Cuộc thi an ninh mạng quốc tế do Việt Nam tổ chức gắn kết văn hóa

Minh Thiện| 31/07/2018 18:30
Theo dõi ICTVietnam trên

WhiteHat Grand Prix là cuộc thi rất khác biệt với các cuộc thi an toàn thông tin mạng khác là mỗi lần thi đều mang một thông điệp về đất nước, con người Việt Nam được gửi gắm tới các đội thi sau khi họ vượt qua từng thử thách.

Hôm nay 31/07/2018, tại Hà Nội, vừa diễn ra Lễ họp báo công bố tổ chức cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2018 với chủ đề "Truyền thuyết Việt Nam - Legends of Vietnam". Cuộc thi do Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TTTT phối hợp cùng Diễn đàn WhiteHat.vn tổ chức.

Sau Vòng Sơ loại thi online, 10 đội thi quốc tế xuất sắc nhất sẽ quy tụ tại Hà Nội để tham gia vòng Chung kết theo hình thức đối kháng trực tiếp (Attack/Defence onsite). Ban Tổ chức cho biết, đây là lần đầu tiên một cuộc thi an toàn không gian mạng quy mô toàn cầu được tổ chức thi đấu trực tiếp tại Việt Nam, một cuộc thi công nghệ hiếm hoi mà chúng ta chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu, từ tổ chức đến ra đề.

Phát biểu tại lễ công bố cuộc thi, ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TTTT cho biết, nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhân lực an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) cả về số lượng lẫn chất lượng được coi là nhiệm vụ quan trọng số một hiện nay đối với Việt Nam. Song, đây là lĩnh vực mới, thách thức. “Từ năm 2014, dưới sự bảo trợ của Cục ATTT, Bộ TTTT và sự đóng góp về kinh phí của Bkav, Diễn đàn WhiteHat đã tổ chức thành công cuộc thi WhiteHat Grand Prix mà không dùng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, từ năm 2015, đây là cuộc thi duy nhất do Việt Nam tổ chức thu hút được sự tham gia của nhiều đội trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh ý nghĩa về mặt chuyên môn, đây là cơ hội quảng bá một Việt Nam mến khách, giàu văn hóa đến bạn bè khắp năm châu”, ông Dũng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TTTT

Từ năm 2015, cuộc thi do Việt Nam tổ chức có sự tham gia đông đảo của bạn bè quốc tế. Cuộc thi tạo nên sự gắn bó, đồng hành giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng WhiteHat, doanh nghiệp ATTT và các trường học. Cuộc thi cũng khơi gợi lòng đam mê, hoài bão, tinh thần học tập vì một không gian mạng Việt Nam an toàn lành mạnh hơn phục vụ sự phát triển của đất nước. Ngành ATTT Việt Nam còn rất non trẻ, nhân lực trong lĩnh vực này cần liên tục được thực hành, cọ xát thực tiễn mới có thể đáp ứng trước những thay đổi về công nghệ và những nguy cơ, rủi ro mất ATTT không ngừng phát sinh. Một trong những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực ATTT là tổ chức các cuộc thi để cọ sát cùng quốc tế trong lĩnh vực này. Năm 2017 cuộc thi đã tổ chức thành công chủ đề “Di sản Việt Nam ” với 153 đội chơi từ nhiều quốc gia và là năm chứng kiến sự lớn mạnh của các chuyên gia ATTT Việt Nam - giành giải Nhất.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết: Từ năm 2013, Bkav xây dựng, phát triển Diễn đàn ATTT White Hat.vn, một trong những hoạt động nổi bật là các cuộc thi. Đầu tiên chỉ có 6 đội tham dự. Năm 2014 cuộc thi mở rộng phạm vi quốc gia với hơn 60 đội tham dự 1 vòng loại và chung kết. Năm 2015, cuộc thi tiếp tục mở rộng phạm vi toàn cầu với 376 đội từ 57 quốc gia tham dự. Các năm từ 2015 đến 2017, với định hướng xây dựng cộng đồng, ban tổ chức đã kết hợp cùng các đội làm về ATTT tại Việt Nam từ các tập đoàn, trường đại học tham gia công tác ra đề và lập đội dự thi. Năm nay là cuộc thi quốc tế lần 4.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav

Vòng Sơ loại WhiteHat Grand Prix 2018 diễn ra trực tuyến (online) liên tục trong 24 giờ từ 9:00 (UTC 7) ngày 18 - 19/8 theo hình thức CTF Jeopardy, với cách thức tính điểm mới. Điểm ghi được cho từng bài thi của mỗi đội sẽ không cố định mà thay đổi dựa trên số lượng đội giải thành công bài thi đó. Áp dụng hình thức thi cướp cờ (Capture The Flag – CTF): sử dụng kỹ năng lập trình, cấu hình mạng, dịch ngược để tìm đáp án ẩn giấu trong mỗi đề thi. Phản ánh thực tế công việc hàng ngày mà các chuyên gia ATTT vẫn làm. Hàng ngày kiểm thử sản phẩm, dịch ngược mã độc…

Các đội được tập luyện các kỹ năng, giúp đội thi giành thứ hạng cao. Để chiếm được top đầu, đội dự thi phải tập hợp các thành viên có đủ kỹ năng liên quan đến dịch ngược, mã hóa, khai thác lỗ hổng phần mềm. Mỗi đội thi có 24h để tham gia….

Năm nay sẽ thực hiện cách tính điểm mới. Vòng loại: điểm số của mỗi bài sẽ do chính các đội thi quyết định. Ban đầu Ban tổ chức cho 500 điểm, bài thi nào càng có nhiều đội giải được thì điểm thi càng giảm. Đội làm trước và làm sau có thể điểm bằng nhau nhưng có điểm thưởng: đội đầu tiên hoàn thành được cộng 10 điểm. Cơ chế này sẽ phản ánh khách quan độ khó của đề thi năm nay.

Năm 2018, lần đầu tiên các đội thi quốc tế trực tiếp đến Việt Nam tham dự tại thi đấu chung kết tại Hà Nội. Vòng loại trực tuyến diễn ra ngày 18/8. Vòng Chung kết đối kháng trực tiếp, sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2018 tại Hà Nội. Đây là cuộc đua kéo dài liên tục trong 8 tiếng giữa 10 đội thi xuất sắc nhất từ vòng Sơ loại. 10 đội vào vòng chung kết tại Hà Nội theo hình thức đối kháng trực tiếp. Ban Tổ chức cho biết, ở vòng thi này, lần đầu tiên tại Việt Nam thử thách vượt qua các lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị phần cứng được đưa vào một cuộc thi ATTT mạng. Các đội phải vượt qua lỗ hổng an ninh, bảo mật thông tin trên các thiết bị phần cứng, thiết bị IoT.

Khi xây dựng chương trình, ban tổ chức đã tập hợp được cộng đồng cùng tham gia tổ chức một cuộc thi của Việt Nam. Tập hợp đội ngũ ra đề, xây dựng hệ thống thi gồm 6 đội: Cục ATTT, Bkav, Viettel, Học viện An ninh nhân dân, cựu sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã và Đại học Duy Tân. Ban tổ chức cũng đặt được mục tiêu xây dựng cộng đồng để có giao lưu chia sẻ thông tin.

Một điều thú vị nữa, đây là cuộc thi rất đặc biệt. Trên thế giới, ít cuộc thi ATTT nào lồng ghép yếu tố văn hóa quốc gia vào như thế. Thi về chuyên môn kỹ thuật ATTT. Bên cạnh việc thi về chuyên môn rất khô cứng, khó hiểu với người ngoài ngành, mong muốn đưa thông tin, thông điệp về đất nước con người Việt Nam vào các cuộc thi quốc tế.

Sau khi một đội vượt qua thử thách chuyên môn, được tìm hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của Việt Nam, ví dụ như đọc thông tin về cúng ông Công ông Táo.

Chia sẻ về ý tưởng chủ đề Truyền thuyết Việt Nam của cuộc thi năm nay, ông Ngô Tuấn Anh cho biết thêm: “Điểm thú vị so với các cuộc thi ATTT mạng khác là WhiteHat Grand Prix qua từng năm đều mang một thông điệp về đất nước, con người Việt Nam được gửi gắm tới các đội thi sau khi họ vượt qua mỗi thử thách. Nếu chủ đề cuộc thi năm 2015 ‘Hello Vietnam’ là lời chào đến bạn bè quốc tế qua những cảnh đẹp trên mảnh đất hình chữ S, năm 2016 ‘Discovering Vietnam’ là lời mời thưởng thức những món ngon trong Ẩm thực Việt, năm 2017 ‘Vietnam Heritages’ giới thiệu những di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thì năm 2018 ‘Legends of Vietnam’ sẽ là chuyến khám phá những truyền thuyết của đất nước chúng ta từ Con Rồng, Cháu Tiên thời dựng nước, đến Bánh Chưng, Bánh Dày truyền thống hay sự tích Dưa Hấu...”.

Đại diện Ban tổ chức trao đổi với báo chí những nội dung đặc biệt trong cuộc thi năm nay

Cơ cấu giải thưởng của WhiteHat Grand Prix 2018 bao gồm: Giải nhất trị giá 230 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD), giải Nhì và Ba có giá trị lần lượt là 45 triệu đồng (tương đương khoảng 2.000 USD) và 25 triệu VND (tương đương khoảng 1.000 USD).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho 10 đội thi xuất sắc nhất, Ban tổ chức quyết định tài trợ toàn bộ chi phí lưu trú và đi lại cho vòng Chung kết. Bắt đầu từ ngày 31/7, các đội có thể đăng ký tham gia trực tuyến tại địa chỉ: WhiteHatVN.com.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cuộc thi an ninh mạng quốc tế do Việt Nam tổ chức gắn kết văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO