Với tốc độ phát triển công nghệ cực kỳ nhanh như ngày nay, văn hóa đọc dường như đã thay đổi gần như hoàn toàn. Thói quen đọc sách cũng đã thay đổi khác xưa nhiều. Người ta không còn bắt gặp thường xuyên những người cầm cuốn tiểu thuyết nơi công cộng nữa. Và cũng hiếm thấy ai sử dụng cả một ngày để tìm tài liệu sách báo, hay tạp chí.
Anh Nguyễn Tuân, Giám đốc một công ty sách trực tuyến nhớ lại những năm 20-2011 (thời kỳ đỉnh cao của hệ thống kinh doanh sách trực tuyến) đã có những tháng doanh thu công ty của anh lên tới cả tỷ tiền sách được bán ra thị trường. Thậm chí, có những ngày khách hàng đặt mua số lượng nhiều, việc chuyển phát sách đến tay người đọc trở nên nhộn nhịp. Điều đó chứng tỏ nhu cầu đọc sách của người Việt đang phát triển. Anh còn nhớ có những khách hàng gọi điện thường xuyên để hỏi về những cuốn sách "hot", những cuốn sách kỹ thuật không thể có ở trên mạng, khách hàng muốn tìm mua bằng được.
Rõ ràng, đọc sách là cách mà chúng ta học tập, giải trí. Người viết sách thì chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức. Đối với nhiều người, kiến thức đến chủ yếu từ sách báo và tạp chí. Đó là nơi mà tác giả có những kiến thức uyên bác phải mất cả đời người để truyền gửi vào sách. Còn người đọc có những khoảng lặng phiêu lưu trong trí tưởng tượng, có những không gian, thời gian riêng mà khi đọc ta mới suy tư bằng ký ức đã từng trải qua. Đó là sự sâu sắc của sách mà không một loại hình nào thay thế được.
Dường như càng ngày, những thói quen đó càng phôi phai trong cuộc sống bộn bề của xã hội, người ta đã dần chuyển sang một kỷ nguyên đổi mới về học hỏi kiến thức mà ở đó thói quen, lối sống và hành vi học tập cũng như giải trí cũng thay đổi.
Có lẽ công nghệ đã làm thay đổi văn hóa đọc bắt đầu từ những năm 2010. Khi mà sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, các thiết bị cầm tay trở nên rẻ tiền, sở hữu nó trở nên đơn giản với rất nhiều người. Và với sự thay đổi của thiết bị di động màn hình lớn, sắc nét và thông minh hơn, ra lệnh bằng chạm, bằng vuốt ngón tay…không còn như các thiết bị thế hệ cũ phải sử dụng nút ấn, thao tác phức tạp để thực hiện một tác vụ.
Yếu tố thứ hai đã làm thay đổi hoàn toàn văn hóa đọc đó là mạng xã hội ra đời. Nó khiến cho bất cứ ai cũng có thể viết, biên tập và trở thành tác giả một nội dung chủ đề nào đó. Và khi biên tập xuất bản một nội dung dường như đều có ngay sự phản hồi tương tác để tác giả có thể chỉnh sửa ngay lập tức. Các phiên bản cũng được cập nhật tức thì cho phù hợp hơn. Điều mà trước kia sách, báo giấy không thể đạt được.
Với cách tiếp cận tri thức và nguồn thông tin vô hạn như ngày nay, thói quen đọc đã thay đổi hoàn toàn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có những sự thay đổi khác biệt cả về nội dung. Đó là trước kia người ta có thể đọc một bài báo hay một vấn đề dài hàng trăm trang sách. Ngày nay, đã thay đổi cách tiếp nhận thông tin, người ta thật khó có thể đọc một nội dung dài hàng trăm trang giấy nữa. Thậm chí, khó để có thể đọc một bài viết mà không có hình ảnh hay video đi kèm trực quan hơn. Để làm được điều này chỉ có công nghệ mới cho phép. Bởi vì lượng thông tin được xuất bản hàng ngày tăng một cách chóng mặt. Điều đó khiến cho việc chọn lọc thông tin hay, hấp dẫn, ngắn gọn và dễ hiểu trở nên cần thiết.
Công nghệ thay đổi khiến văn hóa đọc sách, học tập cũng như giải trí thay đổi. Chúng ta đã giảm rất nhiều thời gian tới các lớp học ngoài giờ để tham gia học tập, cập nhật kiến thức. Bởi vì việc học tập đã có các phần mềm trên thiết bị cầm tay. Học thông qua các chương trình video biên tập trên Youtube rất chuyên nghiệp. Học cùng các giảng viên, các chuyên gia đầu ngành của bất cứ lĩnh vực nào qua online.
Văn hóa đọc sách báo đã thay đổi cũng còn do có quá nhiều nguyên nhân, mà trong đó là sự tiện dụng của kết nối, sự thay đổi mọi thứ với một chiếc điện thoại, một thiết bị cầm tay đã làm cho bất cứ ai cũng có thể trở lên thông thái hơn. Và nó còn phục vụ hàng trăm việc khác như: công việc, giao tiếp, trao đổi học tập nhóm, tranh luận một chủ đề nào đó, nghiên cứu, du lịch...