CNTT giúp Khánh Hòa nâng cao chỉ số tăng trưởng, phát triển

Trọng Thành| 05/03/2021 16:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Để có mức tăng trưởng kinh tế dương cho các năm tiếp theo, bên cạnh những giải pháp, chiến lược phát triển tổng thể thì việc tỉnh Khánh Hòa cần tận dụng tận dụng các nền tảng số, ứng dụng CNTT để phát triển kinh tế, chính quyền số (CQS), chính quyền điện tử (CQĐT) giờ đây là ưu tiên, lựa chọn hàng đầu.

Chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế để khắc phục phát triển

Báo cáo tổng kết về hoạt động CNTT của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Địa phương còn thiếu các quy định về thuê dịch vụ CNTT, quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; thiếu các giải pháp tổng thế nhằm kết nối chia sẻ thông tin với các bộ, ngành với cấp tỉnh; một số đơn vị, địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công; công tác xúc tiến đầu tư và thương mại cho ngành công nghiệp CNTT chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức…

Theo đó, để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển CQS và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN) tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của kế hoạch năm 2021, tỉnh đảm bảo 60% CSDL dùng chung, CSDL hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được chia sẻ, kết nối toàn tỉnh (hồ sơ công việc tại cấp huyện (70%), xã (40%) được xử lý trên môi trường mạng; người dân, doanh nghiệp (DN) tham gia hệ thống thông tin (HTTT) CQĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tối thiểu 40% các HTTT của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của tỉnh đạt từ 30% trở lên…

CNTT giúp Khánh Hòa nâng cao chỉ số tăng trưởng, phát triển - Ảnh 1.

Việc xây dựng, hoàn thiện các đô thị thông minh (ĐTTM) sẽ giúp Khánh Hòa phát huy nhiều lợi thế, nhất là tiềm lực du lịch biển - Ảnh: Một góc TP. Nha Trang (Mã Phương)

Đến hết năm 2020, Khánh Hòa đã đã tích hợp và công khai 1.829 TTHC với 2.096 quy trình thực hiện, đều được gắn mã định danh ngành, lĩnh vực, thủ tục đồng bộ với CSDL quốc gia; 331 TTHC mức độ 3 và 300 TTHC mức độ 4 (hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 được công bố, tiếp nhận, giải quyết trung bình đạt 50%); tỷ lệ cấp, đăng ký DN qua mạng trung bình đạt 51%; tỷ lệ hồ sơ khai thuế của DN nộp qua mạng trung bình đạt 97,83%; tỷ lệ hồ sơ số DN thực hiện nộp thuế qua mạng trung bình đạt 99,72%.

Cũng theo kế hoạch, năm 2022 đảm bảo 70% CSDL dùng chung, CSDL hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được chi sẻ, kết nối trên toàn tỉnh (từ năm 2023 tăng thêm 10%/năm và hoàn thành mục tiêu vào năm 2025); hồ sơ công việc tại cấp tỉnh (70 %), huyện (65%), xã (45%) được xử lý trên môi trường mạng (từ năm 2023 mỗi chỉ tiêu tăng thêm 0,5%/năm và hoàn thành mục tiêu giai đoạn năm 2025); 90% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được thực hiện qua Hệ thống báo cáo của tỉnh (hoàn thành mục tiêu 100% năm 2023); 25% hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và HTTT (năm 2023 tăng thêm 10%/năm và hoàn thành mục tiêu 50% vào năm 2025); 40% các HTTT của các sở, ba, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, DN đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (năm 2023 tăng thêm 10%/năm và hoàn thành mục tiêu 70% vào năm 2025)….

Để thực hiện được hiệu quả các mục tiêu này, kế hoạch đưa ra các giải pháp cụ thể như: Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường chính sách cho ứng dụng và phát triển CNTT tại các cơ quan, đơn vị và DN trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường pháp lý, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển CNTT; hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại ứng dụng CNTT; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác quan môi trường số với người dân, DN; ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của DN trong nước; thu hút nguồn lực CNTT; tăng cường hợp tác quốc tế, sự giúp đỡ của nước ngoài, các tập đoàn nước ngoài có thế mạnh về phát triển CQĐT, CQS…

Phát triển kinh tế trên thế mạnh thương mại điện tử (TMĐT)

Từ đầu năm đến nay, các cấp lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tích cực chỉ đạo các đơn vị, cơ quan trong tỉnh ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện CQĐT, CQS của địa phương đóng góp hiệu quả vào tiến trình CĐS quốc gia, CPĐT.

Gần đây, tại buổi làm việc tháo gỡ các khó khăn cho DN trong tỉnh, theo Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, chỉ đạo về nội dung phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ số, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến TMĐT, tăng cường hỗ trợ DN quảng bá trực tiếp các sản phẩm đến người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là những nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

"Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại qua sàn giao dịch TMĐT Khánh Hòa, đồng thời phát triển thị trường thương mại trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Phó Chủ tịch Hoàng nhấn mạnh.

Cũng thể hiện rõ hơn quyết tâm xây dựng, hoàn thiện CQĐT, từ đầu năm 2021, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, đề án xây dựng đô thị thông minh, khu dân cư điện tử. Điển hình trong số đó phải kể đến là Quyết định 3548/QĐ-UBND ban hành Đề án xây dựng khu dân cư điện tử. Đây là mô hình sẽ được thí điểm tại một số đơn vị cấp xã thuộc tỉnh Khánh Hòa, nhằm từng bước hình thành nên các cộng đồng dân cư có trình độ ứng dụng CNTT cao.

Theo đó, trong các khu dân cư điện tử này, công dân, hộ gia đình sẽ có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và các giải pháp ứng dụng cộng đồng để tương tác với nhau, tiếp nhận và cung cấp thông tin, sử dụng các dịch vụ hành chính công; thực hiện chức năng tự quản của cộng đồng, tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền thông qua ứng dụng CNTT và truyền thông…

Trên quan điểm đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng - giúp tỉnh thực hiện việc quy hoạch, phát triển ĐTTM đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của đề án này, ông Trần Nam Bình - Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, việc phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 luôn là nhiệm vụ quan trọng, do đó trong nhiệm kỳ này, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao chất lượng tham mưu khi thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

"Để thực hiện hiệu quả, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tự chịu trách nhiệm nhiệm vụ tỉnh giao, đồng thời phải xây dựng và hiện đại hóa chính quyền đô thị điện tử thông qua việc chuẩn hóa phần mềm quản lý và số hóa thông tin lưu trữ về đất đai, quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng", Giám đốc Bình nhấn mạnh.

Còn theo ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho rằng CNTT là yếu tố "nòng cốt" để xây dựng, phát triển, vận hành các đô thị thông minh. Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu này, trước mắt các đơn vị cần thuê dịch vụ hệ thống tiếp nhận phản ánh vi phạm hành chính; xây dựng phần mềm xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng; ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng…

Như vậy, có thể nói với những quyết tâm cao, sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh cùng việc ban hành Kế hoạch trên, đây sẽ là cơ sở, niềm tin để Khánh Hòa vươn lên "bứt phá" phát triển, nâng cao chỉ số tăng trưởng kinh tế, chỉ số cạnh tranh thông qua việc đẩy mạnh các ứng dụng CNTT, nền tảng số. Và điều này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, sự kỳ vọng phát triển cho Khánh Hòa, bởi lẽ trước đó, một đơn vị được coi là điển hình của cả nước như Quảng Ninh đã tận dụng thế mạnh từ CNTT và nền tảng số trong mọi quy trình sản xuất, cung ứng dịch vụ hàng hóa và về đích với kết quả cao khi 3 liên tiếp đạt chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng trưởng kinh tế dương 10,05% trong năm 2020.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CNTT giúp Khánh Hòa nâng cao chỉ số tăng trưởng, phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO