Đẩy mạnh và mở rộng thị trường nông sản để tăng tốc phát triển kinh tế

TĐH| 16/11/2022 16:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhằm hỗ trợ tiêu thụ và mở rộng thị trường nông sản, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, nhất là sản phẩm nông sản vào mùa vụ. Nhờ vậy, trong năm 2022, tình hình tiêu thụ nông sản đã có nhiều tín hiệu khả quan.

Những chuyển biến tích cực của nông sản Việt

Thị trường nông sản của Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp nước nhà. Xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng và kim ngạch. Nếu như năm 2010 mới chỉ có 03 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD thi đến hết năm 2021, nhóm hàng nông sản đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 nhóm hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn và chiếm vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu nông sản như: gạo (đứng thứ 2 thế giới với khoảng 18,2% thị phần), hồ tiêu (đứng thứ nhất thế giới với khoảng 14,3% thị phần), hạt điều (đứng thứ 2 thế giới với khoảng 9,5% thị phần, cà phê (40% thị phần)... Hiện tại, nông sản Việt Nam đã có mặt ở thị trưởng hơn 100 quốc gia trên thế giới; ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, Nga; nông sản Việt Nam đã thâm nhập thị trường Trung Đông, EU, Mỹ và châu Phi.

Như vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng hàng nông sản tăng nhanh, chất lượng dần đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển, quy mô ngày càng lớn hơn. Các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên tham gia (doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân) ngày càng được nhân rộng.

Tuy nhiên việc tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đồng thời phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp khó khăn, hàng nông sản có thời điểm rơi vào tình trạng "được mùa mất giá". Hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) và kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó là thị trường xuất khẩu nông sản lệ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống dễ bị tổn thương khi thị trường này bị ngưng trệ do nguyên nhân khách quan và chủ quan (gần đây nhất là tác động của dịch COVID-19). Hiện tượng mất cân đối cung cầu đối với nhiều mặt hàng nông sản vẫn diễn ra phổ biến (như tình trạng dư cung, giá giảm mạnh đối với ngành hàng thịt lợn vào đầu năm 2017 nhưng lại thiếu và gia tăng cao năm 2020...). Nguyên nhân của hiện tượng trên do một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún, phân tán trên diện rộng; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển dần từ hộ sản xuất sang hình thức hợp tác xã, doanh nghiệp với tốc độ chuyển dịch còn khá chậm, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất.

Thứ hai, nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường, khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng; tập quán, thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng (thích đồ tươi sống, mua bán linh hoạt, giá bán cạnh tranh hơn...); thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chưa dự báo phân tích thị trường kịp thời về sản lượng và gia bán; từ duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường

Thứ ba, cơ chế chưa hấp dẫn, nên khó thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản; đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp trong tổng đầu tư của xã hội.

Đẩy mạnh và mở rộng thị trường nông sản để tăng tốc phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Mở rộng kênh tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh Internet

Từng bước đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản

Để từng bước giải quyết, xử lý những hạn chế nêu trên, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế:

Trước tiên là hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm: phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, để phát tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng; Thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vì đấy là nguồn lực để phát triển nông nghiệp; Phát triển kinh tế trang trại, HTX, tạo điều kiện để HTX tham gia sâu vào liên kết chuỗi giá trị, giúp HTX phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng khuyến khích các hộ nông dân tham gia HTX; Tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế.

Việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp về tín dụng quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản của người dân, doanh nghiệp;

Đổi mới chính sách đất đai theo hướng tiếp tục làm rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về đất đai ở Trung ương và địa phương đối với từng loại đất và sự phân cấp trong quản lý. Nâng cao chất lượng, đảm bảo tiến độ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ theo hướng có tầm nhìn chiến lược dài hạn;

Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online.

Có thể thấy, thời gian qua, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, bản lẻ với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật sẽ đẩy mạnh triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua Kích thích tiêu dùng, gia tăng tiêu dùng cuối cùng trong nước; Tăng chỉ tiêu của Chính phủ: đẩy nhanh giải ngân hết ngân sách nhà nước giao cho các Bộ, ngành địa phương về đầu tư công. Nhanh chóng thực hiện Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương (được quy định tại Nghị quyết số 973/2020 /UBTVQH14 ngày 8 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban thưởng vụ Quốc hội quy định về các Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước; Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...).

Đồng thời, cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Ngoài ra, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu nông sản để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Cần thực hiện hiệu quả các Chương trình, Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản"; Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 ...

Đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông trên các phương tiện thông tin nhằm cung cấp thông tin kịp thời để hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, thường gặp khó khăn trong tiêu thụ khi vào chính vụ thu hoạch.../.

Bài liên quan
  • Để báo chí luôn đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội
    Mấy năm gần đây, Bắc Giang liên tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kính tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động báo chí truyền thông. Báo chí thực sự đồng hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh, tiềm năng, vị thế tỉnh Bắc Giang cùng khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh và mở rộng thị trường nông sản để tăng tốc phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO