Thành tựu lớn
Trước hết, như các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, bình quân 3 năm 2017 - 2019, GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (NLN&TS) trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 3,19%, bằng 38,34% so với nhịp tăng kỷ lục 8,32% của khu vực công nghiệp và xây dựng (CN&XD) và cũng chỉ bằng 45,33% của khu vực dịch vụ. Không những vậy, cũng trong 3 năm này, khi hai khu vực CN&XD và dịch vụ đã vươn lên rất nhanh và chiếm bình quân hơn 3/4 "rổ GDP", còn của khu vực NLN&TS thì vẫn đang trên đà "co lại" và bình quân chỉ còn chiếm 14,62%. Những thực tế đó có nghĩa là, muốn nền kinh tế phát triển nhanh, nước giàu, dân mạnh, hướng đi tất yếu phải đẩy mạnh phát triển CN&XD và dịch vụ. Thế nhưng, khi "cơn bão COVID-19" tràn vào nước ta từ đầu năm 2020, đặc biệt kể từ khi biến chủng Delta hoành hành dữ dội, câu chuyện nói trên đã có những thay đổi vô cùng lớn. Đó là, nhịp độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ đã "tụt dốc không phanh" xuống chỉ còn 4,05% và 9 tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục giảm rất mạnh xuống chỉ còn 3,57%, đặc biệt khu vực dịch vụ đã liên tiếp "rơi tự do" xuống chỉ còn 1,12%, rồi "âm" 0,69%. Trong khi đó, nhịp độ tăng trưởng của khu vực NLN&TS 9 tháng đầu năm 2020 tuy cũng giảm so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn đạt 2,01%, đặc biệt 9 tháng đầu năm nay đã vươn lên rất mạnh, đạt 2,74%.
Thực tế đó cũng có nghĩa là, thay vì hoàn toàn "lép vế", khu vực NLN&TS đã liên tiếp có những đóng góp lớn hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển trong bối cảnh cả hai nguồn động lực chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ bị suy giảm rất mạnh. Không những vậy, cũng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, sự phát triển rất đáng khích lệ của khu vực NLN&TS đồng nghĩa với việc vẫn tạo ra việc làm và thu nhập không hề nhỏ cho bộ phận dân cư đông đảo và rất nghèo của nước ta. Các số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, nếu như giá trị gia tăng của khu vực NLN&TS nước ta năm 1999 mới chỉ đạt 7,31 tỷ USD và chỉ mới xếp thứ 33 trong danh sách 220 các quốc gia và vùng lãnh thổ thế giới, đến năm 2019 đã đạt 36,56 tỷ USD, vươn lên xếp thứ 17, nhảy vọt 16 bậc. Sở dĩ chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng tự hào đó là bởi, nhịp độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế này trong 20 năm đã đạt 8,59%/năm, cao thứ tư thế giới, thua kém không nhiều so với Top 5 thế giới, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nigeria.
Không những vậy, như các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, mặc dù đã có nỗ lực vượt bậc trong việc mở rộng, nhưng diện tích đất nông nghiệp của nước ta trong những năm gần đây cũng chỉ đạt gần 122 nghìn km², chỉ đứng thứ 67 thế giới, nhưng thành tựu nói trên càng cho thấy những nỗ lực vượt bậc của chúng ta trong phát triển khu vực kinh tế này. Bởi lẽ, thứ hạng chênh lệch vô cùng lớn giữa giá trị gia tăng với diện tích đất nông nghiệp đồng nghĩa với việc mỗi diện tích đất nông nghiệp của chúng ta đã sản xuất ra nhiều nông sản hơn nhiều, hay hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với thế giới nói chung. Có thể nói, thành tựu to lớn này được thể hiện rất rõ ràng trên hai phương diện. Đó là, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của thị trường trong nước, đồng thời góp phần ngày càng lớn trong "rổ hàng hoá xuất khẩu" của nước ta ra thị trường thế giới. Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, nếu như tiêu dùng lương thực, thực phẩm bình quân đầu người của nước ta năm 2000 chỉ mới đạt 96 USD, còn năm 2020 đã đạt 800 USD, tức là đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 11,18%/năm và ba con số tương ứng trong xuất khẩu hàng nông sản là 51 USD, 435 USD và 11,32%. Rõ ràng, trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp chỉ đứng hàng thứ 67 thế giới như nói trên, nhưng ngành Nông nghiệp của nước ta không chỉ đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho gần 100 triệu dân, đứng thứ 17 thế giới hiện nay đã là một thành tựu lớn, cho nên phần đóng góp lên tới hơn 1/3 cho xuất khẩu hằng năm càng cho thấy những đóng góp rất lớn của nông nghiệp trong công cuộc phát triển nền kinh tế của đất nước nói chung. Không những vậy, như các số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta cũng đã có những tiến bộ vượt bậc trong xuất khẩu nhóm hàng này. Đó là, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của nước ta cách nay 20 năm chỉ mới đạt 3,48 tỷ USD và xếp hạng 33 thế giới, còn năm 2019 đã đạt 29,94 tỷ USD, lọt vào Top 20 quốc gia xuất khẩu hàng nông sản nhiều nhất thế giới. Trong điều kiện vẫn có tới hai người làm chỉ để nuôi ba người ăn như hiện nay, xuất khẩu chính là yếu tố bảo đảm để có thể tiếp tục phát triển mạnh hiện tại và trong những năm tới.
Thách thức trên con đường phát triển
Cho dù đã đạt được những thành tựu rất lớn như vậy, nhưng nền nông nghiệp nước ta vẫn còn những tồn tại, bất cập không hề nhỏ. Thứ nhất, giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân đầu người dân cư khu vực nông thôn tuy cũng đã có những bước tiến nhất định, nhưng vẫn còn rất thấp và điều này đồng nghĩa với dân cư khu vực nông thôn của nước ta hãy còn rất nghèo và rất chậm được cải thiện. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân đầu người dân khu vực nông thôn của nước ta năm 2019 chỉ mới đạt 598 USD, xếp thứ 135 thế giới. So với các quốc gia trong khu vực thì giá trị gia tăng của chúng ta chỉ cao hơn của Philippines (525 USD) và Campuchia (447 USD), nhưng thấp hơn của Lào (624 USD) và hầu như chỉ bằng một nửa so với 1.195 USD của Indonesia và 1.310 USD của Thái Lan, thậm chí chỉ bằng 1/6 so với 3.540 USD của Malaysia. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đó trước hết là, trong khi quỹ đất nông nghiệp của chúng ta quá eo hẹp, với gần 122 nghìn km², chỉ đứng thứ 67 thế giới như nói trên, nhưng với dân cư "khủng" tới 61,1 triệu người, đứng thứ 8 thế giới hiện nay (chỉ đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Bangladesch, Nigeria và Etiopia, cho nên dù có nỗ lực vượt bậc mở rộng "rổ giá trị gia tăng nông nghiệp" thì "khẩu phần bánh giá trị gia tăng nông nghiệp" của mỗi cư dân nông thôn quá nhỏ chỉ là hệ quả tất yếu.
Rõ ràng, bài toán nghèo đất nông nghiệp của nước ta là thách thức không thể vượt qua trong ngắn hạn, bởi bên cạnh việc quyết liệt giữ "tấc đất, tấc vàng" này, chắc chắn chúng ta sẽ phải chờ đợi hàng thập kỷ để công nghiệp và dịch vụ phát triển mới thu hút dần dân cư khu vực nông thôn tham gia vào các khu vực kinh tế ngày càng quan trọng này, để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp của dân cư khu vực nông thôn. Thứ hai, giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân đầu người dân cư khu vực nông thôn còn thấp còn do những bất cập trong hệ thống tổ chức sản xuất và định hướng phát triển thị trường. Có thể nói, câu chuyện nổi cộm kéo dài hàng thập kỷ này của nền nông nghiệp nước ta là xây dựng các chuỗi giá trị, ở đó có sự liên kết bền chắc giữa các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã... thực hành sản xuất theo các quy trình sản xuất tiến bộ với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu để bảo đảm chất lượng sản phẩm và hình thành các thương hiệu nông sản hướng vào những thị trường nhất định vẫn luôn luôn là vấn đề thời sự chưa bao giờ hết nóng. Rõ ràng, một khi thực trạng này chưa khắc phục được, câu chuyện lúc trồi, khi sụt và giải cứu nông sản sẽ vẫn còn tiếp diễn. Tuy đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, giữ vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong những thời đoạn khó khăn, góp phần nâng tầm quốc gia của chúng ta trên trường quốc tế, nhưng nông nghiệp vẫn còn tồn tại những bất cập không hề nhỏ cần phải được khắc phục.
(Bài viết đăng trên Tạp chí Thông tin và Truyền thông số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)