Truyền thông

Đại biểu, nghị sĩ trẻ ASEAN thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa

Bình Minh 18:54 05/10/2023

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Việt Nam đăng cai tổ chức tháng 9/2023 vừa qua vẫn còn để lại dư âm. Đáng chú ý tại Phiên thảo luận chuyên đề thứ ba về thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững, nhiều ý kiến của các đại biểu, nghị sĩ trẻ khối ASEAN đã đóng góp tích cực, chất lượng vào các nội dung tuyên bố chung.

Cụ thể, đại biểu của Malaysia nêu rõ Malaysia ủng hộ đa dạng văn hóa và cho rằng đa dạng văn hóa sẽ được duy trì thông qua ủng hộ và tôn trọng sự khác biệt giữa các cộng đồng, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định của quốc gia. Đây là điều mà Malaysia luôn nghiêm túc, nỗ lực. Malaysia có Bộ Đoàn kết quốc gia nhằm thúc đẩy đoàn kết và hội nhập là 2 yếu tố quan trọng cho xây dựng xã hội đa dạng hướng tới tương lai thịnh vượng.

Thủ tướng Malaysia cũng đã ban hành kế hoạch hành động vì hòa bình, thịnh vượng, tin cậy lẫn nhau; đồng thời, triển khai kế hoạch hành động đoàn kết quốc gia giai đoạn 2021-2030 song song với nhiều mục tiêu và kế hoạch liên quan xây dựng xã hội đa dạng văn hóa.

160920230951-9999.jpg
Chuyên đề 3: Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. (Ảnh: nghisitre.quochoi.vn)

Bộ Đoàn kết quốc gia Malaysia đã tổ chức Ngày đoàn kết quốc gia qua đó khuyến khích sự tôn trọng lẫn nhau trong thế hệ trẻ; đồng thời có những giải pháp để ngăn chặn, phòng chống những hành vi sai trái như phân biệt chủng tộc, tôn giáo… Xây dựng các quy định và có truyền thông để hướng đến hài hòa xã hội.

Trong khi đó, Nghị sĩ Brunei cho biết, đa dạng văn hóa có vai trò rất quan trọng trong chính sách của Brunei và Brunei cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ và thúc đẩy đa dạng văn hóa vì những mục tiêu phát triển bền vững.

Thanh niên sẽ là thành tố chính tạo ra những sự thay đổi, trong thời gian tới, Brunei sẽ tập trung, tạo điều kiện để thanh niên có thể đóng góp vào việc bảo vệ những giá trị văn hóa, kho tàng di sản văn hóa quốc gia vì một tương lai toàn diện hơn.

Đại biểu Campuchia chia sẻ, là một trong những quốc gia có sự đa dạng văn hoá và đa dạng dân tộc thiểu số rất lớn, vì vậy Campuchia đã thúc đẩy đa dạng văn hoá và đa dạng dân tộc thiểu số rất mạnh mẽ vì sự phát triển của đất nước, hoà bình và hoà hợp của xã hội.

Đại biểu Campuchia cho biết thêm, hiện nay, nhiều khu vực quốc tế có một số sự hiểu nhầm về giá trị văn hoá. Một số nền văn hoá khác có sự phát triển tụt lùi, thiếu văn minh. Đại biểu nêu rõ, Hội nghị lần này là cơ hội để các nghị sĩ cùng nhau chia sẻ về giá trị của văn hoá, từ đó thu hẹp khoảng cách trong xã hội, trong văn hoá và thúc đẩy hoà bình, đảm bảo lợi ích xã hội, quốc gia và thế giới.

Campuchia rất quan tâm tới các kỳ quan và di sản văn hoá tại các địa phương. Do đó, đề xuất IPU và cộng đồng quốc tế xem xét tổ chức đối thoại văn hoá, trong đó có sự tham dự của các đại biểu từ cộng đồng thanh niên để thúc đẩy hiểu biết văn hoá. Đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là giáo dục thanh niên về sự khác biệt vì lợi ích của xã hội và cả quốc gia…

Có những nét văn hóa tương đồng, Thái Lan là quốc gia đa dạng văn hoá. Hiến pháp của Thái Lan cũng hỗ trợ cho các cộng đồng phát huy giá trị văn hoá của mình. Thái Lan đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo giới trẻ, đặc biệt là nghị sĩ trẻ tham gia nhiều hơn; trao quyền hơn nữa cho các nghị sĩ trẻ có thể hợp tác với các đối tác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các cộng đồng và dân tộc thiểu số.

Theo chia sẻ của Nghị sĩ Thái Lan, sẽ không thể có được phát triển bền vững nếu không có đa dạng văn hoá. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp tận dụng nhân tài, thúc đẩy phát triển, hài hoà giữa các cộng đồng dựa trên bình đẳng...

Thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An nêu rõ, đa dạng văn hóa là nhân tố quyết định sự giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa, từ đó làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc; đồng thời, chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển.

Việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển thay vì tạo ra những xung đột và mâu thuẫn. Chính vì ý nghĩa này, việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa sẽ giúp cùng xây đắp một văn hóa phổ quát - văn hóa của sự đa dạng.

Nhấn mạnh điều này, ông Trịnh Xuân An khuyến nghị, Quốc hội các nước nên khẳng định vai trò của văn hóa như một trụ cột của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; khẳng định vai trò của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển hệ thống các thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

“Cùng đó, khẳng định vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong quá trình giải quyết các khó khăn, thách thức đối với nhân loại hiện nay, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống nạn buôn bán, vận chuyển trái phép tài sản văn hóa”, đại diện Đoàn đại biểu Việt Nam nhấn mạnh.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn cũng nêu rõ: Quốc hội Việt Nam cũng rất quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Hiến pháp - đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc đã nhấn mạnh: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Quốc hội đã ban hành các luật về tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa, quảng cáo, thư viện…, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, dân tộc miền núi, xóa đói giảm nghèo… thường xuyên thực hiện công tác giám sát, chất vấn để bảo đảm những vấn đề đa dạng văn hóa được tôn trọng và xuyên suốt trong các chương trình lớn của đất nước.

Diễn đàn Nghị sĩ trẻ là một cơ chế chính thức và thường trực trong Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhằm góp phần tăng cường số lượng và chất lượng tham gia của thanh niên trong các nghị viện và trong IPU. IPU đã thiết lập cơ chế Hội nghị toàn cầu hàng năm để góp phần tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ và sự tham gia của thanh niên vào hoạt động Nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; xây dựng mạng lưới, đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm.

Trong các vấn đề cùng quan tâm của Nghị sĩ trẻ toàn cầu nói chung và Nghị sĩ trẻ ASEAN nói riêng với một số ý kiến thảo luận đáng chú ý như trên đã đóng góp, góp phần vào các nội dung tuyên bố chung của Hội Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu, nghị sĩ trẻ ASEAN thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO