COVID-19 làm tăng sức nóng chuyển đổi số tài chính - ngân hàng

Hoàng Linh| 07/10/2021 17:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định bước chuyển mình trong chuyển đổi số (CĐS) của các tổ chức tài chính thời gian qua rất ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội tăng trưởng mới còn nhiều thách thức phía trước cần được giải quyết.

Ngày 07/10, IDG Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Future Banking & Financial Services Forum" với chủ đề CĐS ngành tài chính ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số.

CĐS của các tổ chức tài chính ấn tượng và còn nhiều dư địa

Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch, Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết bước chuyển mình trong CĐS của các tổ chức tài chính thời gian qua thật ấn tượng. Cơ hội tăng trưởng mới cũng rất lớn. Số lượng cũng như giá trị giao dịch thanh toán qua phương tiện di động liên tục tăng 3 chữ số trong những năm gần đây. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng sức nóng CĐS của hệ thống tài chính. Giờ đây, làng Fintech Việt Nam đã xuất hiện các công ty kỳ lân (unicorn).

COVID-19 làm tăng sức nóng chuyển đổi số tài chính - ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Vũ Viết Ngoạn: Đại dịch COVID-19 làm tăng sức nóng CĐS

Nhưng ông Ngoạn cho biết thách thức phía còn trước rất nhiều. Các tổ chức tài chính có tận dụng được những cơ hội mới giữa và sau đại dịch không? Có khả năng đổi mới sáng tạo mang tính đột phá để thích ứng với mô hình tiêu dùng mới của khách hàng sau đại dịch không? Không gian cho đổi mới sáng tạo, cho CĐS trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn rất lớn.

Hiện có tới gần 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Nhưng chỉ khoảng 20% giao dịch ngân hàng là trực tuyến và ứng dụng kỹ thuật số. "Dư địa CĐS trong lĩnh vực chứng khoán và đầu tư còn lớn hơn nữa nếu so sánh với mức độ CĐS của các quốc gia trong khu vực", ông Ngoạn nhận định.

"Lời khuyên của một chuyên gia hàng đầu cho các doanh nghiệp (DN) nói chung và đặc biệt là các tổ chức tài chính nói riêng là: DN nào không bắt tay ngay vào công cuộc CĐS, thay đổi mô hình kinh doanh sẽ tự đặt mình vào tình trạng rủi ro - cái bẫy phá sản", ông Ngoạn cho rằng đây là một nhận định rất xác đáng.

Ông Ngoạn nhấn mạnh: "Sức mạnh nội sinh của con người là không giới hạn. Sáng tạo là vũ khí vô song. Biết khai thác nguồn năng lượng nội sinh và không ngừng đổi mới sáng tạo là chìa khóa mở cửa đưa ta tới thành công. Song, cơ hội thường nảy sinh từ gian khó và thách thức chính là cái nôi nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo để biến cơ hội thành hiện thực".

Chứng khoán đẩy nhanh công cuộc CĐS ứng phó COVID-19

Để ứng phó với COVID-19, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho biết các công ty chứng khoán đã có nhiều giải pháp để qua đại dịch COVID-19, đó là: các công ty chứng khoán tái cấu trúc hoạt động của công ty, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự, cải tiến các quy trình nghiệp vụ, tối ưu hóa bộ máy theo mô hình tinh gọn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, nhằm mở rộng cơ hội đầu tư cho khách hàng và tăng thanh khoản cho thị trường.

COVID-19 làm tăng sức nóng chuyển đổi số tài chính - ngân hàng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ: CĐS không còn là xu thế. Hoạt động này càng sớm và hiệu quả.

Ông Kỳ cũng nhận định những bước tiến rất nhanh của công nghệ khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng đã có sự thay đổi nhanh chóng, trên đa kênh, không phụ thuộc vào các giao tiếp vật lý với công ty. Điều này chính là cơ hội để Công ty CP Chứng khoán (SSI) đẩy nhanh quá trình CĐS trong hoạt động kinh doanh. Sản phẩm dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu mà phải tiến tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Cũng theo ông Kỳ cũng cho rằng: "CĐS không còn là xu thế. Hoạt động này càng sớm và hiệu quả, càng cho thấy năng lực quản trị kinh doanh, định vị giá trị - thương hiệu doanh nhân, DN, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 tác động đa chiều".

Đến thời điểm này, theo đánh giá, CĐS trong lĩnh vực chứng khoán đang diễn ra khá tích cực. Nhiều công ty chứng khoán dùng phần mềm (app) để nhà đầu tư quản lý tài khoản cũng như có ngưỡng cảnh báo rủi ro. Đồng thời, các công ty cũng triển khai cập nhật hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc (KRX), FPT (xử lý nghẽn lệnh cho Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh - HOSE) để bảo đảm thị trường được hanh thông.

Khi thị trường cải thiện được năng lực công nghệ và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tích cực, dòng tiền chắc chắn sẽ chảy mạnh hơn vào kênh đầu tư chứng khoán. Không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước, mà còn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Để đón dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động CĐS trên thị trường chứng khoán cần chuyển động nhanh hơn.

"CĐS là một quá trình diễn ra liên tục và bền bỉ, không có điểm dừng, chúng tôi không coi đây là "breaking point" (điểm tới hạn). Chiến lược của SSI về CĐS là lấy khách hàng làm trọng tâm, tất cả nhằm hỗ trợ khách hàng và nhân viên SSI đạt được hiệu quả tốt nhất. Quá trình này không chỉ là một lần thay đổi mô hình kinh doanh, một lần chuyển đổi, mà với chúng tôi CĐS là văn hóa, động lực để công ty tiếp tục lớn mạnh và duy trì quá trình CĐS với mục tiêu giữ vững được vị trí số 1, tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm và chăm sóc khách hàng", ông Kỳ khẳng định.

ng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhận định việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật hơn.

COVID-19 làm tăng sức nóng chuyển đổi số tài chính - ngân hàng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Nhờ CĐS diễn ra nhanh hơn mà các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen

"Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng CNTT một cách năng động, sáng tạo vào hoạt động kinh doanh và vận hành tác nghiệp".

Nếu như cách đây 2-3 năm, các NHTM tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm của các công nghệ này thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành cho các ngân hàng.

Đặc biệt, theo ông Hùng, cuộc đua về ngân hàng số đã và đang diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam. Ứng dụng ngân hàng di động nay đã được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính (beyond banking services) như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông... Dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện.

Nhờ CĐS diễn ra nhanh hơn mà các hoạt động ngân hàng "không tiếp xúc" cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen. Ngay trong dịch COVID-19, hàng loạt ứng dụng ngang hàng di động (Mobile Banking) của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Như vậy, ông Hùng cho biết có thể thấy ngành Ngân hàng tại Việt Nam đã có sự chuẩn bị, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc CĐS. Đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn.

Tuy nhiên, xét một cách khách quan và trực diện, ông Hùng cũng cho biết CĐS tại các ngân hàng Việt Nam còn chưa có tính tổng thể, việc đầu tư hạ tầng theo phương thức on-premies vẫn là chính, nên năng lực về hạ tầng công nghệ hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ ứng dụng công nghệ số, một số ngân hàng đã tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây, song vẫn còn những tranh luận liên quan đến việc sử dụng công nghệ mới này.

Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và ngày 11/5/2021, NHNN đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt "Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện CĐS thành công.

Theo đó, ông Hùng cho rằng các ngân hàng cần năng động, đổi mới mô hình kinh doanh, tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số, sáng tạo đổi mới mang đến cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
COVID-19 làm tăng sức nóng chuyển đổi số tài chính - ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO