Chuyển đổi số

Cung cấp DVCTT được đẩy mạnh triển khai theo hướng toàn trình

Nhật Minh 19:36 07/04/2023

Tính đến ngày 22/3/2023, trung bình số giao dịch điện tử thực hiện hàng ngày thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) là khoảng 1,4 triệu giao dịch.

Đó là một phần kết quả tích cực được Bộ TT&TT đánh giá khi tổng hợp về việc các bộ, ngành, địa phương (đơn vị) thời gian qua (tính đến Quý I năm 2023) triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (Nghị quyết số 17/NQ-CP).

Cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được thực hiện theo hướng toàn trình

Cụ thể hơn, trong nội dung trọng tâm để phát triển CPĐT, việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) có ý nghĩa quan trọng, đã được các đơn vị: Bộ Công an, BHXH Việt Nam; Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… chú trọng đẩy mạnh.

Theo đó, Bộ Công an đã xây dựng, hình thành nguồn dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 01 doanh nghiệp (DN) nhà nước (EVN), 03 DN viễn thông và 60 địa phương để phục vụ khai thác thông tin.

dvccccc.jpg
Các đơn vị đẩy mạnh việc cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình.

“Nhờ làm tốt, hình thành nguồn CSDL, giúp công tác tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính và xác thực điện tử góp phần: Làm sạch thông tin trên 530 triệu lượt khai thác của các bộ, ngành; kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 03 nhà mạng viễn thông: Viettel, Mobifone, Vinaphone với 93,8 triệu yêu cầu đối sánh…”, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Đối với nguồn CSDL về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã hoàn thành xác thực thông tin của hơn 75 triệu nhân khẩu với CSDL quốc gia về dân cư và thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chíp. Đến ngày 15/3/2023, toàn quốc đã có 12.326 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp.

BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục CĐS quốc gia - Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Văn phòng Chính phủ… Nhờ thực hiện tốt việc kết nối, cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, điều này đã góp phần không chỉ gia tăng, hỗ trợ nhiều lợi ích cho người dân mà sớm hoàn thiện quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công.

Bộ Tư pháp đã triển khai CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc. Tính đến ngày 20/3/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 33.983.985 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.522.671 trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, 4.678.679 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 8.061.478 dữ liệu đăng ký kết hôn; 5.154.103 dữ liệu đăng ký khai tử và 9.211.326 dữ liệu khác.

Trong khi đó, cũng theo Bộ TT&TT, “12 CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính đã được triển khai (đang sử dụng 08 CSDL chuyên ngành và đang nâng cấp, hoàn thiện 04 CSDL chuyên ngành…”.

Một nội dung quan trọng nữa cũng được các đơn vị thực hiện chính là xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, DN.

Thể hiện rõ điều này, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, tính đến tháng 3 đạt 555.960 văn bản (Gửi 112.437 văn bản, nhận 443.523 văn bản); Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) tính đến ngày 20/3/2023 đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 20 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 10.000 hồ sơ, tài liệu giấy)…

Đặc biệt, trong Quý I năm 2023, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Bảo đảm an toàn thông tin (ATTT), an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân luôn tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng 3/2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Bộ TT&TT đã phát hiện, cảnh báo, hướng dẫn xử lý 525 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (giảm 68,9% so với tháng 02/2023).

Để bảo đảm ATTT mạng, Bộ TT&TT thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh, đồng thời tiếp tục có các văn bản cảnh báo rộng rãi, đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.

Với những kết quả trên, báo cáo nhấn mạnh thêm, trong Quý I năm 2023, việc triển khai CPĐT nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CĐS tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao để phát triển CPĐT, Chính phủ số, CĐS quốc gia; các đơn vị đã tích cự đẩy mạnh, hoàn thành việc kết nối các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với CSDL quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công Quốc gia; công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT tiếp tục được đẩy mạnh; các nền tảng cho phát triển CPĐT, thực hiện CĐS quốc gia tiếp tục được quan tâm thúc đẩy phát triển…

Tái sử dụng dữ liệu đã được số hoá

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích đạt được trên, Bộ TT&TT cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình còn chưa cao; người dân còn chưa thấy thuận tiện khi sử dụng DVCTT; công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi còn chưa được bảo đảm; việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.

Để khắc phục những hạn chế và tạo hiệu quả hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu Nghị quyết số 17/NQ-CP, trong thời gian tới Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện một số nội dung:

Các đơn vị cần khẩn trương hoàn thành xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS của bộ, ngành, địa phương năm 2023 và Kế hoạch CĐS năm 2023 của bộ, ngành, địa phương; tập trung thúc đẩy việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội từ các bộ, ngành, trung ương đến địa phương nhằm sử dụng hiệu quả các CSDL phục vụ công tác tham mưu, đề xuất, hoạch định chính sách; phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong xây dựng Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Đặc biệt, cần tập trung nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hoá, lưu trữ, xử lý thông tin, dữ liệu điện tử; tập trung rà soát, chuẩn hoá, điện tử hoá mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hoá./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cung cấp DVCTT được đẩy mạnh triển khai theo hướng toàn trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO