Vài năm trở lại đây, người ta nhắc ngày càng nhiều đến “chuyển đổi số" (digital transformation), trong giáo dục, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế xã hội, học sinh, sinh viên không thể đến trường, chuyển đổi số thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới.
Ở Việt Nam, các trường đại học nói chung và Trường Đại học Văn Lang nói riêng đang từng bước áp dụng xu hướng này trong quá trình dạy và học.
Để hiểu rõ hơn về tiến trình chuyển đổi số tại trường Đại học Văn Lang, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí – Chủ tịch Hội đồng trường.
PV: Trường Đại học Văn Lang là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong, tiếp cận rất sớm chuyển đổi số trong giáo dục, tại sao Nhà trường lại quyết định đi theo con đường này, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí: Mấy năm gần đây, từ khóa “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” được nhắc đến rất nhiều, với tư cách là một tổ chức giáo dục chúng tôi dự cảm rằng sẽ có một cái gì đó đến, do đó các campus mà chúng tôi xây dựng gần đây đều thiết kế cơ sở vật chất theo hướng hoàn toàn mới, đầu tư cho công nghệ thông tin từ đầu vì hiểu rằng khi xảy ra bất cứ điều gì thì phải có hạ tầng.
Và dịch COVID-19 đã đẩy tiến trình này đến nhanh hơn 5 năm so với kế hoạch dự đoán của chúng tôi.
PV: Đào tạo trực tuyến rõ ràng không phải là điều mới mẻ, lạ lẫm, nhưng đào tạo trực tuyến trong hoàn cảnh dịch COVID phức tạp hoàn toàn không có lựa chọn tiếp cận trực tiếp dẫn đến thay đổi ở nhiều khía cạnh khác, đòi hỏi nhiều điều kiện mới. Vậy từ năm 2020 đến nay, tại Trường Đại học Văn Lang đã có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí: Hơn 1 năm không phải là quãng thời gian dài để đánh giá một quá trình giáo dục nhưng rõ ràng đào tạo trực tuyến đã giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên thay đổi về mặt tư duy, phương pháp dạy – học, nội dung giảng dạy, với những thách thức mới thầy – trò cùng nhau tìm cách vượt qua để đối diện.
Chúng tôi thấy các em sinh viên tiếp thu bài giảng tốt, thầy cô có phương pháp để đánh giá học tập của các em, các kỳ thi vẫn được đảm bảo, tức là quá trình học tập vẫn diễn ra bình thường. Do đó, dù không gặp nhau trực tiếp nhưng dữ liệu, số liệu về lớp học, trường học vẫn hoàn toàn đo đếm được, mà cái gì đo đếm được thì ắt sẽ quản lý được.
Theo thống kê từ Trường Đại học Văn Lang cho thấy, số lượng sinh viên cùng tham gia vào hệ thống để học luôn dao động ở mức 50-80% nên đòi hỏi lượng bài giảng phong phú, sự chuẩn bị hạ tầng thật tốt.
Khắc phục định tính của người Việt, thời đại mới những yếu tố phương pháp công nghệ mới sẽ giúp “tia” được từng chỉ số trong đào tạo, giảng dạy tức là đã đi vào định lượng. Ví như, có khoảng 2.000 thí sinh làm bài kiểm tra thì nhà trường sẽ đánh giá được chất lượng đề thi, câu hỏi khó thì em giỏi mới làm được, câu hỏi bình thường thì em nào cũng làm được, từ đó giúp cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đề thi và các phương pháp đánh giá.
Chưa kể, qua dữ liệu tại Trường Đại học Văn Lang cho thấy em nào muốn đạt điểm xuất sắc từ 9-10 thì số giờ tự học khoảng 54 giờ/ môn, điểm giỏi chỉ học 30 giờ, bậc khá chỉ học 25 giờ.
Triết lý giáo dục của Trường Đại học Văn Lang là đào tạo sinh viên trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, thành ra trước đây nếu phương pháp dạy học truyền thống không thể nào có công cụ đo đếm nên khi doanh nghiệp cần tuyển người thì nhà trường lúng túng trong việc xác định năng lực thực sự của sinh viên.
Giờ đây với những dữ liệu được số hóa, mọi thứ đã được định lượng, do đó tôi cho rằng, thế hệ mới sẽ đào tạo ra những nhà kỹ trị.
PV: Vậy theo ông, để thực hiện chuyển đổi số thành công thì vai trò người thầy sẽ ở đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí: Đang từ dạy học truyền thống khi đổi sang phương pháp mới đúng là có thầy cô lúng túng, khi đó vai trò của nhà trường, tổ chức giáo dục cần phải có thời gian bồi dưỡng, training cho các thầy cô. Nhưng theo tôi cái quan trọng khi thực hiện chuyển đổi số đó là tư duy của người thầy phải thay đổi.
Nếu dạy theo kiểu truyền đạt kiến thức truyền thống thì Google làm tốt hơn người thầy rất nhiều, học sinh sẽ tìm ra lý thuyết, kiến thức nhanh hơn, cập nhật hơn thầy.
Vì theo thống kê, đơn cử kiến thức về y khoa sẽ tăng gấp đôi sau 2 năm trong khi người thầy không thể update toàn bộ kiến thức để đi dạy được mà thầy hiện nay chỉ đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn truyền đạt kinh nghiệm, nói những gì mà thiết bị, Google không có được, đó là trải nghiệm, tâm huyết của mình để truyền cảm hứng cho học trò.
Điều tôi muốn nhấn mạnh thêm là, khi chuyển đổi số thì người học có thể học mọi lúc, mọi nơi nhưng các campus của các cơ sở giáo dục đại học vẫn cứ tồn tại và có giá trị mà không nơi nào có thể thay thế được. Bởi dù học trực tuyến hay trực tiếp thì vẫn là lý thuyết, khi đó campus không chỉ đầy rẫy lớp học mà dần trở thành nơi trải nghiệm cho các em ví như trở thành nơi thực nghiệm y học lâm sàng, đó là trường quay video cho các môn học về truyền thông, đó còn là khu lab, phòng studio….để biến kiến thức lý thuyết sang thực hành.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí.
Vào tháng 3/2021, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ, đại diện Trường Đại học Văn Lang và một số chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã trình bày ý tưởng, kế hoạch triển khai xây dựng nền tảng giáo dục số quốc gia nhằm tạo ra những thay đổi căn bản về mô hình dạy học, quản lý theo hình thức trực tuyến, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục.
Đánh giá cao các đề xuất mang tính tiên phong của Trường Đại học Văn Lang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những đề xuất này sẽ góp phần thiết thực triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng đây là vấn đề mới và khó, do vậy cần thảo luận kỹ, có bước đi thận trọng, thích hợp và cần được thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng.
Đồng ý với đề xuất thí điểm xây dựng trường đại học số của Trường Đại học Văn Lang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, mô hình này phải đầy đủ các chức năng từ dạy và học, đến quản trị, dịch vụ và kết nối liên thông trong hệ thống giáo dục đại học.