Chuyển đổi số thư viện toàn quân: Xu hướng tất yếu phát triển thư viện, thúc đẩy văn hóa đọc

06/12/2022 10:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã giúp ích to lớn cho mọi hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực nghe nhìn. Sự tiện ích ấy đã làm giảm số lượng độc giả đến với thư viện đọc sách giấy. Vì vậy, chuyển đổi số thư viện là đòi hỏi tất yếu, là cơ sở đột phá cho sự đổi mới và phát triển trong lĩnh vực thư viện, cũng như công tác quản lý bảo quản sách, giới thiệu tuyên truyền sách và phục vụ bạn đọc.

Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện là quá trình số hóa các nguồn tư liệu hiện có trong các cơ quan thông tin, thư viện; ứng dụng công nghệ số thích hợp để xử lý nguồn tư liệu số hóa đó cho tạo lập các sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện có giá trị gia tăng, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác thư viện. Thông qua đó hình thành văn hóa số trong khai thác và sử dụng thông tin của cộng đồng và phát triển văn hóa đọc ở đơn vị cơ sở.

Đổi mới toàn diện công tác thư viện bằng số hóa

Số hóa hoạt động thư viện là một nhiệm vụ cấp thiết, xu hướng tất yếu để phát triển thư viện, văn hóa đọc, nâng cao trình độ về mọi mặt ở đơn vị cơ sở hiện nay.

Số hóa nhằm cải thiện quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức làm việc cho nhân viên thư viện và đổi mới toàn diện công tác thư viện. Để làm được việc đó, cần ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số để nâng cao năng lực hoạt động thư viện, hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, thân thiện, tiện ích, đáp ứng nhu cầu đọc mọi nơi, mọi lúc; tạo dựng thói quen đọc sách, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp lành mạnh, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Có thể nói, công nghệ thông tin và mạng xã hội đã giúp ích to lớn cho mọi hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực nghe nhìn. Chính yếu tố tiện ích ấy đã làm giảm số lượng độc giả đến với thư viện đọc sách giấy. Vì thế, chuyển đổi số ngành Thư viện là xu hướng tất yếu khách quan, nếu không tiến hành chuyển đổi số nhanh, chúng ta có nguy cơ tụt hậu xa trong thời đại cách mạng 4.0. Chuyển đổi số là cơ sở đột phá cho sự đổi mới và phát triển trong lĩnh vực thư viện, cũng như công tác quản lý bảo quản sách, giới thiệu tuyên truyền sách và phục vụ bạn đọc.

Chuyển đổi số Thư viện toàn quân: Xu hướng tất yếu phát triển Thư viện, thúc đẩy Văn hóa đọc - Ảnh 1.

Thượng tá Phạm Văn Giang, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Hải quân tại buổi giao lưu hoạt động phát triển Văn hóa đọc. (Ảnh: PV)

Lĩnh vực hoạt động văn hóa, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội luôn được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm; thiết chế văn hóa được bố trí tới cấp Đại đội; Nhà Văn hóa được tổ chức từ cấp Trung lữ đoàn đến cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng, đầu tư cơ sở vật chất từng bước được nâng cao, đáp ứng hoạt động ở đơn vị.

Theo Thông tư 138 /TT-BQP của Bộ Quốc phòng về quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quy chế tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa trong Quân đội Nhân dân Việt Nam của Tổng cục Chính trị, thì sách báo được cấp tới các hệ thống thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh, phòng sinh hoạt Đại đội và tương đương; hoạt động thư viện tổ chức có nền nếp và thường xuyên ghi nhận những kết quả tích cực.

Chuyển đổi số Thư viện toàn quân: Xu hướng tất yếu phát triển Thư viện, thúc đẩy Văn hóa đọc - Ảnh 2.

Sách được cấp tới các thư viện, phòng Hồ Chí Minh trong toàn Quân chủng Hải quân. (Ảnh: PV)

Hải quân Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ từ Quảng Ninh tới Mũi Cà Mau, trên núi cao tới các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Địa bàn hoạt động, đóng quân rộng lớn như vậy nhưng công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc của Hải quân có rất nhiều nét đổi mới, cách làm sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm như: Tổ chức Hội thi Thư viện phòng Hồ Chí Minh năm 2018, Thi Tuyên truyền sách bằng hình thức clip năm 2017; Tham gia Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị tổ chức; Giao lưu tọa đàm với các học giả có chuyên môn về văn hóa đọc và Triển khai mô hình đọc sách theo nhóm, Phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tặng hàng chục ngàn đầu sách cho bộ đội và tổ chức Tọa đàm về chủ đề Văn hóa đọc giữa nghệ sĩ, hoa hậu với bộ đội Hải quân; tham gia Cuộc thi Giới thiệu Sách trực tuyến năm 2022 đã giành rất nhiều giải cao…..  Đặc biệt, năm 2022, Chính ủy Hải quân cũng đã ra Chỉ thị về Nâng cao chất lượng hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc giai đoạn 2022 đến 2027 và những năm tiếp theo. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để Lãnh đạo Chỉ huy quan tâm đầu tư hơn nữa cho hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc tại các đơn vị. 

Chuyển đổi số Thư viện toàn quân: Xu hướng tất yếu phát triển Thư viện, thúc đẩy Văn hóa đọc - Ảnh 3.

Triển khai mô hình đọc sách theo nhóm. (Ảnh: PV)

Chuyển đổi số Thư viện toàn quân: Xu hướng tất yếu phát triển Thư viện, thúc đẩy Văn hóa đọc - Ảnh 4.

Thiếu tá Đoàn Thị Minh Hường, Thư viện Quân chủng Hải quân đạt Giải Xuất sắc Cuộc thi giới thiệu Sách trực tuyến năm 2022. (Ảnh: PV)

Một số giải pháp phát triển công tác Thư viện và Văn hóa đọc

Qua thực tiễn các hoạt động trên, công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc của Hải quân đã từng bước đi vào nền nếp, mô hình hoạt động phong phú, đa dạng, sát với điều kiện thực tế….Tuy nhiên, để tạo thói quen đọc sách cho cán bộ chiến sĩ vẫn cần phải có nhiều đổi mới, đòi hỏi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, số hóa công tác quản lý, phổ biến, bảo quản sách và công tác phục vụ bạn đọc bằng một số giải pháp sau:

Một là: Đầu tư hệ thống máy tính và kết lối đường truyền QS2 tới các cấp Trung đội, Đại đội, Phòng Hồ Chí Minh, thư viện của các cấp. Tính toán sử dụng đường truyền QS1 để tận dụng hệ thống máy tính đã được đầu tư tới các phòng chức năng của cấp Quân khu, Quân chủng. Đầu tư máy scen chuyên dụng cho các thư viện cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Hai là: Thư viện Quân đội nên phối hợp với Viettel nghiên cứu phần mềm ứng dụng thư viện điện tử; thư viện số tích hợp để phục vụ bạn đọc mượn, trả sách điện tử, sách số, đọc sách số trên mạng xã hội và mạng quân sự. Lựa chọn sách không có tính bí mật quân sự, được phổ biến trên toàn xã hội thì nên chuyển tải trên mạng sã hội. Sách có yếu tố khoa học quân sự thì phổ biến trên mạng quân sự. Nghiên cứu, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng...) để cung cấp các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện ở mọi lúc, mọi nơi...

Ba là: Có lộ trình tăng cường mua sách điện tử (sách nói và sách bằng file Word). Có kế hoạch số hóa toàn bộ sách hiện có trong Thư viện Quân đội và thư viện các cấp. Đẩy mạnh các dự án số hóa tài liệu, tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, hợp đồng, thuê, mua các cơ sở dữ liệu sách số. Đồng thời, xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện trong quân đội, thư viện ngoài dân sự và nước ngoài; hợp tác bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số, sách số. Làm việc chặt chẽ với tác giả về bản quyền và cấp phép sử dụng.

Ba giải pháp trên cần được triển khai đồng bộ, nếu thiếu một yếu tố sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.

Chuyển đổi số Thư viện toàn quân: Xu hướng tất yếu phát triển Thư viện, thúc đẩy Văn hóa đọc - Ảnh 5.

Hội thi Thư viện cấp Quân chủng được tổ chức 5 năm một lần. (Ảnh: PV)

Công tác chuyển đổi số thành công mới chỉ là cơ sở khởi đầu để phát triển và đổi mới công tác thư viện. Để tài nguyên số hóa được phát huy tối đa giá trị, phong trào phát triển văn hóa đọc có thật sự đi vào cuộc sống, tạo thói quen đọc sách hằng ngày của bộ đội hay không, tôi xin đề xuất thêm 3 giải pháp sau:

Một là: Bộ Quốc phòng nghiên cứu bố trí thời gian hành chính trong tuần cho hoạt động văn hóa (trong đó có hoạt động Văn hóa đọc). Hiện tại, hoạt động văn hóa chỉ được tổ chức vào ngày nghỉ, giờ nghỉ nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động.

Hai là: Đào tạo phát triển nguồn nhân lực thư viện có tư duy, kiến thức kỹ thuật số, có khả năng định hướng văn hóa số cho cộng đồng khai thác sử dụng thông tin và kỹ năng tổ chức giao lưu, tọa đàm, tuyên truyền sách…

Ba là: Cho sử dụng một phần ngân sách mua sách hằng năm để tổ chức các hoạt động phát triển Văn hóa đọc và đầu tư cho hệ thống máy tính, phần mềm ứng dụng. Theo tiêu chuẩn mua sách cho bộ đội, hằng năm chúng ta đã phát hành đầy đủ sách tới thư viện phòng Hồ Chí Minh, lượng sách rất đầy đủ nhưng bạn đọc lại thờ ơ với sách; vì vậy chúng ta cần sử dụng một phần ngân sách mua sách để tổ chức hoạt động truyền thông, tọa đàm, xây dựng clip tuyên truyền sách, tổ chức các cuộc thi về thư viện, kể truyện sách, thu âm để chuyển thành sách nói./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số thư viện toàn quân: Xu hướng tất yếu phát triển thư viện, thúc đẩy văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO