Công nghiệp ICT phải sớm từ bỏ gia công, lắp ráp

Hữu Tuấn| 02/02/2021 16:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) sẽ trở thành công nghiệp mới, chủ lực, dẫn dắt nền kinh tế nếu ngay từ bây giờ bắt tay vào đổi mới ngành.

Công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) sẽ trở thành công nghiệp mới, chủ lực, dẫn dắt nền kinh tế nếu ngay từ bây giờ bắt tay vào đổi mới ngành.

Công nghiệp ICT phải sớm từ bỏ gia công, lắp ráp - Ảnh 1.

Công nghiệp ICT là ngành xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Trong ảnh: sản xuất smartphone tại Nhà máy Bphone. Ảnh: Đức Thanh

Ngành xuất siêu lớn nhất Việt Nam

Không quá lời khi nói rằng, ngành công nghiệp ICT đang là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh vô cùng khó khăn năm 2020.

Năm 2020, doanh thu ngành ICT ước đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD, doanh thu công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD, doanh thu công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD...

Trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông: đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Mỹ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore.

Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế. Năm 2019, xuất siêu trong lĩnh vực phần cứng, điện tử ước đạt 28 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về dịch vụ công nghệ số.

Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ rõ những điểm hạn chế của ngành công nghiệp ICT, đó là vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp và làm thuê. Chưa có nhiều sản phẩm tự nghiên cứu, sản xuất.

“Hơn 90% doanh nghiệp ICT tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại sản phẩm. Chưa có nhiều doanh nghiệp đủ tích lũy vốn và có chiến lược, tiềm lực để tham gia vào các chuỗi sản xuất, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ tiên tiến. Hạn chế này càng trở nên rõ nét trong các xu hướng công nghệ hiện nay, khi mà nhiều giải pháp công nghệ thông tin đòi hỏi có sự tích hợp các nền tảng, kỹ thuật khác nhau với quy mô triển khai trong môi trường công nghiệp”, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ.

Cốt lõi là nghiên cứu phát triển

Trong chương trình phát triển công nghiệp ICT giai đoạn 2021-2025, đã xác định đây là ngành nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm và đóng góp lớn hơn nữa cho ngân sách nhà nước giai đoạn tới. Tuy nhiên, nếu không có sự thay đổi, ngành này sẽ tụt hậu, phụ thuộc và kém cạnh tranh.

“Nếu lĩnh vực công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì vẫn như cũ. Nhưng nếu công nghiệp ICT là Make in Viet Nam, là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, giải bài toán giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới…, thì lĩnh vực công nghiệp ICT đã nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới”, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo số liệu từ Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ năm 2015-2019, doanh thu từ gia công, xuất khẩu phần mềm luôn đạt 85% tổng doanh thu công nghiệp phần mềm. Việt Nam xếp thứ 5/50 quốc gia tiềm năng cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho các công ty toàn cầu.

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho rằng, ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam nặng về gia công trong suốt một thời gian dài, dẫn đến doanh nghiệp mất đi năng lực sáng tạo, phụ thuộc vào đơn đặt hàng của nước ngoài, phát triển thiếu bền vững.

Tương tự, ông Hà Hải Nam, Phó viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số khuyến nghị: “Việt Nam cần phải làm chủ và tiến tới dẫn đầu một số công nghệ số cốt lõi, đặc biệt là các công nghệ số quan trọng mới nổi, các công nghệ thông minh, các công nghệ đóng vai trò sống còn đối với năng lực cạnh tranh quốc gia về ICT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ”.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần tiên phong trong thực hiện đột phá chiến lược về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, doanh nghiệp công nghệ số sẽ phải dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số, chủ động nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm “Make in Viet Nam” để cung cấp giải pháp công nghệ mới phục vụ đất nước.

Kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025 đang đặt ra nhiều mục tiêu lớn cho ngành ICT. Một trong số đó là các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thực hiện thành công chủ trương làm chủ công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đến năm 2025, Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp CNTT, điện tử các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

“Việt Nam có quy mô dân số 100 triệu, đủ sức ươm mầm cho những công nghệ, giải pháp của người Việt trước khi ra thế giới. Sứ mệnh mới của ngành công nghệ thông tin, viễn thông là làm sao 5-10 năm nữa, Việt Nam có tên trên bản đồ sản xuất thiết bị viễn thông của thế giới”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp ICT phải sớm từ bỏ gia công, lắp ráp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO