Theo báo cáo kinh tế số của khu vực Đông Nam Á 2021 do Google, Temasek Holding và Bain & Company công bố, quy mô nền kinh tế số tại khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ đạt ngưỡng 1.000 tỷ USD vào năm 2030 khi mà hàng triệu người sử dụng Internet giúp cho các ngành kinh doanh trực tuyến phát triển, trong đó đặc biệt phải kể đến thương mại điện tử (TMĐT) và tài chính ảo.
Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, ước tính 60 triệu người dùng dịch vụ số mới đã gia nhập vào nền kinh tế Internet của khu vực. Chỉ riêng trong nửa đầu năm nay đã có đến hơn 20 triệu người, như vậy tổng số người dùng dịch vụ số của khu vực hiện ước tính khoảng 350 triệu người.
Trong bối cảnh nhiều biện pháp phong tỏa được áp dụng làm hạn chế việc đi lại và tương tác xã hội, tổng quy mô nền kinh tế Internet của khu vực Đông Nam Á tăng trưởng đến 49%, từ 117 tỷ USD vào năm 2020 lên 174 tỷ USD vào năm 2021. Con số này dự tính lên mức 363 tỷ USD vào năm 2025, thương mại điện tử (TMĐT) sẽ giữ vị trí chủ chốt trong việc tăng trưởng này.
Dịch vụ tài chính số đã tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, các hình thức thanh toán số và ví điện tử sẽ trở nên ngày một phổ biến hơn. Giá trị các hoạt động thanh toán số tăng 9%, từ 646 tỷ USD vào năm 2020 lên 707 tỷ USD trong năm nay và dự kiến đạt mức 1,17 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Tín dụng số tại ASEAN tăng 48% lên 26 tỷ USD vào năm 2020 và 39 tỷ USD trong năm nay và dự kiến dạt 116 tỷ USD vào năm 2025.
Trong khi đó, theo bảng xếp hạng Fintech toàn cầu năm nay (Asia Pacific Fintech Rankings: Bridging Divides) do nhà phân tích fintech Findexable công bố, hai quốc gia ASEAN khác là Malaysia (Kuala Lumpur) và Indonesia (Jakarta) đã được bổ sung thêm vào danh sách 20 trung tâm fintech hàng đầu thế giới.
Được biết, chỉ số thường niên này do Findexable hợp tác với nền tảng ngân hàng đám mây Mambu thực hiện dựa trên khảo sát tại hơn 80 quốc gia, 264 thành phố và hơn 11.000 công ty fintech. Trong đó, chỉ số đánh giá từng địa điểm về số lượng và chất lượng của các công ty fintech thuộc sở hữu tư nhân cũng như môi trường kinh doanh địa phương.
Thị trường fintech Đông Nam Á: Những tăng trưởng ấn tượng
Đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi kinh tế số trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nền kinh tế số của ASEAN đang đà tăng trưởng mạnh mẽ. Đóng góp một phần lớn vào sự tăng trưởng là sự hiện diện của các fintech trong khu vực.
Riêng năm ngoái, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 1,6 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp fintech ASEAN, tăng gấp 8 lần so với mức 0,2 tỷ USD trong năm 2015. Fintech cũng là danh mục đầu tư mạo hiểm lớn nhất dành cho các công ty khởi nghiệp trong khu vực.
Theo báo cáo Công nghệ tài chính trong ASEAN 2021 được UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) phát hành mới đây, nguồn vốn đầu tư vào fintech trong 9 tháng đầu năm 2021 tại khu vực đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2020 và cũng là mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Báo cáo cho biết có 167 thỏa thuận, trong đó gồm 13 vòng gọi vốn giá trị lớn (vòng gọi vốn trên 100 triệu USD), đã chiếm khoảng 2 tỷ USD, tương đương 57,1% tổng các nguồn đầu tư.
Với nhu cầu thị trường mạnh mẽ, sự bùng nổ của lĩnh vực fintech rõ ràng không có dấu hiệu chậm lại, trên thực tế, nó sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai,... nhưng khu vực ASEAN không những tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ.
Hỗ trợ thêm cho sự tăng trưởng này phải kể đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà ASEAN và các đối tác đã ký kết hồi tháng 11/2020. Tính đến nay, Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhận được văn kiện phê chuẩn từ 6 quốc gia thành viên, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng như từ 4 quốc gia ký kết là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Điều này có nghĩa là Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Nhưng thú vị nhất, cả ba quốc gia ASEAN trong top 20 ngoại trừ Singapore, cụ thể là Malaysia, Philippines và Indonesia, đều chưa hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định RCEP.
TS. Sithanonxay Suvannaphakdy, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết Hiệp định RCEP, có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, sẽ đóng vai trò là động lực quan trọng phục hồi thương mại và kinh tế cho toàn khu vực.
Các cơ hội kinh doanh mới nổi cho fintech ở ASEAN
Fintech và các giải pháp mà các doanh nghiệp (DN) đưa ra sẽ khác nhau giữa các quốc gia. Fintech ở các nước phát triển có xu hướng gia tăng tác động đến người dùng. Ngược lại, ở các nước đang phát triển, fintech có thể "thay đổi cuộc sống và mở ra tiềm năng tăng trưởng kinh tế của một quốc gia". Điều này đúng ở các quốc gia có số lượng lớn người dùng không có tài khoản ngân hàng thiếu và không được phục vụ đầy đủ, chẳng hạn như Philippines và Indonesia. Khi đó, các giải pháp fintech như thanh toán số, mua ngay trả sau (BNPL) và các khoản vay vi mô cùng với những giải pháp khác mở ra cơ hội bao trùm tài chính.
Thanh toán được coi là động lực cốt lõi của hệ sinh thái fintech nói chung. Đây cũng là danh mục fintech được tài trợ nhiều nhất ở ASEAN trong năm nay với 1,9 tỷ USD và tiếp tục chiếm phần lớn các công ty fintech ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Singapore (tiền điện tử) và Thái Lan (cho vay thay thế). Việc rót vốn vào các công ty này sẽ đẩy nhanh việc sử dụng ví điện tử, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng và các ứng dụng ngân hàng di động vốn đã là những phương thức thanh toán phổ biến nhất của người tiêu dùng ASEAN sau tiền mặt.
Tại nhiều quốc gia tiên tiến, BNPL có thể chỉ là "hình thức tài trợ tiêu dùng", nhưng tại các nước đang phát triển, BNPL cung cấp cho các cá nhân và các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa khả năng tiếp cận nguồn vốn lưu động mà họ thường không thể tiếp cận được. Trong khi ví điện tử cho phép người dùng chuyển tiền qua điện thoại thông minh mà không cần tài khoản ngân hàng, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho những người không có tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, các rào cản xuyên biên giới tại ASEN đang ngày càng được gỡ bỏ, đặc biệt khi Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng tới. Các hoạt động thương mại xuyên biên giới trong ASEAN khá sôi động do các quốc gia ở gần nhau. Các nền văn hóa, môi trường, ẩm thực,... cũng làm cho thương mại xuyên biên giới trở nên sinh lợi hơn.
Cuối cùng, bản địa hóa chính là chìa khóa thành công cho các startup fintech trong khu vực. Ví dụ, BNPL dễ dàng được người tiêu dùng phương Tây chấp nhận khi họ cần thêm một ít tiền để thanh toán các món hàng như chiếc iPhone mới. Nhưng tại Indonesia, nơi các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa ngày càng tăng, đây có thể là một thách thức khi thanh toán các giao dịch mua thực phẩm trả trước cho người bán trái cây. Tất cả những yếu tố này các DN fintech cần phải xem xét kỹ lưỡng khi mở rộng quy mô bởi sự khác nhau lớn giữa các nền kinh tế ASEAN./.