Thương mại điện tử trên mạng xã hội
Thương mại điện tử trên mạng xã hội, hay còn gọi là thương mại xã hội (social commerce) là việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, TikTok... để bán sản phẩm trực tuyến, thay vì chỉ trên một trang thương mại điện tử riêng biệt. Mạng xã hội đang làm thay đổi nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của con người, bao gồm cả cách họ chi tiêu, kiếm tiền, học tập, các hình thức tiếp cận, tương tác và giao tiếp với khách hàng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Khi phương tiện truyền thông xã hội được tích hợp với thương mại điện tử, thương mại điện tử trên mạng xã hội ra đời.
Theo số liệu thống kê (Statista 2021), trên toàn thế giới, thương mại điện tử trên mạng xã hội tạo ra doanh thu khoảng 474,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến là 28,4% từ năm 2021 đến năm 2028, doanh thu trong phân khúc này dự kiến sẽ đạt khoảng 3,37 tỷ đô la Mỹ vào năm 2028. Các dự báo cho thấy thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ tăng trưởng ở mức 29% hàng năm từ năm 2020 đến năm 2028, một tỷ lệ đáng chú ý sẽ định hình thương mại điện tử trên mạng xã hội trong nền kinh tế số trong tương lai.
Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc áp dụng hình thức mua sắm trên mạng xã hội và là một cường quốc về thương mại điện tử trên mạng xã hội. Doanh thu từ thương mại điện tử trên mạng xã hội của Trung Quốc dự kiến đạt 363 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và hơn gấp ba lần so với năm 2018. Thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ chiếm 13% tổng doanh số thương mại điện tử năm 2021. Sự tăng trưởng phần lớn được đến từ hai nền tảng công nghệ lớn là Alibaba và Tencent. Hai công ty hàng đầu này hiện đang chiếm 90% thương mại điện tử, 85% phương tiện truyền thông xã hội và 85% thị trường ví điện tử và thanh toán số ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm 2020 đã thúc đẩy xu hướng này ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ.
Mỹ là một trong những quốc gia có sự phát triển mạnh về thương mại điện tử trên mạng xã hội. Theo số liệu thống kê (Statista 2021), năm 2020, doanh số thương mại điện tử trên mạng xã hội ở quốc gia này ước tính đạt gần 27 tỷ đô la Mỹ. Khi ảnh hưởng của mạng xã hội tiếp tục gia tăng và trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thương mại điện tử trên mạng xã hội của Mỹ được dự đoán sẽ đạt 79,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 và chiếm 5,2% doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Mỹ.
Hiện nay, có gần 80 triệu người mua hàng trên mạng xã hội ở Mỹ, tăng 30% so với năm 2019. Với phạm vi tiếp cận thị trường rộng lớn và tiềm năng doanh thu, các doanh nghiệp đã nỗ lực gấp đôi để đưa phương tiện truyền thông xã hội vào mô hình kinh doanh của họ. Trong thời kỳ đại dịch, thương mại điện tử trên mạng xã hội là một trong những kênh bán hàng chính để thu hút đầu tư ngày càng tăng từ các công ty ở Mỹ.
Thành công của mô hình thương mại điện tử trên mạng xã hội đang bắt đầu được nhân rộng ra bên ngoài Trung Quốc và Mỹ. Một phần nguyên nhân là người dùng trên khắp thế giới đang dành nhiều thời gian hơn cho các nền tảng mạng xã hội. Đối với hai cường quốc hàng đầu thế giới. Thời gian trung bình dành cho phương tiện truyền thông xã hội trên mỗi người dùng trong giai đoạn 2018-2019 tăng 6% ở Mỹ và 8% ở Trung Quốc. Xu hướng này đã tiếp tục được tăng cao trong thời gian dịch bệnh COVID-19 kể từ năm 2019 đến năm 2020, thời gian sử dụng trung bình tăng 12% ở Mỹ và 10% ở Trung Quốc.
Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam
Theo báo cáo Việt Nam Digital 2021, Việt Nam có dân số 97,8 triệu người vào tháng 1/2021, tăng thêm 0.9% so với năm 2020. Trong đó, có 68,72 triệu người tiếp cận với Internet, tỷ lệ thâm nhập là 70,3% và có tổng cộng 72 triệu tài khoản mạng xã hội hoạt động, tương đương với mức độ thâm nhập là 73,7%, trong đó, có 71,14 triệu người dùng di động để truy cập mạng xã hội.
Mỗi ngày, người Việt dành trung bình 2 tiếng 21 phút dùng mạng để nhắn tin, kết nối, tương tác, làm việc... Bên cạnh các mạng xã hội xuyên biên giới phổ biến, ở Việt Nam còn có rất nhiều mạng xã hội nhỏ ở trong nước, chủ yếu dưới các dạng diễn đàn (forum) như Otofun, Tinh tế, Web trẻ thơ, Làm cha mẹ... Gần đây, một số mạng xã hội mới được ra đời như: Hahalolo, Gapo, Lotus... Với số lượng người dùng đông đảo, khả năng tương tác và chia sẻ thông tin cao.
Tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử hiện đang trong giai đoạn bùng nổ với tăng trưởng hàng năm ở mức rất cao. Ngoài các website và sàn giao dịch thương mại điện tử thì hoạt động giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua phương tiện là mạng xã hội hiện cũng đang thu hút số lượng rất lớn các cá nhân, doanh nghiệp. Xu hướng sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp thị, phân phối đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian trở lại đây.
Theo báo cáo nghiên cứu thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong năm 2019, 39% doanh nghiệp cho biết có bán hàng sử dụng mạng xã hội làm công cụ hỗ trợ. Tỷ lệ này thấp hơn không đáng kể so với tỷ lệ 42% doanh nghiệp bán hàng trên website của chính mình, nhưng lại cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 17% doanh nghiệp bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Thêm vào đó, tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng thông qua công cụ mạng xã hội đang có xu hướng tăng (tăng 3% so với năm 2018), trong khi đó tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng trên website của chính mình lại có xu hướng giảm (giảm 2% so với năm 2018).
Sự phát triển của thương mại điện tử trên mạng xã hội đã cung cấp một kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế số của Việt Nam hiện nay. Thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ là một xu thế, bùng nổ trong thời gian tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khung khổ pháp lý vẫn còn nhiều quy định chưa theo kịp xu thế phát triển mới của cuộc Cách mạng công nghiệp nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay.
Chính sách của Trung Quốc và Mỹ
Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những quyết định khó khăn xung quanh việc quản lý các công ty công nghệ lớn và có tầm ảnh hưởng đến kinh tế - chính trị tại quốc gia tỷ dân này, như việc đánh thuế các công ty công nghệ. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, việc đánh thuế nền kinh tế số có thể khác nhiều so với phần còn lại của thế giới. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn bị cô lập với thế giới số toàn cầu bởi một bức tường lửa. Trên thực tế, quốc gia này đang có xu hướng đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn trong nước như: Alibaba, Tencent và Baidu..., các nhà cung cấp hàng đầu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trung Quốc duy trì một thị trường tương đối hạn chế đối với thương mại điện tử. Chỉ số thương mại điện tử của OECD cho thấy, các rào cản ảnh hưởng đến thương mại điện tử được phân thành năm lĩnh vực chính sách: cơ sở hạ tầng và kết nối, giao dịch điện tử, hệ thống thanh toán, quyền sở hữu trí tuệ và các rào cản khác. Những hạn chế được thực hiện bằng các chính sách trong nước nhằm thống trị các công nghệ mới nổi và hạn chế sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp nội địa.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc được phân thành ba loại: "khuyến khích", "hạn chế" và "cấm". Hai loại sau, được gọi là Danh sách hạn chế cho quyền tiếp cận đầu tư nước ngoài, thường được áp dụng đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới nước ngoài muốn tiến hành hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc (Facebook, Google…).
Đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến được thực hiện ở Trung Quốc, theo Luật Thương mại điện tử mới của Trung Quốc (E-commerce Law) có hiệu lực từ tháng 1 năm 2019 và Quy tắc chi tiết để thực hiện các quy định hành chính về đăng ký pháp nhân doanh nghiệp. Các nhà khai thương mại điện tử, phải đăng ký với tư cách là chủ thể và thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng theo các quy định của luật thương mại điện tử với các điều khoản quy định như: Thuế lợi nhuận được tính trên lợi nhuận phát sinh tại hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, việc bán hàng trực tuyến có bị đánh thuế Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc vào việc lợi nhuận thu được từ việc bán hàng có được hoặc không được coi là phát sinh tại hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp không thường trú tại Trung Quốc phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến thu nhập có nguồn gốc từ Trung Quốc mà các tổ chức hoặc cơ sở thành lập thu được.
Hiện tại, Trung Quốc đang xem xét các cách tiếp cận khác nhau để giải quyết những vấn đề về thương mại điện tử nói chung và trên mạng xã hội nói riêng để tối ưu hóa hệ thống thuế hiện tại bằng cách làm rõ các loại thuế liên quan đến nền kinh tế số hoặc đưa ra một thuế dịch vụ số mới. Ngoài ra, quốc gia này có thể thực hiện đồng thời cả hai cách tiếp cận.
Mỹ
Tại cường quốc này có vô số luật đến từ nhiều cấp khác nhau như địa phương, tiểu bang và liên bang áp dụng cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Theo luật dù ở cấp nào, một yêu cầu chung là đều phải có giấy phép kinh doanh đăng ký cung cấp dịch vụ cho khách hàng, yêu cầu bắt buộc này nhằm tránh thất thu thuế từ các hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ trên nền tảng số của các doanh nghiệp. Ngoài ra, mỗi đơn vị hành chính như tiểu bang, liên bang có các quy định riêng biệt nên vấn đề pháp lý cũng khá phức tạp, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thành lập hoặc điều hành hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cung cấp dịch vụ trên nền tảng Internet ở Mỹ nên có sự tham gia của luật sư để giúp họ cung cấp tư vấn pháp lý cho phù hợp.
Theo luật của Mỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại đây phải đảm bảo tối thiểu là phải công bố công khai các điều khoản hợp đồng chung giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp (website), phải có nghĩa vụ nộp thuế với tất cả giao dịch thực hiện trên môi trường điện tử hoặc giao dịch trực tiếp và phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ cũng được xem xét tại các văn bản pháp luật của Mỹ. Một trong những đạo luật mới nhất của Mỹ liên quan đến quản lý thương mại điện tử là Đạo luật kinh doanh số 2021, hiện đang được Quốc hội xem xét, dự kiến ban hành đầu năm 2022.
Kết luận
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, thương mại điện tử trên mạng xã hội đã được định hình và là một xu hướng mới nổi. Việc ban hành các chính sách quản lý nhằm siết chặt các hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội được chính phủ các nước trên thế giới rất quan tâm. Trong khi đó, tại Việt Nam, chưa có quy định quản lý cụ thể hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Do vậy, trong thời gian tới cần phải nghiên cứu và xây dựng các quy định quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và tạo điều kiện để mạng xã hội tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo nghiên cứu thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam: Một số vấn đề pháp lý - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)
2. Báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử 2020 của VECOM
3. Global Ecommerce Forecast 2021, https://www.emarketer.com/content/global-ecommerce-forecast-2021
4. Social commerce revenue worldwide from 2020 to 2028, https://www.statista.com/ statistics/1231944/social-commerce-global-market-size/
5. World Economic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2021/05/china-future-social-commerce-content/
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11/tháng 11/2021)