Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số để cung cấp dịch vụ công hiệu quả

Đỗ Minh| 12/10/2021 17:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc sử dụng chữ ký số (CKS) ngày càng trở nên phổ biến. CKS không chỉ giúp chính quyền, các cơ quan nhà nước quản trị hiệu quả các nhiệm vụ công, mà còn giúp các cá nhân, doanh nghiệp (DN) thuận lợi khi thực hiện các giao dịch công, giao dịch thương mại điện tử (TMĐT)… từ đó thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tiến bộ, hiện đại hóa các nước.

CKS mang lại nhiều lợi ích, nhưng người sử dụng vẫn còn e ngại

Sử dụng CKS cũng ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số (CĐS), được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về "Phê duyệt chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Tuy nhiên, trên thực tế triển khai, tâm lý e ngại với CKS vẫn còn tồn tại.

Được xác định là một thành tố quan trọng, giúp thúc đẩy, triển khai tạo hiệu quả chương trình CĐS quốc gia, sau 02 năm triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia (CDVCQG) đã tích hợp, cung cấp trực tuyến đối với 3.100 trên tổng số 6.500 thủ tục hành chính (TTHC) tại 4 cấp chính quyền (chiếm 47%) với hơn 1 triệu tài khoản người dùng đã được cấp (01 triệu với cá nhân và 70.000 doanh nghiệp, 1.000 cơ quan nhà nước). Đã có 74,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái xử lý với gần 02 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện qua CDVCQG. Tổng cộng, đã có 141.000 giao dịch thanh toán với số tiền trên 300 tỷ đồng.

Chữ ký số - Giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CĐS quốc gia - Ảnh 1.

CKS giúp thúc đẩy, triển khai hiệu quả chương trình CĐS quốc gia

Trước kết quả thống kê đạt được đó, tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Chữ ký số - Công dân số - Chìa khóa thành công" do tập đoàn VNPT tổ chức mới  đây, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, kết quả trên là một phần thành quả sự nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức trong quá trình số hóa quốc gia.

"Tuy nhiên, so với yêu cầu CĐS Quốc gia, định hướng đến 2025 thì kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn, bởi, thực tế, vẫn còn nhiều dịch vụ công trực tuyến hiện nay chưa phát sinh hồ sơ hoặc có rất ít hồ sơ nộp trực tuyến", ông Ngô Hải Phan nêu quan điểm.

Cũng theo ông Phan, hầu hết các bộ, ngành địa phương mặc dù đang sử dụng các giải pháp định danh xác thực, nhưng vẫn ở mức độ thấp, điều này chưa tạo ra số lượng lớn người dân được cấp danh tính số (thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 20%); đồng thời, số lượng người dân và DN tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đến nay vẫn chưa cao.

Đưa ra lý do của hiện trạng này, ông Ngô Hải Phan cho rằng, là bởi chi phí về chứng thực CKS còn cao khiến người dân e ngại tham gia. Cùng với đó, "việc đáp ứng về tính pháp lý của hồ sơ theo quy định pháp luật là rất khó khăn, dẫn đến việc triển khai đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 sẽ khó đạt mục tiêu nếu không giải quyết được các vướng mắc trên.

Do đó, để người dân dễ tiếp cận hơn nữa với các giải pháp định danh số nói chung, trong đó có CKS nói riêng, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm. Đây là nguyên tắc phải được thực hiện xuyên suốt trong quá trình từ cung cấp dịch vụ CKS cá nhân. Dù giải pháp nào đi chăng nữa thì cũng phải thuận tiện, dễ sử dụng.

Chia sẻ quan điểm, ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, CKS hiện nay khá thuận lợi, phù hợp với các giao dịch tài chính (nhất các giao dịch điện tử), nhưng hiện nay mới chỉ dừng lại ở các DN.

"Thực tế, nhiều hộ kinh doanh muốn nộp thuế, khai thuế nhưng việc xác thực CKS chưa đảm bảo dẫn đến khó thực hiện qua phương thức điện tử…", ông Trí nhấn mạnh.

DN cung cấp dịch vụ tham gia giải bài toán khó

Là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ CKS tại Việt Nam, Tập đoàn VNPT đã sớm nghiên cứu và triển khai, cung cấp dịch vụ CKS. Cụ thể, ngay từ năm 2009, VNPT đã là đơn vị đầu tiên cung cấp giải pháp CKS trên thị trường. Cho đến nay, VNPT cũng là nhà cung cấp đầu tiên được cấp lại giấy phép dịch vụ Chứng thực CKS công cộng theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS. Sau thời gian thẩm định hồ sơ hết sức nghiêm ngặt, ngày 31/12/2019, Bộ TT&TT đã có quyết định cấp lại giấy phép cung cấp dịch vụ Chứng thực CKS công cộng VNPT-CA cho VNPT, thời hạn 10 năm.

Với niềm tin, trách nhiệm khi được Bộ TT&TT giao, VNPT chính thức trở thành DN đầu tiên được cấp phép lần thứ 3 cung cấp dịch vụ Chứng thực CKS công cộng VNPT-CA. Được biết, để trở thành nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2018), nhà cung cấp phải đạt được các tiêu chuẩn về tài chính, nhân lực, cũng như đáp ứng các yêu cầu khắt khe về hạ tầng kỹ thuật bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế… và VNPT đã đáp ứng được mọi tiêu chuẩn khắt khe này.

Không chỉ có thế mạnh tạo uy tín, tạo niềm tin, thời gian qua, VNPT còn luôn luôn tiên phong dẫn đầu về công nghệ, đồng thời, sở hữu, phát triển các nền tảng công nghệ tiên tiến có tính bảo mật cao, cùng đội ngũ nhân sự được đào tạo chuyên sâu… do đó, khi đưa vào sử dụng dịch vụ CKS VNPT - CA đã giải quyết vấn đề toàn vẹn dữ liệu, giúp cho các DN, tổ chức, cá nhân yên tâm thực hiện các giao dịch điện tử của mình. CKS VNPT - CA đã giải quyết triệt để vấn đề mạo danh chữ ký giả, giúp cho người nhận biết thông tin từ đâu cung cấp và tin cậy vào bên cung cấp thông tin.

Chữ ký số - Giúp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CĐS quốc gia - Ảnh 2.

Nhân viên tư vấn của VNPT đang hướng dẫn khách hàng khi đăng ký tham gia dịch vụ Chữ ký số của VNPT

Với thế mạnh là đơn vị hàng đầu về Viễn thông và CNTT, VNPT là đơn vị tham gia CĐS trên mọi lĩnh vực bao gồm: Chính phủ, DN, Y Tế, Giáo dục. Do vậy, VNPT có lợi thế trong việc tích hợp các CKS VNPT-CA cũng như giải pháp ký vào các ứng dụng lõi để triển khai trên diện rộng đảm bảo quyền lợi và tính xác thực của cá nhân và tổ chức.

Vì mục tiêu phát triển, đáp ứng các sản phẩn chất lượng tốt nhất cho thị trường, nhất là việc cung cấp ứng dụng CKS tốt nhất, mới đây, VNPT đã nghiên cứu và gửi hồ sơ xin cấp phép giải pháp SmartCA lên Bộ TT&TT. SmartCA khi được cấp phép sẽ đem lại những lợi ích cho người dùng như ký được đa nền tảng, giá cả phù hợp cho người dân, có thể thực hiện tốc độ ký rất nhanh, rất nhiều trong một thời điểm.

Giải pháp có thể phục vụ trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt giữa pháp nhân và thể nhân như các các công ty về logistics, thương mại điện tử, hay công ty về thanh toán… SmartCA tạo thuận tiện nhất cho người dùng, không phụ thuộc vào nhà mạng, nền tảng, và có giá cả phải chăng, người dùng cũng không cần thay đổi SIM.

Cũng theo VNPT, khi một người đang sở hữu SmartCA, cùng lúc có thể thực hiện tất cả các giao dịch từ thuế, hải quan, các giao dịch hành chính công, ký giữa thể nhân với thể nhân hay giữa thể nhân với pháp nhân…

Trước những tính năng vượt trội, tính ưu việt cao, ông Ngô Hải Phan đánh giá, giải pháp Smart CA là bước phát triển đáp ứng tình hình thực tế, xu hướng cần của hiện tại và trong tương lai.

"Trong thời gian tới khi được cấp phép, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với VNPT để triển khai thí điểm SmartCA trên Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó sẽ nhân rộng trên phạm vi toàn quốc", ông Ngô Hải Phan cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh sử dụng chữ ký số để cung cấp dịch vụ công hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO