“Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số EVN giai đoạn 2021-2025 do Hội đồng thành viên EVN ban hành đã đề ra tất cả các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là lãnh đạo các cấp trong EVN phải cam kết chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa và việc thực thi phải quyết liệt hơn nữa. Mọi việc đều xuất phát từ ý chí của lãnh đạo, người đứng đầu phải vào cuộc cả hệ thống mới “chạy” theo, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN nói về hành trình chuyển đổi số tại tập đoàn.
Khi ‘nói đi đôi với làm’
Thực tế, để có những bước thành công ban đầu trong hành trình chuyển đổi số hiện nay, EVN đã trải qua đến 3 giai đoạn chuyển đổi trong một thời gian khá dài. Đặc biệt, việc chuyển đổi số xuất phát từ các yêu cầu tự thân của EVN khi các lãnh đạo tập đoàn hướng đến sự thay đổi toàn diện về quy trình, quản trị hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng tới việc thay đổi bộ máy vốn đánh giá cồng kềnh tại thời điểm vài năm trước đây.
Một hành trình chuyển đổi tóm tắt chỉ trong vài dòng như vậy nhưng thực tế không ít sức ép đã đặt ra với toàn thể bộ máy, từ những lãnh đạo cao nhất của EVN đến các nhân viên ở từng bộ phận khi phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận với công nghệ vốn đã được ứng dụng nhiều tại EVN từ trước đó.
Từng bước từng bước vượt qua khó khăn, đến nay việc ứng dụng công nghệ như triển khai phần mềm Digital Office đến đơn vị cấp 4; ban hành 27.000 mã định danh điện tử để các đơn vị gửi/nhận văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia; đưa vào sử dụng hệ thống báo cáo điều hành (BI); hoàn thành xây dựng ứng dụng phục vụ người lao động (SmartEVN)…. đã giúp tiết kiệm hàng triệu giờ lao động, đơn giản hóa việc tra cứu, theo dõi luồng công việc thay vì những việc làm thủ công trong công việc hàng ngày trở thành ‘cơm ăn, nước uống’ của cán bộ, nhân viên và cả lãnh đạo các đơn vị trực thuộc cũng như ở chính EVN.
Rồi cũng từ lúc nào không rõ, việc đơn giản hóa các dịch vụ cung cấp điện năng cũng được chuyển đổi kéo theo sự hài lòng không nhỏ của hàng triệu triệu khách hàng của ngành điện trên cả nước.
Để ‘nói đi đôi với làm’, không hô hào suông, EVN đã nhờ đến cơ quan bên ngoài là VCCI đánh giá, chấm điểm chất lượng dịch vụ, tiếp cận điện năng của chính ngành điện. Nỗ lực cộng với sức ép thay đổi mỗi ngày đã đem đến thành công vượt cả mong đợi. Đến nay, EVN đã ứng dụng ký số điện tử, hóa đơn điện tử, từng bước số hóa hợp đồng mua bán điện, thanh toán điện tử,… Tập đoàn cũng đã cung cấp 100% dịch vụ điện cấp độ 4; cung cấp dịch vụ điện trực tuyến qua Cổng thông tin dịch vụ công của 63 tỉnh, thành phố, Cổng dịch vụ công quốc gia, triển khai qua App chăm sóc khách hàng (CSKH), tổng đài CSKH, website CSKH ... Với các nền tảng này, khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần vài cú click chuột hoặc thao tác trên điện thoại di động kết nối internet.
Trong công tác đầu tư xây dựng, EVN đã triển khai áp dụng thí điểm các module quản lý hồ sơ điện tử, quản lý tiến độ, nhật ký thi công. Đáng chú ý, đơn vị trực thuộc Tập đoàn cũng bước đầu đã hoàn thành ứng dụng AI và mô hình trí tuệ nhân tạo tự động kiểm tra, phát hiện bất thường, kiểm soát công trường, chất lượng công trường từ xa; ứng dụng các công nghệ UAV, BIM, 3D trong khâu khảo sát, thiết kế; sử dụng UAV trong kiểm tra định kỳ và hành lang lưới điện, trạm biến áp không người trực...
Các nỗ lực để cải cách các thủ tục về dịch vụ điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện của EVN những năm qua đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (là 1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.
Hành trình chuyển đổi không ngừng nghỉ
Với những nỗ lực không ngừng, nhiều chỉ số trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng của EVN đã nằm trong Top 4 ASEAN như chỉ số tiếp cận điện năng, điểm hài lòng khách hàng... EVN cũng là đơn vị đầu tiên trong khu vực ASEAN triển khai hợp đồng mua bán điện điện tử và thực hiện các dịch vụ điện với hình thức điện tử.
Về những khó khăn mà EVN đã phải vượt qua để có bước chuyển đổi này, theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, trước hết chính là rào cản về trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công nhân viên chưa đồng đều, nhất là ở những đơn vị vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, nguồn nhân lực hiểu và đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới còn hạn chế, đặc biệt là các công nghệ nền tảng như: IoT, Bigdata, AI, Cloud, BI,…
Cũng theo ông Lâm, EVN cũng sẽ tiếp tục chuyển đổi mô hình kinh doanh để giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động và đồng bộ hóa với quá trình số hóa của xã hội, các đối tác để mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh mới trên cơ sở nền tảng kỹ thuật số; đơn giản hóa việc quản lý và cung cấp dịch vụ, giải quyết các vấn đề tiềm ẩn trước khi xảy ra; thực hiện phân tích, điều hành, giám sát hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng trên dữ liệu được số hóa và cung cấp bởi các hệ thống tự động…
Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, đến nay, chuyển đổi số ở EVN đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của tập đoàn đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Có thể nêu một số điển hình như: trong công tác quản trị, các hoạt động lập kế hoạch, quản trị tài chính, nhân sự, đào tạo, văn thư lưu trữ đã được chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong năm 2021, tập đoàn và các đơn vị đã tổ chức hàng ngàn cuộc họp trực tuyến; lưu chuyển hàng vạn văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia; ký số hơn 10.000 văn bản…
Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng cũng đã được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số: tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; tỷ lệ giao dịch qua môi trường trực tuyến đạt trên 99%. EVN cũng đã áp dụng hóa đơn điện tử, cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, giúp khách hàng có thể kết nối với dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, 24/7.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với mục tiêu rõ ràng xuất phát từ những yêu cầu tự thân như vậy, khi thực hiện thành công, EVN sẽ còn tiến một bước xa hơn nữa trên bản đồ chuyển đổi số của ngành điện thế giới hiện nay.