Make in Vietnam

Làm chủ dữ liệu để đảm bảo tự cường trên không gian số

Mạnh Vỹ (thực hiện) 23/02/2024 06:45

Dữ liệu số tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) và phát triển kinh tế số (KTS). Làm chủ dữ liệu là một yếu tố quan trọng đối với việc đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng và sự phát triển của KTS, tạo ra giá trị từ dữ liệu.

Làm chủ dữ liệu có nghĩa là có quyền kiểm soát, quản lý và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, an toàn và tuân thủ pháp luật. Sự gia tăng dữ liệu số tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phải tăng cường đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực để quản lý, lưu trữ và xử lý dữ liệu một cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.

Trung tâm dữ liệu (TTDL) và Điện toán đám mây (ĐTĐM) của Viettel là một trong những nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam. Sự phát triển của TTDL và ĐTĐM của Viettel rất nhanh và ấn tượng. Viettel đã đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân lực để cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, an toàn và tiết kiệm cho khách hàng. Viettel cũng đã đóng góp nhiều vào sự CĐS của chính phủ, doanh nghiệp (DN) và xã hội Việt Nam. Phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Viettel IDC - về sự phát triển của thị trường TTDL, ĐTĐM Việt Nam và quá trình “lên mây” thần tốc của Viettel.

ong-le-hoai-nam.png
Ông Lê Hoài Nam

Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phóng viên (PV): Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh CĐS quốc gia. Theo ông, điều này có tác động như thế nào tới thị trường ĐTĐM và TTDL trong nước?

Ông Lê Hoài Nam: TTDL và ĐTĐM là nền tảng của các công nghệ phục vụ quá trình CĐS. Đám mây mang đến sự linh hoạt, tốc độ và khả năng thử nghiệm, giảm thiểu rủi ro để giúp CĐS thành công. Do đó việc đẩy mạnh CĐS quốc gia chắc chắn sẽ có những tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu.

Bên cạnh việc tăng nhanh về quy mô do nhu cầu ngày càng cao thì đòi hỏi về chất lượng dịch vụ của khách hàng cũng sẽ tăng lên. TTDL, ĐTĐM phải đảm bảo các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn và sẽ chào đón thêm nhiều nhà cung cấp mới trên thị trường cũng như sự tham gia của các nhà cung cấp quốc tế. Điều này sẽ khiến thị trường TTDL và ĐTĐM trở nên cạnh tranh hơn, các nhà cung cấp cần phải đổi mới mình, thích ứng và mang đến những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt hơn, đa dạng hơn.

Tôi cho rằng thị trường TTDL và ĐTĐM trong giai đoạn 2024-2030 sắp tới tại Việt Nam hứa hẹn sẽ rất sôi động.

Phóng viên (PV): Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì thị trường điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang phát triển ở mức độ nào thưa ông?

Ông Lê Hoài Nam: Việt Nam được đánh giá là một trong 100 thị trường mới nổi trên thị trường đám mây (Cloud) và một trong 10 thị trường mới nổi về TTDL với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Theo báo cáo của IDC (Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu) thì thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ khoảng 26%. Trong khi báo cáo của Grand View Research cho thấy, thị trường ĐTĐM của khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến đạt 364 tỷ USD vào năm 2030, với mức tăng trưởng kép 16,6%. So với khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì tốc độ tăng trưởng tại thị trường Việt Nam là một chỉ số hết sức ấn tượng.

doanh-thu-dn-noi-dia.png
Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTĐM trong nước giai đoạn 2021-2023 (Nguồn: CLB VNCDC)

Nghiên cứu mới đây của Câu lạc bộ TTDL và ĐTĐM Việt Nam (VNCDC) chỉ ra rằng, các DN cung cấp dịch vụ Cloud nội địa đã đưa mức doanh thu đạt được từ 900 tỷ đồng vào năm 2021 tăng vọt lên hơn 2.300 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%. Đến năm 2025, quy mô thị trường Cloud Việt Nam sẽ đạt khoảng 768 triệu USD (hơn 18.400 tỷ đồng). Và với tốc độ như vậy thì tới năm 2030 có thể đạt 3 tỷ USD.

Thực tế trong năm 2023 đã có rất nhiều DC mới được khai trương như FPT, VNPT, VNG đã chứng minh nhu cầu về DC và Cloud của Việt Nam vẫn còn tiếp tục trong giai đoạn phát triển và tốc độ này theo tôi sẽ tiếp tục duy trì trong vài năm tới.

