Cung cấp DVC trực tuyến càng quan trọng, cấp bách do Covid-19

Hoàng Linh| 20/03/2020 14:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ TTTT ngày 19/3/2020 đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4.

Cung cấp DVC trực tuyến càng quan trọng, cấp bách do Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh: mof.gov.vn

Các bộ, địa phương cung cấp DVC trực tuyến còn thấp

Theo Bộ TTTT, cung cấp DVC trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước (CQNN).

Theo đó, DVC trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các CQNN được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách.

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2020, cung cấp 30% DVC trực tuyến mức độ 4.

Hiện nay, mới có 05 bộ (Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ TTTT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 05 tỉnh (An Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thừa Thiên Huế) đã đạt chỉ tiêu này.

Tỷ lệ DVC trực tuyến mức 4 được cung cấp tại các bộ, ngành, địa phương nói chung còn rất thấp, trung bình cả nước chỉ đạt 11,13%, trong đó 05 bộ, 14 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 5%. Nếu các cơ quan, đơn vị không có các biện pháp quyết liệt, kịp thời sẽ không thể đạt được chỉ tiêu đặt ra.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại các bộ, ngành, địa phương theo báo cáo gửi về Bộ TTTT được thống kê tại Phụ lục kèm theo công văn này.

Các định hướng triển khai cấp bách DVC trực tuyến

Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về CPĐT với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ kết luận, giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CPĐT đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đặc biệt là chỉ tiêu 30% DVC trực tuyến mức độ 4; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng CPĐT, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trên cơ sở đó, Bộ TTTT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp quyết liệt để cung cấp DVC trực tuyến với các định hướng chính sau:

1. Tận dụng ngay các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, từng bước có lộ trình nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin để xử lý hồ sơ hoàn toàn trên môi trường mạng.

2. Triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, DN trong việc tiếp cận, sử dụng DVC trực tuyến hiệu quả, coi người dân và DN là trung tâm, là đối tượng phục vụ; phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến đối với mỗi DVC.

3. Triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) để kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ và kết nối với các bộ, ngành, địa phương khác thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Cổng DVC của các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm thực hiện kết nối với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và DVC trực tuyến của Bộ TTTT; sẵn sàng kết nối với Hệ thống định danh, xác thực điện tử quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến toàn quốc, các cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng dẫn của Bộ TTTT.

4. Cung cấp tối thiểu 30% DVC trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020, đồng thời bảo đảm việc triển khai phải hiệu quả, phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế, tránh hình thức. Trong đó, tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các DVC trực tuyến đến hết năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019.

5. Định kỳ hàng quý gửi báo cáo ứng dụng CNTT về Bộ TTTT qua Hệ thống thông tin báo cáo ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT tại địa chỉ: https://bcudcntt.aita.gov.vn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các chỉ tiêu về DVC trực tuyến.

Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ TTTT để có các giải pháp kịp thời.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cung cấp DVC trực tuyến càng quan trọng, cấp bách do Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO