THEO LIÊN HỢP QUỐC
ĐTTM là một đô thị sáng tạo, triển khai công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả của các hoạt động và dịch vụ đô thị, cũng như khả năng cạnh tranh, đồng thời giải quyết được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường. Phát triển ĐTTM được dựa trên các sáng tạo đổi mới kỹ thuật số, do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông minh phát triển, để cải thiện chất lượng cuộc sống của công dân.
Từ khái niệm đô thị thông minh của Liên Hợp Quốc có thể thấy: ĐTTM nằm ở vùng giao thoa giữa các khía cạnh xã hội và công nghệ. Tuy vậy, khi nói đến đô thị thông minh thì người ta thường chủ yếu đề cập đến công nghệ. Điều này là bởi các doanh nghiệp công nghệ như IBM, CISCO, Intel, và gần đây là GE, Microsoft, Oracle và Amazon đã đóng vai trò đi đầu trong phát triển ĐTTM. Các sáng kiến công nghệ của họ có xu hướng tập trung vào việc phát triển các nền tảng và giải pháp dựa trên điện toán đám mây cho các dự án ĐTTM. Do đó, vai trò của công nghệ là chìa khóa cho việc kích hoạt các quy trình sản xuất, phân phối và quản trị mới; sự chuyển đổi của cơ cấu tổ chức và thể chế; và thông tin về các lựa chọn và hành vi của cá nhân.
Tuy nhiên, công nghệ thông tin và truyền thông không phải là thành phần duy nhất trong việc cung cấp các giải pháp thông minh. Đổi mới xã hội, tạo ra các hình thức xã hội mới và các hình thức hợp tác trong xã hội, cũng là điều cần thiết. Trong bối cảnh này, năng lực của các đô thị trong việc thu hút các bên liên quan khác nhau (doanh nhân, học giả, tổ chức phi chính phủ và người dân) trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện cần được nhấn mạnh, cũng như phải đạt được sự thống nhất về các giải pháp tối ưu cho sự phát triển, trách nhiệm và các khoản đầu tư trong những nỗ lực chung.
Hai trụ cột của ĐTTM: Công nghệ và Hạnh phúc của người dân
Một số công nghệ mới nổi, sẽ phổ biến ở các đô thị đến năm 2025 được dự đoán sẽ có ý nghĩa đặc biệt mạnh mẽ đối với sự phát triển và quản lý đô thị như sản xuất phụ gia (in 3D), Internet vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ dân sự, phương tiện bay không người điều khiển và blockchain. Trong tương lai trung gian, xe tự hành (AV) cũng được đánh giá là sẽ có tác động mạnh mẽ đến các đô thị.
Ngoài ra, nhiều ứng dụng thông minh đã được sử dụng trong các dịch vụ liên quan đến an ninh, chăm sóc sức khỏe, giao thông, năng lượng, nước, chất thải, phát triển kinh tế, nhà ở, gắn kết và cộng đồng.
Ví dụ, lưới điện thông minh giúp quản lý mức tiêu thụ năng lượng; đồng hồ và đường ống thông minh giúp theo dõi chất lượng nước và phát hiện rò rỉ; cảm biến thông minh cải thiện lưu lượng giao thông, hiệu quả vận chuyển và các tuyến đường thu gom chất thải rắn; các ứng dụng di động cho phép công dân báo cáo các vấn đề theo thời gian thực và tham gia trực tiếp vào các dịch vụ của đô thị; các công ty nền tảng chia sẻ như Airbnb, Grab và Uber hiện là trào lưu tại các đô thị trên toàn thế giới; nhắn tin di động chi phí thấp, khám bệnh từ xa và tư vấn video giúp cải thiện kết quả sức khỏe và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe; ô tô tự lái và nền tảng chia sẻ ô tô giảm bớt áp lực sử dụng đất; các nền tảng tuyển dụng điện tử thúc đẩy việc làm tại địa phương và mối liên kết giữa các thế hệ; cuối cùng, ĐTTM cũng tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ và tư vấn liên quan đến đổi mới kỹ thuật số và thu hút lao động có tay nghề cao.
Khái niệm về ĐTTM đã thay đổi đáng kể so với cách sử dụng ban đầu (và hẹp) kết hợp giữa công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng kỹ thuật số và sự tham gia của người dân trong một hệ thống quản trị phức tạp liên quan đến chính quyền địa phương, cơ quan công quyền, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng. Trong khi đổi mới kỹ thuật số vẫn là trọng tâm của khái niệm đô thị thông minh, một câu hỏi quan trọng là liệu đầu tư vào công nghệ thông minh và đổi mới kỹ thuật số có góp phần cải thiện hạnh phúc của công dân hay không.
Đây là lý do tại sao OECD định nghĩa ĐTTM là “các sáng kiến hoặc cách tiếp cận tận dụng hiệu quả số hóa để tăng cường hạnh phúc của người dân và cung cấp các dịch vụ và môi trường đô thị hiệu quả, bền vững và bao trùm hơn như một phần của quá trình hợp tác, đa bên”. Định nghĩa này nhấn mạnh:
• Nhu cầu ghi nhận tốt hơn đóng góp của ĐTTM trong việc cải thiện cuộc sống của người dân trong khi tiếp tục cung cấp các giải pháp cho một số thách thức đô thị phổ biến nhất cho từng ngành hoặc nhiều ngành;
• Tầm quan trọng của sự tham gia của người dân và quan hệ đối tác hợp tác để thúc đẩy sự tham gia của người dân (sự tham gia và phản hồi của người dân; các mô hình đồng sáng tạo và đồng sản xuất; các dịch vụ lấy người dân làm trung tâm và các nền tảng tham gia);
• Giá trị của thử nghiệm với quyền truy cập của công chúng vào dữ liệu mở và sự hợp tác trong/giữa các đô thị; tư nhân - công cộng - người dân; quy mô quốc gia - khu vực-địa phương; và
• Nhu cầu về cách tiếp cận tổng thể, tích hợp để giải quyết các thách thức đô thị thông qua đổi mới kỹ thuật số trong quản trị, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng của đô thị.
Cơ hội của ĐTTM xây dựng trên cơ sở công nghệ số mang lại cho Chính phủ và người dân Cuộc cách mạng kỹ thuật số tạo cơ hội độc đáo cho các nhà hoạch định chính sách để điều chỉnh lại các chính sách địa phương. Các công nghệ mới đang thay đổi cách các nhà hoạch định chính sách tham gia với thị trường lao động, với xã hội và với các dịch vụ công. Nhờ công nghệ mới, người dân ở nhiều đô thị phát triển đã truy cập các dịch vụ công hoặc thông tin y tế trực tuyến. Số hóa đang cho phép một bộ phận đáng kể nhân viên làm việc từ xa và công nghệ sức khỏe điện tử có tiềm năng thay đổi trải nghiệm và kết quả sức khỏe của bệnh nhân.
Các công nghệ mới nổi đã và đang trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân, cho dù họ sống ở đô thị, thị trấn hay vùng nông thôn. Người ta thường nghĩ đến điện thoại thông minh đầu tiên, nhưng ngoài nó ra thì còn có AI, phân tích dữ liệu lớn, in 3D và robot công nghiệp sản xuất hàng hóa, trong số nhiều công nghệ khác.
Các công nghệ mới nổi khác dường như đang trên đà tạo ra những đóng góp mang tính cách mạng, như Bockchain và xe hơi tự lái. Những đổi mới công nghệ này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội, nhưng đặc biệt là các đô thị, vốn sẽ được thay đổi toàn diện bởi cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số mang đến cơ hội cho những đổi mới đột phá trong thiết kế đô thị, hoạch định chính sách và cơ sở hạ tầng. Nhiều đô thị đã và đang khai thác tiềm năng này, thường có sự tham gia chặt chẽ của khu vực tư nhân. Trên khắp thế giới, các chính phủ đang làm cho các ĐTTM hơn. Họ đang sử dụng dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số để giúp đối phó với biến đổi khí hậu và cải thiện các quy trình hành chính bằng cách nhấn mạnh đến hiệu quả, cắt giảm thủ tục hành chính, mang lại các dịch vụ tốt hơn và thu hút người dân.
Nhiều công nghệ định hướng theo ngành cũng đã đóng góp vào các sáng kiến xã hội mới, hành động chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ở các đô thị trên nhiều lĩnh vực, thông qua năng lượng, nước, không khí sạch và các lợi ích môi trường khác.
Sáng tạo đổi mới kỹ thuật số ở các đô thị đã tạo ra nhiều cơ hội cho việc tăng cường hiệu quả và cải thiện cung cấp dịch vụ công; các cơ hội cho các dịch vụ đô thị ở mức độ tích hợp cao hơn; giảm rào cản gia nhập cho các doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ; cơ hội cho sự tham gia nhiều hơn của người dân; cũng như minh bạch hơn và trách nhiệm giải trình trong khu vực công. Các thông điệp và ví dụ chính từ các đô thị được chọn được nêu dưới đây là dựa trên một số mục tiêu của ĐTTM.
Cải thiện sự tích hợp và cung cấp các dịch vụ công
Sáng tạo đổi mới kỹ thuật số là một phương tiện để làm cho các dịch vụ đô thị về cơ bản trở nên hiệu quả hơn. Đặc biệt, đổi mới dựa trên khai thác dữ liệu có thể tăng hiệu quả và thúc đẩy tích hợp các hệ thống đô thị (“hệ thống của các hệ thống”). Ví dụ, dữ liệu lớn sẵn có về luồng giao thông, năng lượng, hệ thống nước và chất thải cho phép phân tích sâu chưa từng có và tạo điều kiện cho các can thiệp ngay theo ý đồ để quản lý hệ thống đô thị tốt hơn. Lưới điện thông minh cũng có thể được kết nối với hệ thống giao thông (chủ yếu với xe điện) và các thiết bị gia đình để quản lý cung cầu năng lượng hiệu quả hơn.
Lưới điện là một ví dụ điển hình về một hệ thống ngày càng được tích hợp thông qua công nghệ thông tin và truyền thông và dữ liệu theo thời gian thực. Một khía cạnh quan trọng của lưới điện thông minh là quản lý phía cung và cầu, được kích hoạt bởi các đồng hồ thông minh góp phần tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, tiềm năng rộng lớn hơn của lưới điện thông minh nằm ở việc tích hợp nguồn cung cấp năng lượng tái tạo (biến thiên theo giờ), cũng như xe điện. Lưới điện cũng có thể được sử dụng để kết nối các thiết bị giao tiếp IoT. Điều này bao gồm tất cả máy móc, thiết bị và dịch vụ được kết nối qua lưới điện và hệ thống thông tin, chẳng hạn như tấm pin mặt trời, trạm thời tiết, hệ thống sưởi và điều hòa không khí, máy giặt, bóng đèn của máy rửa bát hoặc xe điện.
Các công nghệ IoT - có thể có tổng tác động kinh tế từ 3,9 nghìn tỷ USD đến 11 nghìn tỷ USD mỗi năm - cũng có thể hỗ trợ hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công theo một số cách. Ví dụ, bằng cách cho phép các vật thể của đường phố (đèn đường, đồng hồ đỗ xe) giao tiếp, cho phép theo dõi liên tục hoạt động của chúng và lên lịch bảo trì chỉ khi cần thiết - hoặc dự đoán khi có nguy cơ xảy ra sự cố. Một ví dụ khác là ở đô thị Rotterdam, Hà Lan, nơi IoT được sử dụng để lập kế hoạch và quản lý vận chuyển tốt hơn và giảm mức phát thải của cảng.
Ngoài ra, những đổi mới trong cung cấp dịch vụ công có thể đóng góp vào các mục tiêu rộng lớn hơn về tính bền vững môi trường: Các ứng dụng và nền tảng chia sẻ xe và chia sẻ nhà giúp tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên nhàn rỗi hoặc dư thừa trong nền kinh tế. Xe tự hành có thể làm giảm không gian dành riêng cho bãi đậu xe (bãi đậu xe, nhà để xe) ở các đô thị, do đó giải phóng bất động sản đô thị đắc địa cho các hoạt động khác (có khả năng hiệu quả hơn hoặc bền vững hơn).
Giao thông vận tải cung cấp một ví dụ về những hiệu quả hứa hẹn của công nghệ thông tin và truyền thông và sử dụng dữ liệu ở các đô thị. Các ứng dụng di động, chẳng hạn như moovel và Citymapper, cập nhật cho người đi làm về các điểm trung chuyển nhanh nhất, xem xét tất cả các tuyến đường giao thông và điều kiện giao thông hiện có.
Việc khớp cung và cầu theo thời gian thực sẽ cắt giảm thời gian di chuyển. Điều này có thể giúp con người tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm và khí thải ở các đô thị. Hệ thống giao thông có thể được tối ưu hóa hơn nữa bằng cách tính phí đường và các loại quản lý giao thông khác một cách linh hoạt dựa trên phân tích dữ liệu theo thời gian thực.
Ví dụ, hệ thống Quản lý Giao thông Thông minh của thành phố London không chỉ sử dụng thông tin giao thông thời điểm gần nhất để liên tục điều chỉnh các mạch đèn giao thông mà còn học hỏi từ các quan sát thống kê liên tục để ngày càng dự đoán được tình trạng và lưu lượng giao thông. Hệ thống này được ước tính đã làm giảm tắc nghẽn ở London khoảng 8% hàng năm trong giai đoạn 2014 - 2018. Còn Hamburg, Đức, đang thực hiện các chính sách khác nhau để giảm việc sử dụng ô tô (ví dụ như xây dựng các con đường đi xe đạp) và áp dụng các dự án Hệ thống Giao thông Thông minh để cải thiện trải nghiệm di chuyển của người dùng, bao gồm một lộ trình dài hạn cho việc lái xe tự động theo kết nối mạng, xe tải thân thiện môi trường trong khu vực bến cảng, và một dự án thí điểm về di chuyển hàng không đô thị.
Củng cố tính bền vững và khả năng chống chịu của môi trường
Đổi mới kỹ thuật số cũng có thể mang lại cơ hội cho sự bền vững và khả năng chống chịu của môi trường ở các đô thị. Ví dụ, thiết bị bay không người lái có thể cho phép khảo sát không gian địa lý, giám sát ô nhiễm không khí và nước chính xác và tiết kiệm chi phí hơn, nơi thông tin có thể được chia sẻ theo thời gian thực với công dân. Công tơ thông minh và giá điện linh hoạt có khả năng thay đổi đáng kể mô hình tiêu thụ năng lượng của các công ty và hộ gia đình. Chúng là động lực để điều chỉnh hợp lý việc tiêu thụ năng lượng với nhu cầu năng lượng. Hơn nữa, ô tô, xe đạp và xe máy chạy bằng điện có thể làm giảm đáng kể ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
Nền kinh tế vòng tròn, một khái niệm nhằm mục đích cải thiện hiệu quả kinh tế và tài nguyên, cũng sẽ được củng cố nhờ đổi mới kỹ thuật số, cho phép quản lý chính xác hơn quá trình tiêu thụ và sản xuất. Hệ thống cảnh báo sớm về lũ lụt và các loại thiên tai khác có thể cải thiện khả năng sẵn sàng, ứng phó và chống chịu.
Một số đô thị đã thực hiện các chương trình đô thị thông minh đầy tham vọng nhằm đạt được tính bền vững và khả năng chống chịu tốt hơn. Ví dụ, tại thành phố Groningen, Hà Lan, thùng rác thông minh tự động gửi tin nhắn văn bản đến đô thị chính phủ khi chúng đã đầy rác.
Nó cho phép giảm chi phí lao động và xăng dầu - và do đó môi trường tác động - bằng cách chỉ gửi xe chở rác đến các thùng cần đổ.
Nâng cao năng lực đổi mới và quản trị đô thị
Số hóa cũng tạo cơ hội cho các đô thị nâng cao năng lực tổ chức và hành chính để vượt qua những thách thức chung như thủ tục hành chính rườm rà, thực tiễn quản lý nguồn nhân lực sợ phải đối mặt với rủi ro, phương cách tiếp cận silo (bộ phận nào biết/vì quyền lợi của bộ phận đó) để phát triển chính sách, cấu trúc phân cấp và thiếu một lực lượng lao động thực tài và năng động. Trong thời đại của các thách thức chính sách dai dẳng giao thoa với nhau, cùng với nhu cầu cung cấp các dịch vụ công phù hợp hơn trong bối cảnh tài khóa ngày càng hạn chế, nhiều chính quyền địa phương đang xem xét lại cách thức sử dụng sao cho tối ưu năng lực của họ, về nhân lực, tài chính, thể chế, vật chất và cộng đồng để phục vụ cư dân tốt hơn.
Trong vài năm qua, các đô thị đã bắt đầu quá trình chuyển đổi từ “nhập khẩu” sang “sản xuất” và cuối cùng là “sử dụng” sáng tạo đổi mới như một tài sản chiến lược. Phong trào đô thị thông minh nhằm nâng cao mức độ hiệu quả của các cơ quan hành chính địa phương là một ví dụ cho xu hướng này. Việc áp dụng một “chiến lược sáng tạo đổi mới” chính thức, rõ ràng và đầy cảm hứng có thể tạo ra một môi trường thúc đẩy việc chấp nhận rủi ro và thay đổi tổ chức.
Tương tác tốt hơn với công dân
Công nghệ kỹ thuật số có thể cải thiện sự tham gia của người dân thông qua các dịch vụ chính phủ điện tử và công nghệ dân dụng để tạo điều kiện tiếp cận thông tin, đưa ra các quyết định sáng suốt và tốt hơn cũng như bày tỏ ý kiến thông qua các nền tảng trực tuyến, kiến nghị và bỏ phiếu. Ở các nước thành viên OECD, việc sử dụng kỹ thuật số các dịch vụ của chính phủ đã tăng nhiều lần so với mấy năm trước đây, gồm việc côngdân OECD gửi đơn từ qua trang web của chính quyền. Trên khắp Liên minh châu Âu, việc số hóa các dịch vụ đã giảm phần nào hoặc thậm chí giảm đáng kể chi phí vận hành cho 85% đô thị.
Việc sử dụng nhiều hơn công nghệ kỹ thuật số cũng cho phép quản trị sáng tạo và mang tính thử nghiệm ở các đô thị và khu vực đô thị. Ví dụ, vào năm 2018, Freetown, Sierra Leone đã tiến hành hình thức thu thuế dựa trên điện thoại qua đó công dân có thể nộp thuế địa phương của họ trong năm bước đơn giản, giúp hội đồng đô thị thu nhiều thuế hơn, hơn 300% so với năm trước đó. Một ví dụ khác là việc sử dụng thông tin chi tiết về hành vi để thiết kế chính sách, điều này ngày càng trở nên phổ biến ở các nước thành viên OECD. Các chính phủ cũng tạo điều kiện cho các sáng tạo đổi mới dựa trên dữ liệu bằng cách mở công khai dữ liệu và thưởng cho các lập trình viên và doanh nhân, chẳng hạn như thông qua các sự kiện hackathon (thi phát triển phần mềm).
Ngoài ra, các chính phủ ngày càng sử dụng dữ liệu có nguồn gốc từ cộng đồng để có được thông tin chi tiết theo thời gian thực về cung cấp dịch vụ công và nhu cầu cơ sở hạ tầng, và để có thể hồi đáp ngay một cách phù hợp. Ví dụ, ở nhiều đô thị, công dân có thể báo cáo và thông báo cho nhân viên đô thị thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh về vị trí của ổ gà, đèn giao thông bị hỏng, rác vương vãi, quản lý thảm họa hoặc bất kỳ những thách thức đô thị nào khác họ phải đối mặt hàng ngày.
Thách thức của chuyển đổi số với ĐTTM
Mặc dù các sáng tạo đổi mới kỹ thuật số có thể góp phần làm cho môi trường đô thị trở nên dễ sống hơn, nhưng chúng có thể gây xáo trộn và đi kèm với hàng loạt thách thức, sự đánh đổi và chi phí tiềm ẩn. Thật vậy, số hóa có thể là con dao hai lưỡi, có thể cải thiện sự đáp ứng của chính sách công đối với các xu hướng siêu biến đổi khác, chẳng hạn như toàn cầu hóa, thay đổi nhân khẩu học và biến đổi khí hậu, hoặc ngược lại, có thể củng cố các tác động gây bất ổn của chúng.
Nếu chính phủ không có nhãn quan tổng hợp, đa ngành và tổng thể, các sáng tạo đổi mới kỹ thuật số có thể đảo lộn các khuôn khổ pháp lý và quy định nhằm bảo vệ mục tiêu duy trì khả năng chi trả, bảo vệ người tiêu dùng, thuế, hợp đồng lao động và cạnh tranh bình đẳng. Chúng cũng có thể gây nguy hiểm cho dữ liệu, quyền riêng tư và an toàn của công dân, do đó tạo ra sự đánh đổi giữa việc tiết lộ dữ liệu và tác động kỳ vọng của các dịch vụ đô thị thông minh. Chúng có thể làm lung lay quyền lực và phương thức ra quyết định trong thời đại thông tin theo thời gian thực (thường là bất cân xứng). Và, quan trọng không kém, chúng có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các nhóm bị thiệt thòi về tiếp cận kỹ thuật số trừ khi chính quyền địa phương nhận ra rằng các giải pháp dựa trên công nghệ cũng quan trọng đối với người nghèo không khác gì như đối với người giàu.
Để đảm bảo rằng số hóa không làm gia tăng khoảng cách hoặc góp phần gây thêm bất bình cho người dân và sự phản đối mạnh hơn với các tổ chức công quyền thì không nên quên yếu tố con người, vì không phải tất cả các xu hướng công nghệ đều có lợi cho sức khỏe xã hội hoặc hạnh phúc cá nhân.
Trong trường hợp ĐTTM, hành động công và tư phải được nhìn nhận qua lăng kính giá trị của chúng đối với xã hội vì tổn thất cho xã hội có thể phát sinh thông qua số hóa, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi. Đầu tư thông minh hơn vào nguồn nhân lực, chẳng hạn như học tập suốt đời và nói chung hơn là đảm bảo rằng mọi người có các kỹ năng cho công việc tương lai, bao gồm cả kiến thức kỹ thuật số, sẽ cần phải có ở tất cả các đô thị và khu vực, và nên được xem như một khoản đầu tư và không phải là một chi phí.
Cần tạo ra cơ chế cho sự nảy sinh và tiếp thu các phản hồi phần lớn ở cấp độ khu vực và địa phương đối với cả cơ hội và thách thức của quá trình số hóa. Các chiến lược đổi mới trong địa phương và khu vực có thể giúp các nền kinh tế địa phương nắm bắt cơ hội kinh doanh từ các công nghệ đột phá mới nổi nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng đồng thời hỗ trợ đa dạng hóa. Điều này đòi hỏi sự phát triển chiến lược, sự đổi mới trong các doanh nghiệp, khả năng tiếp cận tài chính, sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan, sự lãnh đạo và tầm nhìn xa ở tất cả các cấp chính quyền. Nó cũng đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, được hưởng lợi đầy đủ từ sự chuyển đổi số này.
Thay lời kết
Sáng tạo đổi mới kỹ thuật số sẽ có tác động sâu rộng trên toàn nền kinh tế và toàn xã hội. “ĐTTM” không nên chỉ là một thuật ngữ thời thượng hay câu cửa miệng. Điều quan trọng đối với các đô thị ở mọi quy mô là chuyển đổi số, tận dụng tối đa kỹ thuật số để giải quyết các chương trình chính sách cấp bách nhất hiện nay.
Một điều rõ ràng là: các đô thị, giống như các quốc gia, không thể làm việc một mình để xây dựng các ĐTTM của tương lai. Quốc gia và các chính quyền địa phương phải hợp tác với nhau để cho phép phổ biến nhanh chóng các công nghệ mới và cung cấp lợi ích tích cực cho hàng triệu công dân.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2021)