Phóng viên (PV): Trong thị trường ĐTĐM, thực tế hiện nay các doanh nghiệp trong nước vẫn lép vế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu ở đây là gì?

Ông Lê Hoài Nam: Các Big Tech quốc tế vẫn luôn cho thấy thế mạnh của mình trên thị trường điện toán đám mây nhờ quy mô, công nghệ, và đặc biệt họ đã đi trước khá xa so với các nhà cung cấp trong nước ở mảng Cloud.

Các nhà cung cấp dịch vụ nội địa nếu không tận dụng được các thế mạnh của mình, nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh thì thị trường Việt Nam sẽ có nguy cơ rơi vào tay Big Tech, DN Việt sẽ bị thua ngay trên “sân nhà”.

so-sanh-thi-phan.png
So sánh thị phần dịch vụ ĐTĐM các DN trong nước và nước ngoài năm 2023 (Nguồn: CLB VNCDC)

Số liệu mới đây của VNCDC cho thấy, hiện có đến gần 80% thị phần dịch vụ Cloud đang nằm trong tay các Big Tech. Nguyên nhân là do các nhà cung cấp nội địa vẫn chủ yếu tập trung vào mảng hạ tầng IaaS (cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ), còn các dịch vụ lớp trên PaaS (nền tảng dưới dạng dịch vụ), SaaS (phần mềm dưới dạng dịch vụ) vẫn chưa khai thác được nhiều, nên những DN nhỏ và vừa (SME) và những startup cần một hệ sinh thái đầy đủ sẽ ưu tiên sử dụng dịch vụ của Big Tech. Cùng với đó, như tôi vừa đề cập ở phần trên, các DN đầu tư nước ngoài cũng ưu tiên sử dụng dịch vụ Cloud của Big Tech khi đầu tư vào Việt Nam.

Đó là những lý do khiến cho các nhà cung cấp nội địa yếu thế hơn so với DN nước ngoài ở một số khía cạnh.

Phóng viên (PV): Được biết Viettel hiện đang là DN hàng đầu tại Việt Nam về ĐTĐM và TTDL. Ông hãy chia sẻ với bạn đọc về hành trình “lên mây” của Viettel.

Ông Lê Hoài Nam: Quay lại năm 2008, là năm mà Viettel IDC thành lập: khi đó Viettel đang rất thành công ở thị trường viễn thông và bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài. Viettel đang ở trên đỉnh cao nhưng lãnh đạo tập đoàn có một tầm nhìn xa, cảm thấy mọi thành công cũng chỉ kéo dài được trong một khoảng thời gian nhất định, không thể thành công mãi được. Chúng tôi quyết định chọn một lĩnh vực kinh doanh mới là TTDL (Data Center - DC) và sau này là cả ĐTĐM (Cloud Computing).

Thời điểm Viettel đi tìm cách làm, gần như chưa ai hiểu về TTDL và tại Việt Nam chưa hình thành thị trường này. Chúng tôi xây dựng 2 DC nhưng phải mất 3-4 năm để phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng. Sang năm 2011, chúng tôi có DC thứ 3 ở Bình Dương. Lúc này, thị trường mới bắt đầu chấp nhận và xu hướng đi thuê DC bắt đầu xuất hiện.

viettel-cloud.png

Giai đoạn đầu anh em làm rất vất vả, không có khách hàng, không có doanh thu. Đầu tư rồi, bán không được nên rất áp lực - từ lãnh đạo cho đến cả nhân viên. Chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn đầu và đến 2012 bắt đầu có những thành công trong mảng kinh doanh này. Đó là dấu mốc đầu tiên.

Dấu mốc thứ 2 là sự ra đời của Cloud. Khi đã có chỗ đứng, trở thành số một ở Việt Nam trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, Viettel IDC lại tiếp tục nghiên cứu phát triển cloud vào giai đoạn 2013–2015. Năm 2013, chúng tôi chính thức cho ra mắt dịch vụ Cloud server - dịch vụ Cloud đầu tiên và cốt lõi của mảng hạ tầng cloud (IaaS). Thời điểm đó, thế giới đã bước vào giai đoạn phát triển trong lĩnh vực này nhưng Việt Nam thì chưa. Nguồn lực về con người hạn chế, khách hàng chưa nhiều, nhưng chúng tôi vẫn quyết định phải đầu tư vì đây là lĩnh vực tương lai.

Khi Viettel IDC nghiên cứu và bắt đầu cung cấp dịch vụ đám mây công cộng (public cloud) tại Việt Nam thì trên thế giới đã có khoảng 50% DN công nghệ lớn và vừa đã nghiên cứu và dịch chuyển lên ĐTĐM. Ngược lại, tại Việt Nam khái niệm cloud vẫn còn khá xa lạ, nhu cầu của các DN về ứng dụng ĐTĐM là rất ít. Viettel IDC nhận thấy cần phát triển về giải pháp công nghệ để giải quyết được các bài toán bao gồm cả về vấn đề chi phí, cần một giải pháp có thể tối ưu chi phí ở mức thấp nhất cho các nhu cầu về hạ tầng và công nghệ để tối ưu nguồn lực.

Mặc dù rất khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng chúng tôi kiên trì tham vọng đưa dịch vụ cloud tiếp cận toàn bộ các nhóm khách hàng trong nước có nhu cầu, đặc biệt là nhóm các DN vừa và nhỏ (SMEs) vốn có nhiều hạn chế về công nghệ và tài chính. Viettel IDC đã đổ nguồn lực vào để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp nhất với các tập khách hàng này với chi phí rất rẻ, tương đương 1 ly trà đá.

Giống như cách Viettel đã làm trong công cuộc bình dân hóa điện thoại di động tại Việt Nam, sự tiên phong của IDC Viettel đã tạo áp lực để các nhà cung cấp khác cũng phải thay đổi, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ ĐTĐM “chất lượng quốc tế, giá Việt Nam”, góp phần làm thị trường ĐTĐM tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Đến thời điểm hiện tại, hệ sinh thái dịch vụ điện toán đám mây của tập đoàn Viettel đã lên tới hàng trăm sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của mọi tập khách hàng, hướng tới mục tiêu trở thành lựa chọn ưu tiên của các DN tại Việt Nam.

Phóng viên (PV): Hiện tại, Viettel đã phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ (cả ĐTĐM và TTDL) như thế nào để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước?

Ông Lê Hoài Nam: Có thể thấy nhu cầu của các tổ chức, DN về dịch vụ TTDL và ĐTĐM đang ngày càng tăng nhanh cả về chất và lượng. Để có thể bắt kịp với xu thế hiện nay, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Viettel tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô hạ tầng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tổ chức, DN không chỉ trong nước mà còn của các tổ chức, DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Viettel IDC có 5 TTDL tiêu chuẩn quốc tế Rated 3 - TIA 942, với tổng diện tích phòng máy hơn 35.000 m2 và tổng số rack cung cấp hơn 6.000 rack. Viettel IDC nằm trong hệ sinh thái ĐTĐM lớn nhất Việt Nam - Viettel Cloud, bao gồm các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ trên cloud, các công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị, vận hành. Viettel Cloud sở hữu hạ tầng TTDL nhất Việt Nam với 13 TTDL, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn.

ttdl-hoa-lac.png
TTDL Hoà Lạc của Viettel IDC có tổng diện tích phòng máy 6.500 m2, cung cấp 1.200 tủ rack với các hệ thống kỹ thuật chuyên nghiệp và hiện đại.

Ngoài việc mở rộng quy mô thì Viettel tiếp tục chuẩn hóa, nâng cấp và tối ưu, nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng dịch vụ, duy trì và mở rộng phạm vi các hệ thống tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế để luôn cung cấp dịch vụ cho khách hàng với chất lượng cao nhất, và an toàn nhất.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa, với chiến lược phát triển bền vững, Viettel IDC đang triển khai báo cáo ESG và kế hoạch phát triển bền vững, thực hiện kiểm toán năng lượng, kiểm kê khí nhà kính, lựa chọn các công nghệ, giải pháp mới, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường....

Phóng viên (PV): Nước ta đang được cácDN và nhà đầu tư nước ngoài chú ý và có xu hướng sẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, cả trong lĩnh vực ĐTĐM và TTDL. Mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ ngày càng gia tăng. Viettel sẽ có chiến lược gì để ứng đối với vấn đề này?

Ông Lê Hoài Nam: Hiện nay, một phần thị phần không nhỏ trên thị trường ĐTĐM và TTDL Việt Nam đang nằm trong tay các DN nước ngoài. Tuy nhiên, tôi tin rằng thị phần này sẽ sớm được các DN nội địa nỗ lực dành lại, dựa trên chiến lược nội địa hóa hạ tầng công nghệ cấp quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.

Với chiến lược phát triển TTDL và ĐTDM của Chính phủ đến 2030, cũng như các báo cáo phân tích thị trường Việt Nam của các tổ chức trong và ngoài nước về thị trường Việt Nam trong thời gian tới, cùng với việc Luật An ninh mạng, Nghị định 13/2023/ND-CP có hiệu lực sẽ thúc đẩy nhu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, đòi hỏi các nhà cung cấp hạ tầng TTDL trong nước phải có chiến lược phát triển phù hợp, đáp ứng được yêu cầu lưu trữ dữ liệu không những của các cơ quan, DN trong nước mà còn của các DN, nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Với vai trò chủ lực trong thực hiện chương trình CĐS quốc gia, Viettel đã xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển hạ tầng TTDL, cụ thể như:

- Quy hoạch các khu TTDL lớn (Hyperscale) tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam

- Quy hoạch, thiết kế TTDL mới theo các tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại, tiết kiệm, thân thiện với môi trường

- Triển khai, xây dựng theo từng giai đoạn, từng khu (module) để đáp ứng đa dạng các nhu cầu khách hàng

- Áp dụng các giải pháp, công nghệ mới theo hướng phát triển bền vững, xanh và đảm bảo cung cấp dịch vụ với chất lượng cao nhất, an toàn nhất cho khách hàng.

trung-tam-ky-thuat-viettel.png
Trung tâm Kỹ thuật Viettel Hòa Lạc được thiết kế đa năng với một DC đạt chuẩn quốc tế có quy mô tổng diện tích sàn 22.000 m2, công suất 1800 rack.

Phóng viên (PV): Từ kinh nghiệm của mình, ông dự đoán đến khi nào thì các DN ĐTĐM trong nước có thể nắm giữ thị phần nội địa ngang bằng và vượt các doanh nghiệp lớn của nước ngoài? Theo ông, Chính phủ nên có những chính sách cụ thể như thế nào để đẩy nhanh quá trình này?

Ông Lê Hoài Nam: Để các DN ĐTĐM trong nước có thể nắm giữ thị phần nội địa ngang bằng, thậm chí là vượt các DN lớn của nước ngoài, theo tôi không chỉ dựa vào sức mạnh nội tại của DN mà còn phụ thuộc rất nhiều bởi các chính sách của Chính phủ Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách thúc đẩy DN sử dụng ĐTĐM của người Việt, ví dụ như:

+ Có các cơ chế ưu đãi về thuế cho DN Việt sử dụng dịch vụ Cloud của nhà cung cấp trong nước và có quy định bắt buộc sử dụng dịch vụ Cloud của nhà cung cấp trong nước với các tổ chức, cơ quan sử dụng quỹ đầu tư công, ngân sách nhà nước.

+ Tạo cơ chế cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp Cloud tại Việt Nam.

+ Tạo chính sách để thắt chặt, hạn chế sự phát triển khai hạ tầng Cloud của BigTech tại Việt Nam, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp trong nước có thời gian, thị trường để hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ.

khu-vuc-dat-rack.png
Khu vực đặt tủ rack bên trong TTDL

Phóng viên (PV): Nhân dịp đầu xuân năm mới, ông có lời nhắn gì tới khách hàng và các tổ chức, DN Việt Nam?

Ông Lê Hoài Nam: Năm 2024 được dự đoán sẽ là năm mà cạnh tranh công nghệ trên thị trường thế giới trở nên mạnh mẽ hơn tạo nên những cơn sóng dữ dội, đòi hỏi các nhà cung cấp nội địa cần có sự đoàn kết, cộng hưởng bằng cách đồng hành cùng nhau trong công cuộc phụng sự tổ quốc, cùng với chính phủ giải các bài toán lớn cho quốc gia.

Viettel với vai trò là DN nội địa dẫn dắt và tạo động lực tăng trưởng thị phần trong lĩnh vực TTDL & ĐTĐM, luôn không ngừng đổi mới sáng tạo, mang công nghệ hiện đại nhất, giải pháp CĐS một cách dễ dàng hơn với chi phí tiết kiệm hơn giải pháp ngoại.

Với triết lý thương hiệu “Cộng hưởng tạo nên giá trị khác biệt”, chúng tôi khẳng định không đi một mình. Thay vào đó, với sức mạnh cộng hưởng của các nhà cung cấp nội địa, cùng vị thế trên thị trường quốc tế ngày càng cao, Viettel sẵn sàng vừa hợp tác vừa cạnh tranh sòng phẳng với các Big Tech toàn cầu, để cùng đồng hành hiện thực hóa tham vọng “Xây dựng quốc gia tự chủ công nghệ”, đưa sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam mang tiêu chuẩn quốc tế, giá cả cạnh tranh tới gần hơn với khách hàng.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2, tháng 1/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Làm chủ dữ liệu để đảm bảo tự cường trên không gian số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO