Chuyển đổi số

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp

Ngọc Diệp 14:16 30/03/2023

Chuyển đổi số (CĐS) ngành Tư pháp là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ nhất qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2704_dich-vu-cong-tu-phap.jpg
Cán bộ tư pháp hướng dẫn người dân thực hiện TTHC qua DVCTT mức độ 3 (Nguồn: tuoitrethudo.com.vn)

Đẩy mạnh cung cấp DVCTT trong lĩnh vực tư pháp

Thực tế cho thấy, việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC thông qua DVCTT mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp (DN) khi có nhu cầu giải quyết TTHC, giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính minh bạch trong giải quyết TTHC, được người dân, DN đồng tình ủng hộ.

Với mục tiêu cải thiện số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua DVCTT, đồng thời, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai DVCTT đến với người dân, DN.

Tính đến nay, tổng số dịch vụ công (DVC) thực hiện tại Bộ Tư pháp là 70 DVC, gồm: 57 DVCTT mức độ 3, 4. Bộ đã kết nối 52/69 DVC của Bộ với Cổng DVC quốc gia. Hiện tại, Bộ đang thực hiện quy trình kiểm thử để kết nối 06 DVC thuộc lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm với Cổng DVC quốc gia. Đối với 11 TTHC còn lại (thuộc lĩnh vực luật sư, thừa phát lại, công chứng) hiện nay đang trong quá trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó sẽ xác định rõ 11 TTHC này sẽ do 1 cơ quan (Bộ Tư pháp hoặc địa phương) thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả. Ngày 30/12/2022, Văn phòng Bộ đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Công văn số 5291/BTP-VP gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất không tính 11 TTHC này vào chỉ tiêu phải thực hiện kết nối trong thời gian tới.

Với mục tiêu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, ngày 25/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2097/QĐ-BTP phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp.

Theo Quyết định này, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp có nhiều đổi mới như: Việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến; tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng gắn với số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, để bảo đảm việc quản lý, vận hành hệ thống thống thông tin (HTTT) giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp được thông suốt, thống nhất, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 2155/QĐ-BTP ngày 03/11/2022 ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp.

Để tiếp tục phục vụ tốt hơn cho người dân, DN, theo yêu cầu chung của Chính phủ, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) đã bổ sung một số tính năng của HTTT giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp (trên cơ sở hợp nhất Cổng DVC, HTTT một cửa điện tử của Bộ Tư pháp), thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức hướng dẫn triển khai HTTT giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp cho các đơn vị giải quyết TTHC thuộc Bộ vào ngày 30/11/2022.

Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp DVC trong thời gian tới

Chia sẻ tại Diễn đàn pháp luật "CĐS trong ngành Tư pháp" diễn ra mới đây, đại diện Văn phòng Bộ, Bộ Tư pháp đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp DVC của Bộ Tư pháp trong thời gian tới.

Đầu tiên là quán triệt, nhận thức sâu sắc trong thực hiện CĐS nói chung, CĐS trong cung cấp DVC của Bộ Tư pháp nói riêng. Đồng thời thực hiện tái cấu trúc các quy trình dịch vụ, kiểm thử để kết nối các DVCTT còn lại lên Cổng DVC quốc gia.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu, đề ra mục tiêu, giải pháp để nâng cao tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến như: Tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến theo năm; khuyến khích người dân, DN sử dụng DVCTT như giảm thời gian xử lý hồ sơ; giảm lệ phí thực hiện DVCTT; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, DN biết, lựa chọn sử dụng DVCTT do đơn vị cung cấp …

Tiếp tục thực hiện kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các CSDL quốc gia, CSDL dùng chung của bộ và các HTTT có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương nhằm giảm thiểu giấy tờ cho người dân và DN, hướng tới người dân, DN chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVCTT.

Mặt khác, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thực hiện các công việc liên quan đến cung cấp DVCTT; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng các yêu cầu về CĐS. Thực hiện kết nối toàn diện, triệt để HTTT giải quyết TTHC của Bộ với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ TT&TT để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng DVCTT của các cơ quan nhà nước; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO