Truyền thông

Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông chính sách ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay

PGS.TS. Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền 13/12/2023 08:45

Để đáp ứng thực tiễn truyền thông trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, vấn đề đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông, đặc biệt là nhân lực truyền thông chính sách là rất quan trọng.

1640_phuong-tien-truyen-thong-la-gi-3.jpg

Truyền thông là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống xã hội. Xã hội phát triển từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp, hiện đại một phần quan trọng là nhờ đến truyền thông. Bởi, truyền thông là phương tiện, phương thức thông tin, giao tiếp xã hội, liên kết - kết nối xã hội; giám sát, phản biện xã hội.

Một quốc gia, tổ chức muốn phát triển được cần phải có các chính sách đúng đắn, phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội. Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lầ thứ tư, những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đã làm thay đổi nhanh chóng công nghệ truyền thông. Công nghệ truyền thông đơn giản, thô sơ được thay thế bằng công nghệ tiên tiến với các kỹ năng, phương thức đa dạng, sinh động và kỹ thuật truyền tải hiện đại.

Để đáp ứng thực tiễn hoạt động truyền thông trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, vấn đề đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực truyền thông chính sách là điều rất quan trọng.

Tính đặc thù của đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông chính sách

Về nội dung đào tạo

Nội dung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành truyền thông và truyền thông chính sách mang tính đặc thù rõ nét. Ngoài những kiến thức giáo dục đại cương, nền tảng thì phần dung lượng lớn trong các chương trình đào tạo đều dành cho kiến thức ngành, chuyên ngành chuyên sâu.

Đối với đào tạo truyền thông, các chuyên ngành đào tạo khu biệt thành một chuyên đề bắt buộc hoặc tự chọn trong đào tạo chuyên ngành.

Vì là những vấn đề mới mẻ, do đó nội dung đào tạo truyền thông tại các cơ sở đào tạo còn chưa thống nhất, cập nhật; đặc biệt là những vấn đề mang tính học thuật, lý luận cần được đúc kết từ thực tiễn chưa đầy đủ, tường minh. Điều này cần được hoàn thiện trong thời gian tới.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn là mục tiêu số 1 của các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông. Để đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, việc tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát đánh giá nhu cầu của thực tiễn đào tạo là rất quan trọng. Thực tế thì các cơ sở đào tạo chưa chú trọng nhiều đến thăm dò, khảo sát nhu cầu thực tiễn nhân lực ngành truyền thông, nhất là đối với ngành truyền thông chính sách. Vấn đề này cần phải có sự đầu tư, quan tâm nhiều hơn thì giữa cơ sở đào tạo với thực tiễn sử dụng nguồn lực mới có thể đạt chung một mục đích.

Về phương thức đào tạo

Các cơ sở đào tạo đều chuyển đổi từ hình thức đào tạo học phần niên chế sang hình thức học chế tín chỉ theo thời gian 4 năm hoặc 2,5 năm (áp dụng đối với bằng đại học thứ hai). Việc đào tạo báo chí, truyền thông theo hình tín chí có nhiều ưu điểm, xong cũng còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề thực hành nghiệp vụ. Với các lớp đông sinh viên, giảng viên khó có thể hướng dẫn được tận tình, chu đáo; đánh giá kết quả cũng khó chính xác. Điều này được thể hiện ở đầu ra, chất lượng sinh viên giảm, nhiều sinh viên học năm cuối những chưa thạo về các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên ngành.

Bồi dưỡng ngắn hạn là phương thức được các cơ sở đào tạo quan tâm, trong đó có đào tạo báo chí, truyền thông. Bên cạnh các cơ sở đào tạo đại học mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, truyền thông còn có nhiều đơn vị như Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí - cơ sở truyền thông cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

image1-20.jpg
Đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh minh họa.

Đây là hình thức đào tạo thiết thực, hiệu quả, đặc biệt đối với việc cập nhật các kiến thức mới, những đổi thay của công nghệ, kỹ thuật sáng tạo và sản xuất sản phẩm báo chí truyền thông tại các cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông hiện nay.

Thông thường, các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về báo chí - truyền thông thể hiện ở 2 dạng thức, đó là: Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý truyền thông; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thực hiện chuyên môn nghiệp vụ truyền thông.

Việc phân tầng đối tượng, trình độ chuyên môn để đào tạo, bồi dưỡng là rất quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực của thực tiễn hoạt động báo chí, truyền thông.

Về đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, báo cáo thực tiễn

Như trên đã đề cập, đặc thù của đội ngũ giảng viên giảng dạy báo chí, truyền thông là cần có kiến thức chuyên ngành báo chí, truyền thông, nhất là kiến thức thực tiễn, gắn với lý luận, khoa học chuyên ngành.

Đội ngũ nghiên cứu khoa học về báo chí, truyền thông thường tập trung ở các cơ sở đào tạo, viện, học viện nghiên cứu chuyên ngành về báo chí, truyền thông. Hằng năm, có hàng trăm sản phẩm nghiên cứu học thuật về báo chí, truyền thông được ra đời. Một số kết quả nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Bên cạnh đội ngũ nghiên cứu khoa học về báo chí truyền thông chuyên nghiệp còn có sự tham gia của những nhà hoạt động thực tiễn. Nhiều nhà báo, lãnh đạo báo chí, truyền thông đi học tập, có bằng Tiến sĩ, theo con đường học thuật. Những người này thường giỏi cả về lý luận và thực tiễn bởi có sự trải nghiệm từ thực tiễn.

Tại các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông còn có sự tham gia của đông đảo các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, nhà quản lý báo chí, người hoạt động chuyên môn về truyền thông. Họ tham gia giảng dạy với tư cách là giảng viên thỉnh giảng, hướng dẫn thực hành, thực tập của sinh viên.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền trung bình mỗi năm học có sự tham gia của hàng trăm lượt các nhà báo, người làm truyền thông vào công tác đào tạo, nghiên cứu học thuật.

Về người học

Đối với đối tượng mới tốt nghiệp THPT dự thi đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề, hằng năm, theo quy chế tuyển sinh đại học, đối tượng thí sinh dự tuyển dự thi đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề là người mới tốt nghiệp THPT. Riêng Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mỗi năm tuyển gần 1000 sinh viên các chuyên ngành báo chí, truyên thông vào học và tương tự số lượng đó đối với khoa tốt nghiệp.

Đối với đối tượng có chuyên môn nghiệp vụ truyền thông chuyên nghiệp, đối tượng này chiếm số đông ở các cơ quan báo chí, truyền thông, có nhu cầu đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hằng năm, các cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông đều dành khoản kinh phí và chủ trương cử đội ngũ cán bộ, công chức đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ. Đây cũng chính là nguồn lực để các chương trình đào tạo, bồi dưỡng công nghệ truyền thông chính sách hướng tới.

Đối với đối tượng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ truyền thông nghiệp dư, phần lớn là các nhân viên được cơ quan giao nhiệm vụ kiêm nhiệm hoặc là sinh viên các trường đại học, cao đẳng khối khoa học xã hội và nhân văn có sở thích hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông mong muốn đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ phục vụ đào tạo

Như trên đã đề cập, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngành truyền thông, truyền thông thông chính sách mang tính đặc thù. Hệ thống giảng đường, thiết bị… phải tương thích với nội dung, phương pháp và mục tiêu đào tạo, do đó cách cơ sở đào tạo phải xây dựng các dự án đầu tư cơ sở vật chất rất riêng có.

Việc đầu tư thiết bị phục vụ thực hành đào tạo truyền thông, truyền thông chính sách phải dựa trên tính đặc thù của mỗi ngành và chuyên ngành đào tạo, từ đó quyết đinh việc thiết kế, đầu tư mua sắm…, để đảm bảo phù hợp với đào tạo đội ngũ thực hành hoạt động ngành, lĩnh vực truyền thông, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông chính sách hiện nay

Bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ, chi phối nhiều lĩnh vực. Nó là động lực, cơ hội để các quốc gia, ngành, lĩnh vực phát triển, hội nhập. Toàn cầu hóa và quốc tế hóa truyền thông đại chúng là tất yếu khách quan. Đây là cơ hội tốt để truyền thông phát triển. Truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa thông tin có nhiều cơ hội tốt.

Chúng ta đang sống trong xã hội hiện đại, số hóa. Thành tựu vĩ đại của cuộc cácch mạng công nghiệp lần thứ tư đang được vận dụng triệt để đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực truyền thông.

Kỹ thuật - công nghệ mới hỗ trợ đắc lực cho truyền thông. Người dùng (công chúng - người hưởng thụ chính sách) được tự do, dân chủ tiếp nhận thông tin chính sách qua các phương tiện, công nghệ truyền thông mới, tiện ích.

Tiến trình toàn cầu hóa, quốc tế hóa và sự tiến bộ của công nghệ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia, tổ chức, điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi về phương thức truyền thông.

Lớp công chúng mới, nhất là thế hệ Z (thế hệ sinh ra từ năm 2000 - thế hệ đầu tiênn của thế kỷ 21) có những nhu cầu, phương thức tiếp nhận thông tin khác biệt so với thế hệ trước. Việc truyền thông tác động, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của lớp công chúng mới không dễ dàng chút nào. Việc nghiên cứu công chúng phải có những đổi thay, quan tâm nhiều hơn đến các công chúng truyền thông đặc thù này.

Giải pháp đào tạo nhân lực truyền thông

Một là, nội dung đào tạo, bồi dưỡng truyền thông cần được đổi mới linh hoạt, đặc biệt là tiếp cận với những vấn đề mới, những kiến thức, kỹ năng mới, hiện đại. Phải hiểu rõ nôi dung đào tạo, bồi dưỡng truyền thông là đào tạo kỹ năng, phương thức truyền thông trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

truong-cao-dang-phat-thanh-va-truyen-hinh-i-1149118.jpg
Ứng dụng công nghệ vào đào tạo.

Hai là, phương thức đào tạo, bồi dưỡng phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn sôi động hiện nay. Để đào tạo truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng hiệu quả, cần chú trọng sử dụng nhiều phương pháp, cách thức khác nhau, chú trọng cả đào tao, bồi dưỡng dài hạn và ngắn hạn; cả đào tạo tập trung với đào tạo trực tuyến.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo đều đang rất chú trọng đến phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến nghiệp vụ báo chí truyền thông. Thiết nghĩ, tới đây, đào tạo truyền thông chính sách cần tăng cường hình thức trực tuyến, tạo cơ hội cho nhiều người tham gia, ít tốn kém về thời gian, vật chất mà hiệu quả lại cao.

Ba là, đảm bảo đủ nguồn lực phục vụ đào tạo bồi dưỡng. Để đào tạo, bồi dưỡng truyền thông chính sách hiệu quả, các cơ sở đào tạo cần đầu tư tốt cho nguồn lực, nhất là về nhân lực, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy… cho đội ngũ giảng viên.

Một số khuyến nghị

Thứ nhất, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của truyền thông và đào tạo bồi dưỡng nhân lực ngành truyền thông, truyền thông chính sách. Bởi, đội ngũ làm truyền thông chính sách nếu không được đào tạo, bồi dưỡng bài bản thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu hoạt động nghề nghiệp truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Thực tế cho thấy, hiện nay Chính phủ mới thực sự quan tâm đến truyền thông chính sách và coi đây là một nội dung quan trọng đối với việc quản trị quốc gia. Đây là cơ hội thuận lợi để các cơ quan truyền thông được quan tâm, đầu tư, từ tổ chức bộ máy, đến công tác cán bộ, vấn đề về nghiệp vụ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, tài chính để thực sự hoạt động truyền thông chính sách hiệu quả, nhất là đối với các cơ quan báo chí chủ lực của quốc gia.

Thứ hai, cần phải xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành truyền thông nói chung, đối với truyền thông chính sách nói riêng. Thực tế hiện nay cho thấy các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ hoạt động truyền thông chính sách chưa được hưởng những chính sách tương xứng, do đó chưa tạo được động lực để họ tâm huyết với nghề nghiệp.

Thứ ba, cần chú trọng đầu tư nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông, trong đó có lĩnh vực truyền thông chính sách tại các cơ sở đào tạo ngành truyền thông. Những người hoạt động truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng cần có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn chuyên nghiệp. Muốn vậy, đội ngũ này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chuyên nghiệp về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nghiệp vụ truyền thông chính sách tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013,
  2. Luật Giáo dục năm 2005.
  3. Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 11/01/1979 của Bộ Chính trị Về cải cách giáo dục.
  4. Nghị quyết 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993, của Bộ Chính trị Về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
  5. Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013, của Bộ Chính trị Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
  6. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (2018), Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội, sách tham khảo, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội
  7. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu nhân dân, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (2019), Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội
  8. Hà Huy Phượng (2019), Một số nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng chính sách, Tạp chí Lý luận chính trị, tháng 2, Hà Nội.
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông chính sách ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO