Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI vừa qua thu hút sự tham gia của đông đảo tác giả nước ngoài, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của người nước ngoài đối với các sự kiện, vấn đề của Việt Nam trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đối diện với những thách thức chưa từng có, nhất là đại dịch COVID-19.
Nửa đầu năm 2020, trong khi cả thế giới chật vật chống chọi với COVID-19 thì Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Wayne Worrell, một giáo viên người Anh hiện đang sinh sống tại Việt Nam cùng vợ và các con, đã trải qua những tháng ngày sống trong lo lắng và hoang mang khi dịch bệnh COVID-19 lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu.
Nhưng cũng chính trong khoảng thời gian khó khăn đó, ông đã tận mắt chứng kiến những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và sự đoàn kết, đồng lòng của người dân Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống dịch.
Những ngày giữa tháng Tư vừa qua, khi cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội một cách nghiêm túc và khẩn trương, cùng với những người nước ngoài khác đang sinh sống tại Việt Nam, ông Worrell đã thực hiện một dự án với tên gọi “Vietnam We Thank You - Việt Nam cố lên!”
“Tôi đã kêu gọi bạn bè mình tham gia dự án và họ lại tiếp tục kêu gọi bạn bè của họ. Ngay tại nhà, chúng tôi chụp hình và quay video ghi lại những lời cảm ơn Việt Nam vì những gì mà Chính phủ và người dân các bạn đã làm để cho chúng tôi được an toàn,” ông Worrell kể về sáng kiến của mình khi trò chuyện cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
“Các y bác sỹ muốn chúng ta ở nhà vì sự an toàn của chính chúng ta, trong khi bản thân họ đã phải hy sinh rất nhiều. Vậy thì tại sao chúng ta không làm điều gì đó để cảm ơn sự hy sinh của các bác sỹ cho sự an toàn của chúng ta,” ông Worrell chia sẻ.
Không chỉ góp phần khích lệ những người nơi tuyến đầu chống COVID-19, với dự án của ông Worrell, hình ảnh và thông điệp một đất nước Việt Nam kiên cường và quyết tâm phòng chống dịch bệnh đã được lan tỏa đến với bạn bè quốc tế.
Dự án đã đoạt giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ Sáu cho hạng mục Sáng kiến tại lễ trao giải được tổ chức tại Hà Nội vào tối 28/7.
Tính ưu việt và những nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính trị nói chung và của ngành y tế nói riêng trong phòng, chống dịch bệnh đã góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh xuất hiện những thách thức phi truyền thống trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự ứng biến linh hoạt, cũng như phẩm cách nhân văn của con người Việt Nam.
Trong những năm qua, công tác thông tin đối ngoại đã đạt những kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với nhân dân, bạn bè trên thế giới.
Việc Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm nay thu hút số lượng bài của các tác giả nước ngoài nhiều nhất từ trước đến nay thể hiện người nước ngoài đang ngày càng quan tâm và muốn tìm hiểu nhiều hơn về Việt Nam.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban chuyên trách, Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, cho biết việc ngày càng có nhiều tác giả nước ngoài tham gia Giải thưởng toàn quốc về thông đối ngoại có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại, giúp quảng bá hình ảnh đất nước cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước ra thế giới.
Sự phát triển nở rộ của các sản phẩm thông tin đối ngoại về Việt Nam trong đó có các tác phẩm của các tác giả người nước ngoài có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính là cơ đồ, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao, là nỗ lực, quyết tâm của toàn dân, toàn quân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành quả đó càng được tô đậm trong thời gian qua khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19 thì Việt Nam lại nổi lên như một điển hình về phòng, chống dịch thành công, được truyền thông quốc tế đánh giá cao.
Một số đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà báo, học giả người nước ngoài đó là thành tựu cải cách kinh tế ở Việt Nam, tiềm năng hợp tác kinh tế và đầu tư thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới, hay vai trò trung tâm của ASEAN trong đó có Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông như bài viết của nhà báo Ấn Độ Rudroneel Ghosh ở tạp chí Times of India, được trao giải A Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ Sáu.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, tác giả Ghosh, người có nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu đề tài Biển Đông, nhấn mạnh là thành viên trách nhiệm và có tiếng nói trong ASEAN, Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề Biển Đông.
Đặc biệt, với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực cùng chia sẻ quan điểm tích cực về thúc đẩy hòa bình, ổn định ở vùng biển này.
Nhà báo Ghosh cho biết, lập trường của Việt Nam về thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển ở Biển Đông rất đáng biểu dương và cần được ủng hộ trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang ngày càng mở rộng, làm gia tăng căng thẳng và xung đột trên thế giới. Mô hình của Việt Nam chính là hình mẫu cho các nước hướng tới hòa bình và phát triển trên thế giới.
Các bài viết, phân tích của các nhà báo, học giả người nước ngoài đã giúp phản ánh chân thực, khách quan về tình hình phát triển đất nước cũng như quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Chia sẻ về quan điểm này, Giám đốc Chương trình nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Công nghệ tự trị Mexico Ulises Granados Quiroz đánh giá việc các nhà báo quốc tế viết về Việt Nam không chỉ là dịp để họ thể hiện quan điểm, ý kiến của mình mà còn là cơ hội giúp dư luận tại các nước hiểu rõ hơn về tình hình các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Quiroz cũng chính là tác giả của loạt bài viết đăng trên mục bình luận của phiên bản báo điện tử El Universal của Mexico, đề cập đến hành động xâm phạm trái phép Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào tháng 7/2019 và lên án hành động đơn phương phá vỡ ổn định khu vực của Trung Quốc.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, tác giả Quiroz cho biết người dân Mexico và khu vực Mỹ Latinh không biết nhiều về những gì đang xảy ra ở các vùng biển khu vực Đông Á và việc để người dân các nước Mỹ Latinh hiểu thêm về những diễn biến ở các khu vực khác trên thế giới là cần thiết.
“Tôi nghĩ điều đó là cần thiết để họ biết rằng có những quốc gia không hoàn toàn tôn trọng Luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và trên hết là mối quan hệ quốc tế hòa bình. Trong trường hợp này, tôi nghĩ cần phải đề cập đến việc Trung Quốc không thực hiện cam kết theo Luật pháp quốc tế và không thể biện minh cho việc một quốc gia lớn tiếp tục gây hấn với những quốc gia láng giềng,” ông Quiroz khẳng định.
Có thể thấy, năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn mà cả thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này, công tác thông tin đối ngoại đã tranh thủ được nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đầu năm 2019, Việt Nam trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi đăng cai cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Trong năm nay, Việt Nam chính thức đảm nhận trọng trách đối ngoại quan trọng như Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…
Các tác phẩm, sản phẩm thông tin đối ngoại đã bám sát các đề tài thời sự nóng hổi của thế giới và đất nước, vừa đóng góp cho sự tăng cường nhận thức, đồng thuận xã hội, vừa tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Cũng theo ông Lê Hải Bình, dư địa để chúng ta phát huy hiệu quả thông tin đối ngoại bằng phương thức để người nước ngoài nói về chúng ta là rất rộng lớn.
Vì vậy, thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại cần tập trung khích lê, động viên các lực lượng là tác giả người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có tình cảm, quan tâm đến Việt Nam tham gia nhiều hơn vào hoạt động quảng bá hình ảnh, tuyên truyền cho những thông điệp của một đất nước Việt Nam đang trên đường đổi mới, phát triển và đóng góp tích cực vào hoạt động chung trên trường quốc tế./.
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là một trong những đơn vị dẫn đầu về số lượng và chất lượng tác phẩm dự Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại trong nhiều năm liên tục. Ở mùa giải lần này, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam giành 44 giải, trong đó có bảy giải Nhất. Báo Điện tử VietnamPlus tiếng Việt giành năm giải, trong đó có một giải Nhất, một giải Nhì, hai giải Ba và một giải Khuyến khích. Đồng thời, VietnamPlus các ngữ cũng giành 6 giải với 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Đây là lần thứ sáu liên tiếp VietnamPlus giành thứ hạng cao tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại kể từ khi giải thưởng được phát động vào năm 2014. |