Combo du lịch + bảo vệ sinh thái biển: Một cách làm đáng ghi nhận

Hoàng Minh| 14/09/2022 09:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài trên thế giới với hơn 3.200km, kinh tế du lịch là một trong những ngành có tiềm năng phát triển, mang lại nguồn thu nhập lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, một vấn đề rất đáng quan tâm khác đó là đại dương hiện đang bị đe dọa bởi tác động của nhiều yếu tố, trong đó có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Làm thế nào để vừa phát triển kinh tế du lịch, vừa giữ được môi trường sinh thái biển trong sạch… chính là vấn đề khiến nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đau đáu tìm ra phương án tối ưu.

Khi đại dương kêu cứu…

Chỉ tính riêng ở Việt Nam, ngày càng có nhiều khách du lịch đến với biển. Một khảo sát của Tổng cục Du lịch cho thấy trước đại dịch COVID-19, du lịch biển chiếm 70% doanh thu trong ngành Du lịch. Việt Nam có hơn 1 triệu km2 mặt nước biển, hơn 2.770 đảo ven bờ và hàng loạt bãi tắm đẹp trải dọc cả nước, đó là những lợi thế vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. TS Đỗ Cẩm Thơ (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch) cho biết: "Tốc độ tăng trưởng về thu nhập du lịch trong 15 năm trở lại đây luôn giữ mức tăng trưởng hơn 24%/năm. Lượng du khách quốc tế đến khu vực ven biển Việt Nam liên tục tăng, hiện chiếm gần 80% tổng lưu lượng khách đến Việt Nam; khách du lịch nội địa, chiếm hơn 50% tổng lượng khách đi lại trên toàn quốc".

Tuy vậy, sự gia tăng du lịch biển lại là tác nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Nhiều khu vực ven biển hiện nay, do hoạt động du lịch phát triển đã vượt năng lực quản lý, hoặc do nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế nên các hoạt động du lịch đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường. Theo kết quả giám sát môi trường hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải khoảng 1,2kg/ngày đêm; mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5kg/ngày. Trong đó, rác thải nhựa là túi nilon, cốc nhựa, chai nhựa, hộp nhựa, hộp xốp…chiếm khoảng 60%.

Combo Du lịch + Bảo vệ sinh thái biển: Một cách làm đáng ghi nhận - Ảnh 1.

Khai thác phát triển du lịch biển cần giải quyết cả tình trạng ô nhiễm môi trường biển. (Ảnh: H.M)

Một số điểm du lịch biển nổi tiếng cũng lên tiếng kêu cứu về môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Nhiều bãi san hô ở Vịnh Hạ Long ở đáy biển sâu đang có dấu hiệu chết dần. Đảo Bạch Long Vĩ đối mặt với tình trạng xói mòn, sạt lở, giảm thể tích chứa nước ngầm dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập, tăng trầm tích đáy, tăng độ đục... làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi cảnh quan tự nhiên, nhất là mất đi vẻ đẹp tự nhiên của vùng biển đảo này...

Lý giải về tình trạng nêu trên, các nhà khoa học biển Việt Nam cho rằng, do sự đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học ngày một gia tăng; việc xây dựng bến cảng, nhà máy; phát triển cơ sở hạ tầng của ngành du lịch, dịch vụ. Ô nhiễm do chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt và chế biến; việc khai thác, đánh bắt theo phương thức tận diệt thủy sản, cũng như nuôi trồng thủy sản tràn lan, thiếu quy hoạch... Ðây được coi là những tác nhân chính gây "biến dạng" cảnh quan, gây suy giảm nhanh các loài sinh vật đang sinh sống tại khu vực này...

Du lịch biển phát triển nhanh và mạnh gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển nhức nhối nhiều năm nay. Chỉ nói riêng về chất thải rắn, vào mùa du lịch cao điểm, tỉ lệ thu gom chất thải rắn ở các điểm đến hiện đạt cao nhất chỉ rơi vào khoảng 70% đến 80% khối lượng chất thải ra môi trường. Ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, các khu du lịch biển nổi tiếng như Sầm Sơn, Cát Bà, Vịnh Lan Hạ, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu… đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tìm giải pháp cho việc bảo vệ môi trường biển

Rất nhiều hội thảo, nghiên cứu, khảo sát và phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển đã được đưa ra. Theo đó, có những nguyên nhân khách quan như trái đất nóng lên, thay đổi khí hậu… Nhưng tác nhân lớn nhất gây ra hiểm họa này lại chính là con người. Trong đó, cần kể đến như công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một cách thường xuyên; Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để; hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra biển; ý thức du khách còn hạn chế; rác thải sinh hoạt chưa được xử lý, nếu có xử lý chỉ bằng phương pháp chôn lấp; chưa có sự phối hợp một cách hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, cơ quan khoa học, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc sử dụng, quản lý tài nguyên biển; thiếu sự tham gia tích cực của người dân đối với việc bảo vệ môi trường biển tại nơi mình đang sinh sống...

Để khắc phục tình trạng trên và đáp lại lời kêu cứu của biển, nhiều giải pháp đã được đưa ra như tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường biển cho người làm du lịch và du khách tham quan; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch, chú trọng sử dụng nguồn năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường biển; xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại đơn vị mình, trước khi đưa vào hệ thống thải chung của khu vực.

Đối với các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã và đang tập trung nghiên cứu, ban hành những cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các dự án du lịch sinh thái, du lịch biển, các đơn vị áp dụng công nghệ bảo vệ môi trường…

Combo Du lịch + Bảo vệ sinh thái biển: Một cách làm đáng ghi nhận - Ảnh 2.

Các công ty du lịch mở rộng các tour cho khách du lịch vừa lặn biển, vừa dọn rác làm sạch đáy biển. (Ảnh: Tapchidulich)

Còn đối với các công ty du lịch và lữ hành, một sáng kiến gần đây được nhân rộng và khá hiệu quả là xây dựng và quảng bá Combo du lịch + bảo vệ môi trường sinh thái biển đối với khách quốc tế và trong nước khi đến nghỉ dưỡng tại các vùng biển. Một trong những cách làm khá hiệu quả là lặn biển nhặt rác làm sạch đáy biển, chung tay bảo vệ môi trường biển Phú Quốc của Công ty Du lịch Red River Tour Phú Quốc. Theo đó, công ty chọn các khu vực an toàn, thuận lợi cho việc lặn biển tại ven đảo Phú Quốc để tổ chức các tour cho khách du lịch vừa lặn biển, vừa dọn rác làm sạch đáy biển.  Ông Nguyễn Đức Mạnh - Giám đốc Công ty Du lịch Red River Tours, chia sẻ: "Khó khăn nhất của chúng tôi là việc làm sao để mọi người có thể sắp xếp thời gian để tham gia cùng lúc vì mỗi người sẽ có những công việc, cuộc sống và kế hoạch riêng. Bên cạnh đó, trong quá trình nhặt rác dưới đáy biển, có những loại rác nằm sâu dưới đáy biển hoặc mắc kẹt dưới những tảng đá lớn gây rất nhiều khó khăn, việc xử lý có khi phải mất đến vài giờ mới xong được".

Không lặn biển nhặt rác, nhưng trong nhiều năm nay, Công ty Du lịch Vietravel đã tổ chức nhiều tour du lịch miễn phí hướng tới môi trường xanh. Khách hàng tham gia các hoạt động lắp đặt thùng rác, dọn dẹp vệ sinh và vận động người dân cùng chung tay thực hiện. Gần đây nhất, Viettravel đã phối hợp với Tổng cục Du lịch cùng đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Đà Nẵng cam kết thực hiện Đề án Go Green để đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám Đốc Vietravel, chia sẻ: "Bảo vệ môi trường là mục tiêu được Vietravel xác định triển khai thường niên với nhiều hoạt động ý nghĩa, diễn ra đồng loạt và xuyên suốt từ năm 2013 đến nay".

Du lịch kết hợp bảo vệ môi trường cũng là xu hướng mà Trung tâm tổ chức hội nghị và du lịch chất lượng cao quốc (GoldenTour) quan tâm triển khai nhiều năm nay. Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc GoldenTour cho biết: "Hiện nay chúng tôi có một loạt tour dành cho du khách tham gia vào việc bảo vệ môi trường như cùng làm nông dân một ngày, một ngày cùng chính quyền địa phương hay cùng đoàn thanh niên ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hội An (Quảng Nam), tham dự nhặt rác trên bãi biển, tham dự cùng thành phố Hội An một ngày không có nilong".

Để bảo vệ môi trường sinh thái biển, không chỉ chờ đợi vào những sáng kiến của doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành mà còn trông chờ vào nhiều yếu tố khác, trong đó có sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương và trung ương, ý thức của người dân, hoạt động tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ chung tay bảo vệ môi trường biển… Tuy vậy, ý tưởng xây dựng combo du lịch + bảo vệ môi trường đang ngày một trở thành xu hướng mới có ảnh hưởng tích cực trong giới trẻ và điều này đáng được ghi nhận. 

Bài liên quan
  • Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
    Xu hướng của thế giới hiện nay các ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và định vị thương hiệu quốc gia.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Combo du lịch + bảo vệ sinh thái biển: Một cách làm đáng ghi nhận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO