Chuyển đổi số y tế, giảm thời gian và chi phí cho người bệnh

Văn Nam| 24/10/2021 09:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Đánh giá được tầm trọng trong chuyển đối số, ngành Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhiều tiện ích đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.

Bộ Y tế xếp thứ 5 toàn quốc về chuyển đổi số

Theo Bộ Y tế, tầm nhìn của chuyển đổi số trong ngành Y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, Bộ Y tế là một trong những Bộ được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan chuyên môn về công nghệ triển khai các mục tiêu của Chính phủ cũng như xây dựng đề án chiến lược phát triển chuyển đổi số về y tế tại Việt Nam.

Qua xếp hạng về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đang xếp thứ 5 (top đầu) trong toàn quốc. Đó là những nỗ lực, kết quả ban đầu để tiếp tục quan điểm chỉ đạo phục vụ người dân, người bệnh được tốt hơn.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục xây dựng, sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản pháp lý quy định về chuyển đổi số trong ngành y tế cũng như tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin, giúp có nền tảng hiện đại trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và y tế khác.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt tại các vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo.

Đồng thời là bước tiến mới giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 1.500 điểm cầu trung ương, tỉnh, thành phố và 300 điểm cầu tuyến huyện có thể thực hiện kết nối khám chữa bệnh từ xa.

Theo ông Khuê, đó là biện pháp đặt lịch hẹn khám bệnh, chữa bệnh qua nền tảng công nghệ thông tin như yahoo, viber, zalo, teleheatl... Bệnh viện cũng chủ động hơn trong việc sắp xếp nhân lực, thuốc men, vật tư, trang thiết bị để phục vụ chu đáo hơn, hài lòng hơn cho người bệnh.

Người bệnh không phải đến xếp hàng, xếp sổ từ sớm chờ đợi lâu như những năm về trước. Nhờ đó sẽ thực hiện 5K tốt hơn bệnh viện giãn cách, tránh lây lan bệnh, giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Nền tảng số giúp cho bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, quản trị, quản lý bệnh viện, các hệ thống phần mềm về công nghệ thông tin, quản trị bệnh viện đang được cập nhật cải tiến mạnh mẽ tại các bệnh viện và các cơ sở từ hồ sơ sức khỏe điện tử đến các hồ sơ bệnh án điện tử được liên thông.

“Phần mềm về tổ chức quản lý nhân sự trong bệnh viện, quản lý trang thiết bị, quản lý thuốc, vật tư, cơ sở hạ tầng trong bệnh viện được áp dụng, các phần mềm cải tiến được chăm sóc người bệnh, đón tiếp người bệnh, áp dụng trí tuệ nhân tạo, AI trong lĩnh vực này đã được một số bệnh viện triển khai. Từ đó đã giảm được chi phí, tiết kiệm nhân lực” - ông Khuê cho hay.

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh

Chia sẻ về lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đang đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam.

Trong đó, triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng.

Phát triển cổng sức khỏe người dân, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình; phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.

Cùng với đó, phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm… ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Theo ông Tường, chuyển đổi số trong bệnh viện sẽ triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám chữa bệnh như máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân… trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.

Bên cạnh đó, đồng bộ mã số định danh y tế (ID): mỗi người dân có một mã số ID duy nhất chính là mã số bảo hiểm xã hội (BHXH) do cơ quan BHXH cấp. Theo đó, người dân khi đi khám chữa bệnh chỉ cần cung cấp mã số BHXH của mình, các cơ sở khám chữa bệnh và các bác sĩ sẽ truy vấn cơ sở dữ liệu y tế toàn dân để có đầy đủ thông tin của người dân, thông tin quá trình khám chữa bệnh của người dân trước đây một cách nhanh chóng, chính xác.

Như vậy, khi có đầy đủ thông tin của người bệnh, các bác sĩ có thể đưa ra các phương án điều trị tốt hơn cho người bệnh giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót y khoa, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong bệnh viện./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số y tế, giảm thời gian và chi phí cho người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO