Truyền thông

Dự báo các yếu tố "nhiễu" và "phản hồi" trong quá trình truyền thông chính sách

Th.S Nguyễn Thị Cẩm Thuý 17:45 10/12/2023

Mô hình truyền thông 2 chiều của Shannon đưa ra, gần một thế kỷ sau hoàn toàn đúng với thực tế của truyền thông hiện đại. Điều này đặt ra cho truyền thông chính sách những thách thức lớn, không phải chỉ là đưa tin một chiều, lắng nghe và tiếp nhận phản hồi của công chúng mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với đời sống.

Không phải chỉ là đưa tin một chiều, lắng nghe và tiếp nhận phản hồi của công chúng mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với đời sống.

Khi công chúng tiếp nhận là một yếu tố trong truyền thông

Trước khi bàn đến truyền thông chính sách, chúng ta xem xét lại các mô hình truyền thông. Trên thế giới, mô hình truyền thông phổ biến nhất là của Harol Lasswell, một nhà chính trị học nổi tiếng người Mỹ.

Mô hình truyền thông một chiều của Harol Lasswe.

Đây là một mô hình cơ bản, được sử dụng hết sức rộng rãi và được coi là một trong những mô hình truyền thông phổ biến nhất.

Mô hình này cho thấy, thông tin được bắt đầu từ nguồn phát (chủ thể truyền thông), sau khi thông điệp được mã hóa sẽ truyền tải các kênh truyền thông, thông điệp sẽ được giải mã và đến với người tiếp nhận thông điệp.

Trong đó: S (Source) là Nguồn phát (người gửi) thông điệp; M (Message) là Thông điệp; C (Channel) là Kênh truyền thông; R (Receiver) là Người nhận tin; E (Effect): Hiệu quả.

Tuy nhiên, kế thừa từ mô hình truyền thông của Haroll Lasswell, đến năm 1949, Claude Shannon đã đưa ra một mô hình truyền thông 2 chiều.

Tính đầy đủ hơn của mô hình Shannon là ông bổ sung thêm yếu tố "nhiễu" có thể gây ảnh hưởng tới tính rõ ràng, sự chính xác của thông điệp hay làm giảm khả năng tiếp nhận thông điệp của người nhận.

Hơn nữa, điểm đặc biệt nhất ở mô hình Shannon, là đã xuất hiện thêm yếu tố “phản hồi” thông tin giữa người nhận với nguồn phát, đồng nghĩa với việc khẳng định truyền thông là một quá trình trao đổi thông tin hai chiều, luôn diễn ra trong bối cảnh của các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân, đồng thời bác bỏ quan điểm về ảnh hưởng tuyệt đối của truyền thông tới đối tượng tiếp nhận.

Mô hình truyền thông 2 chiều của Shannon.

Xã hội càng phát triển, trình độ hiểu biết con người được nâng lên, với sự phát triển khoa học công nghệ, sự đa dạng trong các phương tiện truyền thông đã thúc đẩy sự dân chủ hóa, đã ra đời mô hình truyền thông đại chúng hai chiều mềm dẻo.

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, ở mô hình hai chiều mềm dẻo này, công chúng tiếp nhận đóng vai trò quyết định trong quá trình truyền thông. Sự quyết định của công chúng không chỉ dừng ở việc tự do lựa chọn kênh truyền, tự do đón nhận thông điệp mà công chúng còn tham gia trực tiếp, trở thành một yếu tố trong mô hình truyền thông.

Lúc này, bản thân công chúng trở thành một nguồn phát thông điệp, nếu họ muốn. Trong mô hình này, sự áp đặt chủ quan của chủ thể thông điệp có ý nghĩa rất ít đối với quy trình truyền thông.

Mô hình truyền thông 2 chiều của Shannon đưa ra, gần một thế kỷ sau hoàn toàn đúng với thực tế của truyền thông hiện đại. Yếu tố "nhiễu" trong quá trình tiếp cận thông điệp ban đầu của công chúng càng trở thành một yếu tố lớn, thậm chí còn đóng vai trò thay đổi nhận thức trong quá trình tiếp nhận truyền thông.

Điều này đặt ra cho truyền thông chính sách những thách thức lớn, không phải chỉ là đưa tin một chiều, lắng nghe và tiếp nhận phản hồi của công chúng mới có thể xây dựng được chính sách phù hợp với đời sống.

Truyền thông chính sách soi chiếu trong mô hình truyền thông 2 chiều

Trong truyền thông chính sách đặc biệt phải dự báo được và hết sức chú trọng đến các yếu tố "nhiễu" và tính "phản hồi".

Mọi chính sách đều phải hướng đến sự rõ ràng, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và thụ hưởng. Để làm được thực chất điều này thì truyền thông chính sách không phải chỉ là chuyển tải chính sách đến với nhân dân.

Chính sách phải được truyền thông từ sớm, từ lúc hình thành dự thảo chính sách, tiếp nhận phản hồi để khi chính sách được ban hành thì nó có thể được đa số công chúng đồng tình và phát huy hiệu lực trong thực tiễn.

Làm thế nào để tăng hiệu quả truyền thông chính sách để nó tác động một cách sâu rộng, để thay đổi được nhận thức và hành vi của nhóm công chúng mà chính sách hướng đến?

Việc hiểu đúng và nhận thức đúng mô hình truyền thông, các yếu tố của quá trình truyền thông chính sách sẽ giúp tất cả các cơ quan, bao gồm cả báo giới có nhiệm vụ truyền thông chính sách thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Khái niệm chính sách trong truyền thông chính sách đang đề cập là các chính sách công bao gồm các biện pháp của Đảng, Chính phủ thể chế hóa và bảo đảm thực thi để giải quyết các vấn đề xã hội hoặc phát triển xã hội.

Nó là những hành động có chủ đích, mang tính quyền lực nhà nước, được ban hành theo những trình tự, thủ tục nhất định, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hay dự báo các vấn đề sẽ phát sinh trong thực tiễn để quản lý và điều hành xã hội. Và như vậy chính sách công sẽ mang tính chính trị và thể hiện quyền lực của Nhà nước.

Truyền thông chính sách là quá trình chuyển tải thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước, về những lĩnh vực cụ thể thông qua các kênh truyền dẫn khác nhau, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò chính, để đưa chính sách đến với công chúng. Nhằm đảm bảo sự thông suốt giữa chủ thể ban hành chính sách và các nhóm thụ hưởng, điều chỉnh bởi chính sách đó trong xã hội.

Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ của người thụ hưởng chính sách phù hợp với lợi ích của mỗi cá nhân, của cộng đồng và của toàn xã hội không nằm ngoài lợi ích chung của quốc gia, dân tộc và của toàn thể nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, truyền thông chính sách không phải chỉ có báo chí chính thống, vai trò truyền thông chính sách của mạng xã hội đang tác động khá rõ nét.

Mạng xã hội là nơi phản ánh nhanh hơn, nhạy hơn quá trình tiếp nhận chính sách (đặc biệt là đối với dự thảo chính sách). Thành tố "nhiễu" của quá trình truyền thông chính sách trên mạng xã hội cũng rõ nét hơn. Cũng như mạng xã hội là nơi loan truyền rất nhanh thông tin "phản hồi" tác động ngược trở lại với các nhà xây dựng chính sách.

Cũng với chính những đặc điểm đó, mạng xã hội là nơi khiến quá trình truyền thông bị gây nhiễu, xuyên tạc và trong không ít trường hợp bị hiểu một cách lệch lạc, méo mó. Chưa kể các yếu tố cực đoan, chống phá, phản động trên mạng xã hội tác động đến nhận thức của không ít người trong quá trình tiếp nhận chính sách.

Soi chiếu vào lý thuyết của Shannon về mô hình truyền thông, thấy rõ phải đảm bảo đầy đủ các bước của quá trình truyền thông 2 chiều, thì truyền thông chính sách mới thực chất và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt phải dự báo được và hết sức chú trọng đến các yếu tố "nhiễu" và tính "phản hồi".

Như chúng tôi đã nói ở trên, quá trình truyền thông chính sách với sự góp mặt của mạng xã hội ngày nay, là không thể áp đặt theo chủ quan của chủ thể thông điệp. Điều này hoàn toàn đúng với lý thuyết của mô hình Shannon, không thể có sự ảnh hưởng tuyệt đối của truyền thông tới đối tượng tiếp nhận.

Báo chí làm gì để giữ nhịp "dòng chảy chính" trong truyền thông chính sách

Yếu tố chính trị của chính sách công đòi hỏi phải xác định được kênh truyền thông phù hợp.

Vậy thì, báo chí phải giữ vai trò như thế nào trong truyền thông chính sách để tạo ra đồng thuận xã hội?

Mặc dù trong nhiều trường hợp, thực tế thời gian qua cho thấy, truyền thông chính sách qua kênh mạng xã hội phát huy hiệu quả rất tốt. Nhiều chính sách được thảo luận dân chủ trên mạng xã hội đến với các đối tượng tiếp nhận dễ dàng hơn. Một số chính sách nhờ quá trình phản hồi, phản biện trên mạng xã hội đã giúp các nhà xây dựng chính sách điều chỉnh phù hợp với yêu cầu và thực tiễn cuộc sống.

Nhưng như phân tích ở phần trên, truyền thông chính sách qua kênh mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến quá trình tiếp nhận của người thụ hưởng chính sách. Bởi vậy, yếu tố chính trị của chính sách công đòi hỏi phải xác định được kênh truyền thông phù hợp.

Tính chính thống, chính xác của báo chí là sự đảm bảo cho vai trò chủ lực của nó trong truyền thông chính sách. Điều này được thể hiện rõ trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "Về việc tăng cường truyền thông chính sách" ban hành tháng 3/2023, đã xác định "báo chí là dòng chảy chính".

Chỉ thị này cũng yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương "chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm". Trong Chỉ thị cũng viết rõ việc "Nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò của mình, nếu báo chí không bám vào mô hình truyền thông mà các nhà lý thuyết là Haroll Lasswell và Claude Shannon đã đưa ra cách đây gần một thế kỷ thì tính hiệu quả của truyền thông chính sách vẫn không cao.

Không có sự ảnh hưởng tuyệt đối của truyền thông tới đối tượng tiếp nhận, thông tin về chính sách qua kênh báo chí cũng không áp đặt được tới đối tượng tiếp nhận. Bởi vậy, chỉ có sự phản ánh khách quan, nhiều chiều, tiếp nhận, xử lý được các thông tin phản hồi về chính sách để tác động ngược trở lại quá trình xây dựng chính sách thì báo chí mới thực sự "tròn vai" và giữ được vai trò là "dòng chảy chính"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dự báo các yếu tố "nhiễu" và "phản hồi" trong quá trình truyền thông chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO