Truyền thông

Giải pháp để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng CĐS báo chí hiện nay

Trường Thanh 10:48 23/07/2024

Để báo chí truyền thông thực sự vận hành một cách hiệu quả chuyển đổi số (CĐS), người làm báo không chỉ quan tâm tới công nghệ mà phải tìm nhiều các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế báo chí, trong đó đặc biệt chú trọng đến kinh tế báo chí số.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh kinh tế số" do Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Báo điện tử Vietnamnet, Bộ TT&TT phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội, các chuyên gia đánh giá: Để báo chí truyền thông thực sự vận hành một cách hiệu quả CĐS, người làm báo không chỉ quan tâm tới công nghệ mà phải tìm nhiều các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế báo chí, trong đó đặc biệt chú trọng đến kinh tế báo chí số và tăng trưởng quảng cáo số của các cơ quan báo chí theo xu hướng CĐS hiện nay.

Kinh tế báo chí số là kinh tế báo chí truyền thống được tiếp nối, phát triển và bổ sung kinh doanh nội dung số, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Công nghệ số trên nền tảng phát triển của Internet và sản phẩm báo chí, truyền thông là sự sáng tạo của con người, là tài nguyên và nguồn lực chính để vận hành toàn bộ nền kinh tế báo chí và truyền thông số.

Kết hợp, đan xen kinh tế báo chí truyền thống và kinh tế báo chí số

PGS. TS. Đinh Văn Hường, Trường Đại học KHXH&NV nêu rõ: Kinh tế báo chí số là kinh tế báo chí dựa trên các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số, hệ sinh thái số như: Web, App, mạng xã hội (MXH) Facebook, YouTube, Zalo, Istagram, TikTok; các thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ đeo tay…); Internet và các nền tảng số khác.

hoi-thao-bao-chi-tap-chi-tt-tt_t6-2024(1).jpg
PGS. TS. Đinh Văn Hường phát biểu tại hội thảo

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong CĐS với các công nghệ tiêu biểu là: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) , dữ liệu lớn (big data)… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: cá nhân hóa nội dung; đa nền tảng; báo chí di động; báo chí xã hội; báo chí dữ liệu; báo chí sáng tạo; siêu tác phẩm báo chí.

Một số cơ quan báo chí khá thành công, trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện hiện đại như: Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN); VOV, VTV, VietnamPlus, VietnamNet, Vnexpress,… hoặc một số cơ quan báo chí địa phương như: Hà Nội mới, Sài Gòn Giải Phóng, các báo Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bắc Ninh…

Với tình hình đó, CĐS trong kinh tế báo chí cũng ở các mức độ, cấp độ khác nhau. Mặc dù kinh tế báo chí số đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên, nhìn tổng thể là chưa đồng đều, chưa mạnh, chưa hiệu quả và bền vững.

“Vì thế, thực tế những năm qua nhiều cơ quan báo chí vẫn phải kết hợp, đan xen kinh tế báo chí truyền thống và kinh tế báo chí số để hỗ trợ, bổ sung cho nhau”, PGS. TS. Đinh Văn Hường nhấn mạnh.

Quảng cáo chính là nguồn thu chủ yếu của các cơ quan báo chí

Trong tham luận gửi tới hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết: Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, quảng cáo chính là nguồn thu chủ yếu của các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, quảng cáo là nhu cầu phát triển của cơ quan báo chí, bởi các tòa soạn muốn có tiền để tái đầu tư, đổi mới kỹ thuật và công nghệ làm báo, tăng doanh thu và nâng cao thu nhập cho cán bộ, phóng viên, thu hút người tài, cần phải có kinh phí, trong đó, quảng cáo chiếm phần lớn nguồn thu của cơ quan báo chí.

Ở nước ta, hiện nay thông tin - sản phẩm chủ yếu của ngành báo chí truyền thông được coi là một loại hàng hoá đặc biệt và có đầy đủ thuộc tính của một loại hàng hoá. Nghĩa là có nhà sản xuất ra không phải để tự phục vụ mà để đáp ứng nhu cầu xã hội và có thể trao đổi, mua bán. Thông tin trở thành một trong những “nhu yếu phẩm” không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Công chúng cần rất nhiều loại thông tin, từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và giải trí..., họ sẵn sàng trả tiền để được đáp ứng nhu cầu này.

