Chuyển đổi số

Đào tạo nhân sự cho ngành Trí tuệ nhân tạo bằng cách "vừa làm vừa học"

TT 05/09/2024 08:39

VNPT đưa ra cách giải quyết tình trạng thiếu nhân lực phát triển AI là thành lập Nền tảng VNPT Generative AI để nhân sự vừa học vừa làm dự án thực tế, từ đó phát triển các kỹ năng cần thiết.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra kỷ nguyên mới, không chỉ thay đổi cách chúng ta tương tác hằng ngày mà còn ứng dụng mạnh mẽ trong doanh nghiệp. Việt Nam, với dân số trẻ và kỹ năng kỹ thuật số cao, đứng trước cơ hội lớn để dẫn đầu làn sóng AI.

Việt Nam có những lợi thế để phát triển và ứng dụng AI tạo sinh

Chia sẻ tại sự kiện Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2024) mới đây, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Big Data (VinBigdata) cho biết: Việt Nam có những lợi thế để có thể phát triển và ứng dụng AI tạo sinh. Để đón đầu làn sóng AI tạo sinh, Việt Nam cần chú trọng phát triển 3 trụ cột AI, đó là: con người, tài nguyên và công cụ.

gs.-vu-ha-van.jpg
GS. Vũ Hà Văn: Để đón đầu làn sóng AI tạo sinh, Việt Nam cần chú trọng phát triển 3 trụ cột AI, đó là: Con người, tài nguyên và công cụ.

Trong đó, cần phải đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; Khuyến khích, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển AI tạo sinh; Khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) để chia sẻ và chủ động kiểm soát nội dung, đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia; Xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, làm tiền đề phát triển các giải pháp tích hợp AI tạo sinh dựa trên dữ liệu của người Việt, do người Việt làm chủ.

GS. Vũ Hà Văn cũng nêu rõ, Việt Nam có lợi thế về dân số trẻ (67,5% dân số trong độ tuổi lao động), khả năng thích nghi với công nghệ rất cao để phát triển và ứng dụng AI. Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực AI trong nước cũng đang được chú trọng khi nhiều trường đại học triển khai các chương trình chuyên ngành đào tạo AI.

Việt Nam cũng sở hữu nguồn tài nguyên dữ liệu phong phú nhờ tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao (84% dân số) và phủ sóng 4G rộng khắp (99,8%). Nguồn tài nguyên dữ liệu này vẫn chưa được khai thác triệt để, còn nằm ở dạng tiềm năng.

Cùng với đó, các công ty công nghệ đang đầu tư lớn cho công nghệ AI, tạo đà cho sự phát triển ứng dụng AI mạnh mẽ trong đời sống hằng ngày, với những trợ lý ảo AI “made in Vietnam”, mô hình ngôn ngữ lớn thuần Việt được triển khai.

Tuy nhiên, theo GS. Vũ Hà Văn, việc phát triển và ứng dụng AI tạo sinh tại Việt Nam cũng gặp những khó khăn nhất định như: Tính chính xác (Tạo ra một số nội dung có độ thuyết phục cao, nhưng lại thiếu khách quan, sai lệch với thực tế…); Tính bảo mật/an toàn dữ liệu (Nguy cơ rò rỉ thông tin, mạo danh để lừa đảo); Tính bản địa: (Dữ liệu của người Việt có tính bản địa, khó có thể sử dụng cách làm giống như các quốc gia khác).

Ngoài ra, chi phí triển khai lớn, phải đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đòi hỏi nhân lực trình độ cao. “Vì vậy, cần phát triển AI tạo sinh phù hợp với thị trường Việt Nam cũng như bài toán cụ thể của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam”.

GS. Vũ Hà Văn cũng cho biết, hiện nay, VinBigdata đã phát triển và làm chủ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt vào thời điểm tháng 8/2023 - 9 tháng sau khi ChatGPT ra đời. Đây là tiền đề để VinBigdata ra mắt ViGPT - ChatGPT phiên bản Việt đầu tiên dành cho người dùng vào tháng 12/2023, với 2 phiên bản: Phiên bản cộng đồng và phiên bản DN.

Đến nay, ViGPT thuộc Top 5 trên bảng xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU (Bộ Tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt), chỉ sau các mô hình của Meta, Google và OpenAI. Khi ứng dụng vào DN, ViGPT có thể phát huy những ưu điểm về khả năng hiểu ngôn ngữ linh hoạt, khả năng tổng hợp thông tin, đưa ra các đánh giá và đề xuất phù hợp.

Sau khi làm chủ mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và ra mắt ViGPT, công nghệ này đã được tích hợp AI tạo sinh với các sản phẩm thuộc hệ sinh thái của VinBigdata, nhằm mang đến giải pháp tối ưu hơn, giải quyết chính xác bài toán cho từng tổ chức, DN.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt”, Giám đốc Khoa học VinBigdata nhấn mạnh.

Việt Nam có cơ hội bắt kịp AI toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới

Cùng quan điểm này, ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT, cho biết: Việt Nam đang có cơ hội bắt kịp AI toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới.

“AI không phải nền công nghiệp chỉ đứng một mình. Nó giống như ngành công nghệ thông tin, sẽ thay đổi các ngành khác. Các DN Việt Nam đang cạnh tranh bằng hai thứ là, nhân công giá rẻ và năng suất lao động. Trong tương lai, chỉ hai điều đó là không đủ, mà cần phải cạnh tranh bằng con người, tự động hóa, công nghệ... để tạo ra năng suất cao hơn nữa. Do đó, Việt Nam cần năng lực AI nội tại dành riêng cho mình. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh trong cùng một quốc gia mà còn bảo vệ sự cạnh tranh, khác biệt cho Việt Nam”.

ong-le-hong-viet.jpg
Ông Lê Hồng Việt: Việt Nam đang có cơ hội bắt kịp AI toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới.

Theo ông Lê Hồng Việt, để làm được điều đó, Việt Nam cần phải thực hiện 5 việc: Thứ nhất là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng AI mà người Việt có thể sử dụng; Thứ hai là phải tập hợp được dữ liệu người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình; Thứ ba là hạ tầng công nghệ phải đảm bảo; Thứ tư là tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển công nghệ trên toàn cầu phục vụ cho mục đích xây dựng nền tảng AI của Việt Nam; Thứ năm là khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp DN hiểu được AI đem lại những giá trị gì, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí ra sao.

Năm 2017, FPT bắt đầu triển khai các sản phẩm AI thành dịch vụ. Mục tiêu là không chỉ xây dựng nền tảng AI tạo sinh mà còn xây dựng nền tảng AI tốt hơn, nền tảng sử dụng dữ liệu hiệu quả. Gần đây nhất, FPT Software đã đưa ra mô hình ngôn ngữ cho ngành bán dẫn.

“Chúng tôi đang thực hiện đơn giản hóa việc đưa AI đến gần hơn với người dân, DN. FPT hỗ trợ DN phát triển nền tảng AI của mình. FPT cũng mong muốn đem lại nền tảng tính toán lớn cho DN Việt Nam. Các trường học tại FPT sẽ xây dựng đội ngũ nghiên cứu - những người biết cách ứng dụng AI vào DN nhanh chóng”, ông Lê Hồng Việt chia sẻ.

Giải bài toán nguồn nhân lực AI

TS. Lê Anh Văn, Giám đốc Nền tảng VNPT Generative AI - Tập đoàn VNPT cho biết: Để giải bài toán nguồn nhân lực AI cần phải đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng và cần có chiến lược gắn với thực tiễn.

ts.-le-anh-van.jpg
TS. Lê Anh Văn: Để giải bài toán nguồn nhân lực AI cần phải đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng và cần có chiến lược gắn với thực tiễn.

Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ” (Government AI Readiness Index) mới nhất, Việt Nam hiện đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181), nhưng vẫn có thách thức trong phát triển nguồn nhân lực AI. Theo số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam có 700 kỹ sư triển khai về AI và chỉ có 300 chuyên gia chuyên sâu về AI.

Trước thực tế trên, Tập đoàn VNPT đưa ra cách giải quyết là thành lập Nền tảng VNPT Generative AI để nhân sự vừa học vừa làm dự án thực tế, từ đó phát triển các kỹ năng cần thiết. “Chúng tôi từng bước tạo ra các phương án phát triển sản phẩm AI có tính cần thiết cao và quy mô lớn, cùng các yêu cầu khắt khe, đa dạng của thị trường để đào tạo ra nhân sự AI chất lượng”.

Các sản phẩm mà VNPT Generative AI phát triển có thể kể đến như: Nền tảng AI định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC; Nền tảng AI xử lý hình ảnh VNPT SmartVision; Nền tảng AI phân tích hành vi cá nhân hóa trải nghiệm, phục vụ 3 triệu người dùng; Generative AI: đưa ra phân tích chuyên sâu về sự tương tác giữa khách hàng và điện thoại viên…

“Để phát triển nguồn nhân sự tốt, chất lượng thì việc cần làm là đặt mục tiêu tốt, rõ ràng, từ đó sẽ phát triển được các nhân sự chất lượng dựa vào thực tiễn. Ngược lại khi có nhân sự AI chất lượng thì sẽ có cơ hội hoàn thiện sản phẩm, tạo sản phẩm tốt hơn nữa”, TS. Lê Anh Văn cho hay./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân sự cho ngành Trí tuệ nhân tạo bằng cách "vừa làm vừa học"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO