Cùng tạo nên câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam

NK| 09/10/2022 14:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số (CĐS) là một hành trình dài, Bộ TT&TT đã và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình CĐS. Bộ TT&TT hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam.

Chặng đường CĐS mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (DN)

Tại Hội thảo: "Tăng tốc CĐS: Vì lợi ích thiết thực của người dân, DN" ngày 9/10/2022TS, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng CĐS Việt Nam (VDA) 2022 - cho biết mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá việc tăng tốc CĐS ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước (CQNN), đơn vị sự nghiệp, DN vì lợi ích thiết thực cho người dân, DN; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số. 

Cùng nhau tạo nên câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Hồng:Hội thảo là một sự kiện thiết thực để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia 10/10, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia.

"Hội thảo là một sự kiện thiết thực của VDCA để hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia 10/10, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về CĐS quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", TS. Nguyễn Minh Hồng nói.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết hội thảo là dịp tốt để cùng nhau nhìn lại chặng đường trong suốt gần 2 năm qua, CĐS đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực gì cho người dân, cho DN như Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban đã chỉ đạo. "CĐS là một hành trình dài. Trên hành trình đó, có những thứ mà chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Quãng thời gian vừa qua là năm chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau khám phá, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Con đường CĐS của Việt Nam từ đó cũng đã dần được định hình", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Bộ TT&TT đã hoàn thành thiết lập Cổng CĐS quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn, là nơi cung cấp thông tin hỗ trợ người dân, DN trong hành trình CĐS. Tiêu biểu như chuyên trang về Cẩm nang CĐS (dx.mic.gov.vn) dành cho mọi người. Cẩm nang là cuốn sách ghi tóm lược những điều quan trọng và thiết yếu về CĐS. Hay CQNN có thể tìm thấy thông tin hữu ích dành cho mình tại chuyên trang về Chính phủ số ở địa chỉ tech.mic.gov.vn. Chuyên trang giới thiệu về công nghệ mở, các nền tảng phục vụ phát triển chính phủ số do Bộ TT&TT đánh giá và công bố, những câu chuyện, mô hình hay về phát triển chính phủ số.

Cùng tạo nên câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Bộ TT&TT hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam.

Còn với DN, các đơn vị này có thể tìm thấy những thông tin hữu ích thiệu về các nền tảng phục vụ CĐS DN nhỏ và vừa do Bộ TT&TT đánh giá và công bố tại chuyên trang SMEdx (smedx.mic.gov.vn). Người dân cũng có thể tìm thấy những thông tin hữu ích, bao gồm các nền tảng phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân do Bộ TT&TT đánh giá và công bố, những câu chuyện, hướng dẫn kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số cho mọi người ở địa chỉ congdanso.mic.gov.vn

Ngoài ra, Cổng cũng có những chuyên trang khác như các bài toán, các vấn đề CĐS Việt Nam (c63.mic.gov.vn), các câu chuyện, mô hình, kinh nghiệm hay về CĐS trên phạm vi cả nước, cả kinh nghiệm quốc tế (t63.mic.gov.vn), Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (onetouch.mic.gov.vn), chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022 tại địa chỉ khonggianmang.vn.

Cuối cùng, phần đặc biệt của Cổng CĐS quốc gia là những thông tin liên quan đến Tháng tiêu dùng số hưởng ứng ngày CĐS quốc gia 10/10, hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của CĐS.

"Từ suy nghĩ đến hành động luôn có một khoảng cách, từ hành động đến kết quả lại có một khoảng cách nữa. Nhưng nếu không có suy nghĩ thì không có hành động, không có hành động thì không có kết quả. Bộ TT&TT đã hành động và sẽ hành động để cùng đồng hành với các tổ chức, cá nhân trên hành trình CĐS. Bộ TT&TT hy vọng nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng để cùng nhau tạo nên một câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kết luận.

Tăng tốc CĐS với những hành động triển khai cụ thể

Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS Quốc gia (Bộ TT&TT), nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về CĐS, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về CĐS trong bối cảnh đại dịch, và năm 2022 là năm đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc CĐS với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tính đến nay, chương trình CĐS quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục CĐS Quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.

Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác CĐS Quốc gia là đưa người dân, DN lên môi trường số, thông qua phổ cập: dịch vụ trực tuyến, nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; sử dụng sàn thương mại điện tử; nền tảng dạy học trực tuyến; Pnền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành từ 01/7/2021 với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, CSDL "gốc" của toàn bộ công dân Việt Nam. Việc cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) đã mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và DN. Bộ Công an cũng đã triển khai xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử và chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022.

Chia sẻ về các giải pháp số trong hoạt động vận tải, ông Phùng Trọng Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Giao thông Vận tải - khẳng định CĐS đã mang lại hàng loạt lợi ích. Bên cạnh việc hình thành được dữ liệu tập trung để phục vụ công tác quản lý, điều hành, CĐS trong lĩnh vực vận tải đã cũng đem đến hàng loạt lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, như: Có thể thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu; Tiết kiệm thời gian và chi phí; Tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; Hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau; Hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính,…) giúp quản lý thuận tiện hơn.

Cùng nhau tạo nên câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam - Ảnh 2.

Toạ đàm Hội thảo"Tăng tốc CĐS: Vì lợi ích thiết thực của người dân, DN".

CĐS đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các DN

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện GapoWork đã tập trung phân tích hoạt động chuyển đổi DN dưới khía cạnh: Từ quản trị giám sát đến kiến tạo môi trường làm việc số.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc tăng trưởng GapoWork, không gian làm việc số (digital workplace) cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ CNTT để làm việc và công tác mọi lúc mọi nơi với chế độ bảo mật phù hợp; Giúp tối ưu trải nghiệm làm việc của nhân sự, từ đó thúc đẩy năng suất; đồng thời đáp ứng được nhiều cấp bậc nhân sự trong tổ chức với nhu cầu và khả năng công nghệ khác nhau.

Nếu không có không gian làm việc số, công cuộc CĐS của DN sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như: độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; Chất lượng về tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; Tính liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng sẽ kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin; Lãnh đạo khó kiểm soát thông tin hơn, có thể gặp rủi ro thất thoát thông tin; Thiếu sự đồng bộ, kịp thời và đa chiều trong truyền đạt thông tin trong đơn vị;…

Không gian làm việc số sẽ giúp hỗ trợ lực lượng lao động phân tán khắp nơi, bổ trợ và giải quyết một số vấn đề cho không gian vật lý. Không gian làm việc số cũng sẽ phá bỏ rào cản giữa nhân sự, thông tin và quy trình: tách bạch giữa công việc và cuộc sống; Quản trị linh hoạt, tăng sự hiện diện của lãnh đạo; Quản trị tinh gọi, tăng tốc xử lý thông tin qua thúc đẩy giao tiếp.

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital khẳng định CĐS đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các DN tồn tại và phát triển.

Nhìn nhận "CĐS là thời kỳ "cá nhanh thắng cá chậm", DN nào có chiến lược CĐS bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua", ông Minh cho rằng các DN khi thực hiện CĐS nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp.

Chuyên gia của FPT Digital đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp cho các DN khi thực hiện CĐS, như: Thiết lập cơ cấu tổ chức "chuyên trách" điều hành giúp tăng tốc quá trình CĐS; Phối hợp với các đơn vị độc lập nhằm tháo gỡ những vướng mắc; Tận dụng xu hướng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu chi phí CĐS; Nghiên cứu, phát triển các ứng dụng và nền tảng số có khả năng dẫn dắt hệ sinh thái tăng trưởng.

"CĐS không phải là đích đến mà là một hành trình dài theo cùng sự phát triển của DN", ông Nguyễn Đức Minh tổng kết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cùng tạo nên câu chuyện đáng để kể về CĐS Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO