Chuyển động ICT

“Cột mốc mới” cho dự án TTDL và dự án cáp quang biển cập bờ của DCH

Gia Bách 12/12/2024 08:22

Kế hoạch triển khai dự án trung tâm dữ liệu - digital hub và dự án cáp quang biển cập bờ của DCH vừa được chấp thuận chủ trương khảo sát vị trí tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để lập phương án đầu tư.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), Công ty CP Đầu tư Xây dựng DCH (DCH) đã trình bày phương án triển khai 2 dự án. Đây được xem là bước đi quan trọng để xác định các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng, phát triển dự án.

Động lực thúc đẩy chuyển đổi số

Cả 2 dự án, đặc biệt là dự án Trung tâm dữ liệu (TTDL) được xem là dự án trọng điểm của DCH và là bước tiến quan trọng trong phát triển CNTT tại tỉnh BR-VT nói riêng và Việt Nam nói chung. Dự án còn là động lực để thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số (CĐS) theo định hướng của Chính phủ và truyền dữ liệu quốc tế; thông qua việc phát triển hệ thống cáp quang biển quốc tế, hướng tới hình thành vùng động lực công nghiệp CNTT, công nghệ số, thu hút đầu tư các sản phẩm điện tử, Internet vạn vật (IoT), hay trí tuệ nhân tạo (AI).

img_1733903138225_1733964004881.jpg
Dự án TTDL được xem là dự án trọng điểm của DCH và là bước tiến quan trọng trong phát triển CNTT tại tỉnh BR-VT.

Với tổng vốn đầu tư lên tới 35.000 tỷ đồng, việc xây dựng TTDL cấp độ 4, theo tiêu chuẩn TIA-942, biểu thị việc đáp ứng của nó với các tiêu chuẩn toàn cầu khắt khe nhất về thiết kế TTDL. Điều này còn được tăng cường hơn nữa nhờ việc tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là TCVN 9250 - 2021.

Được xây dựng trên diện tích 100 héc ta, TTDL dự kiến sẽ bao gồm 5 tòa nhà Data Center Hall, tổng công suất mỗi Data Center Hall là 20MW, tổng công suất toàn bộ 5 DC Hall lên đến 6.000 tủ chứa thiết bị (racks) với công suất bình quân 15kW/rack.

Một điểm nhấn quan trọng nữa của Dự án này là việc đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn và bảo mật. TTDL sẽ được xây dựng với hệ thống phòng, chống và phục hồi sau thảm họa nhằm bảo vệ và khôi phục hoạt động dữ liệu trong các tình huống khẩn cấp, đảm bảo sự liên tục và ổn định trong mọi điều kiện.

Song song với việc triển khai dự án Digital hub, dự án Cáp quang biển cập bờ của DCH cũng có ý nghĩa quan trọng: ngoài việc sử dụng để cung cấp các dịch vụ liên quan đến hạ tầng viễn thông, thì nhiệm vụ chính của các tuyến cáp này sẽ phục vụ cho việc truyền tải - lưu trữ dữ liệu của TTDL. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là một mắt xích quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng truyền dẫn dữ liệu của khu vực và quốc tế, đảm bảo an toàn, dự phòng mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet và các dịch vụ kết nối quốc tế khác cũng như an toàn an ninh thông tin quốc gia.

“Cú hích” cho kinh tế địa phương

Dự kiến, khi được đưa vào hoạt động, các dự án này sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu riêng của tỉnh BR-VT mà còn trở thành một trong những TTDL hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Những dự án này sẽ thực sự trở thành "cú hích" cho nền kinh tế địa phương, giúp Việt Nam vươn lên vị trí mạnh mẽ trong lĩnh vực CNTT.

Khi đi vào hoạt động, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ lưu trữ dữ liệu lớn và an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) toàn cầu, dự án còn mang lại nhựng lợi ích thiết thực về kinh tế cho tỉnh BR-VT.

Theo đó, dự án góp phần thu hút khách hàng và nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là những công ty có nhu cầu về lưu trữ và xử lý, luân chuyển dữ liệu, nghiên cứu phát triển AI.

Bên cạnh đó, dự án đáp ứng nhu cầu lưu trữ và truyền tải dữ liệu cho các tập đoàn đa quốc gia và các định chế tài chính: Với khả năng cung cấp các dịch vụ lưu trữ và luân chuyển dữ liệu hiệu quả, dự án sẽ phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo mật, quản lý và chia sẻ thông tin của các DN, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Đây là một yếu tố quan trọng để BR-VT trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các DN trong ngành CNTT.

Mặt khác, BR-VT, với vị trí chiến lược gần các cảng biển lớn, sẽ tận dụng được sự phát triển của dự án TTDL để kết nối các dịch vụ logistics và vận chuyển hàng hóa quốc tế. Sự kết hợp này sẽ không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp công nghệ, mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng giao thông và logistics, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tổng thể của tỉnh.

Đặc biệt, với quy mô đầu tư, dự án sẽ đóng góp ngân sách 70 - 100 triệu USD mỗi năm, đào tạo và sử dụng hàng ngàn lao động chất lượng cao trong suốt quá trình hoạt động 50 năm của dự án.

TTDL BR-VT được nhìn nhận như một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển CNTT của Việt Nam. Với sự đầu tư đồng bộ và sự cam kết từ DCH, TTDL sẽ trở thành cột mốc mới, mở ra nhiều cơ hội cho DN và người dân, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong bối cảnh CĐS toàn cầu và nhu cầu về AI ngày càng tăng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Cột mốc mới” cho dự án TTDL và dự án cáp quang biển cập bờ của DCH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO