Tập trung cho điện toán đám mây
Tại Hội nghị tổng kết khối viễn thông do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC đã thông tin về kết quả kinh doanh của Tập đoàn này. Theo đó, CMC đạt doanh thu gần 7000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2020 và lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2020. "Kết quả này có được là nhờ chiến lược chuyển đổi số (CĐS) của Tập đoàn trong thời gian vừa qua".
Ông Chính cũng cho biết các doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ mới đáp ứng 20% thị phần điện toán đám mây (ĐTĐM) (cloud) trong nước, còn 80% còn lại do các công ty quốc tế đang cung cấp và thị trường ĐTĐM Việt Nam đã đạt được quy mô doanh thu là 1 tỷ USD. Đây là một quy mô thị trường đủ lớn. Tuy nhiên, vai trò đóng góp của các DN trong nước còn rất khiêm tốn.
Ngay từ năm 2017, ông Chính cho biết CMC đã xác định ĐTĐM là một trong những lĩnh vực công nghệ chủ chốt nên CMC đã đầu tư và hiện đội ngũ CMC cloud đã có 200 cán bộ và cung cấp dịch vụ đám mây không chỉ cho nhiều đơn vị trong nước mà còn cả các DN quốc tế tại Việt Nam như Samsung, Pepsi Cola, PwC, KPMG, đặc biệt CMC cũng vinh dự cung cấp nền tảng CMC cloud cho PC-COVID và được miễn phí hoàn toàn.
Năm 2021, CMC cũng là đơn vị dẫn đầu trong phát triển dịch vụ đa đám mây (multi-cloud). Ông Chính đề xuất với Bộ TT&TT nghiên cứu xây dựng một đa đám mây Việt Nam.
Để giải quyết bài toán chênh lệch thị phần ĐTĐM trong và ngoài nước là 20 - 80%, CMC đặt mục tiêu trở thành tập đoàn quốc tế, muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm số (digital hub) của khu vực, trong đó nền tảng số, đám mây là nền tảng hạ tầng cơ bản cho các DN, tổ chức. CMC đã thực hiện đầu tư một trung tâm dữ liệu (TTDL) lớn, hiện đại của khu vực và tháng 6/2022 sẽ khai trương. TTDL được xem là nền tảng hạ tầng cơ sở vật lý để xây dựng nền tảng số.
CMC lấy mục tiêu phát triển đám mây theo tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế và TTDL của CMC đáp ứng mọi tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, kể cả tiêu chuẩn về môi trường, hiệu suất, an ninh, an toàn. Hiện nay mức độ an ninh, an toàn của CMC đáp ứng cho các dịch vụ ngân hàng, là ngành có chuẩn riêng về mức độ an ninh, an toàn.
Ông Chính cho rằng Việt Nam cần nắm bắt cơ hội phát triển từ ĐTĐM bởi Malaysia cũng đang nước rút trong lĩnh vực này khi đang nổi lên là địa chỉ đầu tư TTDL rất lớn do đang có xu hướng chuyển dịch TTDL khỏi Singapore vì nước này có diện tích chật, giá điện cao.
CMC đang đẩy mạnh triển khai việc xây dựng hạ tầng cho TTDL trong nước nhưng còn gặp khó khăn do nhiều địa phương chưa quan tâm. Theo phân tích của ông Chính, xây dựng TTDL có thể tốn điện nhưng giá trị gia tăng mang lại rất lớn so với đầu tư cho nhà máy luyện tôn bởi nhà máy luyện tôn cũng tiêu thụ điện khá nhiều điện.
Ông Chính cũng cho rằng thị trường ĐTĐM hiện đang nhỏ nhưng sẽ tăng trưởng nhanh do CĐS và sẽ đuổi kịp viễn thông, khi được lĩnh vực ĐTĐM được dự báo doanh thu sẽ 8 tỷ USD vào năm 2025.
"Triển khai sớm hạ tầng 5G, TTDL, truyền dẫn mặt đất tốc độ cao là những nền tảng quan trọng của hạ tầng số. Việt Nam có nhiều đơn vị cung cấp đám mây như Viettel, CMC, VNPT… và cần liên kết xây dựng mô hình multi-cloud", ông Chính đề xuất.
Xem xét xây dựng chương trình quốc gia về triển khai 5G
Cũng tại Hội nghị, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ một số thông tin để thúc đẩy phát triển mạng 4G, 5G.
Về triển khai đấu giá băng tần cho 4G, 5G trong năm 2022, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết việc đấu giá có thể tham khảo kinh nghiệm các nước như Peru để 5G được triển khai rộng như giá tần số để phủ sóng tại thủ phủ, vùng nông thôn, vùng cao có các mức giá đấu giá khác nhau, thậm chí có thể về mức giá bằng 0. Theo đó, chính sách tần số cần phù hợp để các nhà mạng có thể đầu tư và mở rộng phủ sóng.
"Đây có thể là một giải pháp cần nghiên cứu để giúp cho các nhà mạng của chúng ta có thể triển khai 5G sâu hơn, rộng hơn", Chủ tịch Viettel cho hay.
Cũng liên quan đến 5G, Chủ tịch Viettel cho biết Viettel đã làm việc với KMPG, tổ chức đã tư vấn cho Ấn Độ về một chương trình 5G một cách toàn diện, tổng quát. Theo tư vấn của KPMG, Ấn Độ có 1 chương trình 5G với 5 thành tố tham gia: (1) nhà mạng viễn thông phải triển khai 5G; (2) các nhà cung cấp thiết bị 5G; (3) các nhà cung cấp đầu cuối; (4) các nhà cung cấp các giải pháp thích hợp cho 5G; (5) các nhà cung cấp hạ tầng vì họ tính 5G cần hạ tầng thụ động rất là lớn.
Bộ TT&TT có thể nghiên cứu về một chương trình quốc gia về triển khai 5G bởi sự phát triển của 5G không giống như của mạng 2G, 3G nữa mà là cuộc cách mạng về công nghiệp.
Đề xuất tiếp theo được Chủ tịch Viettel là nghiên cứu giá cước chuyển vùng (roaming) hiện còn rất cao. Hiện nay, WiFi đã phổ cập và người dùng cũng sử dụng dịch vụ của nước sở tại nếu đi ra nước ngoài. Theo đó, với vai trò, thành viên tích cực trách nhiệm của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Việt Nam có thể nghiên cứu để có chính sách để "phẳng hoá" giá cước roaming. Một số nước Nam Mỹ đã thống nhất để phẳng hóa giả cước roaming kể cả chuyển vùng dữ liệu.
Tiếp theo, Chủ tịch Viettel cho biết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Là DN sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, Viettel và các nhà sản xuất mong muốn cụ thể hóa về nội hàm phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong lĩnh vực viễn thông, CĐS vào năm 2025 và 2030 và đưa vào các quy định pháp luật cụ thể. Qua đó, các DN có các giải pháp số có cơ hội đóng góp vào quá trình CNH-HĐH.
Viễn thông Việt Nam tiên phong về công nghệ mới
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh các đề xuất của tổ chức, DN sẽ được Bộ TT&TT nghiên cứu và làm việc với địa phương theo đề nghị của DN.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh viễn thông thay vì đi theo thì từ nay phải đi đầu về phát triển 5G và 6G. Việc phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G cần thực hiện ngay trong năm 2022. Mạng viễn thông phải nhanh chóng chuyển sang đám mây/phần mềm (Cloud/Software-based), để mạng viễn thông trở lên thông minh và linh hoạt, có thể cấu hình thành nhiều mạng con chuyên dùng bằng phần mềm. Công nghệ sử dụng là công nghệ mở, sử dụng Open RAN cho 5G, 6G.
Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước. Nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối. Ban hành tiêu chuẩn thiết vị viễn thông Việt Nam. Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm phải mời các doanh nghiệp sản xuất thiết bị trong nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Thay vì chỉ kinh doanh thì phải có trách nhiệm cao với xã hội. Viễn thông đã trở thành hạ tầng, nền tảng của mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Số người sử dụng viễn thông là hàng trăm triệu. Doanh thu là hàng trăm ngàn tỷ. Lợi nhuận là hàng chục ngàn tỷ. Vậy chúng ta có trách nhiệm gì để người dân an toàn, để người dân không bị gây phiền nhiễu, để Internet Việt Nam lành mạnh, để không gian sống mới của chúng ta được phồn vinh và hạnh phúc? Người dùng nhiều, doanh thu cao, lợi nhuận lớn thì phải luôn đi với trách nhiệm lớn, chỉ có như vậy sự phát triển mới bền vững".
Bộ trưởng cũng yêu cầu phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng viễn thông. Các thiết bị viễn thông phải có tiêu chuẩn về an toàn, an ninh mạng. Nhà mạng phải đầu tư các công nghệ, thiết bị để đảm bảo mạng viễn thông an toàn, đảm bảo để các cơ quan an ninh có thể truy vết các hoạt động vi phạm. Phát triển kinh tế phải đi với đảm bảo quốc phòng an ninh. Người Việt Nam phải làm chủ không gian mạng Việt Nam./.