Make in Vietnam

Cốc Cốc AI Chat kỳ vọng đưa AI trở nên gần gũi, dễ dùng hơn cho người Việt

Thế Phương 22/08/2023 07:30

Theo đại diện Cốc Cốc, việc cho ra đời sản phẩm AI Chat đã góp phần khẳng định Việt Nam đủ năng lực làm chủ những công nghệ tiên tiến. Mặc dù vậy, để cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà với các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới, cần có sự hợp tác với những đơn vị khác ở trong nước để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn cho người Việt.

Tóm tắt:
Việc ra mắt sản phẩm Cốc Cốc AI Chat sẽ giúp người dùng Việt có cơ hội được trải nghiệm hoàn toàn miễn phí một chatbot phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), cũng như khẳng định Việt Nam có đủ khả năng bắt kịp những công nghệ 4.0 trên thế giới.

Đối đầu với những “gã khổng lồ công nghệ” toàn cầu là một vấn đề khó khăn nên cần sự tham gia của nhiều đơn vị để cùng xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn cho người Việt, để không tiếp tục thua ngay trên sân nhà.

Kỳ vọng giúp người dùng Việt tận hưởng nhiều lợi ích hơn từ không gian số

Ngày 29/5, Cốc Cốc chính thức giới thiệu bộ đôi sản phẩm AI Chat và AI Search tới người dùng. Đây là 2 sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái Cốc Cốc AI Lab - Bộ phận nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) do Cốc Cốc mới thành lập, với mục tiêu giúp người dùng tận hưởng nhiều lợi ích hơn từ không gian số. Cùng với đó, Cốc Cốc cũng muốn góp phần khẳng định Việt Nam đủ năng lực làm chủ những công nghệ tiên tiến, cạnh tranh sòng phẳng với các gã khổng lồ công nghệ trên thế giới.

Chia sẻ về lý do quyết định ra mắt sản phẩm này, ông Nguyễn Vũ Anh, CEO của Cốc Cốc cho biết, các mô hình “AI tạo sinh” (GenAI) là những công cụ mang tính đột phá trên thế giới số. Cùng với sự ra đời của ChatGPT - chatbot ứng dụng AI và mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) 3.5, người dùng phổ thông lần đầu tiên được chạm vào AI với hình thù cụ thể, và đặc biệt là có thể giao tiếp với AI như với một con người.

Tuy nhiên, các đơn vị phát triển ChatGPT khác chưa tập trung nguồn lực để giải quyết nhu cầu của người Việt. Cụ thể, ChatGPT hiện vẫn chưa mở quyền truy cập cho người dùng Việt Nam một cách chính thức, và cũng không chú trọng trong việc xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.

“Do đó, Cốc Cốc AI Chat được ra mắt với kỳ vọng sẽ giúp người dùng Việt có cơ hội được trải nghiệm hoàn toàn miễn phí một chatbot phát triển dựa trên LLM. Từ đó tận dụng sức mạnh của công nghệ AI và khai thác tối đa tiềm năng của thế giới số”, ông Vũ Anh khẳng định.

Chưa kể, Cốc Cốc AI Chat còn là một công cụ được “huấn luyện” đặc biệt để xử lý ngôn ngữ tiếng Việt và các truy vấn liên quan đến văn hóa Việt. Nguồn thông tin của Cốc Cốc AI Chat sẽ được trích xuất từ hệ sinh thái của Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, giúp trả những kết quả tương thích hơn, gần gũi hơn và cập nhật chính xác hơn.

Chẳng hạn, nếu người dùng hỏi ChatGPT về thông tin đội tuyển nam Việt Nam tham dự Vòng chung kết Asian Cup 2023 ở Qatar, công cụ này chưa thể cập nhật và trả kết quả mới nhất, trong khi Cốc Cốc AI Chat đã có thể phản hồi thông tin chính xác.

coc-coc-1.png
Ông Nguyễn Vũ Anh cho rằng nếu Cốc Cốc lo lắng khi nhận những phản hồi tiêu cực thì sẽ khó tạo ra những sản phẩm thực sự đem lại giá trị cho người dùng.

CEO Cốc Cốc cho biết, để phát triển và ra mắt công cụ AI Chat vào giữa quý 2/2023, đội ngũ kỹ thuật đã phải chạy nước rút. Từ việc nghiên cứu tới xây dựng và phát triển sản phẩm sao cho phù hợp, hữu ích cho người dùng Việt Nam,... tất cả đều phải thực hiện nhanh chóng để kịp ra mắt sản phẩm bắt nhịp được với xu hướng của thế giới. Điều này được Cốc Cốc vô cùng coi trọng, nhất là trong bối cảnh việc sử dụng ChatGPT còn nhiều rào cản cho người Việt.

Trong quá trình nghiên cứu, đội ngũ xây dựng sản phẩm cũng gặp khó khi tìm cách huấn luyện Cốc Cốc AI Chat tự tranh luận để có thể cung cấp những thông tin chính xác nhất. Đặc biệt, việc xử lý và sàng lọc những thông tin có yếu tố nhạy cảm trước khi phản hồi cho người dùng cũng là thách thức lớn, bởi về nguyên lý hoạt động, Cốc Cốc AI Chat cũng như các AI chatbot khác đều khai thác và tổng hợp thông tin từ thế giới Internet, nơi vốn tồn tại một lượng thông tin khổng lồ, gồm cả thông tin chính xác lẫn thông tin “rác”. Việc phân tách, đánh giá và chọn lọc thông tin phù hợp đưa vào phản hồi tới người dùng đòi hỏi hệ thống phải liên tục cập nhật.

Tuy nhiên, điều rất may mắn là ngoài nguồn lực nội bộ, Cốc Cốc cũng nhận được một số đóng góp giá trị từ người dùng để kịp thời điều chỉnh, nâng cấp chất lượng câu trả lời.

“Cốc Cốc có lợi thế khi có thể tận dụng thành quả nghiên cứu và phát triển công cụ ứng dụng AI trên thế giới nhiều năm nay, từ đó tối ưu, áp dụng và phát triển thêm để phù hợp hơn với người Việt”, ông Vũ Anh bày tỏ.

coc-coc-2.png

Nếu sợ thất bại thì sẽ khó tạo ra sản phẩm đem lại giá trị cho người dùng

Trước Cốc Cốc, không ít sản phẩm chatbot tương tự ChatGPT đã ra đời, tiêu biểu như Google cũng đã ra mắt công cụ AI Chatbot (Bard) và nhận không ít phản hồi tiêu cực. Hay nhiều công ty khởi nghiệp (startup) đang phát triển sản phẩm cạnh tranh và thay thế ChatGPT của OpenAI như: Entropic.ai (LLM), Hugging Face, hoặc các sản phẩm tập trung vào thị trường ngách như Character.AI,...

Khi được hỏi liệu Cốc Cốc có lo ngại khi nhận những phản hồi tiêu cực, khi mà ChatGPT đã tạo được hiệu ứng quá lớn, ông Vũ Anh khẳng định, nếu cứ e ngại thì sẽ khó tạo ra những sản phẩm thực sự đem lại giá trị cho người dùng. Hành trình hoàn thiện sản phẩm cần phải bước qua cả những vấp ngã. Chính bài học từ những vấp ngã đó sẽ giúp đội ngũ làm sản phẩm nhanh chóng “lớn” lên và sớm cán đích thành công, ghi dấu ấn trong tâm trí người dùng.

Cốc Cốc AI Chat là một sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm (phiên bản Beta) nên không tránh khỏi một số hạn chế nhất định như giới hạn về số lượng người dùng, nội dung trả lời chưa thực sự đầy đủ hoặc đôi lúc còn nhầm lẫn do sản phẩm vẫn đang tiếp tục học từ cơ sở dữ liệu mới...

Mọi ý kiến đóng góp của người dùng dù tiêu cực hay tích cực đều có vai trò vô cùng quan trọng, giúp đội ngũ Cốc Cốc có cơ sở cải thiện, phát triển sản phẩm tốt hơn, hữu ích hơn cho người Việt. Vậy nên, Cốc Cốc thực sự mong muốn nhận được nhiều hơn nữa những chia sẻ, đánh giá của người dùng trong quá trình trải nghiệm sản phẩm.

Trong vòng 2 tuần sau khi ra mắt, đã có khoảng hơn 50 nghìn lượt đăng ký trải nghiệm Cốc Cốc AI Chat. Điều này cho thấy người dùng vẫn rất quan tâm và mong muốn được thử làm nhiều điều hơn với một AI Chatbot.

Thực tế, đa số phản hồi mà Cốc Cốc nhận được là “hãy để người dùng được trải nghiệm sản phẩm sớm hơn” do chính sách giới hạn số lượng người dùng liên quan đến sản phẩm Beta đang trong quá trình thử nghiệm.

Thời điểm hiện tại, Cốc Cốc sẽ tập trung vào việc phát triển Cốc Cốc AI Chat cho người dùng phổ thông tại Việt Nam. Chúng tôi muốn phát triển hoàn thiện sản phẩm để tối ưu hóa và đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người dùng tốt hơn. Tương lai, Cốc Cốc sẽ có kế hoạch thúc đẩy và mở rộng việc tối ưu Cốc Cốc AI Chat cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nếu có cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam.

Theo ông Vũ Anh, việc phát triển và cho ra mắt Cốc Cốc AI Chat chỉ là bước khởi đầu trong hành trình phát triển và đóng góp giá trị của hệ sinh thái Cốc Cốc AI Lab cho cộng đồng. Cốc Cốc AI Lab sẽ đảm nhiệm sứ mệnh nghiên cứu, phát triển và tích hợp những sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất, tiện lợi nhất trên trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. Từ đó, công nghệ ứng dụng AI sẽ trở nên gần gũi và dễ sử dụng hơn cho người dùng Việt.

“Tinh thần chung của Cốc Cốc AI Lab là không ngại thử. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và cung cấp nhiều hơn nữa những sản phẩm ứng dụng AI hữu ích cho người Việt trong thời gian tới”, ông Vũ Anh khẳng định.

So sánh với ChatGPT, ông Vũ Anh nhận định, sản phẩm này có khả năng trả lời các truy vấn tiếng Anh tốt hơn và có thể tạo những nội dung dài hơn, chi tiết hơn. Trong khi, Cốc Cốc AI Chat có khả năng trả lời tốt hơn với các truy vấn về văn hóa, thông tin của Việt Nam. Kết quả thông tin trả về mang tính thời sự tương đương thông tin từ hệ sinh thái của công cụ tìm kiếm nên sẽ cập nhật và chính xác hơn.

Còn với những chatbot khác trên thị trường hiện nay, điểm khác biệt nổi bật của Cốc Cốc AI Chat nằm ở năng lực hiểu tiếng Việt và xử lý linh hoạt, chính xác những nội dung truy vấn mang đặc trưng văn hóa Việt Nam - điểm hạn chế của hầu hết các sản phẩm tương tự trên thị trường. Bởi vì, lượng dữ liệu liên quan đến người dùng và văn hóa Việt của Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc không hề thua kém bất kỳ đối thủ nào trên thị trường.

Hơn thế nữa, sứ mệnh và nguyên tắc hoạt động của Cốc Cốc là luôn tập trung vào giải quyết nhu cầu của người dùng Việt Nam, phát triển các sản phẩm công nghệ kỹ thuật số tối ưu cho người dùng Việt Nam. Với lợi thế am hiểu địa phương, Cốc Cốc có lợi thế và thông minh hơn so với các đơn vị khác trong cùng thị trường Việt Nam.

Dù Cốc Cốc AI Chat hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định như bị giới hạn về số lượng từ trả lời. Tuy nhiên, nhóm phát triển hiện đang trải nghiệm và cải thiện những hạn chế này.

Trước những ý kiến cho rằng, ChatGPT sẽ thay thế những công cụ tìm kiếm truyền thống như Google, Cốc Cốc..., ông Vũ Anh khẳng định, sản phẩm này không phải là mối đe dọa trực tiếp vì không có quyền truy cập vào dữ liệu cập nhật (updated data). Thay vào đó, ChatGPT tạo ra cú hích để các công cụ tìm kiếm phát triển sản phẩm tốt hơn.

Chưa kể, mỗi phương pháp có những ưu điểm khác nhau, tuỳ thuộc vào nhu cầu người dùng để lựa chọn. Ví dụ, khi có nhiều câu trả lời thì người dùng có thể tìm cho mình thông tin tích hợp nhất, còn một câu trả lời thì sẽ tiết kiệm được thời gian tìm kiếm. Tuy nhiên, người dùng sẽ phải đối mặt với rủi ro sai lệch thông tin khi chỉ có một câu trả lời duy nhất.

Mặc dù vậy, LLM đang tạo ra một “cửa ngõ” mới để người dùng truy cập và tương tác với thông tin. Đây cũng chính là lý do vì sao “AI tạo sinh” vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những đơn vị phát triển công cụ tìm kiếm như Cốc Cốc. Đồng thời, các công cụ tìm kiếm cũng cần liên tục nâng cấp, cải thiện sản phẩm, kỹ thuật và hệ thống để phù hợp với nhu cầu của thời đại. Việc này bao gồm xác định các trang web có kết quả phù hợp nhất, sau đó xử lý ngôn ngữ để “đọc” chúng rồi hiển thị cho người dùng.

““AI tạo sinh” là bước tiến hóa tiếp theo của công nghệ số hiện đại và ChatGPT thúc đẩy chúng tôi phát triển sản phẩm tốt hơn cho người dùng. Để rồi, chúng tôi đã tạo ra một sản phẩm chatbot ứng dụng AI bắt kịp xu hướng mới của thế giới và chỉ dành cho người Việt”, CEO Cốc Cốc chia sẻ thêm.

Cần có sự hợp tác để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn cho người Việt

Cũng theo ông Vũ Anh, đối đầu với những “gã khổng lồ công nghệ” toàn cầu với nguồn vốn và tài nguyên bỏ xa các công ty Việt Nam là một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, đó không phải lý do để bỏ cuộc. Cốc Cốc tin rằng với việc thử nghiệm và liên tục tìm các hướng phát triển khác nhau, khi kết hợp với việc hiểu người dùng địa phương thì sẽ tìm thấy “cánh cửa” để giành chiến thắng. Chẳng hạn, Gojek đã đánh bật cả Grab và Uber ra khỏi Indonesia, cơ hội sẽ luôn ở đó.

“Tuy nhiên, cần thiết có sự hợp tác với những đơn vị khác ở trong nước để xây dựng LLM cho người Việt Nam. Qua đó thể vượt qua khoảng cách về nguồn lực đối với các đối thủ lớn trên thế giới”, ông Vũ Anh bày tỏ.

Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chiến lược quốc gia về AI. Theo đó, tầm nhìn của chiến lược này là đến 2030, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm đổi mới về AI thuộc top 4 của ASEAN và trong top 50 của thế giới. Vì vậy, có thể nói các quy định hiện hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của các sản phẩm “Make in Viet Nam” trong lĩnh vực AI tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, CEO Cốc Cốc cho rằng, rào cản đầu tiên đối với sự phát triển của AI ở Việt Nam là về tài nguyên. Các kỹ sư và nhà nghiên cứu AI Việt Nam vẫn còn rất ít, trong khi việc đào tạo nguồn nhân lực AI chuyên nghiệp ở Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu.

Khó khăn thứ 2 là dữ liệu và cơ sở hạ tầng điện toán của Việt Nam vẫn còn ở cấp độ sơ bộ. Việt Nam không có nhiều bộ dữ liệu chất lượng tốt và dữ liệu thường bị phân mảnh, ít kết nối hơn và có quyền truy cập hạn chế.

Từ đó, Cốc Cốc mong muốn sẽ có một số quy định, chính sách hỗ trợ các công ty muốn xây dựng LLM bằng tiếng Việt. Chẳng hạn như việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất để các công ty này có thể tạo dựng các bộ dữ liệu lớn (BigData).

Ngoài ra, nên có thêm ưu đãi về tài chính để đầu tư hoặc tạo điều kiện để các công ty Việt có thể hợp tác với nhau hoặc hợp tác với các trường Đại học.

Về lời khuyên cho các startup khi tham gia vào thị trường AI, ông Vũ Anh cho rằng, các đơn vị này nên tận dụng tốt những lợi thế của người đi sau. Nếu biết cách phát triển từ tiềm năng có sẵn của thị trường thì hoàn toàn có thể tạo và xây dựng các sản phẩm tốt cho người dùng Việt Nam. Với lợi thế là người Việt, hiểu nhu cầu và văn hóa của người Việt, các công ty sẽ có lợi thế cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Phần khó hơn sẽ nằm ở việc phát triển sản phẩm và làm sao để có một mô hình kinh doanh bền vững. Công nghệ đang phát triển và tiến hóa rất nhanh, dẫn tới một số thách thức liên quan đến kỹ thuật cũng thay đổi theo. Chẳng hạn như chi phí xây dựng và vận hành của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cốc Cốc AI Chat kỳ vọng đưa AI trở nên gần gũi, dễ dùng hơn cho người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO