Chuyển đổi số từ thực tiễn Báo Hải Dương
Báo Hải Dương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là Ban Biên tập có quyết tâm cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo nhanh nhạy với cái mới, ham học hỏi...
Đây là chia sẻ của Tổng Biên tập Báo Hải Dương Nguyễn Quý Trọng tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 6/2024.
Báo Hải Dương trong Top 10 báo Đảng địa phương trên cả nước có nhiều người đọc nhất
Tổng Biên tập Báo Hải Dương cho biết: Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS) đối với hoạt động thực tiễn của báo chí hiện nay, từ đầu năm 2023 đến nay, Báo Hải Dương đã đẩy mạnh CĐS toàn diện. Đó là CĐS trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo, đưa từng nhiệm vụ CĐS vào công việc đột phá hằng năm.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin nhay nhạy, chính xác, đa dạng, Báo Hải Dương chuyển trọng tâm từ báo in sang báo điện tử, đưa việc livestream trở thành hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh trên các sản phẩm báo chí và mạng xã hội (MXH). Đồng thời, tăng cường sản xuất và chuẩn hoá các sản phẩm báo chí đa phương tiện, sản phẩm báo chí mới như: E-magazine, Podcast, Infographic; tăng nhúng audio, video trong tin, bài; sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) đọc tin, bài…
Từ năm 2023, Báo đưa kỹ thuật viên về phòng phóng viên (PV). Đây vừa là kết quả của CĐS giúp thu gọn bộ phận Thư ký toà soạn. Trong khi đó, bộ phận PV lại cần nhân viên kỹ thuật hỗ trợ để làm hậu kỳ các tác phẩm đa phương tiện, làm đồ hoạ, podcast nhanh và chất lượng tốt hơn. Sự hỗ trợ của kỹ thuật viên cũng giúp PV tập trung hơn vào việc sản xuất nội dung, đi cơ sở, khắc phục tình trạng thiếu PV. Đây là điểm mới trong công tác nhân sự của Báo Hải Dương.
CĐS cũng giúp tái cấu trúc lại toà soạn. Đó là việc vận hành 1 toà soạn cho các loại hình báo chí và các nền tảng khác. 1 toà soạn trên cả góc độ tổ chức nhân sự và trên cả tổ chức sản xuất. Việc thống nhất 1 toà soạn trong quy trình xử lý giúp cơ quan giảm tỷ lệ lao động gián tiếp, tăng tỷ lệ PV. Điều này rất quan trọng cả ở góc độ tài chính, giải quyết bài toán công bằng thu nhập và tăng cường lực lượng sản xuất, tăng số lượng tin, bài.
Báo Hải Dương cũng thường xuyên thống kê, theo dõi lượng truy cập báo điện tử, đồng thời phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng, nhu cầu bạn đọc thông qua tương tác trên các trang MXH. Báo cũng quan tâm làm các sản phẩm, thiết bị nhận diện thương hiệu Báo Hải Dương, quảng bá chéo giữa các ấn phẩm, sản phẩm…
CĐS đã tác động tích cực đến tờ báo. Lượng truy cập Báo Hải Dương điện tử đã tăng 2,35 lần trong quý 1 năm 2023 và duy trì ổn định trong thời gian gần đây. Lượng theo dõi fanpage Facebook tăng 15%. Lượng người đọc báo qua trang Zalo Báo Hải Dương tăng nhiều lần. Báo điện tử Hải Dương luôn xuất hiện trong tốp 10 báo Đảng địa phương trên cả nước có nhiều người đọc nhất.
Fanpage Facebook Báo Hải Dương nằm ở vị trí dẫn đầu về lượng người theo dõi trong các fanpage của báo Đảng địa phương ở miền Bắc được cấp tick xanh và đứng thứ ba cả nước. Trang Zalo có tick vàng chính chủ và có sự tăng trưởng trong năm 2023. Gần đây, báo có nỗ lực mới để phát triển, khẳng định vị trí kênh YouTube.
“Nhờ người đọc báo/xem các kênh MXH tăng lên đã đóng góp vào việc tuyên truyền thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, CĐS của Hải Dương và của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền đề án CĐS của tỉnh, các ngành, địa phương”.
Cùng với đó, Báo Hải Dương đẩy mạnh đổi mới báo in, đưa ứng dụng quét mã QR vào báo in, cải tiến hình thức báo in, cung cấp nhiều thông tin kết nối trên báo in và các sản phẩm của báo, liên kết các ấn phẩm để hỗ trợ phát triển. Đặc biệt, Báo đã tăng cường mảng chính luận trên báo. Số báo nào, ngày nào cũng có bài chính luận ở mục Thời sự và suy ngẫm/Góc nhìn, cafe cuối tuần… bàn về các vấn đề thời sự đang diễn ra ở địa phương, trong nước được ban đọc quan tâm.
Báo Hải Dương cũng thay đổi cách truyền tải thông tin, chú ý đến việc nắm bắt nhu cầu bạn đọc đang cần gì để định hướng phóng viên triển khai thông tin đáp ứng nhu cầu đó.
“CĐS đã hỗ trợ giải quyết những vấn đề mấu chốt của tờ báo. Đó là đưa được tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền đến với đông đảo quần chúng nhân dân và để người dân được nói trên tờ báo của Đảng bộ tỉnh, để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo tỉnh biết được người dân nghĩ gì, cần gì. CĐS đã hỗ trợ giải quyết vấn đề căn cốt đưa tờ báo đến được với đông đảo bạn đọc, càng nhiều người tiếp cận báo thì những tiếng nói ấy mới lan toả, mới hoà chung một nhịp, mới góp phần tạo được sự đồng thuận trong xã hội”, Tổng Biên tập Nguyễn Quý Trọng chia sẻ.
Nhân lực là yếu tố căn cốt để thực hiện CĐS
Theo Tổng Biên tập Nguyễn Quý Trọng, để tạo ra sự chuyển dịch, phát triển hay nói cách khác là thực hiện CĐS thì điều căn cốt đối với cơ quan báo chí là nhân lực. Báo Hải Dương xác định một trong 3 trụ cột phát triển tờ báo là nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế chính sách. Trong đó, quan trọng nhất là phải có đội ngũ nhân lực tốt.
Xác định tầm quan trọng của đội ngũ nhân lực đóng vai trò quan trọng đối với việc CĐS và phát triển của tờ báo, những năm qua, Báo Hải Dương đã mở nhiều lớp tập huấn, mời các giảng viên, chuyên gia giỏi về giảng dạy, nói chuyện; tổ chức các chuyến đi học tập báo bạn, để PV, biên tập viện được trải nghiệm và cọ sát thực tế ở những môi trường làm báo đa phương tiện…
“Báo Hải Dương luôn chú ý đến yếu tố đồng thuận trong cơ quan. Làm sao để sự phát triển của toà soạn mà mọi người đều thấy được lợi ích của mình trong đó, thấy cố gắng của mình được ghi nhận. Coi trọng sự minh bạch, dân chủ, công bằng trong sử dụng, đề bạt, bố trí nhân sự”.
Hiện nay, Báo Hải Dương có 9/50 người trong toà soạn xuất phát điểm đào tạo từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền (chiếm 18% trong tổng thể và hơn 23% trong chuyên môn). Các nhà báo này xuất hiện ở cả 3 cấp: PV - biên tập viên, quản lý phòng (phó phòng) và Ban Biên tập (1 Phó Tổng biên tập). Về cơ bản, những nhân sự này đáp ứng tốt và đóng góp tích cực cho toà soạn.
Tổng Biên tập Nguyễn Quý Trọng cũng chia sẻ những khó khăn về nguồn nhân lực cho Báo Hải Dương thời gian tới, đó là khó khăn trong khâu tuyển dụng. Mặc dù thu nhập của Báo Hải Dương rất tốt, nhưng vẫn khó tuyển những người có năng lực.
“Nhân lực làm báo bây giờ cần đa dạng, cơ quan đang gia tăng tuyển tỷ lệ kỹ sư công nghệ thông tin, nhưng việc tuyển dụng không dễ. Hiện nay, Báo Hải Dương ưu tiên tuyển dụng những sinh viên công nghệ thông tin, tài chính, nghệ thuật để đào tạo làm PV miễn sao các bạn có năng khiếu, có đam mê, có tinh thần học hỏi”.
Báo Hải Dương cũng đề ra chỉ chỉ tiêu mỗi năm phải tăng tỷ lệ người biết làm báo đa phương tiện. Trên thực tế, tỷ lệ các năm đều tăng lên nhưng chưa được như kỳ vọng.
“Vẫn còn có sự trì trệ, ngại thay đổi, ngại tiếp xúc cái mới mà ngại cái mới là CĐS khó khăn vì trước hết phải thay đổi về nhận thức, kiến thức. Trong khi đó, những phóng viên mới thường bỡ ngỡ nhiều vấn đề thực chiến”.
Xuất phát từ đó, Báo Hải Dương đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia giải quyết những vấn đề khó khăn của toà soạn về đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh CĐS hiện nay.
Báo Hải Dương cũng mong muốn trở thành một cơ sở giúp Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo và rèn luyện sinh viên trong môi trường thực tiễn.
“Các bạn có thể ở lại báo sau này hay không là tuỳ các bạn. Nhưng chúng tôi muốn các bạn biết đến Báo Hải Dương. Đây là việc làm tiếp nối liên kết với các loại hình toà soạn trong đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chúng tôi cũng không phân biệt các bạn quê ở Hải Dương hay ở ngoài Hải Dương, miễn là các bạn có thể gắn bó và cống hiến cho tờ báo”, Tổng Biên tập Báo Hải Dương nhấn mạnh./.