển đổi sang hình thức không người trực; hệ thống điện thông minh, việc ứng dụng DMS được đơn vị triển khai thử nghiệm thành công trên lưới điện trung áp…
Đối với việc chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị, PC Lào Cai đã tích hợp thành công các giá trị biểu hiện của chuyển đổi số và hệ thống quy trình, quy định nội bộ trên cơ sở các cặp giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng thành công việc đánh giá khung năng lực về chuyển đổi số cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công ty. Những thành quả bước đầu sẽ là động lực để PC Lào Cai thực hiện thành công việc chuyển đổi số.
Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ xuống các đơn vị thành viên và đúng hướng không chỉ tạo sức bật lớn cho EVN mà còn tạo sức bật cho chính các đơn vị thành viên, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Sự hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện ngày càng tăng lên.
Hiện nay, EVN đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. EVN định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động nhằm đưa EVN trở thành Tập đoàn kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả./.