“Điều không thể chối bỏ về vai trò và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trong việc đăng tải quảng cáo, góp phần kích thích và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí và kích thích nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng để phát triển sản xuất hàng hóa, đây được coi là một trong những vấn đề cơ bản và rất quan trọng của kinh tế thị trường”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

screenshot-137-.png
Ảnh: nhandan.vn.

Đẩy mạnh phát triển quảng cáo số

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi, hiện nay, thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu.

Vì vậy, muốn phát triển quảng cáo nói chung và quảng cáo số nói riêng, các cơ quan báo chí cần phải chú trong đến nội dung, xem nội dung là yếu tố quan trọng, là “vua”. Các cơ quan báo chí cần mở rộng các nhóm công chúng có liên quan và hòa nhập với thị trường, áp dụng triệt để lý thuyết “nội dung là vua”, phát triển công chúng và thị trường ngách.

Ngoài việc chú trọng về nội dung, các cơ quan báo chí cũng cần đầu tư mạnh cho giải pháp kỹ thuật, không có sự hỗ trợ của công nghệ, một tờ báo lớn thậm chí có thể “thua” các blogger về mức độ lan tỏa thông tin, quảng cáo số sẽ sụt giảm.

Hơn thế nữa, các cơ quan báo chí - truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ những người làm truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp, tránh hiện tượng núp bóng nhà báo để “xin” quảng cáo.

Ngày nay, do báo chí in đang bị “thế lực” MXH tấn công và khiến số lượng phát hành giảm mạnh, các nhóm công chúng mới, nhất là giới trẻ đã chuyển sang đọc trực tuyến, do đó, “miếng bánh” quảng cáo bị xé lẻ, nhiều nhà quảng cáo đã dịch chuyển sang quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số. Do đó, các cơ quan báo chí cần xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới. Diện tích quảng cáo trên báo chí điện tử cần phải được bán trực tiếp cho các nhà quảng cáo, tránh bị phụ thuộc vào các “thế lực” truyền thông xã hội hay như các công ty truyền thông hoặc Google Adsense”.

Tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường Internet

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi cũng cho biết: Trong bối cảnh khó khăn ngày càng gia tăng hiện nay, các cơ quan báo chí cố gắng tận dụng lợi thế của Internet, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường Internet.

Đồng thời, các cơ quan báo chí cần tham gia tích cực các hoạt động xã hội, tạo thương hiệu, tăng nguồn thu. Các cơ quan báo chí cần tăng cường tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc dịch vụ công nghệ thông tin.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng, bởi với uy tín và các mối quan hệ của mình, các cơ quan báo chí có khả năng huy động được các nguồn lực: tiền, hàng hoá, nhân lực… để tổ chức các hoạt động xã hội - từ thiện. Qua những hoạt động trách nhiệm xã hội đó, thương hiệu của các cơ quan báo chí tăng lên.

Hơn thế nữa, các cơ quan báo chí cần có cách thức để giữ chân công chúng. Mỗi cơ quan báo chí cần phải xác định rõ nhu cầu của độc giả bằng cách tìm hiểu độc giả, theo dõi, thử nghiệm ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của độc giả.

“Trong xu hướng CĐS hiện nay, vấn đề lớn nhất của các cơ quan báo chí không chỉ là doanh thu mà đó là công chúng, họ phải nghiên cứu phân khúc công chúng là gì? Thị phần quảng cáo ra sao? Làm thế nào để bán được quảng cáo và sản xuất cái gì, bán ở đâu, thị trường nào? Việc cơ quan báo chí xác định được độc giả trung thành, chính là “người” mang lại giá trị nguồn thu cho cơ quan báo chí chứ không phải là các nhóm công chúng thứ yếu khác”, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Gợi mở nhiều giải pháp về kinh tế báo chí từ Diễn đàn tháng 6
    “Diễn đàn báo chí tháng 6” (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Báo điện tử Vietnamnet (Bộ TT&TT) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - KHXH&NV) đồng chủ trì bước vào năm thứ thứ ba tổ chức với chủ đề hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” tiếp tục nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của giới báo chí và công chúng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng CĐS báo chí hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO