'Công ty mảng B2B và SaaS hút quỹ đầu tư mạo hiểm'

Hồng Thảo| 17/05/2022 11:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau đại dịch, các quỹ mạo hiểm chuyển hướng đầu tư cho các công ty mảng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và SaaS (phần mềm dịch vụ), theo bà Trần Hoài Phương.

Dịch bệnh mang đến những tác động tiêu cực với nền kinh tế đòi hỏi các quỹ đầu tư cần khắt khe hơn trong việc lựa chọn doanh nghiệp để rót vốn. Bà Trần Hoài Phương - Phó chủ tịch và Quản lý đầu tư tại Việt Nam của Quỹ Wavemaker Partners chia sẻ về "khẩu vị" đầu tư của các quỹ mạo hiểm, đặc biệt là các quỹ tại thị trường Việt Nam sau đại dịch:

PV: Theo báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với 2019. Là một người hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, chị có đánh giá như thế nào về thị trường đầu tư tại Việt Nam?

Bà Trần Hoài Phương: Dưới góc nhìn từ một quỹ khu vực với độ bao quát đầu tư toàn thế giới, Việt Nam là một trong những thị trướng hấp dẫn nhất trong khu vực, chỉ xếp sau Singapore và Indonesia. Thậm chí, với nhiều nhà đầu tư, Việt Nam có thể được đánh giá hấp dẫn và tiềm năng hơn hai quốc gia kia vì định giá công ty khởi nghiệp hợp lý.

Các yếu tố vĩ mô cũng chỉ ra những tín hiệu rất tốt cho kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nói riêng. Đầu tiên, sự bình ổn về chính trị và cơ sở hạ tầng chất lượng khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Một lợi thế nữa là sự thâm nhập cao của điện thoại thông minh và độ phủ rộng cả nước của hạ tầng Internet 4G và 5G được đánh giá cao trong mắt nhà đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam có tầng lớp trung lưu lớn hơn nhiều nước trong khu vực, với thu nhập khả dụng và nhu cầu tối ưu chất lượng cuộc sống dẫn đến nền tiêu dùng mạnh và bền vững.

Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, những năm qua hệ sinh thái công nghệ và khởi nghiệp có bước phát triển rất rõ rệt và bền vững. Không chỉ số lượng quỹ, tổng số vốn đầu tư hay nhân viên đại diện tại thị trường Việt Nam tăng, số lượng vòng đầu tư có quy mô lớn hơn 5 triệu USD, sự hiện diện của các vườn ươm tầm khu vực như Antler cũng nhiều hơn. Trong khi đó, chất lượng founder được nâng cao và cải thiện khi nhiều founder đến từ doanh nghiệp MNC lớn, startup unicorns của khu vực, hoặc đã exit startup đầu và quay lại sân chơi khởi nghiệp.

PV: So với các thị trường đầu tư ở các nước Đông Nam Á, sự thay đổi trong "khẩu vị" của các quỹ đầu tư tại Việt Nam được thể hiện trên những khía cạnh nào, thưa chị?

Bà Trần Hoài Phương: Sau đại dịch, đã có sự thanh lọc nhất định với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chỉ những công ty có thể tạo ra dòng tiền dương hoặc gọi được vốn mới có thể tiếp tục cuộc chơi.

Việt Nam luôn là một thị trường tiềm năng nhưng nhiều thách thức với cả các founder và quỹ đầu tư. Tiềm năng do những nguyên nhân tôi đã lý giải. Thách thức của thị trường đến từ việc Việt Nam mở cửa sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia. Ngoài ra, thách thức cũng đến từ nền văn hóa đa dạng với sự pha trộn, kết hợp văn hóa nhiều vùng miền đòi hỏi các doanh nghiệp và quỹ đầu tư phải thích nghi.

Chính vì vậy, "khẩu vị" của các quỹ đầu tư tại Việt Nam sẽ càng ngày càng chọn lọc, đòi hỏi founder cần thực sự xuất sắc, có kinh nghiệm cọ sát và đưa ra được mô hình kinh doanh phù hợp với cơ cấu thị trường của Việt Nam. Việc lựa chọn doanh nghiệp sẽ không dựa trên profile hoành tráng hay việc kinh doanh theo mô hình đã có sự thành công nhất định ở các thị trường đi trước như Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia...

Trước đây, đa phần các quỹ rót vốn vào các công ty công nghệ cho người tiêu dùng (B2C) vì câu chuyện thành công của các unicorn đi trước trong khu vực (Grab, SEA, Tokopedia, ...). Gần đây, sự quan tâm rõ rệt hơn được đặt vào các công ty trong mảng B2B và SaaS. Điều này tạo ra tín hiệu tích cực vì doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng B2B trong nước cũng cần thêm những giải pháp công nghệ để đạt tính hiệu quả đồng thời giảm chi phí và sự lãng phí.

Ngoài ra, cũng có sự quan tâm hơn cho các ngành trước đây không được chú ý tới nhưng lại rất quan trọng tại Việt Nam, tiêu biểu là Agritech (công nghệ trong nông nghiệp). Tại Việt Nam, nông nghiệp chiếm tới 15% GDP tương đương thị trường khoảng 40 tỷ đô. Một số thương vụ nổi bật trong ngành là Foodmap & Koina (Agritech commerce). Và gần đây, Công ty Entobel gọi được 30 triệu đô để chế biến thức ăn gia súc từ côn trùng cũng là minh chứng thú vị.

PV: Vậy theo chị, nguyên nhân nào lý giải cho sự chuyển hướng đầu tư của các quỹ mạo hiểm sau đại dịch?

Bà Trần Hoài Phương: Việc chuyển hướng đầu tư chỉ là một tiến triển tự nhiên cho các quỹ sau một thời gian tìm hiểu và thử nghiệm với thị trường. Ngành đầu tư mạo hiểm thực sự nóng lên vào những năm 2016-2017 với sự tham gia của các quỹ hạt giống như ESP Ventures, VinaCapital Ventures, Insignia, Golden Gate. Từ đó đến nay, sau 5-6 năm, các quỹ đã có những bài học về các mô hình hay mô-típ đầu tư không ổn để tránh mắc sai lầm trong tương lai.

Thêm vào đó, đại dịch diễn ra dẫn tới thị trường quốc tế có nhiều biến động khiến các quỹ ngày càng khiêm khắc, thận trọng hơn khi đầu tư để bảo vệ tài sản quản lý của mình và giữ gìn vốn cho các công ty đã đầu tư.

PV: Sự thay đổi đó mang đến cơ hội gì cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp startup tại Việt Nam?

Bà Trần Hoài Phương: Việc các quỹ trở nên thận trọng hơn trong đầu tư là chuyển biến tích cực giúp hệ sinh thái công nghệ và khởi nghiệp Việt Nam có thể phát triển bài bản và bền vững hơn.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp khi đi gọi vốn sẽ phải vượt qua những thử thách của quỹ để chứng minh họ xứng đáng và đã suy nghĩ thấu đáo về mô hình kinh doanh sẽ theo đuổi.

Sau khi gọi được vốn, startup cần căn cơ, thực tế và nhạy cảm với nhu cầu và biến đổi của khách hàng để sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất.

- Bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức nào khi các quỹ đầu tư thay đổi khẩu vị đầu tư tại thị trường Việt Nam?

- Fouder cần thật sự suy nghĩ thấu đáo về cơ cấu của ngành startup của mình định tham gia, những bất cập hay mong muốn của các bên liên quan và lợi thế cạnh tranh của bản thân cùng đội ngũ và công ty. Lợi thế cạnh tranh có thể là công nghệ, sự hiểu biết sâu về ngành hay khách hàng và giấy phép... Lợi thế này cần bền vững và đủ mạnh để giúp startup cạnh tranh lâu dài.

Ngoài ra, có hai điểm doanh nghiệp cần lưu ý. Một là, doanh nghiệp cần nắm rõ cơ cấu thu chi của việc kinh doanh để đảm bảo lộ trình đạt tới điểm có lãi trong tương lai. Hai là, founder cần tập thuyết trình (pitch) về startup của mình một cách rõ nét, đầy đủ và hấp dẫn. Bởi doanh nghiệp dù tốt nhưng khi thuyết trình không truyền tải được các thông điệp tới quỹ đầu tư sẽ dẫn đến hệ quả quỹ không đánh giá cao và thương vụ khó xảy ra.

'Công ty mảng B2B và SaaS hút quỹ đầu tư mạo hiểm' - Ảnh 1.

Diễn giả Trần Hoài Phương sẽ đồng hành cùng các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư trong workshop "Kinh nghiệm thực chiến: Thu hút vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm".

PV: Có 6 năm tham gia hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm với 11 khoản đầu tư 500,000 USD đến 7,000,000 USD, đối với chị một doanh nghiệp như thế nào sẽ hấp dẫn các quỹ đầu tư mạo hiểm?

Bà Trần Hoài Phương: Một doanh nghiệp hấp dẫn tôi khi thuyết phục được tôi dưới 4 khía cạnh sau:

Thứ nhất, đó là sự phù hợp của sản phẩm của doanh nghiệp với thị trường. Liệu sản phẩm của doanh nghiệp có thể giải quyết được những vấn đề nhức nhối để khách hàng chấp nhận giải pháp của doanh nghiệp.

Thứ hai, tiềm năng thị trường là yếu tố đáng cân nhắc. Thị trường có đủ lớn hoặc doanh thu doanh nghiệp có thể đạt được khi chiếm phần lớn thị trường có đủ sức đưa doanh nghiệp thành unicorn.

Thứ ba, đó là sự phù hợp của founder với sản phẩm. Doanh nghiệp cần chứng minh sự phù hợp, tính ưu việt với ngành họ chọn và lợi thế cạnh tranh với các đối thủ.

Thứ tư, sự phù hợp của founder với quỹ là yếu tố quan trọng. Tôi đánh giá yếu tố này dựa trên sự đánh giá cá nhân với con người của nhà sáng lập. Để đưa ra đánh giá, tôi cần trả lời các câu hỏi. Liệu founder có dễ làm việc cùng, ngay thẳng, thật thà? Dưới sức ép, founder sẽ phản ứng ra sao? Founder có phù hợp với cách làm việc của quỹ không?

Trong mỗi thương vụ, chúng tôi luôn hướng đến việc trở thành partnership - người đồng hành chứ không không phải dictatorship - kẻ độc tài. Chính vì vậy, cả founder và quỹ cần phải hiểu và trân trọng giá trị của đối phương để thuận buồm xuôi gió cùng chèo lái con thuyền doanh nghiệp sau khi được rót vốn.

PV: Khi gọi vốn nhiều doanh nghiệp sẽ đối diện với áp lực từ thị trường, từ đối thủ và từ chính doanh nghiệp của mình. Vậy đâu là lời khuyên của chị để giúp các doanh nghiệp và những bạn trẻ đam mê khởi nghiệp có thể thành công chinh phục các quỹ đầu tư mạo hiểm?

Bà Trần Hoài Phương: Khi gọi vốn, các bạn trẻ cần hiểu rõ cơ cấu và ngóc ngách của ngành mình sẽ tham gia. Đồng thời, các bạn cần biết điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tự phát triển, xâm nhập hệ sinh thái khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Từ đó, các các bạn trẻ có thể thiết lập các mối quan hệ và học hỏi từ những người có kinh nghiệm hơn trong ngành. Họ có thể đưa ra lời khuyên giúp các bạn tránh những lỗi có thể xảy ra để tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Để lắng nghe những chia sẻ trực tiếp của bà Trần Hoài Phương cùng các diễn giả uy tín khác trong lĩnh vực đầu tư, khởi nghiệp độc giả có thể tham gia worshop "Kinh nghiệm thực chiến: Thu hút vốn tại các quỹ đầu tư mạo hiểm" diễn ra từ 18h đến 19h30 ngày 18/5 tại Zion Sky Lounge and Dining (87A Hàm Nghi, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
'Công ty mảng B2B và SaaS hút quỹ đầu tư mạo hiểm'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO