Cuộc đua "đốt tiền" mới e-logistics

VTV Digital| 28/10/2021 14:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Thương mại điện tử được thúc đẩy tăng trưởng bởi dịch COVID-19, kéo theo ngành kho vận, hậu cần trong thương mại điện tử (e-logistics) cũng tăng trưởng theo.

"Nóng" cuộc đua mở rộng mạng lưới, ứng dụng công nghệ trong e-logistics

Ngay khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau cao điểm đợt bùng phát dịch thứ 4, một loạt những chuyển biến mới đã xảy ra trên thị trường thương mại điện tử, có tên tuổi lớn vừa thông báo rút lui, nhưng cũng có doanh nghiệp huy động được nguồn vốn mới để gia tăng đầu tư.

Ông lớn ngành vận chuyển DHL bất ngờ ngừng hoạt động mảng kinh doanh kho vận trong thương mại điện tử tại Việt Nam, nhưng cùng thời điểm, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục hút hàng trăm triệu USD đầu tư, như Tiki Logistics hay Giao hàng nhanh...

Tháng 7, cao điểm của đợt dịch thứ 4, cũng là lúc doanh nghiệp thương mại điện tử TikiNOW Smart Logistics chính thức vận hành khu vực ứng dụng robot vào kho vận.

Cuộc đua đốt tiền mới e-logistics - Ảnh 1.

Chỉ trong 2 năm trở lại đây, mỗi doanh nghiệp đầu ngành e-logistics hiện đã sở hữu từ 80.000 - 300.000 m2 kho bãi. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Robot vận chuyển hàng trăm quầy hàng đến nơi nhân viên sắp hàng vào khay theo đơn soạn sẵn. Hệ thống công nghệ cho biết cần lấy hàng ở hộc nào trên quầy để đặt vào khay nào, nhờ vậy, có thể sắp cùng lúc nhiều khay... tăng gấp đôi công suất so với quy trình thủ công trước đây.

"86% người dùng gia tăng mua sắm trực tuyến trong và sau thời gian giãn cách vì dịch bệnh. Do đó, việc đầu tư hệ thống robot như vậy không chỉ giúp chúng tôi cải thiện toàn bộ chuỗi cung ứng thương mại điện tử, về lâu dài chúng tôi kỳ vọng sẽ kéo giảm được chi phí", ông Thomas Harris, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vận hành TikiNOW Smart Logistics, cho biết.

Ngành thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục được thúc đẩy tăng trưởng trong đại dịch, mức tăng khoảng 20% theo năm về giá trị thị trường. Khi thương mại điện tử tăng trưởng 1, diện tích kho vận phục vụ ngành có thể tăng gấp 3.

Cuộc đua đầu tư e-logistics đang thể hiện rõ ở 2 yếu tố: diện tích kho xử lý, chia chọn hàng hóa và mạng lưới bưu cục.

Chỉ trong 2 năm trở lại đây, mỗi doanh nghiệp đầu ngành này hiện đã sở hữu từ 80.000 - 300.000 m2 kho bãi, tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đó.

Mạng lưới hàng nghìn bưu cục để làm nơi gửi, trung chuyển hàng hóa cũng được doanh nghiệp cạnh tranh mở rộng.

"Đợt dịch lần này đã giúp chúng tôi thử tải và nhận ra rằng việc đầu tư như vậy vẫn chưa đủ lớn nên chúng tôi có thể sẽ nâng cấp thêm một lần nữa", Giám đốc Chiến lược Viettel Post Cao Cẩm Linh cho hay.

"Bối cảnh hiện nay khiến chúng tôi đẩy nhanh kế hoạch đầu tư của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với 1.500 nhà đầu tư trong nước tham gia vào thị trường thương mại điện tử qua hình thức nhượng quyền bưu cục", Tổng Giám đốc BEST Inc. Việt Nam Nelson Wu chia sẻ.

Hiện một số doanh nghiệp thương mại điện tử tăng cường đầu tư logistics của riêng mình, giảm phụ thuộc vào đối tác giao hàng khiến cuộc cạnh tranh thêm gay gắt.

Vì sao "ông lớn" ngành vận chuyển thế giới DHL quyết định rời thị trường?

Sức hấp dẫn của thị trường e-logistics đã rõ. Vậy vì sao ông lớn ngành vận chuyển thế giới DHL ngừng DHL Ecommerce tại Việt Nam sau tháng 11 tới?

Phía DHL không giải thích cụ thể, nhưng giới trong ngành cho rằng gánh nặng chi phí tại thị trường Việt Nam thuộc hàng lớn nhất khu vực.

Chuỗi vận chuyển của ngành này có thể chia làm 3 chặng. Phần khó nhất để kiểm soát chi phí nằm ở chặng giữa, vì phải đầu tư lớn cho kho bãi, công nghệ để kết nối, tối ưu quy trình. Điển hình, trung tâm chia chọn này tốn 8 triệu USD cho 44.000 m2; tính ra cứ mỗi 1 m2 đã tiêu tốn hơn 4 triệu đồng, chỉ riêng chi phí đầu tư ban đầu. 

Chi phí logistics/GDP của Việt Nam lại ở mức hơn 20%, cao gấp đôi so với trung bình thế giới do hạ tầng còn hạn chế. Thói quen nhận hàng mới thanh toán tiền mặt phổ biến tại Việt Nam cũng có thể gây nhiều rắc rối. Chẳng hạn, chỉ cần nhân viên giao hàng nhận tiền từ khách xong nổi lòng tham, chiếm đoạt và nghỉ việc - những kiểu rủi ro này làm phát sinh chi phí vận hành.

Từng tuyên bố đầu tư dài hạn cho e-logistics tại Việt Nam, DHL cũng phải dự tính được gánh nặng chi phí trong thời gian đầu. Liệu chăng nguyên nhân thực sự là do thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn như dự tính?

Giới quan sát cho rằng, điểm không như dự tính không nằm ở tiềm năng thị trường, mà là thời gian chịu lỗ cho đến lúc sinh lời đã lâu hơn kế hoạch của DHL. Thời điểm DHL Ecommerce mở dịch vụ cách đây 4 năm, thị trường chưa xuất hiện những tập đoàn logistics ngoại đầu tư vào Việt Nam theo kiểu "đốt tiền", nghĩa là đầu tư mạnh và nhanh với mục tiêu lấy thị phần và chấp nhận chịu lỗ trong thời gian dài. 

Sức ép lớn còn đến từ chính nhóm doanh nghiệp thương mại điện tử khi liên tục bơm vốn để tự xây hệ thống kho vận cho riêng mình. 4 sàn đầu ngành đều đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng và cuộc chiến đốt tiền chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cuộc đua đốt tiền mới e-logistics - Ảnh 2.

Ông lớn ngành vận chuyển thế giới DHL ngừng DHL Ecommerce tại Việt Nam sau tháng 11 (Ảnh minh hoạ)

Nói như nhận xét từ một cựu nhân sự cấp cao của DHL Ecommerce: "Một doanh nghiệp chú trọng nhiều về lợi nhuận như DHL không thích hợp trên mặt trận này".

Thực tế, báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất từ các doanh nghiệp đã cho thấy e-logistics trở thành một "mặt trận" tiếp theo trong cuộc chiến "đốt tiền" trên thị trường thương mại điện tử. Doanh nghiệp nào mở rộng càng nhanh, mức lỗ càng lớn. Lũy kế đến năm 2019, một số doanh nghiệp đã chạm mức lỗ ròng hơn 500 tỷ đồng. Dự báo mức lỗ có xu hướng tăng trong năm 2020 và 2021, khi đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp đổ hàng triệu USD đầu tư cho các kho bãi quy mô lớn, trong khi ảnh hưởng của dịch cũng tạo ra nhiều loại chi phí phát sinh trong ngắn hạn.

"Đốt tiền" cho triển vọng dài hạn

Doanh nghiệp có chiến lược không còn phù hợp có thể rời bỏ thị trường. Những cái tên ở lại vẫn có lý do để tiếp tục gia tăng đầu tư, đặc biệt trong thời điểm có ý nghĩa quyết định thắng - bại như hiện nay.

"Nếu mình muốn đầu tư phát triển dài hạn thì thực sự đồng lời trong những năm đầu hầu như không có. Đối với chúng tôi, đã quyết định đầu tư vào Việt Nam thì sẽ "chơi tới cùng". Mình vẫn sẽ có cách để giảm thiểu các chi phí đó, bằng cách áp dụng công nghệ để có thể giảm thiểu tối đa những khâu không cần thiết", Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam Phan Bình chia sẻ.

"Cái chính là chất lượng của hàng hóa trên thị trường phải khá hơn. Để lòng tin giữa người mua và người bán tốt hơn. Người mua thanh toán trước, nhân viên mang hàng tới để nhà là xong, quy trình mới đủ tinh gọn thì khi đó chi phí vận hành mới thấp", Giám đốc Vận hành Công ty Dịch vụ Giao Hàng Nhanh Nguyễn Hà Anh cho biết.

"Theo quy hoạch của Nhà nước, đã bắt đầu tập trung vào việc quy hoạch hạ tầng dùng chung, quy hoạch đường trục, quy hoạch các điểm trung tâm khai thác, để tạo ra được chi phí tối ưu nhất có thể hỗ trợ cho lĩnh vực e-logistics. Chúng tôi tin tưởng đến giai đoạn tiếp theo, chúng ta có thể giảm chi phí xuống mức 15 - 18% GDP", Giám đốc Chiến lược Viettel Post Cao Cẩm Linh cho hay.

Nếu thương mại điện tử là ngành công nghiệp tương lai, thì e-logistics (ngành kho vận, hậu cần thương mại điện tử) không khác gì "xương sống" cho ngành công nghiệp này. Khi cuộc đua đổ tiền đầu tư ngày càng gay gắt, khốc liệt, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, việc có những chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp nội giữ được thị phần là rất cần thiết. Bởi bối cảnh đại dịch đã chứng minh chỉ khi làm chủ được "xương sống" này mới tránh gãy đỗ chuỗi cung ứng.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua "đốt tiền" mới e-logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO