Con người là yếu tố quan trọng nhất khi CĐS
Theo ông Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Học viện Chiến lược và Nhân sự Kingsman, Chủ tịch Rosa Bonita, doanh nghiệp có thể dễ dàng bỏ tiền ra để mua những phần mềm hiện đại nhưng sẽ không thể chuyển đổi số (CĐS) thành công nếu nhân sự không chuyển đổi và thích ứng kịp với sự thay đổi đó.
Sẽ không thể CĐS thành công nếu nhân viên không chuyển đổi kịp
Chia sẻ về nhân sự đa nhiệm với tư duy số, ông Hoàng Trung Dũng đã lấy ví dụ về chính doanh nghiệp (DN) Rosa Bonina của mình. Hiện DN đang có khoảng 2.500 nhân viên kinh doanh nhưng đội ngũ điều hành chính tại hội sở chỉ có 4 người. Để làm được điều này, DN của ông Dũng đã phải ứng dụng công nghệ vào mô hình hoạt động để tiết giảm chi phí.
“Bất kì DN nào đều muốn tăng trưởng doanh thu. Nhưng khi ứng dụng được tư duy số trong hoạt động thì việc trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ rất mạnh mẽ”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, khi CĐS, DN có thể dễ dàng bỏ tiền ra để mua những phần mềm hiện đại, đem trải nghiệm tốt nhất đến cho khách hàng nhưng sẽ thế nào nếu nhân sự của DN đó không chuyển đổi kịp, không nắm bắt được tư tưởng của lãnh đạo. Lúc đó, các nhân viênsẽ hoàn toàn thụ động và không đối mặt được với việc chuyển đổi những ý tưởng tốt đến với khách hàng.
Ông Dũng cũng đặt ra một vấn đề nữa đó là dường như máy móc đều làm tốt hơn con người. Nếu như thế thì đến một ngày nào đó, DN chỉ còn toàn là máy móc và những thuật toán thì con người sẽ đi đâu? Liệu máy móc và con người có chịu làm việc chung với nhau hay không? Đây là bài toán đặt ra buộc các DN phải thực sự suy nghĩ.
“Nếu DN mà một năm thay đổi nhân sự liên tục và chỉ dành một cái máy để đi theo khách hàng chắc chắn rằng những trải nghiệm mà khách hàng nhận lại không thể nào bằng một con người chăm sóc khách hàng”, ông Dũng bày tỏ.
Để nhấn mạnh vai trò của con người, TS. Hoàng Trung Dũng cho biết ông đã từng chứng kiến những DN hoàn toàn không có máy móc nhưng vẫn tăng trưởng đột phá. Bên cạnh đó, có rất nhiều DN tuyên bố đã CĐS thành công nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn không được như kỳ vọng. Để rồi, mỗi lần chuyển đổi như thế thì DN phải tốn rất nhiều tiền.
Làm thế nào để CĐS đội ngũ nhân sự?
Từ quan sát thực tế, ông Dũng nhận thấy khi muốn tiến hành thay đổi thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức vì phải thay đổi nhận thức của người lao động. Khi tiến hành CĐS với nhân sự phải đảm bảo được một số yêu cầu như có ước mơ lớn hơn, tích cực hơn…
Ông Dũng đưa ra dẫn chứng của một doanh nghiệp, cá nhân mỗi nhân viên đều hoàn thành tất cả KPIs (chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động) mà công ty đặt ra, nhưng nhìn chung thì doanh nghiệp lại không đạt được doanh thu và lợi nhuận. Chính vì thế, ông Dũng cho rằng, thay vì đặt KPIs, doanh nghiệp cần hướng đến xây dựng OKR( quản trị bằng mục tiêu) để mọi cá nhân trong tổ chức hướng đến mục tiêu chung.
Chủ tịch Học viện Chiến lược và Nhân sự Kingsman đã đưa ra một bài toán mà các DN khi CĐS hay gặp phải. Đó là làm thế nào để chuyển đổi một đội ngũ nhân sự khi từ trước đến nay họ vốn chỉ nghe lời lãnh đạo và ngồi thụ động trong sự sai khiến của máy móc mà giờ lại sẵn lòng tham gia vào sâu hơn quá trình chuyển đổi của DN để trở nên đa nhiệm và hiệu quả hơn.
Để làm được điều này, mỗi nhân viên phải: Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, luôn nỗ lực cố gắng để làm công việc của mình tốt hơn ngày hôm qua; Làm tốt việc của mình và chia sẻ kinh nghiệm, nỗ lực để giúp một người bên cạnh cũng phát triển tốt hơn; Thường xuyên trăn trở nỗi đau của DN, thường xuyên gõ cửa trưởng phòng, giám đốc để đề xuất sáng kiến, mô hình đổi mới, cải tiến.
“Chỉ với tinh thân và đội ngũ nhân sự như vậy, kết hợp với mô hình, giải pháp, phần mềm thì DN mới có thể CĐS thành công”, ông Dũng bày tỏ.
Ông Dũng cũng đồng tình với quan điểm CĐS không chỉ có người lãnh đạo có tư duy số, nguồn lực số, giải pháp số mà còn là vấn đề về việc thay đổi nhận thức về đội ngũ nhân sự để phù hợp với thời đại hơn. Đó mới là điều thực sự khó khăn và tốn thời gian cho các DN./.