Năm 2025, đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới
Thủ tướng Chính phủ phê vừa ban hành Quyết định số 1132/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược), có hiệu lực thực hiện ngày 9/10/2024.
Hạ tầng số phải thông minh, mở và an toàn
Theo đó, Chiến lược nêu rõ những nội dung về: Quan điểm; tầm nhìn; mục tiêu; nhiệm vụ trọng tâm; giải pháp; tổ chức thực hiện.
Cụ thể, Chiến lược nêu rõ quan điểm: Hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế: hạ tầng số của Việt Nam (bao gồm 4 thành phần chính: (i) Hạ tầng viễn thông và Internet; (ii) Hạ tầng dữ liệu; (iii) Hạ tầng vật lý - số; (iv) Hạ tầng tiện ích số và Công nghệ số như dịch vụ) phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, hạ tầng số cần đảm bảo đáp ứng tiêu chí tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước phát triển trên thế giới; được quy hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác; có hiệu quả trên cơ sở dùng chung, chia sẻ hạ tầng; phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển và có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong phát triển hạ tầng số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng…
“Đặc biệt, có sức mạnh tầm nhìn là nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh, đồng bộ, an ninh, an toàn, bền vững ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới, góp phần đưa Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045”, Chiến lược yêu cầu.
Năm 2025, đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới
Và quan điểm về mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 cần đảm bảo: Phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G; Đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; Hình thành các trung tâm dữ liệu (TTDL) hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI Data Center); trung bình mỗi người dân có 1 kết nối Internet vạn vật (IoT); mỗi người dân có 1 định danh số…
Mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo: 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G; triển khai, đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps; số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao của thế giới hoặc trung bình mỗi người dân 4 kết nối IoT; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%...
Hạ tầng mềm giúp thực hiện các chức năng cốt lõi của giao dịch số
Để đảm bảo thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu trên của Chiến lược, các nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện, gồm: Hạ tầng viễn thông và Internet (Phổ cập kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp); Tăng cường đầu tư phát triển các hệ thống truyền dẫn quốc tế; Các DN viễn thông đầu tư, sử dụng chung các tuyến cáp quang quốc tế, bảo đảm khai thác hiệu quả dung lượng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư; Tập trung mở rộng vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ mạng di động 5G tại các khu vực trọng điểm…
Đối với hạ tầng dữ liệu (TTDL, điện toán đám mây): Phát triển, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dữ liệu; thu hút đầu tư trong và ngoài nước triển khai các TTDL siêu lớn (Hyperscale Data Center); phát triển các TTDL quốc gia, TTDL đa mục tiêu cấp quốc gia; TTDL đa mục tiêu cấp vùng…
Yêu cầu với hạ tầng vật lý cần đảm bảo: Triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu; phát triển hạ tầng vật lý - số; xây dựng, thúc đẩy khả năng tương tác, giao tiếp giữa các thiết bị IoT, mạng lưới thông qua các phần mềm trung gian (Middleware); tận dụng cơ sở hạ tầng mạng di động 4G, 5G cho các giải pháp IoT…
“Đảm bảo phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số; cung cấp hạ tầng mềm cho người dân và DN thực hiện các chức năng cốt lõi của giao dịch số; phát triển các nền tảng cung cấp công nghệ số; sử dụng dịch vụ công nghệ AI, blockchain, IoT…”, yêu cầu trọng tâm đối với hạ tầng tiện ích số và công nghệ số.
Với mục tiêu cụ thể và các yêu cầu nhiệm vụ thực hiện nêu trên, văn bản cũng đưa ra các giải pháp cụ thể cần bám sát triển khai, tập trung như: Đảm bảo việc hoàn thiện thể chế; ưu tiên phát triển hạ tầng số; huy động mọi nguồn lực, bảo đảm kinh phí, nguồn nhân lực thực hiện; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện đo lường, quản lý, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số.
Đồng thời, văn bản cũng giao nhiệm vụ, yêu cầu đối với các đơn vị, tổ chức thực hiện. Theo đó, Bộ TT&TT chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược và triển khai các hệ thống giám sát, quản lý, đo lường, đánh giá phát triển hạ tầng số bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược.
Cùng với đó, tập trung thực hiện việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các DN tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược này; nghiên cứu, đề xuất hoặc ban hành chính sách khuyến khích các DN tham gia đầu tư vào hạ tầng số; phát triển thị trường cho thuê mạng viễn thông, mua lưu lượng; tăng cường dùng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành và giữa các DN viễn thông; thúc đẩy các DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số….
“Phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu tiên, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ trong hạ tầng số và hối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT nghiên cứu đề xuất cơ chế đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo về quản lý, vận hành, phát triển hạ tầng số”, Quyết định giao Bộ TT&TT thực hiện.
Quyết định cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng...
Cùng với đó, Quyết định giao nhiệm vụ Bộ KH&CN xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới AI, chuỗi khối;
Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy định về việc tích hợp các thành phần của hạ tầng số trong các công trình xây dựng dân dụng;
Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các quy định về việc tích hợp các thành phần của hạ tầng số trong các công trình giao thông;
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT nghiên cứu, áp dụng cơ chế ưu tiên bố trí kinh phí chi thường xuyên cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược…
Quyết định cũng yêu cầu các DN (Viễn thông; Internet; cung cấp TTDL; điện toán đám mây; cung cấp hạ tầng công nghệ số; chủ quản nền tảng cung cấp công nghệ) cần tuân thủ hướng dẫn, yêu cầu của Bộ TT&TT, UBND các tỉnh, thành phố trong hoạt động phát triển hạ tầng số và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến lược phù hợp ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, các DN báo cáo Bộ TT&TT về tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ./.