Covid-19 thúc đẩy những thói quen mới của người tiêu dùng Đông Nam Á như thế nào?

Nhã Mi| 29/07/2021 17:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong năm qua, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc trong việc chuyển đổi số dưới sự tác động của đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đã phải tăng tốc quá trình số hóa để bắt kịp với sự phát triển không ngừng của thanh toán không tiền mặt và thương mại điện tử. Dự đoán cho thấy dịch bệnh Covid-19 sẽ khiến các thói quen trên nền tảng số được duy trì, và phong cách sống hướng đến công nghệ số tại Đông Nam Á sẽ được thúc đẩy bởi những trải nghiệm thanh toán sáng tạo.


Covid-19 thúc đẩy những thói quen mới của người tiêu dùng Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 1.

Các thói quen mới trên nền tảng số của người tiêu dùng Đông Nam Á

Ông Tareq Muhmood, Giám đốc Visa khu vực Đông Nam Á chia sẻ, trong những năm gần đây, công nghệ đã tái định hình bối cảnh thương mại và thanh toán. Nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2021 cho thấy 85% người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á chấp nhận các phương thức thanh toán số như thanh toán bằng thẻ, thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR.

Gần 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á (64%) đã trải nghiệm không dùng tiền mặt, đặc biệt là người tiêu dùng ở Việt Nam (84%), Thái Lan (82%) và Philippines (79%). Nhìn chung, thái độ đón nhận tích cực của người tiêu dùng đã giúp thúc đẩy sự phát triển của phương thức thanh toán không tiếp xúc (63%) và thanh toán thẻ (46%), cũng như việc mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán số (41%) và gia tăng am hiểu của người tiêu dùng về tính an toàn của thanh toán điện tử (40%).

Covid-19 thúc đẩy những thói quen mới của người tiêu dùng Đông Nam Á như thế nào? - Ảnh 2.

Với sự hiện diện của ngày càng nhiều các phương thức thanh toán hiện đại và mới mẻ trên khắp Đông Nam Á, người tiêu dùng có vô số các lựa chọn và cũng vì thế, sở thích thanh toán của họ trở nên đa dạng hơn. Cũng theo nghiên cứu trên, thẻ không tiếp xúc vẫn duy trì mức độ phổ biến tại khu vực này, với tỉ lệ sử dụng dẫn đầu tại Singapore (75%), Malaysia (65%) và Thái Lan (41%). 

Tuy nhiên, ở một số thị trường nhất định, vẫn còn nhiều cơ hội rất lớn để thúc đẩy việc sử dụng thẻ không tiếp xúc. Gần 4/5 người không sử dụng thẻ không tiếp xúc (74%) quan tâm đến việc áp dụng phương thức thanh toán này, đặc biệt là ở Philippines (88%), Việt Nam (87%) và Thái Lan (85%).

Mặc dù thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động ít phổ biến hơn trong khu vực, tuy nhiên, chúng cũng có sự gia tăng nhất định tại các thị trường như Thái Lan (45%), Singapore (45%), Việt Nam (45%) và Malaysia (37%). 

Theo đó, tiềm năng để thúc đẩy áp dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động là rất lớn, với 7/10 người chưa sử dụng quan tâm đến phương thức thanh toán này, đặc biệt là ở Thái Lan (85%) và Việt Nam (84%). Khi các hình thức thanh toán mới liên tục xuất hiện trong khu vực, người tiêu dùng có khả năng tiếp cận nhiều loại hình thanh toán số khác nhau, họ có xu hướng lựa chọn hình thức thanh toán sáng tạo hơn.

Tăng trưởng của thương mại điện tử được nhìn thấy rõ rệt ở Đông Nam Á, khi người tiêu dùng bắt đầu hình thành thói quen mua sắm mới do tác động của đại dịch. Covid-19 đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng Đông Nam Á lần đầu tiên mua hàng trực tuyến qua các trang web (43%) và mạng xã hội (35%). 

Mua sắm trực tuyến đã bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt là ở Thái Lan, với gần 2/3 người tiêu dùng Thái Lan (65%) lần đầu tiên mua sắm trực tuyến thông qua ứng dụng hoặc trang web. Hơn một nửa người tiêu dùng được khảo sát ở Indonesia (56%) và Philippines (52%) cũng lần đầu tiên mua hàng trực tuyến. Mua sắm qua mạng xã hội cũng trở nên phổ biến hơn ở Philippines (45%), Thái Lan (44%) và Việt Nam (44%), với gần một nửa người tiêu dùng được khảo sát ở mỗi thị trường cho biết đây là lần đầu tiên họ mua sắm trên mạng xã hội.

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển nhanh chóng, hơn 2/5 người tiêu dùng Đông Nam Á cũng thường xuyên mua sắm tại các nền tảng trực tuyến hơn trước (44%). Đồng thời, người tiêu dùng trong khu vực cũng bắt đầu thói quen mua hàng từ các chủ cửa hàng nhỏ (40%) và các doanh nghiệp địa phương (29%). Người tiêu dùng ngày càng quen thuộc hơn với việc mua hàng trên điện thoại thông minh và máy tính. Thương mại điện tử cũng đã cho thấy tiềm năng phát triển trong thời kỳ đại dịch và trong tương lai.

Cơ hội kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số cho các doanh nghiệp

Khi sở thích và thói quen của người tiêu dùng liên tục thay đổi, doanh nghiệp có thể đáp ứng sự hài lòng của người tiêu dùng bằng các chiến lược thúc đẩy kỹ thuật số trong thương mại và thanh toán. Điều này bao gồm thiết lập nền tảng thương mại điện tử và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc để người tiêu dùng có thể mua sắm và thanh toán theo cách họ muốn. Khi ranh giới giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử đang dần biến mất, doanh nghiệp ở Đông Nam Á cũng đang áp dụng hình thức thương mại đa kênh, tích hợp các dịch vụ kỹ thuật số như thanh toán thông minh và ứng dụng hỗ trợ vào cửa hàng truyền thống. Kết quả đem đến là một hành trình mua sắm liền mạch với những đổi mới trong thanh toán.

Doanh nghiệp Đông Nam Á cũng đã nhận ra sự cần thiết của giải pháp kỹ thuật số đối với hiệu quả vận hành kinh doanh. Đại dịch đã khiến các trở ngại trong quy trình thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) càng trở nên rõ rệt – lệnh hạn chế di chuyển ngăn doanh nghiệp đến gửi séc tại chi nhánh ngân hàng, nhà cung cấp không thể gặp mặt trực tiếp để thanh toán, hoặc có những lo ngại khi xử lý tiền mặt. Để giảm thiểu rắc rối, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng các giải pháp kỹ thuật số.

Với sự phổ biến của phương thức thanh toán không tiếp xúc tại Đông Nam Á, các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự nhanh chóng và tiện lợi cũng có thể sử dụng các loại thẻ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thẻ ảo không tiếp xúc cũng trên đà phát triển, bắt nguồn từ sự quan tâm ngày càng tăng ở thị phần B2B đối với thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động. Với doanh nghiệp ưu tiên khả năng kiểm soát và tính hiệu quả trong giao dịch, các giải pháp kỹ thuật số này sẽ giúp tái định hình quy trình thanh toán B2B, đảm bảo sự thông minh, nhanh nhạy và an toàn.

Các phương thức thanh toán sáng tạo trong tương lai số của Đông Nam Á

Tại Đông Nam Á, tương lai của thanh toán là kỹ thuật số. Có thể nói, thế giới đang ở giữa Cuộc cách mạng Thanh toán lần thứ tư – nơi công nghệ mới được phát triển để thúc đẩy khả năng tương tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, góp phần thay đổi trải nghiệm người dùng, khi lối sống và phương thức kinh doanh đã dần chuyển sang kỹ thuật số. Trong bối cảnh thanh toán tiếp tục mở rộng và phân nhánh, các công nghệ kỹ thuật số cần phải mang đến những trải nghiệm hoàn thiện hơn trong đời sống hàng ngày và cho hoạt động kinh doanh ở tương lai.

Với các dịch vụ số nâng cao của tổ chức tài chính hiện hành và giải pháp kỹ thuật số mới của công ty công nghệ tài chính non trẻ, sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái thanh toán Đông Nam Á sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi tính đổi mới.

Cuối cùng, những trải nghiệm thanh toán sáng tạo sẽ là dấu ấn hình thành nền thanh toán số tại Đông Nam Á trong tương lai – những trải nghiệm trực quan, liên tục và an toàn sẽ thúc đẩy các "hành vi số" trong Cách mạng Thanh toán Lần thứ tư và hơn thế nữa.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Covid-19 thúc đẩy những thói quen mới của người tiêu dùng Đông Nam Á như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO